Hợp tác và giao lưu quốc tế trong đào tạo nghệ thuật

PGS, họa sĩ Lê Anh Vân, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật VN (trái) và nghệ sĩ Veronika (người Đức) bà đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1994 và thực hiện nhiều dự án nghệ thuật

Giao lưu là nhu cầu thường xuyên của văn hóa nói chung, nghệ thuật nói riêng. Ở phạm vi rộng, thông qua tiếp xúc, giao lưu thường để lại dấu ấn tiếp biến văn hóa; ở phạm vi hẹp, nó giúp cho mỗi cá nhân, nhóm người trao đổi, mở rộng sự hiểu biết, học hỏi lẫn nhau. Đối với đào tạo nghệ thuật, hợp tác, giao lưu quốc tế có vai trò vô cùng quan trọng, nó không chỉ tiếp nhận những yếu tố “ngoại sinh” hiện đại từ bên ngoài, mà còn phát huy được tiềm năng “nội sinh” truyền thống bản địa, và hơn thế, nó còn gợi mở những cách tiếp cận, tư duy sáng tác mới, những hướng đào tạo mới. Bài viết xin điểm qua một số hoạt động hợp tác, giao lưu quốc tế tại một số đơn vị đào tạo nghệ thuật công lập ở trong nước để thấy rõ vai trò và sự tác động tích cực của nó đến công tác đào tạo nghệ thuật và những hệ lụy của bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã hạn chế phần nào tới sự hợp tác, giao lưu quốc tế và hoạt động nghệ thuật.

Trường Mỹ thuật Đông dương (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay) là cái nôi đào tạo nghệ thuật với bề dày lịch sử gần một trăm năm, nơi các nghệ sĩ nổi danh từng theo học như: Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái… 

Sau thời kỳ hòa bình lập lại, miền Bắc có điều kiện phát triển, giao lưu với một số nước xã hội chủ nghĩa. Nổi bật là hoạt động giao lưu với Liên Xô (trước đây) trong nhiều lĩnh vực đào tạo, nhiều cán bộ giảng viên được cử sang học tại Liên Xô. Đồng thời, năm 1960, 1961, nước bạn đã cử hai giảng viên sang Việt Nam để giảng dạy cho sinh viên tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), đó là giảng viên Ku-nhe-xốp (dạy hội họa) và giảng viên Ki-vi (dạy Điêu khắc). Theo PGS, họa sĩ Trần Huy Oánh cho biết: “Điểm khác biệt trong phương pháp giảng dạy của Pháp và của Liên Xô là giảng viên Pháp thường để sinh viên tự khám phá sau đó thầy chỉ nhận xét kết quả chung là được hoặc không được; còn giảng viên Liên Xô thì phân tích rõ kết quả tại sao trong quá trình làm việc (từ màu sắc nóng- lạnh cho đến đậm - nhạt, sáng- tối…”. Nhìn chung, thông qua cách thức giảng dạy của hai giảng viên Liên Xô, sinh viên thời bấy giờ đã tiếp cận được thêm một phương pháp làm việc mới, bên cạnh hội họa Hậu Ấn tượng, phương pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa phổ biến trong văn học, âm nhạc, mỹ thuật… đã phát huy hiệu quả cao trong nhiều tác phẩm mỹ thuật với vai trò cổ động nhiệm vụ lao động sản xuất, kiến thiết đất nước, cổ vũ tinh thần đoàn kết chiến đấu, truyền tải tư tưởng dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Nghệ sĩ Đan Mạch trao đổi với nghệ sĩ Việt Nam tại triển lãm Phòng cấp cứu, tại Trường Đại học Mỹ thuật VN. 11/2009

Thời kỳ sau Đổi mới (1986), đặc biệt là sau khi Mỹ xóa bỏ cấm vận (1994), Việt Nam đã phát triển đáng kể trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật. Hơn nữa, internet phát triển mạnh mẽ đã đem lại một cơ hội chưa từng có trong việc giao lưu, cập nhật thông tin trong nước và quốc tế. Hoạt động giao lưu quốc tế không còn bó hẹp trong khối các nước xã hội chủ nghĩa, mà mở rộng phạm vi quan hệ đa phương. Trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật thời kỳ Đổi mới, hoạt động nổi bật là sự kiện họa sĩ Veronika, người Đức đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1994 và thực hiện nhiều dự án nghệ thuật. Bà là một trong những giảng viên thỉnh giảng quốc tế có ảnh hưởng lớn tới tư duy sáng tạo, cập nhật thông tin nghệ thuật đương đại quốc tế của thế hệ sinh viên tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Trường Nghệ thuật Huế… Với sự tâm huyết và uy tín của bà, nhiều hoạt động nghệ thuật đã được thực hiện như: triển lãm “Nước”, “Cây”, Triển lãm ảnh tác phẩm của Christo và Jeanne Claude, “Come in”… Đồng thời, hệ thống kiến thức về tiến trình lịch sử mỹ thuật thế giới từ hiện đại tới đương đại đã được bà truyền đạt tới sinh viên, tác động mạnh tới hướng sáng tác nghệ thuật đương đại của các nghệ sĩ trẻ. 

Bên cạnh đó, dự án trao đổi văn hóa nghệ thuật với Học viện Umeo Thụy Điển đã có tác động đáng kể tới đào tạo nghệ thuật tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt là khóa học về Curator (quản lý, tuyển chọn và tổ chức triển lãm) cho một số giảng viên, sinh viên tại Trường như: (Bùi Thị Thanh Mai, Trần Yên Thế, Đặng Thị Phong Lan, Trang Thanh Hiền, Giang Nguyệt Ánh, Trần Văn Bình, Nguyễn Hữu Đức), lần đầu tiên được đào tạo tại Trường công lập ở Việt Nam. Các khóa học về thực hành nghệ thuật mới với kết quả thu hoạch là các triển lãm như: “Ai kiếm tiền?”, “Giới tính có phải là vấn đề ?”, “Bình đẳng là gì ?”, “Bản sắc là gì ?”. Thành quả của dự án được nhận định là “một dự án chuyển giao công nghệ giáo dục tiên tiến vào Việt Nam… Trường có hai ngành học mới: Video Art và Nhiếp ảnh nghệ thuật”. 

Một số nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đã tới thăm và triển lãm tại Trường như: nghệ sĩ Pháp Olivier Debre’ (1997), nghệ sĩ Đức Guenther Uecker (1999) thực hiện workshop và triển lãm tác phẩm Sắp đặt… Những hoạt động hợp tác, giao lưu kể trên đã tác động tích cực tới công tác đào tạo, sinh viên có cơ hội trực tiếp gặp gỡ nghệ sĩ, tận mắt chứng kiến quá trình sáng tác và trưng bày tác phẩm đương đại của họ. 

Sự có mặt của giảng viên thỉnh giảng Veronika tại Trường Đại học Nghệ thuật Huế cũng đã mang lại những thay đổi đáng kể trong công tác đào tào. Bên cạnh đó, chiến lược hợp tác với một số nước như Thụy Điển, Úc…, tiêu biểu là chiến lược hợp tác đào tạo đội ngũ giảng viên của Nhà trường tại Trường Ma-ha-sa-ra-kham của Thái Lan đã có tác động tích cực công tác đào tạo các loại hình nghệ thuật đương đại là điều đáng ghi nhận. Đội ngũ giảng viên như: Phan Lê Chung, Trương Thiện, Nguyễn Thị Hiền Lê, Nguyễn Thị Thanh Mai… tốt nghiệp trình độ Thạc sĩ tại Thái Lan đã trở thành đội ngũ nòng cốt, đáp ứng điều kiện cần và đủ để mở ngành đào tạo nghệ thuật mới. Năm 2013 để lại dấu mốc đáng ghi nhớ, Trường đã trở thành đơn vị công lập tiên phong đào tạo nghệ thuật ở Việt Nam mở mã ngành Tạo hình đa phương tiện với các chuyên ngành như: Video Art, Installation Art, Photo Creative. Hằng năm, Nhà trường có khoảng từ 3 đến 7 sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành kể trên. Các hoạt động Festival định kỳ, Festival làng nghề truyền thống, các trại sáng tác quốc tế diễn ra tại Huế cũng đã gián tiếp góp phần tác động tích cực tới hoạt động đào tạo, sáng tác nghệ thuật của sinh viên, nghệ sĩ tại Huế.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động hợp tác, giao lưu quốc tế đã và đang diễn ra khá sôi nổi. Đơn cử như Trường Đại học Kiến trúc TP. HCM, nơi thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo khoa học quốc tế, hoạt động hợp tác giao lưu như: Hội thảo khoa học định kỳ 2 năm với Úc; trao đổi giảng viên, sinh viên với Ý; đặc biệt mối quan hệ hợp tác, giao lưu với Trường Đại học Nghiên cứu Quốc gia Xây dựng Mát-xcơ-va (M.G.S.U) của Nga, đã mở ra một triển vọng mới, thông qua “sân chơi khoa học này” nhiều bài nghiên cứu của giảng viên đã được đăng trên một số tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín của quốc tế. 

Tuy nhiên, do bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, kinh tế trở nên suy thoái, sự hợp tác, giao lưu ở trong nước và quốc tế đã chịu sự ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều dự án phải lùi lại thời hạn hoặc hủy bỏ, các cuộc gặp gỡ trực tiếp bị gián đoạn, một số cuộc hội thảo, khóa học phải thực hiện thông qua hình thức trực tuyến, hiệu quả không như mong đợi. Tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật, hoạt động triển lãm nghệ thuật cá nhân của các nghệ sĩ trên phạm vi toàn quốc cũng bị đình trệ, không được cấp phép, do trách tụ tập đông người nơi công cộng. Hoạt động hợp tác giao lưu quốc tế bị đình trệ cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sáng tác nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật mới, cần sự tương tác của công chúng. Bên cạnh đó, nền kinh tế suy thoái bởi dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã khiến cho không ít dự án nghệ thuật bị trì hoãn, thậm chí bị hủy bỏ. 

Hội đồng Anh trưng bày triển lãm "Scramble & Disssolve" (tạm dịch là "Tan") của họa sĩ Anh quốc Diann Bauer tại Trường Đại học Mỹ thuật VN, năm 2005. Triển lãm do Hội đồng Anh và Trường Đại học Mỹ thuật VN phối hợp tổ chức - Ảnh: ĐHMTVN

Tính đến tháng 5 năm 2022, tình hình đã bắt đầu bình thường trở lại, khi nhiều nước trên thế giới đã kiểm soát được dịch bệnh và ở Việt Nam đại đa số người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm mũi thứ 2, 3 Vắc- xin phòng chống COVID-19. Do đó, học sinh, sinh viên đã đi học trực tiếp tại trường, các cuộc triển lãm nghệ thuật được tổ chức thường xuyên, việc đi lại ở trong nước và nhiều đường bay quốc tế đang hoạt động trở lại. Đây là cơ hội thuận lợi khách quan cho các đơn vị đào tạo nghệ thuật nói riêng và các hoạt động xã hội nói chung có thể tái kết nối sự hợp tác, giao lưu ở trong nước và quốc tế.

Qua những sự kiện hợp tác, giao lưu tại một số đơn vị đào tạo nghệ thuật trên phạm vi cả nước có thể nhận thấy vai trò của hoạt động hợp tác giao lưu quốc tế đã tác động tích cực tới công tác đào tạo là điều không thể phủ nhận. Hợp tác giao lưu quốc tế không chỉ mang lại sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc hơn trong đời sống văn hóa, xã hội, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực, mở ra tư duy sáng tạo mới, hướng đào tạo mới, tác động không nhỏ tới chất lượng đào tạo nói chung, đào tạo nghệ thuật nói riêng. Bên cạnh đó, nguồn giảng viên được bồi dưỡng, đào tạo có tính chiến lược, sẽ là nền tảng vững chắc cho định hướng phát triển, nắm bắt thời cơ, mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng đào tạo ở mỗi đơn vị. Hoạt động hợp tác, giao lưu quốc tế bị đình trệ do bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của các loại hình nghệ thuật nói chung, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật mới cần có sự tương tác từ công chúng. Để có được sự hợp tác, giao lưu thực chất, hiệu quả tại các đơn vị đào tạo nghệ thuật công lập, chiến lược thúc đẩy các loại hình nghệ thuật mới phát triển trong đời sống xã hội, thiết nghĩ cần có sự nỗ lực từ nhiều phía: sự tâm huyết của ban lãnh đạo đơn vị, sự hưởng ứng của cán bộ, giảng viên, sinh viên, sự dấn thân của nghệ sĩ cũng như sự quan tâm, có chính sách thu hút nguồn tài chính từ việc xã hội hóa nghệ thuật và cơ chế cởi mở, phù hợp từ phía quản lý nhà nước.

_________________

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế, Trường Đại học Nghệ thuật (2016), Bồi dưỡng và phát triển tài năng cho sinh viên Mỹ thuật trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, Kỷ yếu hội thảo khoa học toàn quốc. Tư liệu Đại học huế, TP Huế.

2. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (2006), Ai kiếm tiền?, Catalouge Triển lãm, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

3. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (2007), Giới có phải là vấn đề?, Catalouge Triển lãm, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

4. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (2008), Bình đẳng là gì?, Catalouge Triển lãm, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

5. Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (2010), Đại học Mỹ thuật Việt Nam bước vào thế kỷ 21,  Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

NGUYỄN HỮU ĐỨC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 511, tháng 9-2022

;