Bản Bon nằm ở trung tâm xã Mường Chiên gắn với trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ, thuộc vùng lòng hồ sông Đà và điển hình với những giá trị văn hóa dân tộc Thái độc đáo. Những năm gần đây, bản Bon trở thành một trong những địa điểm hấp dẫn khách du lịch khi đến với Quỳnh Nhai. Kể từ khi có đề án khai thác du lịch cộng đồng, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng người Thái bản Bon, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La ngày càng phát triển. Bài viết tập trung làm rõ các nguồn lực và thực trạng phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch cộng đồng ở bản Bon trong thời gian tới.
1. Các nguồn lực phát triển du lịch cộng đồng
Lợi thế về tự nhiên
Bản Bon nằm cách trung tâm huyện Quỳnh Nhai khoảng hơn 40km; hoặc có thể di chuyển bằng thuyền từ đầu cầu Pá Uôn ngược lên thượng nguồn sông Đà, đến cột mốc trung tâm huyện cũ. Cầu Pá Uôn bắc qua hồ sông Đà là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam, tổng chiều dài 1.418m, chiều cao toàn cầu tính từ cao độ đáy sông lên đến cao độ mặt cầu là 103,8m. Hằng năm, lễ hội đua thuyền truyền thống của huyện Quỳnh Nhai được tổ chức tại chân cầu Pá Uôn.
Lòng hồ sông Đà thuộc huyện Quỳnh Nhai có vùng hồ rộng trên 10.500ha, được ví như “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ của vùng Tây Bắc. Bản Bon còn có diện tích rừng phong phú, nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm. Cảnh đẹp kiến tạo tự nhiên của lòng hồ và rừng già, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ - lợi thế hấp dẫn phát triển du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên.
Dòng sông Đà chảy qua huyện với chiều dài 72km, trong đó có đoạn chảy qua bản Bon. Địa bàn lòng hồ tạo nên đặc trưng riêng trong sinh kế và nền văn hóa ẩm thực độc đáo của người Thái. Giao thông đường thủy là hệ thống giao thông quan trọng trong tuyến du lịch lòng hồ sông Đà cũng như trong sinh hoạt của người dân bản Bon.
Nguồn nước suối nóng chảy tự nhiên từ khe núi ở bản Bon từ 40-45oC, rất phù hợp để ngâm mình chữa bệnh, thư giãn và dưỡng da. Cạnh ngay suối nước nóng còn có thác nước và suối nước lạnh, mang đến cho du khách sự trải nghiệm đa dạng về tự nhiên khi đến đây.
Đa dạng tài nguyên văn hóa
Bản Bon có 152 hộ dân và 512 nhân khẩu đều là đồng bào người Thái trắng sinh sống. Hiện tại, bản Bon có 127 nhà sàn, trong đó 48 nhà sàn cũ và 79 nhà sàn được làm mới và tu sửa. Những nếp nhà này giữ nguyên theo đúng kiến trúc nhà người Thái và tạo nên một bản Thái nguyên vẹn, ít biến đổi.
Cư trú ở vùng lòng hồ sông Đà, người Thái ở bản Bon có nền văn hóa ẩm thực vô cùng đặc sắc như pa pỉnh tộp, gà mọ, các loại rau rừng, măng rừng (măng đắng, măng nứa, măng giang…) canh bon, rêu suối… Mỗi món có hương vị đặc trưng riêng, đặc biệt là các món nướng.
Là cộng đồng có nghề trồng bông, dệt vải lâu đời, bản Bon có nhiều sản phẩm lưu niệm từ thổ cẩm được làm nên bởi bàn tay khéo léo của các cô gái Thái. Nghề đan lát cũng khá phát triển, phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của các gia đình. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên qua đôi bàn tay khéo léo, người dân nơi đây đã tạo ra các sản phẩm đặc trưng như: nón, quạt, soỏng, ếp khảu, giỏ bắt cá, tôm, ghế mây. Bản Bon hiện nay vẫn còn một số nghệ nhân đan nón sử dụng trong lễ hội của cộng đồng và sử dụng trong sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt, có nghệ nhân Lò Văn Lả đang phát huy, truyền dạy cách làm đàn và chơi đàn cho các thế hệ con cháu. Đàn tính tẩu không chỉ là nhạc cụ có giá trị mà còn có thể trở thành món quà hấp dẫn cho khách du lịch.
Lễ hội Kin Pang Then vào tháng Chạp hoặc tháng Giêng hằng năm là dịp để dân bản cùng dâng lễ cảm tạ đất trời và cầu xin một năm mới mọi điều may mắn, tốt lành. Nghi lễ có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mang tính cộng đồng cao và hình thức diễn xướng dân gian độc đáo.
Kho tàng văn học dân gian của người Thái rất phong phú với những câu chuyện cổ tích, thần thoại, tục ngữ, ngạn ngữ, thành ngữ... cho thấy bức tranh lịch sử của dân tộc Thái. Hiện nay, chính quyền xã Mường Chiên đang tiến hành kiểm kê và hệ thống những câu chuyện kể dân gian của người Thái tại bản Bon. Đặc sắc nhất và không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người Thái là những câu hát khắp và những điệu múa xòe mềm mại, uyển chuyển. Mỗi bản trong xã Mường Chiên đều có đội văn nghệ, nhiều bản có 2-3 đội. Bản Bon đã thành lập 2 đội văn nghệ, sinh hoạt định kỳ nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Thuận lợi về cơ chế, chính sách
Phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, những năm qua, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương tập trung thực hiện quy hoạch, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng các điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn.
Ngoài các đề án, chương trình hành động và phát triển du lịch của UBND tỉnh, Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 4-8-2016 của HĐND tỉnh Sơn La khóa XIV, kỳ họp thứ 2 đã thông qua Đề án khai thác tiềm năng vùng hồ các thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, kèm theo danh mục các dự án trọng điểm ưu tiên giai đoạn 2016-2020, mục 13: bản Bon, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai được hỗ trợ xây dựng bản du lịch cộng đồng, giai đoạn từ năm 2016-2018.
Ngày 3-12-2016, xã Mường Chiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, là điều kiện thuận lợi không hề nhỏ đối với người dân tại bản Bon, chính quyền địa phương trong định hướng xây dựng bản du lịch cộng đồng gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
HĐND tỉnh Sơn La cũng đã ban hành Nghị quyết 22/2016/NQ-HĐND ngày 14-12-2016 về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 cho các bản có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, các hộ gia đình tại các bản du lịch cộng đồng có nhu cầu tham gia kinh doanh du lịch cộng đồng.
Theo quy hoạch về du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Quỳnh Nhai xác định đẩy mạnh phát triển du lịch lòng hồ và du lịch cộng đồng. Huyện Quỳnh Nhai xác định đến năm 2030 phát triển du lịch trở thành khu du lịch cấp tỉnh và là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp từ 10% GRDP của huyện, thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác (1). Huyện đang tập trung khai thác hợp lý các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; tiến hành phục dựng, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch, đưa sắc thái văn hóa thành sản phẩm du lịch… Huyện chú trọng khảo sát xây dựng kế hoạch tôn tạo, quy hoạch khu vực suối nước nóng bản Bon; xây dựng quy hoạch chi tiết điểm du lịch cộng đồng tại bản Bon...; kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào du lịch cộng đồng từ các đơn vị, doanh nghiệp, như Hợp tác xã du lịch Quỳnh Nhai, Quỳnh Nhai Travel; tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc; thành lập câu lạc bộ Giữ gìn bản sắc dân tộc Thái trắng; mô hình ẩm thực dân tộc; giữ gìn, bảo tồn các trò chơi dân gian, những điệu múa truyền thống của người Thái trắng...
2. Hoạt động du lịch cộng đồng của người Thái ở bản Bon
Với những lợi thế sẵn có, nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân, chính quyền địa phương đã có những chiến lược đầu tư, vận động, hỗ trợ bà con tu sửa nhà cửa, xây dựng cơ sở dịch vụ lưu trú, ẩm thực phục vụ khách du lịch. Năm 2018, Hợp tác xã du lịch cộng đồng bản Bon được thành lập, ban đầu có 7 hộ tham gia. Các thành viên trong Hợp tác xã được huyện tạo điều kiện cho đi tham quan, học tập mô hình làm du lịch cộng đồng trong và ngoài tỉnh, tập huấn về kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ buồng phòng, chế biến các món ăn dân tộc để phục vụ khách du lịch. Mỗi dịp nhà nào đông khách lưu trú, các hội viên trong Hợp tác xã lại hỗ trợ nhau nơi nghỉ, cùng nấu nướng, tiếp khách trong không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo cho du khách cảm nhận về sự thân thiện, gần gũi.
Hiện nay, bản Bon có 8/152 hộ gia đình sử dụng nhà sàn truyền thống phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Mức giá homestay là 200.000 đồng/ khách bao gồm cả khách riêng lẻ hoặc khách đoàn. Khách du lịch ngoài lưu trú còn được thưởng thức các món ẩm thực dân tộc. Mỗi mâm cơm cho 6 khách thường có giá dao động từ 600.000 đồng/ mâm, tùy nhu cầu khách đặt.
Với các sản phẩm thổ cẩm độc đáo, bản Bon có dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc với giá dao động từ 20.000-50.000 đồng/ ngày tùy từng bộ trang phục. Ngoài ra, du khách có thể mua đồ lưu niệm được chính người dân trong bản làm thủ công như các sản phẩm dệt thổ cẩm, sản phẩm mây tre đan…
Lợi thế tự nhiên với nguồn nước nóng từ khe núi, rất phù hợp để ngâm mình chữa bệnh, thư giãn và dưỡng da, Hợp tác xã du lịch cộng đồng bản Bon kết hợp với Công ty du lịch Quỳnh Nhai Travel... cùng bỏ vốn đầu tư xây dựng phòng tắm, khu bể tắm tập thể; dựng các cọn nước, làm cầu tre bắc dọc con suối Nặm Chiên để du khách tham quan... Giá vé sử dụng nguồn khoáng nóng là 50.000 đồng/ lượt khách. Tại khu vực suối nước nóng, có một nhà sàn homestay 5 gian với sức chứa lên đến 100 khách.
Du khách lưu trú ở bản Bon có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm đời sống lao động cùng bà con trong bản như làm ruộng, đánh bắt cá, dệt thổ cẩm, đan lát các đồ thủ công từ mây tre đan, đi rừng lấy rau, hái măng… Đặc biệt, du khách không thể bỏ qua dịch vụ đi thuyền trên lòng hồ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên non nước hùng vĩ. Với lợi thế giao thông đường thủy trên lòng hồ sông Đà, khách du lịch có thể trải nghiệm các đảo trái tim, thuộc khu vực bản Hát Lếch, xã Chiềng Ơn với các hoạt động trải nghiệm: đạp vịt, câu cá, xích đu; tham quan đồi hoa, đồi chong chóng, cầu kính tình yêu; thưởng thức các món ăn dân tộc truyền thống được chế biến từ cá sông Đà... Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã đón gần 1.000 lượt khách tới tham quan, trải nghiệm.
Điểm đến tiếp theo là vịnh Uy Phong (bản Khoang, xã Pá Ma Pha Khinh) - khu du lịch nổi trên mặt hồ được Quỳnh Nhai Travel đầu tư xây dựng với các hạng mục: nhà hàng, sân bóng chuyền hơi dưới nước, khu nuôi cá lồng, cá massage chân… Ngay tại trung tâm xã Mường Chiên, du khách có thể tham quan, check in tại cột mốc đánh dấu trung tâm huyện Quỳnh Nhai cũ, được xây dựng trên đồi Truyền hình trước đây. Ngoài ra, du khách có thể tham quan các điểm du lịch văn hóa tâm linh như đền Linh Sơn - Thủy Từ và Nàng Han, di tích lịch sử cây đa Pắc Ma.
Bên cạnh trải nghiệm đời sống văn hóa sản xuất, văn hóa vật thể, và du lịch sinh thái lòng hồ, du khách đến với bản Bon còn được sống trong đời sống văn hóa tinh thần phong phú. Trong bản hiện có 2 đội văn nghệ, luôn sẵn sàng biểu diễn phục vụ du khách những điệu dân ca, dân vũ như múa xòe, múa sạp, khắp tính tẩu…
Đội văn nghệ bản Bon, đội trưởng là bà Lò Thị Mái, Hội trưởng hội phụ nữ bản Bon, đội văn nghệ chủ yếu phục vụ người dân địa phương trong những dịp lễ hội, tết.
Đội văn nghệ của đoàn thành niên bản Bon, gồm 23 thành viên, độ tuổi từ 16-22, sinh hoạt và tập luyện tại nhà văn hóa bản Bon. Đội văn nghệ kết hợp với Hợp tác xã Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai phục vụ khách du lịch tại bản Bon.
Năm 2022, bản Bon đã đón xấp xỉ 2.000 lượt khách đến lưu trú, thưởng thức các món ăn dân tộc, tắm khoáng nóng tự nhiên, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Đến nay, bản Bon không còn nhà tạm, nhà dột nát, chỉ còn 4 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo (2022) (2); 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% tuyến đường xã được bê tông hóa, gần 94% đường trục bản và liên bản đường cứng hóa, 100% đường ngõ được đổ bê tông, xã được đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi kiên cố, đảm bảo nước tưới cho 100% diện tích đất sản xuất; quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững...
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của du lịch cộng đồng ở bản người Thái
Mặc dù du lịch cộng đồng ở bản Bon được khai thác từ năm 2018 nhưng còn mang tính tự phát, manh mún, chưa đạt hiệu quả cao. Công tác quảng bá du lịch bản Bon nói riêng và Sơn La nói chung còn nhiều hạn chế. Hiện nay, tỉnh Sơn La đã có trang web dsvh.sonla.gov.vn cung cấp các thông tin về di sản văn hóa của các làng, bản trên toàn tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, trang web không được cập nhật thường xuyên, thiếu thông tin cung cấp cho khách du lịch, nhiều di sản văn hóa tại bản Bon, có giá trị chưa được nhắc tới như: đàn tính tẩu, nón ở bản Bon... Hệ thống dịch vụ phục vụ du khách chưa đảm bảo, các điểm du lịch lòng hồ chưa tạo được sự liên kết, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, hệ thống nhà nghỉ, homestay chưa được đầu tư hiệu quả, các bến thuyền, đưa đón du khách chưa được quản lý chặt chẽ, hộ dân kinh doanh du lịch chưa được tập huấn bài bản…
Việc làm cấp thiết đối với các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn hiện nay là đưa ra quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của cộng đồng để giải quyết hài hòa bài toán giữa phát triển và bảo tồn, truyền thống và hiện đại, kinh tế và chính trị, xã hội, văn hóa, cụ thể bằng một số giải pháp:
Quy hoạch cảnh quan thôn bản: Du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn không chỉ từ văn hóa tộc người mà còn ở vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên. Với không gian cư trú điển hình cùng những nếp nhà sàn, có thể đầu tư, quy hoạch cảnh quan đặc trưng từ ngõ, đường thôn đến cổng nhà, sân vườn của các homestay với những con đường hoa ban, hàng rào sân vườn bằng liếp tre… Điều đó giúp tạo dấu ấn riêng cho làng du lịch cộng đồng bản Bon, đồng thời giúp du khách được trải nghiệm không gian hài hòa với thiên nhiên trong những ngày lưu trú, nghỉ dưỡng tại thôn.
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù: du lịch sinh thái lòng hồ và chăm sóc sức khỏe bởi nguồn khoáng nóng sản phẩm du lịch đặc trưng của bản Bon, tạo nên sự khác biệt và sức hấp dẫn so với các làng du lịch khác. Chính quyền địa phương có thể hỗ trợ tập huấn nâng cao kiến thức và chất lượng đội ngũ nhân lực trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe kết hợp sử dụng các bài thuốc dân gian, đẩy mạnh dịch vụ spa…
Tăng cường nâng cao trình độ nhân lực du lịch: bên cạnh những lớp tập huấn của chính quyền, các dự án… cần đẩy mạnh việc giao lưu, học tập mô hình du lịch cộng đồng ở những địa phương, cơ sở kinh doanh du lịch khác (các khách sạn, nhà hàng 4, 5 sao) để nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, ẩm thực, trải nghiệm văn hóa, mở rộng mối quan hệ, kỹ năng giao tiếp cho cộng đồng, giúp họ sẵn sàng và chủ động hơn tham gia du lịch cộng đồng.
Đẩy mạnh chính sách liên kết sản phẩm: bản Bon nói riêng và Quỳnh Nhai nói chung có nhiều lợi thế khai thác và phát triển du lịch cộng đồng kết hợp du lịch sinh thái lòng hồ sông Đà. Việc đẩy mạnh liên kết du lịch với Điện Biên, Sa Pa, Mù Cang Chải, Mộc Châu góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch; tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt tạo sức hút mới; xây dựng các tour du lịch liên huyện dài ngày cả đường thủy và đường bộ nhằm níu chân du khách lưu trú lâu hơn, từ đó tăng doanh thu du lịch.
Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến về du lịch bản Bon nói riêng và Quỳnh Nhai nói chung trên các nền tảng mạng xã hội, bán phòng trên các trang điện tử như: booking.com, agoda.com, tripadvisor.com.vn... để quảng bá, cung ứng dịch vụ đến với khách hàng; tham gia các hội nghị xúc tiến du lịch, các gian hàng sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, lập fanpage riêng để quảng bá các hoạt động du lịch, hỗ trợ thông tin cho du khách, đăng tải các hình ảnh đẹp, câu chuyện, thông tin về du lịch bản Bon.
Phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng: giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa phải được thực hiện bởi cộng đồng và trong mối quan hệ cố kết cộng đồng. Vai trò của trưởng bản, người có uy tín quan trọng trong định hướng, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội từ kinh doanh du lịch. Chính quyền địa phương cần có những chính sách phát huy hơn nữa vai trò của người uy tín: đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hoàn thiện cơ chế, chính sách vận động, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn cho đội ngũ người có uy tín…
Đề cao vai trò của cộng đồng: Sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ từ các dự án phi chính phủ, liên kết đầu tư của các doanh nghiệp đã tạo đà phát triển du lịch cộng đồng ở bản Bon. Bên cạnh đó, cần phải luôn đề cao vai trò của cộng đồng - chủ thể sáng tạo, duy trì, vận hành các giá trị văn hóa, chủ nhân của điểm du lịch. Lợi ích của người dân càng được đề cao, quan tâm thì điểm du lịch đó càng hấp dẫn. Nguyên tắc này đòi hỏi có sự quản lý của chính quyền địa phương bằng các chế tài yêu cầu các doanh nghiệp phải chia sẻ lợi nhuận bình đẳng với người dân. Những hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ có phần trích từ doanh thu du lịch để hỗ trợ các hoạt động cộng đồng như sửa chữa đường thôn, vệ sinh, giữ gìn cảnh quan thôn bản…
Phát triển kinh tế, xã hội đồng thời với bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống các cộng đồng dân tộc thiểu số là mục tiêu quan trọng trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Lợi thế tài nguyên, văn hóa độc đáo, chính sách thuận lợi là cơ sở phát triển du lịch cộng đồng bản Bon. Đồng thời với việc nâng cao thu nhập cho người dân, sự tự hào về các giá trị truyền thống là động lực tốt nhất để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người ngay trong môi trường nó được sinh ra và vận hành (5).
_______________
1. Lê Hồng, Lòng hồ sông Đà - Quỳnh Nhai điểm trải nghiệm du lịch sinh thái lý tưởng, sonla.gov.vn. 17-3-2023.
2. Số liệu do trưởng bản Bon - Lò Văn Phiệng cung cấp.
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Thị Hải Yến, Du lịch cộng đồng, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2012.
2. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc) (tái bản, bổ sung), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.
3. UBND xã Mường Chiên, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, năm 2022.
4. Tư liệu điền dã.
5. Bài viết trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, mã số B2021-TNA-08.
TS DƯƠNG THÙY LINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023