Đánh thức tiềm năng liên kết điện ảnh - du lịch: Trường hợp Khánh Hòa

Liên kết điện ảnh và du lịch, phát huy vai trò của sự kết nối này trong phát triển từng ngành, góp phần phát triển kinh tế, xã hội đang trở thành vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Và, ở góc độ nghiên cứu liên ngành, tìm hiểu, nhận thức rõ hơn về mối liên kết điện ảnh và du lịch trên một số bình diện như: liên kết điện ảnh và du lịch là một nhu cầu thiết yếu về lý luận và thực tiễn; mối liên kết điện ảnh và du lịch trong điều kiện kinh tế thị trường; vai trò của sự liên kết điện ảnh và du lịch trong phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay; nguồn lực đảm bảo cho mối liên kết điện ảnh và du lịch phát huy được vai trò đó; những thuận lợi và khó khăn khi phát huy vai trò của mối liên kết điện ảnh và du lịch trong phát triển kinh tế trên cả nước nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng... là sự đáp ứng kịp thời, đúng hướng, có ích đối với mục tiêu cũng như thực tiễn phát triển văn hóa, điện ảnh và du lịch hiện nay. Góp phần thực hiện mục tiêu đó, trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến 3 vấn đề cần chú ý, khả dĩ tạo tiền đề liên kết điện ảnh và du lịch, phát triển từng ngành và góp phần phát triển kinh tế xã hội ở tỉnh Khánh Hòa. Đó là nhu cầu và thực tiễn liên kết điện ảnh - du lịch; một số tiềm năng du lịch văn hóa ở Khánh Hòa và đánh thức tiềm năng liên kết điện ảnh - du lịch ở Khánh Hòa trong bối cảnh hiện nay.

1. Liên kết điện ảnh - du lịch, nhu cầu và thực tiễn

Với mục tiêu chung là quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, trong nhiều năm qua, điện ảnh và du lịch Việt Nam đã kết nối với nhau tương đối chặt chẽ và nhịp nhàng để cùng phát triển; cùng quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, cũng như thành tựu của từng ngành, dù rằng xung quanh sự kết nối này còn rất nhiều điều cần bàn luận.

Chẳng hạn, nhận xét về hạn chế trong quảng bá du lịch qua điện ảnh, có tác giả cho rằng: “Quảng bá du lịch thông qua điện ảnh là điều không mới đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, đây vẫn là vấn đề còn đang “bàn thảo” và hình ảnh đất nước, con người chỉ được sử dụng như một phương tiện trong điện ảnh. Điện ảnh và du lịch chỉ là “vô tình” đến với nhau, rồi sau đó đường ai nấy đi, mà chưa thực sự được quan tâm, kết hợp chặt chẽ, khai thác đúng mức” (1). Hay: “Du lịch theo phim ảnh tuy không phải là loại hình du lịch mới tại Việt Nam nhưng vẫn chưa được khai thác đúng và phù hợp. Với tiềm năng to lớn từ danh lam thắng cảnh, ngành Điện ảnh nước nhà và quốc tế sẽ là kênh quảng bá hiệu quả cho du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập” (2).

Đó là một sự thật. Dù vậy, không thể không khẳng định một điều mấu chốt rằng, lâu nay, quan hệ giữa điện ảnh và du lịch là quan hệ gắn bó hữu cơ và tác động qua lại lẫn nhau. Đây là xu hướng phát triển chung của thế giới. Việt Nam cũng đã nhận thức rõ đây là nhu cầu và đang thực hiện nhu cầu đó, dù hiệu quả chưa được như mong đợi.

Thực tiễn đã chứng minh, việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người thông qua điện ảnh đã đem lại hiệu ứng và hiệu quả mạnh mẽ. Bộ phim đầu tiên của nước ngoài lấy bối cảnh Việt Nam - Đông Dương, là một minh chứng rất sáng rõ cho vấn đề này. “Đông Dương không chỉ hay về nội dung, thông điệp mà còn là tuyệt phẩm về mặt hình ảnh đất nước Việt Nam với hàng loạt cảnh đẹp qua góc quay của người Pháp từ Vịnh Hạ Long đến Tam Điệp, Đình Bảng, Huế, Phát Diệm...” (3). Và từ đó, liên tục xuất hiện các bộ phim nước ngoài được làm theo phương thức kết hợp du lịch và điện ảnh, coi những vùng đất, danh thắng tuyệt đẹp của Việt Nam như một phim trường hiếm lạ. “Nhiều bộ phim nước ngoài được quay tại Việt Nam đã gây sửng sốt với khán giả trên thế giới, bởi hình ảnh đất nước con người Việt Nam được thể hiện tuyệt đẹp qua các tác phẩm điện ảnh. Đơn cử như Đông Dương (Indochine, 1992) của điện ảnh Pháp - giành giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại lễ trao giải Oscar năm 1993; phim Người Mỹ trầm lặng (The Quiet American, 2002). Đặc biệt, sau khi bộ phim Kong: Đảo đầu lâu của điện ảnh Hollywood có đến 70% các cảnh quay ở Việt Nam được công chiếu thì phim trường ở Ninh Bình đã trở thành điểm du lịch thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan. Trước đó, bộ phim Người tình của đạo diễn Jean Jacques Annauth, lấy ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Thủy Lê hiện đã trở thành một điểm du lịch văn hóa được nhiều du khách tìm đến và được du lịch Đồng Tháp xây dựng, giới thiệu là một trong những điểm đến chính của du lịch địa phương” (4). Và, “cuối năm 2014, đoàn làm phim Pan và vùng đất Neverland của Hollywood, đã đến Việt Nam thực hiện một số cảnh quay tại các địa danh nổi tiếng như Hang Én (Quảng Bình), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Tràng An (Ninh Bình)” (5)...

Cùng với những bộ phim truyện của điện ảnh các nước được quay tại Việt Nam, nhiều bộ phim truyện của các tác giả Việt Nam cũng rất chú trọng khai thác những danh lam thắng cảnh, những loại hình văn hóa, những nét bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo để hướng tới hiệu quả quảng bá du lịch cho đất nước. Trong những bộ phim ấy, Chuyện của Pao của đạo diễn Ngô Quang Hải (năm 2006) được coi là mốc son đối với du lịch bởi lẽ chỉ một thời gian ngắn sau khi công chiếu, cao nguyên đá Hà Giang vốn bình yên và trầm lặng bỗng hút khách. Và, bộ phim phát hành năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, không những tạo cơn sốt tại phòng vé, mà còn tạo nên một làn sóng đối với các đối tượng đam mê du lịch. “Sau khi công chiếu, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã thu về gần 80 tỷ đồng ở thị trường trong nước; lượng người đến du lịch tại Phú Yên - nơi phim lấy bối cảnh quay - cũng tăng vọt, cụ thể lượng khách đến Phú Yên đã đột ngột tăng 30% so với cùng kỳ năm trước” (6). Cũng như thế, phố cổ Hội An, di sản văn hóa được thế giới công nhận từ năm 1999, là một địa chỉ du lịch có sức hút đối với du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. “Đó cũng là lý do để hàng loạt các nhà làm phim trong nước lựa chọn đây là điểm đến cho những cảnh quay vừa mang nét cổ kính, trầm mặc vừa giàu tính truyền thống. Có thể kể đến Hoài Phố (Ngô Thanh Vân - Cường Ngô), Scandal: Hào quang trở lại (Victor Vũ), và trước đó là Dòng máu anh hùng (Charlie Nguyễn). Khán giả đã không hề tiếc lời khi Hội An với những góc nhỏ, ngõ nhỏ quen thuộc hay lung linh trong đêm hoa đăng trở nên bừng sáng trên phim” (7)...

Từ những nhu cầu và thực tiễn nêu trên, có thể khẳng định, tiến tới định hình và tập trung tạo điều kiện đánh thức một hướng đi mới, đúng cho du lịch và điện ảnh quốc gia cũng như địa phương trên tinh thần kết nối hai ngành công nghiệp quan trọng du lịch và điện ảnh; quảng bá, phát triển du lịch thông qua điện ảnh và kích cầu, phát triển điện ảnh thông qua du lịch. Do đó, có thể dự báo trong thời gian tới, việc tổ chức quảng bá hình ảnh, chính sách, đất nước, con người, văn hóa Việt Nam thông qua các sự kiện điện ảnh và du lịch quốc tế; việc tăng cường phối hợp với các đơn vị điện ảnh, du lịch trong nước và quốc tế để thực hiện các dự án làm phim tại Việt Nam, tại các địa phương; đặc biệt, việc rà soát, đưa ra chính sách ưu đãi cho các đoàn làm phim nước ngoài đến quay tại Việt Nam, các đoàn làm phim trong nước quay tại các địa phương về thuế, lệ phí, bối cảnh quay… đã trở thành nhu cầu chính đáng và bức thiết. Và, thực sự, đây không chỉ là nhu cầu ở cấp độ quốc gia mà còn là nhu cầu, mục tiêu phát triển của từng địa phương, trong đó có Khánh Hòa.

2. Tiềm năng du lịch văn hóa ở Khánh Hòa

Có thể khẳng định, từ lâu, Khánh Hòa hội tụ nhiều tiềm năng về du lịch văn hóa và đã có những bước phát triển tương đối ngoạn mục. Gần đây, trong quá trình hoàn chỉnh và triển khai quy hoạch giai đoạn 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa chú trọng đầu tư phát triển Nha Trang thành đô thị du lịch; khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh là khu du lịch quốc gia; khu vực Bắc Vân Phong là trung tâm kinh tế, du lịch của tỉnh định hướng liên kết vùng và cả nước; cơ cấu lại không gian phát triển du lịch, mở rộng không gian ra các vùng lân cận như Bãi Dài, Nam Vân Phong, Ninh Hòa... để làm mới diện mạo của khu đô thị du lịch biển và tăng sức thu hút khách du lịch.

Tiềm năng du lịch biển đảo: Khánh Hòa có 6 đầm và vịnh lớn, đó là Đại Lãnh, vịnh Vân Phong, Hòn Khói, đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang (Cù Huân) và vịnh Cam Ranh. Mỗi vịnh, đầm có những đặc thù riêng, có thể tổ chức thành các tuyến, cụm và điểm thăm quan du lịch, nghỉ dưỡng, tắm biển đa dạng và hấp dẫn. Các địa điểm du lịch tiêu biểu như: Ðại Lãnh, Ðầm Môn (Vạn Ninh); Dốc Lết, Ninh Phước, Ðầm Nha Phu (Ninh Hòa), Vĩnh Lương, Bãi Tiên, bãi biển Trần Phú, Bãi Trũ, Bãi Sạn (Nha Trang), bãi Thủy Triều, Bãi Dài (Cam Ranh)… (8).

Tiềm năng du lịch rừng: Khánh Hòa là tỉnh vừa có huyện đồng bằng vừa có huyện miền núi và cả huyện đảo. Trong đó, huyện miền núi Khánh Sơn có điều kiện khí hậu được ví như “Đà Lạt thứ hai”, với bầu không khí mát lành, sương mù vờn quanh đỉnh núi đẹp như một bức tranh thủy mặc... đặc biệt là sự đa dạng sinh học rừng rất cao với nhiều loài đặc hữu như: rừng nguyên sinh, rừng lồ ô, rừng lá kim, dương xỉ, phong lan… Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà cũng là một trong những điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến Khánh Hòa (9).

Tiềm năng du lịch văn hóa: Khánh Hòa sở hữu những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị vẫn còn tồn tại đến ngày nay như: Tháp Bà Ponagar (Nha Trang), Thành cổ Diên Khánh (Diên Khánh), Phủ đường Ninh Hòa (Ninh Hòa), Đền thờ Trần Quý Cáp (Diên Khánh), Miếu thờ Trịnh Phong (Diên Khánh), Đình Phú Cang (Vạn Ninh), Bia Võ Cạnh, Thành Hời, miếu Ông Thạch… Cùng với các di sản văn hóa vật thể đó là những di sản văn hóa phi vật thể có bản sắc riêng trong dòng văn hóa dân tộc mà tiêu biểu là truyền thuyết về nữ thần Ponagar - Bà mẹ xứ sở, là lễ hội Tháp Bà, lễ hội Am Chúa, là điệu múa bóng dâng Bà... (10).

Nhờ vào những tiềm năng này mà hằng năm Khánh Hòa đã thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, Khánh Hòa vẫn rất cần tiếp tục đánh thức các tiềm năng này để tạo đột phá trong phát triển du lịch về số lượng, chất lượng hoạt động và sản phẩm.

3. Đánh thức tiềm năng liên kết phát triển điện ảnh - du lịch: trường hợp Khánh Hòa

Ngày nay, văn hóa du lịch đã trở thành một thành tố mới trong phạm trù văn hóa của mỗi quốc gia. Du lịch hơn bất cứ ngành nghề khác cần phải nắm bắt vấn đề này để kinh doanh văn hóa du lịch cho có hiệu quả. Nếu muốn phát triển du lịch cần phải có một môi trường văn hóa du lịch tốt: môi trường tự nhiên không có rác bẩn, không ô nhiễm… các di tích được chăm sóc, giữ gìn; các sản phẩm du lịch phải có hàm lượng văn hóa cao, người dân cũng như nhân viên làm việc ở nơi du lịch phải có văn hóa; cùng với các cơ chế chính sách khuyến du hợp lý, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh… Đồng thời, phát triển du lịch theo phim ảnh và phát triển phim ảnh theo du lịch đã là một xu hướng không thể bỏ qua để phát triển các ngành du lịch và điện ảnh bền vững trên phạm vi cả nước cũng như ở từng địa phương. Vì thế, liên kết để phát triển giữa điện ảnh và du lịch là vấn đề không thể chối bỏ. Để thực hiện được sự kết nối về lượng và chất, có lẽ ngành Du lịch và ngành Điện ảnh ở trung ương và địa phương cần chủ động liên kết, học tập kinh nghiệm các nước đi trước, các địa phương có thành tựu để có các giải pháp phù hợp với từng ngành và phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện tại.

Theo đó, trên bình diện quốc gia, để gia tăng sự kết nối điện ảnh - du lịch, cần chú ý đến một số đề xuất mang tính giải pháp cần thiết sau: xây dựng chủ trương, chiến lược rõ ràng, kết nối hai lĩnh vực trong những mục tiêu chung; các địa bàn ưu tiên phát triển trong định hướng chiến lược của ngành Du lịch cần được quán triệt với ngành Điện ảnh để có chiến lược lồng ghép; có chính sách đặc thù để thu hút các nhà làm phim nước ngoài, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, đầu tư ngân sách phù hợp; giới thiệu và tạo quan hệ tại các Liên hoan phim quốc tế, thu hút liên doanh liên kết quốc tế, tạo thuận lợi cho các đoàn làm phim là Việt kiều để liên kết làm phim tại Việt Nam (11).

Với trường hợp Khánh Hòa, để đánh thức tiềm năng của các ngành Văn hóa, Du lịch, Điện ảnh; để gia tăng khả năng liên kết hai ngành Điện ảnh - Du lịch (thực ra là 3 ngành: Văn hóa, Du lịch, Điện ảnh) thì không còn cách nào khác, cần thực hiện các phương thức, đồng thời là giải pháp:

Phát triển mạnh mẽ du lịch Khánh Hòa theo Nghị quyết số 09 NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về Xây dựng phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Về hệ thống du lịch giai đoạn 2015 - 2030, Khánh Hòa có khu du lịch quốc gia Bắc Cam Ranh, điểm du lịch quốc gia Trường Sa, đô thị du lịch Nha Trang; hệ thống khu, điểm du lịch địa phương: khu du lịch đầm Nha Phu - Hòn Lao - Hòn Thị, khu du lịch Dốc Lết, khu du lịch sinh thái suối Hoa Lan, Ba Hồ... “Về sản phẩm du lịch, Khánh Hòa ưu tiên phát triển du lịch biển, đảo tổng hợp gắn liền với du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo cao cấp, thể thao biển, khám phá cảnh quan, thăm quan vịnh, đảo; gắn với du lịch đô thị và du lịch MICE. Để hỗ trợ các sản phẩm du lịch chính, Khánh Hòa sẽ nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch bổ trợ như: sinh thái biển, đảo; tàu biển; thăm quan di tích văn hóa - lịch sử; văn hóa ẩm thực; chữa bệnh, làm đẹp; lễ hội tâm linh…” (12). Bên cạnh việc chủ động đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương, tạo ra nhiều cung đường xanh kết nối du lịch, Khánh Hòa cũng chủ trương xây dựng nhiều chương trình, chính sách phối hợp kích cầu linh hoạt; thúc đẩy quảng bá du lịch để mời gọi du khách đến với địa phương. Hiện tại, chính là các địa phương, chứ không phải trung ương, quyết định hình thức và chất lượng phát triển ngành Du lịch.

Phát triển điện ảnh - truyền hình Khánh Hòa bằng cách nâng cao chất lượng hoạt động của Công ty Điện ảnh Khánh Hòa, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Khánh Hòa... tạo nội lực tự thân của địa phương, thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, cổ động, chiếu phim lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; tổ chức các hoạt động văn hóa, bồi dưỡng năng khiếu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa và giải trí của nhân dân. Điện ảnh Khánh Hòa từng có một thời vàng son với những rạp phim thường xuyên đỏ đèn hằng đêm, với cảnh khán giả rồng rắn đi xem phim. Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa đã và đang không ngừng cải tiến, đổi mới nội dung, đa dạng hóa các chuyên mục, chuyên đề, mở rộng phạm vi phủ sóng… phục vụ tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí của nhân dân. Những thành tựu này cần được kế thừa và nâng cao trong tình hình mới.

Gia tăng sự kết nối các ngành Văn hóa, Du lịch, Điện ảnh ở Khánh Hòa bằng nhiều phương thức và mức độ khác nhau để phát triển từng ngành, đồng thời tạo tiền đề để hình thành một ngành tổng hợp văn hóa, du lịch, điện ảnh ở Khánh Hòa. Mở rộng sự kết nối quốc tế với địa phương, trung ương với địa phương để gia tăng sự quảng bá hình ảnh, sự kiện, danh thắng, di sản văn hóa, du lịch của Khánh Hòa thông qua các sản phẩm điện ảnh, qua các kênh truyền hình trung ương và địa phương, các hoạt động triển lãm, trình chiếu trên nền tảng số, hay qua các hoạt động văn hóa - điện ảnh được tổ chức tại địa phương...

Thực hiện được ba vấn đề nêu trên, chắc chắn Khánh Hòa sẽ đánh thức được tiềm năng của các ngành Văn hóa, Du lịch, Điện ảnh, gia tăng khả năng liên kết, tạo đột phá trong sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, góp phần vào việc phát triển điện ảnh và du lịch quốc gia trong bối ảnh mới.

_______________

1. Hồng Phúc, Kích cầu du lịch qua điện ảnh - cũ người mới ta, baodantoc.vn, 7-12-2021.

2, 3, 5, 6, 7. Nguyễn Thúy Vy, Hà Kim Hồng, Phát triển du lịch theo phim ảnh: kinh nghiệm ở các nước và định hướng cho du lịch Việt Nam, dlib.huc.edu.vn, 2017.

4. Minh Quân, Gắn kết điện ảnh và du lịch, daidoanket.vn, 25-11-2019.

8, 9, 10. Tiềm năng du lịch, Cổng thông tin điện tử Khánh Hòa, 27-10-2012.

11. Đỗ Cẩm Thơ, Du lịch với điện ảnh - liên kết để phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh quốc gia, itdr. org.vn, 11-3-2019.

12. Thùy Linh, Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa: Tiềm năng và định hướng phát triển, thanhnien.vn, 19-8-2015

PHẠM VŨ DŨNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;