Vai trò di sản Đền Hùng đối với phát triển du lịch văn hóa

Trong tâm thức của người Việt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, mang giá trị tinh thần sâu đậm về tình cảm, lòng tự tôn và tự hào dân tộc. Việc phát huy vai trò di sản khu di tích Đền Hùng không chỉ có ý nghĩa trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc, mà còn thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa địa phương.

Các giá trị tiêu biểu của khu di tích lịch sử Đền Hùng

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước. Trải qua các thời kỳ lịch sử, khu di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được các triều đại và nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ, đã trở thành điểm hội tụ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, phong tục... của dân tộc Việt Nam.

Giá trị lịch sử, phong tục tập quán

Đền Hùng là di tích lịch sử quan trọng đặc biệt của quốc gia, nơi thờ 18 đời Hùng Vương. Từ xa xưa, đền Hùng giữ một vị thế lịch sử và văn hóa quan trọng, là trung tâm của kinh đô Văn Lang - Nhà nước của các Vua Hùng, là một vùng hội tụ và giao lưu văn hóa thời cổ đại. Chính nơi đây đã hình thành một nền tảng của xã hội làng - nước, hình thành những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân là con trai của Kinh Dương Vương, lấy nàng Âu Cơ con gái vua Đế Lai, sinh ra một bọc trăm trứng, nở thành một trăm người con trai, sau đó năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha xuống biển lập nghiệp. Người con cả theo mẹ lên vùng đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) lập ra nước Văn Lang và được tôn làm Vua Hùng. Văn Lang là nhà nước đầu tiên trong lịch sử của người Việt được cai trị bởi 18 đời Vua. Các Vua Hùng đã dạy dân trồng lúa nước và chọn núi Nghĩa Lĩnh là ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện những nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như thờ thần lúa, thần mặt trời để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, nhân dân đã lập đền thờ tưởng niệm (khu di tích lịch sử Đền Hùng) mà trung tâm là núi Nghĩa Lĩnh, lấy ngày 10-3 âm lịch hằng năm làm ngày Giỗ Tổ. Từ trung tâm thờ cúng đầu tiên này, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần lan tỏa, có sức sống lâu bền từ đời này qua đời khác.

Sử liệu cho thấy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã phát triển mạnh mẽ từ rất lâu, trước khi chính thức được vinh danh vào thời Hậu Lê (1428-1788). Những triều đại phong kiến đều rất chú trọng và khuyến khích người dân duy trì và liên tục sắc phong cho các đền thờ Vua Hùng tại Phú Thọ. Cho đến nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới việc thờ cúng các Vua Hùng, cấp kinh phí để tôn tạo không gian thờ cúng, đưa truyền thuyết Hùng Vương vào chương trình giảng dạy để giáo dục thế hệ trẻ, cho phép nhân dân cả nước nghỉ lễ ngày Giỗ Tổ để tham gia các hoạt động tế lễ, hướng về cội nguồn dân tộc. Năm 2023 đánh dấu 11 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, mà đền Hùng là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt Nam.

Giá trị nghệ thuật

Hiện nay, di tích lịch sử Đền Hùng còn bảo tồn và lưu giữ nhiều mảng hoa văn, họa tiết, mang dáng dấp nghệ thuật thời Lê TK XVII như: kiến trúc tam quan (hay còn gọi là gác chuông), quả chuông được treo trên gác chuông, không ghi năm đúc chuông mà ghi: “Đại Việt quốc, Sơn Tây đạo, Lâm Thao phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng”. Qua đó, ta thấy quốc hiệu Đại Việt có từ thời Lý đến hết thời Lê. Nhưng phủ Lâm Thao thì mãi tới thời Lê sơ (TK XVII) mới lập. Vậy, có thể đoán định niên đại quả chuông vào khoảng TK XVII.

Phần lớn các ngôi đền, chùa trên núi Hùng có kiến trúc đơn giản, kiểu dáng kèo cầu, không có trạm trổ. Trong chùa Thiên Quang còn có một số pho tượng có giá trị như: tòa tam thế, tòa cửu long, hộ pháp khuyến thiện, trừ ác... có niên đại vào thời Nguyễn. Các mảng họa tiết, hoa văn đắp nổi hình tượng võ sĩ cầm giáo, tứ linh, lưỡng long chầu nguyệt, cửu long tranh châu, mặt hồ phù, mái đắp giả ngói ống cổ diêm 3 phía đều đắp mặt hổ phù (lăng Hùng Vương)… đều mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Cùng với kho tàng truyền thuyết phong phú, những phong tục hội hè, làn điệu dân ca cổ xưa, tạo nên một vùng văn hóa đặc sắc và tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Các công trình xây dựng trên núi Hùng, việc trẩy hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa, là biểu trưng cho đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, là loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc nhất của người Việt Nam.

Thực tiễn phát huy các giá trị di sản văn hóa Đền Hùng

Theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành ngày 18-6-2016, “du lịch văn hóa” là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa. Đây được coi là ngành trọng điểm trong việc phát huy bản sắc dân tộc và gìn giữ giá trị truyền thống. Do đó, du lịch văn hóa tại di sản Đền Hùng được các cấp Bộ, ban ngành quan tâm và chú trọng.

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2260/QĐ-TTg, ngày 31-12-2021 Phê duyệt điều chỉnh cục bộ các phân khu chức năng của Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 nhằm phát triển các sản phẩm du lịch trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương, đưa Khu di tích lịch sử Đền Hùng trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia.

Trước đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phát triển du lịch: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ khóa XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định phát triển du lịch là một trong bốn khâu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 24-Ctr/TU ngày 4-4-2017 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4971/KH-UBND ngày 27-10-2021 Về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định Đền Hùng là trung tâm, là điểm nhấn; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khu di tích lịch sử Đền Hùng nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định nhiệm vụ lãnh đạo phát triển dịch vụ, du lịch là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ trong cả nhiệm kỳ.

Trên cơ sở khai thác giá trị di sản, hoạt động du lịch tại khu di tích đã có những bước phát triển tích cực: một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ, du lịch được ban hành; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh được khai thác có hiệu quả, hằng năm đón hàng triệu lượt khách về thăm viếng; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên; hoạt động tuyên truyền, quảng bá được đổi mới; các dịch vụ được đầu tư, khai thác có hiệu quả (ăn uống, mua sắm, xe điện, vui chơi giải trí, hướng dẫn khách tham quan, liên kết phát triển du lịch…); an ninh, trật tự và cảnh quan môi trường được đảm bảo, góp phần thu hút khách, nâng cao hiệu quả trong kinh doanh và xây dựng hình ảnh du lịch Đền Hùng an toàn, thân thiện, mến khách.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị khu di tích lịch sử Đền Hùng đã góp phần lan tỏa văn hóa, giáo dục lịch sử, phát triển kinh tế địa phương, quảng bá di sản quốc gia. Hằng năm, vào dịp Giỗ Tổ, khu du lịch Đền Hùng lại đón hàng triệu lượt khách.

Có thể thấy, hằng năm (không bao gồm những năm bị gián đoạn vì dịch COVID-19), di tích Đền Hùng là địa điểm du lịch thu hút lượng khách tham quan lớn vào dịp Giỗ Tổ. Lượng du khách từ năm 2013 cho tới năm 2018 có xu hướng tăng ổn định. Bắt đầu từ năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cả nước thực hiện giai đoạn bình thường mới, Đền Hùng lại đón các du khách tới tham quan. Tuy còn khiêm tốn so với các năm trước đó, nhưng cũng cho thấy những dấu hiệu khả quan sau đại dịch và tới năm 2023, lượng khách về dự lễ hội Đền Hùng ước khoảng 8 triệu lượt người.

Những hạn chế trong phát triển du lịch văn hóa tại khu di tích Đền Hùng

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, việc phát triển du lịch văn hóa tại khu di tích còn nhiều hạn chế, chưa tạo được sự bứt phá. Có thể kể tới một số hạn chế còn tồn tại như:

Thứ nhất, hệ thống hạ tầng, kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, một số dự án đầu tư triển khai chậm.

Thứ hai, hoạt động kinh doanh bán hàng có quy mô nhỏ; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, hoạt động du lịch còn nặng tính mùa vụ, sản phẩm, quà tặng lưu niệm mang bản sắc vùng đất Tổ còn thiếu và chưa thực sự hấp dẫn. Mức chi tiêu của du khách còn thấp nên nguồn thu từ hoạt động du lịch chưa cao.

Thứ ba, công tác triển khai những chính sách khuyến khích các địa phương tham gia hoạt động phát triển du lịch cội nguồn, các chính sách khuyến khích liên kết, phối hợp liên ngành để phát triển du lịch cội nguồn còn chậm và chưa phát huy tối ưu hiệu quả kinh tế.

Thứ tư, công tác tuyên truyền, quảng bá có đổi mới nhưng kết quả chưa cao. Lực lượng lao động trực tiếp làm du lịch năng lực vẫn còn có những mặt hạn chế, phong cách phục vụ chuyên nghiệp cần phải được nâng cao.

Để phát triển du lịch văn hóa tại khu di tích Đền Hùng trong thời gian tới, cần có sự kết hợp bởi chính quyền địa phương, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cùng người dân và du khách.

Một số khuyến nghị

Đối với chính quyền địa phương

Chính quyền địa phương đóng một vai trò quan trọng, đầu tàu cho việc phát triển hoạt động du lịch văn hóa tại khu di tích đền Hùng.

Thứ nhất, cần có những giải pháp thiết thực phát triển du lịch văn hóa tại khu di tích Đền Hùng và các khu di tích lân cận; tạo điều kiện và hỗ trợ các công ty du lịch để xây dựng các tuyến du lịch kết nối các địa danh trong tỉnh với vùng Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, tạo thành chuỗi giá trị văn hóa với điểm nhấn là Đền Hùng, thu hút du khách xuyên suốt cả năm chứ không chỉ tập trung vào ngày Giỗ Tổ.

Thứ hai, cần đầu tư xây dựng hạ tầng, kỹ thuật cho phát triển du lịch thông qua các hoạt động: nâng cấp, sửa chữa, xây dựng các công trình kiến trúc, cảnh quan tạo các điểm nhấn cho du khách chụp ảnh, check in; đổi mới hoạt động trưng bày, thuyết minh tại Bảo tàng Hùng Vương; phối hợp sản xuất một số phim sử dụng công nghệ 3D về các truyền thuyết thời kỳ Hùng Vương trình chiếu phục vụ khách du lịch.

Thứ ba, thực hiện các chính sách thu hút đầu tư xây dựng các dự án du lịch sinh thái có quy mô, chất lượng. Khuyến khích, tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia đầu tư cơ sở vật chất phát triển du lịch cộng đồng. Cải tạo, nâng cấp hệ thống quầy bán hàng hiện có; đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Thứ tư, cần sáng tạo nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc nhằm truyền tải những thông điệp văn hóa tới các du khách. Các loại hình biểu diễn đa dạng được tổ chức định kỳ sẽ giúp cho Đền Hùng trở thành điểm đến thường xuyên của các du khách trong và ngoài nước.

Đối với nhà cung cấp dịch vụ du lịch

Để tạo ra được sức hút đối với du khách trong và ngoài nước, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch tại khu di tích cần có sự đầu tư nghiêm túc và chiến lược phát triển dài hạn.

Thứ nhất, thực hiện liên doanh, liên kết nhằm khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Hoạt động này sẽ tạo ra nhiều loại hình du lịch để hình thành chuỗi giá trị và hình thành các tour dài ngày, đem lại giá trị kinh tế lớn cho các doanh nghiệp. Có thể kể tới một số loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch học đường…

Thứ hai, chú trọng công tác đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao với tinh thần trách nhiệm và niềm tin yêu vào giá trị văn hóa dân tộc. Đây là đội ngũ nòng cốt trong việc truyền tải những giá trị và bản sắc của địa phương; đồng thời, giúp cho hình ảnh khu di tích được nâng tầm trong lòng du khách tới tham quan.

Thứ ba, tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch. Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin, sáng tạo nội dung truyền thông, quảng bá hình ảnh và văn hóa khu di tích Đền Hùng sẽ giúp cho các nhà cung cấp dịch vụ du lịch tiếp cận tới du khách nhanh chóng, dễ dàng hơn. Từ đó, các nhà cung cấp có thể mở rộng kinh doanh các dịch vụ du lịch trực tuyến tới các du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Đối với người dân và du khách

Để bảo tồn được giá trị di sản cũng như phát triển du lịch văn hóa tại khu di tích Đền Hùng, cần có sự chung tay của người dân và du khách.

Thứ nhất, người dân và du khách cần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc bảo tồn di tích. Để thực hiện được điều này, mỗi người dân địa phương cần tăng cường nhận thức và hành động của mình trong việc nhắc nhở du khách không làm tổn hại đến môi trường, cảnh quan khu di tích.

Thứ hai, người dân và du khách khi tham quan cần ứng xử văn minh, không chen lấn xô đẩy, không mê tín dị đoan. Điều đó góp phần tạo dựng hình ảnh về khu du lịch văn hóa, văn minh.

Thứ ba, mỗi người dân, du khách cần chủ động trong việc tìm hiểu về Giỗ Tổ và truyền tải ý thức hướng về nguồn cội tới người thân, bạn bè. Có như vậy, việc phát huy giá trị dân tộc mới được kết nối và lan rộng tới cộng đồng. Ý thức hướng về cội nguồn thường xuyên sẽ tiếp tục vun đắp nét đẹp văn hóa của người Việt.

_____________

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Hoài Sơn, Xây dựng hệ giá trị văn hóa để tạo sự thống nhất về nhận thức và định hướng hành vi cho con người, dangcongsan.vn, 9-11-2022.

2. Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, Niên giám thống kê tỉnh Phú Thọ, Nxb Thống kê, năm 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2022.

3. Đảng bộ Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khu di tích lịch sử Đền Hùng nhiệm kỳ 2020-2025, 2020.

4. Hoàng Thị Thu Phương, Quản lý du lịch tại khu di tích Đền Hùng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015.

5. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Khu di tích lịch sử Đền Hùng trong tiến trình lịch sử của dân tộc, Luận án Tiến sĩ lịch sử, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2003.

6. Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, Quy hoạch điều chỉnh phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, 2012.

Ths NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUNG - PHAN THANH AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;