Bình Thuận: Những điểm đến hấp dẫn nên khám phá

Nằm ở cực Nam Trung Bộ, có nguồn tài nguyên phong phú gắn với biển, rừng và đảo với nhiều bãi biển đẹp, đồi cát trắng, khu bảo tồn thiên nhiên và di tích, kiến trúc-lịch sử, những làng nghề truyền thống, văn hóa lễ hội dân gian đặc sắc... Bình Thuận có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Là một trung tâm du lịch lớn của cả nước, Bình Thuận có rất nhiều điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

TP Phan Thiết

Nằm bên bờ sông Cà Ty, Trường Dục Thanh (Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia năm được xếp hạng năm 1986) được lập vào năm 1907 bởi các sĩ phu và nhà nho yêu nước để hướng ứng phong trào Duy Tân. Đây cũng là ngôi trường thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học trước khi vào Sài Gòn tìm đường cứu nước. Tại đây, bộ trường kỷ Bác từng ngồi, bộ ván gỗ Bác từng nằm, chiếc tủ đứng Bác từng đựng tư trang, nghiên mài mực, ly uống nước… của Bác vẫn được lưu giữ. Đối diện với trường Dục Thanh là Bảo tàng Hồ Chí Minh trưng bày những tư liệu, hiện vật về Bác cùng các di sản văn hóa có giá trị đặc biệt.

Trường Dục Thanh - nguồn: Báo điện tử Bình Thuận

Cách trường Dục Thanh vài trăm mét là Bảo tàng Bình Thuận lưu giữ hơn 1.000 cổ vật như: súng thần công, mộ chum bằng gốm, công cụ lao động bằng đá, đồng, đồ trang sức… và bộ đàn đá khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh, đàn đá khảo cổ Đa Kai có niên đại từ 3.000 năm trước. Gần đó là tháp nước Phan Thiết gần 100 tuổi do Hoàng thân Souphanouvong (Lào) thiết kế.

TP Phan Thiết còn có dinh Vạn Thủy Tú (Di tích lịch sử quốc gia) - công trình kiến trúc nghệ thuật gắn liền với tục thờ cúng thần Nam Hải (cá Ông - cá voi) được tạo lập vào năm 1762, lưu giữ nhiều di sản văn hóa Hán-Nôm liên quan đến nghề biển, sắc phong của các vua triều Nguyễn và một bộ xương cá Ông niên đại hơn 100 năm. Lễ hội Cầu ngư của Dinh được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.

Mũi Né - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Quần thể danh thắng Mũi Né

Là vùng lõi của Khu du lịch quốc gia Mũi Né được công nhận vào năm 2020, Mũi Né có nhiều điểm đến như: Đồi cát bay Mũi Né, Suối Tiên, Hòn Rơm, bãi đá Ông Địa, đảo Hòn Ghềnh, Hòn Lao... Ngoài ra khu vực Mũi Né và phụ cận còn có nhiều di sản văn hóa: Lầu ông Hoàng, cụm tháp Pô Sah Inư (Di tích Kiến trúc- Nghệ thuật quốc gia năm 1991) chắt lọc tinh hoa kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật trang trí đền tháp độc đáo của Vương quốc Chăm Pa xưa; làng chài ven biển Mũi Né; Làng Chài Xưa – Bảo tàng nước mắm đầu tiên ở Việt Nam... Mũi Né còn được mệnh danh là “thủ đô resort” của Bình Thuận và cả nước.

Vịnh Triều Dương của đảo Phú Quý- Ảnh: Phú Quý travel

Biển xanh- cát trắng huyện đảo Phú Quý

Đảo Phú Quý hay còn gọi là Cù lao Thu, Cù lao Khoai Xứ chỉ rộng hơn 18km2, nhưng có đủ cảnh đẹp, điểm tham quan, di tích lịch sử - văn hóa, như vịnh Triều Dương với những bờ cát trắng dài tít tắp, nước biển xanh ngọc trong vắt; Bãi Nhỏ - Gành Hang; cột cờ chủ quyền Phú Quý; mộ Thầy Nại; chùa Linh Quang; đền thờ Công chúa Bàn Tranh (hay Bà Chúa Xứ, ngôi đền do người Chăm xây dựng từ cuối thế kỷ XVI, đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia); núi Cao Cát có tượng Phật Bà Quan Âm nằm trên đỉnh núi; chùa Linh Sơn có kiến trúc độc đáo; phong điện Phú Quý với ba tuabin điện gió màu trắng nổi bật trong nắng vàng, trời xanh; Hòn Tranh với quần thể rặng san hô tự nhiên đầy sắc màu; núi Cấm cao 108m, trên đỉnh có ngọn hải đăng cao 18m- nằm trong top hải đăng lớn nhất Việt Nam.

Bàu Trắng- Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Khu du lịch sinh thái Bàu Trắng – huyện Bắc Bình

Nơi đây có đồi cát Trinh Nữ- Bàu Trắng và Bàu Sen (hồ nước trong xanh nằm giữa vùng đồi cát trắng mênh mông, có nhiều sen mọc quanh bờ) diện tích khoảng 120ha và đồi cát Mồ Côi khoảng 50ha; Mũi Yến; cung đường Hòa Thắng rực vàng hoa keo tràm (tháng 10, 11). Điểm du lịch sinh thái Bàu Trắng từng được công nhận là Top 100 điểm đến yêu thích của du khách và đã được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích cấp quốc gia. Bên kia Bàu Sen và trên đồi cát là những tuabin quạt gió vươn lên trời xanh....

Huyện Bắc Bình còn có các di tích như chùa Xuân An, chùa Bà Thiên Hậu Cung... Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm trưng bày các bộ sưu tập về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm, hiện vật liên quan đến các vương triều Chăm Pa. Cùng với đó là Làng gốm Chăm Bình Đức, Làng nghề thổ cẩm Phan Thanh...

Dinh Thầy Thím – thị xã LaGi

Yêu thích du lịch trải nghiệm ở làng chài thì LaGi là địa điểm không thể bỏ qua với bãi biển LaGi, đảo Hòn Bà, ngảnh Tam Tân, biển Cam Bình, Đồi Dương LaGi... Đặc biệt, LaGi có dinh Thầy Thím đã được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1997. Không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa, điêu khắc, đây còn là một địa chỉ tâm linh, tín ngưỡng nổi tiếng ở Bình Thuận. Lễ hội dinh Thầy Thím diễn ra từ ngày 14-16 tháng 9 âm lịch hằng năm với nhiều lễ nghi theo tập tục truyền thống đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào đầu năm 2022.

Hải đăng Kê Gà- Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Hải Đăng Kê Gà và Núi Tà Cú– Huyện Hàm Thuận Nam

Hải đăng Kê Gà được người Pháp xây dựng vào năm 1897 và hoạt động từ năm 1899. Tổng chiều cao của ngọn hải đăng là 65m, ngọn tháp cao 35m. Tọa lạc ở mũi đất có hình giống đầu gà và địa hình bãi đá khá hiểm trở nên gọi là hải đăng Kê Gà. Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận đây là ngọn hải đăng cao và cổ xưa nhất của Việt Nam.

Núi Tà Cú có độ cao 649m là rừng bảo tồn thiên nhiên quốc gia với hệ động vật và thảm thực vật phong phú, nhiều loài trong sách đỏ. Nơi đây được tỉnh Bình Thuận quy hoạch thành Khu du lịch sinh thái và cáp treo Tà Cú từ năm 2003. Chùa núi Tà Cú trong khuôn viên có ba pho tượng phật lớn: Phật Di Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí màu trắng. Núi Tà Cú còn có chùa Linh Sơn Trường Thọ ở độ cao 420m, có pho tượng phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn dài 49m, cao 11m; chùa Tổ xây dựng khoảng năm 1870 – 1880...

Chùa Tà Cú- Ảnh: TTC World

Hàm Thuận Nam còn có Khu phức hợp vui chơi giải trí Novaworld Tiến Thành rộng gần 1000ha; suối nước nóng Bưng Thị. Đặc biệt, huyện có diện tích trồng thanh long rất lớn, và nhiều trang trại sinh thái Bình An Farm, vườn trái cây Sáu Trúc, vườn thanh long Phú Mỹ... Ở đây, mô hình hình du lịch “Trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long cùng người dân Hàm Thuận Nam” và loại hình du lịch nông thôn, trang trại đang rất phát triển.

Bãi biển Cổ Thạch- Ảnh: SGCC

Khu du lịch Cổ Thạch – Huyện Tuy Phong

Biển Cổ Thạch hoang sơ trong vắt, xanh biếc với bãi đá 7 màu lung linh, tuyệt đẹp. Chùa Cổ Thạch (chùa Hang) hơn 100 tuổi lọt thỏm giữa những hang động trên ngọn đồi đá cao 64m so với mặt nước biển. Khu vực chùa Cổ Thạch là một quần thể kiến trúc, am, điện, cốc liên hoàn trong diện tích hơn 4 ha. Mỗi hang động là mỗi vẻ đẹp tự nhiên kết hợp với kiến trúc cổ. Huyện Tuy Phong còn có tháp Po Dam– cụm tháp Chăm (xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1996), đồi cát Bình Thạnh, lăng ông Nam Hải gần 200 năm tuổi, làng chài Bình Thạnh, Gành Son với những tảng núi đá màu đỏ độc đáo, cánh đồng quạt gió Tuy Phong - nhà máy điện gió lớn nhất Đông Nam Á vào năm 2019 và Khu bảo tồn đa dạng sinh học đảo Cù Lao Câu...

Cánh đồng quạt gió Tuy Phong- nguồn: Báo ảnh Việt Nam

Thác chín tầng Đa Mi- huyện Hàm Thuận Bắc

Hàm Thuận Bắc là nơi có khung cảnh thiên nhiên rất hữu tình, có hồ Hàm Thuận, Thủy điện Hàm Thuận- Đa Mi với thác chín tầng rất đẹp và nên thơ, hồ Sông Quao. Khung cảnh của các xã giáp với Bảo Lộc, Di Linh (Lâm Đồng) không khác gì khung cảnh Đà Lạt còn ẩn hiện trong sương.

Núi Ông – huyện Tánh Linh

Ngoài những thắng cảnh đẹp của thiên nhiên như Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông có những động thực vật đa dạng và phong phú, môi trường thiên nhiên xanh đẹp; hồ Tiên La Ngâu với hình ảnh núi rừng hùng vĩ kết hợp con suối mát trong với nhiều chỏm đá đẹp hút hồn; Khu du lịch sinh thái Thác Bà, hồ Biển Lạc... thích hợp cho du lịch mạo hiểm và chinh phục thiên nhiên; huyện Tánh Linh còn có di tích lịch sử trong hai cuộc kháng chiến là Di tích chiến thắng Hoài Đức- Bắc Ruộng đã được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia...

XUÂN HƯỚNG

(Tổng hợp)

 

;