Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn ven đô Hà Nội (nghiên cứu trường hợp huyện Hoài Đức)

Hát quan họ tại Lễ hội truyền thống làng Kim Hoàng  (Vân Canh - Hoài Đức - Hà Nội) - Nguồn: tuoitrethudo.com.vn

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ, chính quyền thành phố Hà Nội đang đứng trước những thách thức lớn trong vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản. Cần phải lưu ý rằng, không phải tất cả các di sản văn hóa (DSVH) của Hà Nội đều nhận được sự quan tâm và bảo tồn đúng cách, mà vẫn còn có những trường hợp, các di sản bị xâm hại, xuống cấp hoặc thậm chí bị lãng quên bởi cộng đồng, phổ biến tại một số địa phương ven đô. Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch và quản lý đô thị - nông thôn của Hà Nội nói chung và khu vực ven đô có nhiều đặc thù và bất cập, nên đã gây ra những hệ lụy, thách thức sự tồn vong của DSVH (phi vật thể, vật thể) trên địa bàn Hà Nội. Bài viết phân tích và đánh giá thực trạng phát huy các giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch nông thôn ven đô qua nghiên cứu trường hợp huyện Hoài Đức theo hướng hiệu quả và bền vững.

Tiềm năng, thế mạnh của DSVH huyện Hoài Đức

Địa danh Hoài Đức đã xuất hiện từ lâu. Theo sách Việt sử thông giám cương mục, tên gọi Hoài Đức có từ năm 622 đời Đường, niên hiệu Vũ Đức do huyện Tống Bình tách ra làm 2 huyện: Giao Chỉ và Hoài Đức. Hoài Đức nằm trong một miền đất cổ, có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, là một trong những địa bàn sinh tụ chính của cư dân Văn Lang thời dựng nước, đặc biệt trong huyện có hàng loạt các di tích đều thờ Lý Bí và Lý Phục Man, người có công xây dựng và bảo vệ nhà nước Vạn Xuân độc lập vào TK VI như đình Giá Lưu Xá, đền Di Trạch, đình chùa Đại Tự (xã Kim Chung), quán Giá (xã Yên Sở). Hoài Đức còn là vùng đất sinh ra và nuôi dưỡng nhiều nhân tài, là niềm tự hào của quê hương, đất nước.

Có thể thấy, so với hình ảnh Phủ Hoài Đức xưa, hiện nay Hoài Đức đã thay đổi rất nhiều. Quá trình đổi mới và nông thôn hóa khiến cho địa giới hành chính của huyện bị biến đổi. Trải qua các thời kỳ lịch sử, sau nhiều lần chia tách, sáp nhập và thay đổi địa giới hành chính, Hoài Đức vẫn được nhắc đến như một vùng đất giàu truyền thống văn hiến. Ngày nay, Hoài Đức không chỉ nổi tiếng với các làng nghề mà còn nổi tiếng bởi các giá trị văn hóa truyền thống, hệ thống di tích lịch sử văn hóa… Đây là những yếu tố quan trọng để hình thành loại hình sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách.

Di sản văn hóa, di tích, kiến trúc nghệ thuật: trải qua hàng nghìn năm, các thế hệ cư dân Hoài Đức đã đóng góp xây dựng hệ thống đình, chùa, đền, miếu, văn chỉ, nhà thờ họ mang đặc trưng của văn hóa làng xã. Một số công trình tiêu biểu như đình Hậu Ái (xã Vân Canh), đình Giang Xá (thị trấn Trạm Trôi), đình Tiền Lệ (xã Tiền Yên)… đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Một số quán thờ thành hoàng như quán Giá (xã Yên Sở), quán Kinh Thiên Đài (làng Lại Yên) cũng đã trở thành những điểm đến của khách du lịch. Đặc biệt, ở Hoài Đức, hầu như làng nào cũng có chùa, trong đó có một số chùa nổi tiếng như chùa Hương Trai (làng Dương Liễu), chùa Đại Bi (làng Đông Lao), chùa Gio (làng Thanh Quang)… Theo Danh mục tổng kiểm kê di tích toàn thành phố, huyện Hoài Đức có 268 di tích. Năm 2021, thêm di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối xã Kim Chung, nâng tổng số di tích trong danh mục kiểm kê lên 269 di tích. Tính đến tháng 10-2022, đã có 107 di tích được xếp hạng, trong đó có 38 di tích xếp hạng cấp thành phố, 69 di tích xếp hạng cấp quốc gia.

Với hệ thống di tích khá dày đặc, loại hình di tích phong phú, nhiều di tích đến nay còn bảo tồn được những giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, hệ thống di vật, hiện vật, tiêu biểu phải kể đến các hệ thống di tích: hệ thống đình, đền, chùa Giang Xá (thị trấn Trạm Trôi), đình Lưu Xá xã Đức Giang, đền Di Trạch đều thờ vua Lý Nam Đế, tương truyền Giang Xá là nơi Lý Bí sống từ thuở hàn vi, là nơi ông triệu tập nghĩa quân và phát động cuộc khởi nghĩa thắng lợi, thành lập nên nước Vạn Xuân; hệ thống các đình, đền, quán tại các vùng triền đê sông Đáy từ xã Dương Liễu đến làng Phương Bảng, xã Song Phương đều thờ tướng công Lý Phục Man, là Thái úy đứng đầu ban võ thời vua Lý Nam Đế TK VI.

Cùng với hệ thống di tích dày đặc, hệ thống di vật, hiện vật, đồ thờ tại các di tích cũng rất phong phú và có giá trị. Từ năm 2018, huyện Hoài Đức thực hiện công tác kiểm kê di vật, hiện vật, đồ thờ của các di tích đã xếp hạng. Tính đến hết năm 2022, đã thực hiện kiểm kê 70 di tích, tổng số di vật hiện vật được kiểm kê là 8.203 di vật, hiện vật, đồ thờ (1). Trong số đó phải kể đến các di vật, hiện vật, đồ thờ có giá trị, hiếm thấy như: bệ đá hoa sen thời Trần, bộ tượng Tam thế tại chùa Hương Trai (xã Dương Liễu); bia vuông thời Lê Đức Long, bộ tượng tam thế tại chùa Vĩnh Phúc (xã Cát Quế); bệ đá thời Trần chùa Đại Bi (xã Cát Quế); bộ tượng tam thế, bia niên đại Hồng Đức tại chùa Diên Phúc (xã Đức Thượng); tượng Nguyễn Công Triều tại chùa Đại Bi (xã Đông La); mũ đinh tự, sách đồng tại nhà thờ Nguyễn Công Triều (xã Đông La); tượng Quan âm tại chùa Diên Phúc (xã Sơn Đồng); đôi hươu được Vua Khang Hy ban tại nhà thờ Đại Tôn (xã Sơn Đồng); bia Thích ca sơ sinh tại chùa Phương Bảng (xã Song Phương).

Với kho tàng văn hóa - văn nghệ dân gian, các lễ hội đã và đang được khai thác phát triển du lịch, thu hút nhiều khách thập phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức đã và đang phát huy điểm đến các cụm di tích lịch sử - văn hóa như: cụm di tích đình, đền, chùa Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi, Linh Tiên Quán, đền Giẻ Sen, xã Đức Thượng; cụm di tích đình Kim Hoàng, Nhà lưu niệm Bác Hồ, làng nghề truyền thống thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh; cụm di tích Nhà thờ Đại tôn Lục Chi, Ngôi nhà “Nhất dạ tri ân”, làng nghề truyền thống mỹ nghệ Sơn Đồng, xã Sơn Đồng, quán Giá xã Yên Sở; cụm di tích đình, chùa, quán xã Lại Yên và xã Tiền Yên; cụm di tích đình, đền, chùa các xã An Khánh, An Thượng, Vân Côn, Đông La, La Phù.

Di sản lễ hội văn hóa dân gian: Trong danh mục kiểm kê DSVH phi vật thể Thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 1511/QĐ-SVH&TT ngày 6-12-2016 của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội, huyện Hoài Đức có 55 DSVH phi vật thể, trong đó có 34 loại hình lễ hội truyền thống, 11 tri thức dân gian, 7 nghề thủ công truyền thống, 2 tập quán xã hội, 1 nghệ thuật trình diễn.

Di sản nghề, làng nghề thủ công truyền thống: với lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời, cư dân xứ Đoài đã sáng tạo ra nhiều nghề thủ công truyền thống, những sản phẩm của làng nghề đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Hoài Đức có 51/53 làng có nghề, trong đó có 12 làng được công nhận là làng nghề, chủ yếu tập trung vào một số nghề như chế biến nông sản (mì, miến, bột, xay xát gạo), làm mật mía, dệt may, bánh kẹo, tạc tượng, sản xuất đồ gỗ… Các làng nghề không chỉ tạo thu nhập cho người dân địa phương mà còn là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn mang sắc thái đặc thù.

Di sản ẩm thực: đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây cũng khá phong phú với những đặc sản ẩm thực như bánh gai, bánh gio, bánh bác, bánh tẻ, bánh mật và một số sản phẩm làng nghề truyền thống như miến, bánh đa nem, các loại bột đao, bột mì, đường mía… Hầu như làng nào ở huyện cũng có nghề nấu rượu với một số thương hiệu khá nổi tiếng như Trại Chiêu, Ngự Câu, Tiền Lệ.

Bên cạnh đó, hệ thống chợ ở Hoài Đức có đặc điểm họp luân phiên, tạo thành vòng khép kín suốt 5 ngày để ngày nào trong vùng cũng có chợ. Hầu hết các chợ đều ở những bãi đất rộng gần đường đi hoặc ven sông. Du lịch chợ quê cũng hứa hẹn là sản phẩm hấp dẫn của Hoài Đức giúp du khách trải nghiệm văn hóa vùng miền.

Với những tiềm năng, thế mạnh của DSVH huyện Hoài Đức, là cơ sở quan trọng để thiết lập và mở rộng phát triển du lịch nông thôn Hoài Đức và khu vực ven đô, tạo thành những sản phẩm du lịch đa dạng, giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của huyện Hoài Đức.

2. Thực trạng phát huy giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch nông thôn huyện Hoài Đức

Nhận thức của cộng đồng về vai trò, ý nghĩa, giá trị của DSVH đối với phát triển du lịch nông thôn vùng ven đô Hà Nội

DSVH chứa đựng những giá trị cốt lõi của dân tộc, tạo ra những biểu tượng gắn kết các dân tộc. Một đặc điểm dễ nhận ra ở hệ thống các DSVH của cả nước nói chung và Hoài Đức nói riêng là phần lớn đều thờ những người có công chống giặc ngoại xâm, xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH là trách nhiệm chung của nhà nước và nhân dân. Trong xã hội ngày nay, sự tham gia của cộng đồng xã hội không còn bị giới hạn bởi việc bảo vệ, chăm sóc di tích và sự đóng góp công sức của họ (2). Các cá nhân và tổ chức kinh tế xuất hiện có thể cung cấp những khoản tiền lớn cho việc trùng tu, làm đẹp và mở rộng các di tích.

Nhân dân Hoài Đức tham gia vào việc bảo tồn và phát huy các di tích theo những cách sau: bảo dưỡng thường xuyên di tích (quét dọn, vệ sinh, làm sạch môi trường...), củng cố, hoàn thiện đồ thờ tự, quyên góp, tích cực đúc tượng thờ, dựng bia... Điều này cho phép thực hiện các công việc lớn nhỏ phục vụ cho việc trùng tu, làm đẹp các di tích mà ngân sách nhà nước không thể đáp ứng được (3). Qua khảo sát về thực trạng vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của DSVH trên địa bàn huyện Hoài Đức có thể thấy, người dân đề cao vai trò của các di sản trong việc bảo vệ những nét văn hóa truyền thống. Cuộc vận động nhân dân sống trong vùng DSVH tham gia các hoạt động góp phần bảo vệ môi trường, gìn giữ DSVH, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở (4). Có thể thấy, loại hình du lịch nông thôn hiện đang là lợi thế của Hoài Đức, việc kết hợp du lịch với DSVH tạo ra bước phát triển nước đôi cho địa phương này. DSVH là một nguồn tài nguyên vô giá mà Hoài Đức hiện đang có, các giá trị tại các làng xã là khác nhau nó tạo nên sự đa dạng trong hoạt động văn hóa. Như vậy, người dân nhận thức tích cực về việc dựa vào DSVH để phát triển du lịch nông thôn và họ cũng có những mối lo để phát triển hiệu quả và toàn diện nhất.

Thực trạng việc bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch nông thôn huyện Hoài Đức

Đầu tiên, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội X, XI và mới nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH trong sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước, chính quyền và nhân dân Hoài Đức đã có các hoạt động thực tiễn nhằm lưu giữ, bảo tồn các DSVH của huyện.

Huyện Hoài Đức có rất nhiều lễ hội thú vị, hấp dẫn, có thể kể đến như: Đêm hội Giã La tại di tích đình, quán, chùa Cả; Hội Giá tại đình Giá thuộc làng Giá, xã Yên Sở… Thông thường, các lễ hội này thường diễn ra trong khoảng 1- 2 ngày, đây là một điểm sáng giúp du lịch Hoài Đức phát triển và thu hút được nhiều du khách đến trải nghiệm, qua đó giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập.

Du lịch của Hoài Đức mang tính mùa vụ rất lớn và phụ thuộc chủ yếu vào mùa lễ hội của các DSVH mà chưa tận dụng được các di sản này để phát triển du lịch quanh năm. Để kiểm tra về nhu cầu du khách, nhóm nghiên cứu đã thực hiện theo khảo sát trên 65 đối tượng là khách du lịch về mục đích tới tham quan DSVH, có 66,2% tới để thắp hương, khấn bái; 58,5% tới để tham quan, vãn cảnh và chỉ có lần lượt 26,2% và 20% là để tìm hiểu về di sản cũng như trải nghiệm văn hóa của địa phương. Khi được hỏi về giá trị ấn tượng nhất của DSVH, chúng tôi nhận được kết quả là: 52,3% khách du lịch ấn tượng với các giá trị tâm linh; 23,1% ấn tượng với các giá trị văn hóa; 13,8% khách ấn tượng với giá trị kiến trúc - nghệ thuật và chỉ có 10,8% người được hỏi ấn tượng với giá trị lịch sử (5).

Kết quả này hoàn toàn không cân xứng với hệ thống di sản mà Hoài Đức đang sở hữu. Chính những mục tiêu này sẽ tạo nên cơ sở để kết hợp phát triển du lịch nông thôn và DSVH tại Hoài Đức.

Giải pháp, khuyến nghị bảo tồn và phát huy giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch nông thôn vùng ven đô Hà Nội.

Để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch nông thôn tại vùng ven đô Hà Nội cần xây dựng chiến lược phát triển chi tiết và lâu dài mới đem lại thành công, cụ thể:

Một là, đầu tư xây dựng đào tạo trình độ du lịch cho người dân bằng các lớp đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ du lịch, quản lý nhà hàng, cơ sở lưu trú để nâng cao trình độ cho người dân địa phương trong lĩnh vực dịch vụ du lịch.

Thứ hai, chính quyền và nhân dân tại Hoài Đức cần thay đổi cơ cấu trong lao động sản xuất, tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giảm dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ ba, để hoạt động du lịch nông thôn đạt hiệu quả, cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù như: thăm các vườn trồng nho, các ngôi đình, đền, chùa có niên đại tới hàng trăm năm, biểu tượng đặc trưng cho văn hóa và nghệ thuật của làng đó.

Thứ tư, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiệm vụ chính của chương trình là đầu tư và phát triển điểm du lịch Hoài Đức cùng với các DSVH để hướng tới mục tiêu xây dựng thành công nông thôn mới.

 Xây dựng mô hình kinh tế gắn liền với việc phát triển du lịch nông thôn vùng ven đô Hà Nội.

Huyện Hoài Đức vốn được biết đến rộng rãi nhờ các mô hình nhà vườn, nhiều loại cây ăn trái, vườn rau sạch và các làng nghề thủ công truyền thống. Nếu đưa các mô hình du lịch trải nghiệm với nhau sẽ tạo hiệu quả cao hơn, như kết hợp việc tham quan, trải nghiệm mô hình nhà vườn với tham quan tìm hiểu các di tích sẽ tạo được hứng khởi, hứng thú hơn đối với du khách. Ví dụ trên địa bàn huyện Hoài Đức có thể kết hợp: một nhà vườn + một di tích lịch sử + một làng nghề truyền thống để trải đều, phát triển toàn diện các thế mạnh trong khu vực. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đưa ra mô hình: “nhà vườn - di tích - làng nghề” hoặc “nhà vườn - di tích”, “làng nghề - di tích”. Nhằm kết nối giữa DSVH với nông thôn (giữa các DSVH lịch sử với nhà vườn, trang trại, làng nghề thủ công) nhóm đề ra một số tour tuyến nổi bật như: trải nghiệm miệt vườn (cam Canh) tại xã Yên Sở kết hợp với cụm di tích Nhà thờ Đại tôn Lục Chi và Ngôi nhà “Nhất dạ tri ân” và tham quan trải nghiệm làng nghề truyền thống Sơn Đồng, xã Sơn Đồng. Việc xây dựng mô hình này có thể phát triển đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực, nhóm ngành nghề liên quan đến du lịch từ khách sạn, homestay, các nghề thủ công, các di tích lịch sử, ăn uống, và nông nghiệp… đặc biệt mô hình sẽ giúp việc bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH ngày càng đạt được hiệu quả cao. Ngoài ra, có thể thấy những quận huyện lân cận đều có những loại hình du lịch như nhà vườn, di tích lịch sử hay các làng nghề. Ví dụ như Đan Phượng có du lịch vườn nho, hoặc làng nghề làm bánh kẹo, chế biến thực phẩm; Từ Liêm có một số làng nghề như làng Cốm; Hà Đông có làng lụa Vạn Phúc…

__________________

1. Phòng Văn hóa và Thông tin UBND huyện Hoài Đức, Báo cáo công tác quản lý di sản văn hóa, thiết chế văn hóa và du lịch trên địa bàn huyện Hoài Đức, 2023, tr.1-3.

2. Nguyễn Thị Thu Trang, Cộng đồng với việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2016, tr.27-28.

3. Trần Đức Nguyên, Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di tích lịch sử văn hóa (Qua nghiên cứu trường hợp Bắc Ninh), Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2013, tr.37-38.

4. Đỗ Văn Trụ, Vai trò của di sản văn hóa trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, dangcongsan.vn, 28-11-2022.

5. Kết quả khảo sát khách du lịch tại Hoài Đức tháng 2-3 năm 2023.

6. Trần Ngọc Khánh, Thuyết tương quan và văn hóa đô thị, Tạp chí Văn hóa và nguồn lực, số 3 (27), 2021, tr.30.

Tài liệu tham khảo

1. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30-12-2011.

2. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, 1998.

3. Nguyễn Quang Ngọc, Lê Thị Thu Hương, Nguyễn Quang Anh, Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ngô Thị Minh, Bùi Văn Tuấn, Giáo trình Hà Nội học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018, tr.141.

4. Lê Quý Đức, Di sản văn hóa nhìn từ góc độ kinh tế, in trong Văn hóa và phát triển ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Lý luận Chính trị, 2004, tr.166.

TS BÙI VĂN TUẤN - TRƯƠNG DIỆP THỦY - BÙI TRUNG HIẾU - DƯƠNG HỮU HẢI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;