Phát huy vai trò hương ước, quy ước trong xây dựng làng (thôn, ấp, bản…) văn hóa trong giai đoạn hiện nay (tiếp theo số 489 và kết)

Hương ước, quy ước cụ thể hóa các nội dung phong trào xây dựng làng (thôn, ấp, bản…) văn hóa

Xây dựng tình đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái, xóa đói giảm nghèo

Qua các bản hương ước, quy ước xưa, ông cha ta đặc biệt coi trọng việc gìn giữ và phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh nội sinh giúp các làng xã giữ gìn được những nét văn hóa truyền thống, kháng cự được những ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai và đoàn kết chống giặc ngoại xâm.

Ngày nay, cùng với quá trình phát triển kinh tế, giao lưu, hội nhập sâu rộng, diện mạo các làng quê truyền thống đã có nhiều thay đổi, điều kiện lao động, phương thức sản xuất, đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng lên, cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm đã được đầu tư khang trang, nhưng tình làng nghĩa xóm vẫn được cộng đồng gìn giữ và phát huy. Tư tưởng đoàn kết, tương thân tương ái được thể hiện một cách sâu rộng, bao trùm toàn bộ các nội dung của hương ước, quy ước ngày nay, gắn liền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm kế thừa và phát huy các giá trị thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống trong xây dựng cuộc sống mới, tạo ra sự kết hợp những yếu tố văn hóa truyền thống và hiện đại, phù hợp với xu thế đổi mới về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng thời, tạo nên sức đề kháng cho làng xã trước những biểu hiện của lối sống thực dụng từ bên ngoài, khắc phục, loại bỏ những hủ tục, biểu hiện của lối sống tiểu nông, khép kín không còn phù hợp. Tinh thần đoàn kết trong các bản hương ước, quy ước ngày nay được thể hiện trong việc thực hiện đầy đủ những chính sách của Nhà nước, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Cuộc vận động vì người nghèo”; quan tâm, chăm sóc người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật, người cơ nhỡ, người có hoàn cảnh khó khăn; các hoạt động nhân đạo, từ thiện; gìn giữ nền nếp gia phong, ứng xử văn hóa, xây dựng gia đình hòa thuận, cộng đồng đoàn kết, đảm bảo an ninh trật tự.

 

Ví dụ:

Quy ước thôn văn hóa Đông Xuyên, xã Quảng An, tỉnh Thừa Thiên Huế quy định: Các gia đình giúp đỡ nhau giải quyết những vấn đề khó khăn, các mâu thuẫn và tiến hành hòa giải thỏa đáng. Các gia đình trong làng đồng tình giúp đỡ các gia đình nghèo về kỹ thuật, về vốn để sản xuất, đảm bảo không có hộ đói trong làng. Trong quan hệ gia đình, làng xóm, ông bà, cha mẹ phải mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Sống có đạo lý nghĩa tình, kính già yêu trẻ, sống có kỷ cương phép nước, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, đoàn kết gắn bó, cùng nhau xây dựng quê hương, làng xóm.

Bản Quy ước xây dựng đời sống văn hóa Ấp 3, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An nhấn mạnh: Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Các chi tổ hội thực hiện góp vốn xoay vòng để giúp nhau phát triển làm kinh tế. Trong quan hệ láng giềng, lấy thái độ ôn hòa, nhường nhịn, tôn trọng, thông cảm mà xử sự, không gây chia rẽ mất đoàn kết, không tạo mâu thuẫn giữa các hộ gia đình với nhau. Mọi người phải tích cực rèn luyện thân thể, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Quy ước văn hóa thôn Phú Điền, xã Bình Điền, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế quy định: Trong quan hệ láng giềng phải thân thiện, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, lúc khó khăn hoạn nạn; tôn trọng quyền lợi, cuộc sống riêng của mỗi gia đình; giải quyết tốt các mâu thuẫn và quyền lợi trong thôn với ý thức xây dựng tình làng nghĩa xóm chân thành, thẳng thắn, tế nhị, trung thực, dân chủ và bình đẳng. Quan tâm chăm sóc các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Khi trong làng có tang, thực hiện lon gạo tình nghĩa; khi trong thôn có người qua đời, mỗi hộ gia đình đóng góp 1 lon gạo để hỗ trợ cho tang gia; tổ chức tang lễ không nên lãng phí, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế uống rượu, bia trong đám tang.

Thông qua hương ước, quy ước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng ngày càng được phát huy, thể hiện ở nhiều mặt trong đời sống xã hội. Cụ thể: các thôn Triệu Nội, Phù Nội thuộc xã Hùng Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đã thành lập một đội lễ tang có nhiệm vụ giúp đỡ các gia đình trong làng khi có người không may qua đời mà không lấy tiền công; đồng thời, mỗi gia đình trong làng phải cử một người đến giúp đỡ; tổ dân phố văn hóa Thạch Bình, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế quy định: “tang lễ là nghĩa cử cao đẹp của mọi người đối với người quá cố. Mọi gia đình có nghĩa vụ giúp đỡ, viếng thăm, phúng điếu và tiễn đưa người quá cố của tổ dân phố đến nơi an nghỉ cuối cùng”; “Nam công dân trong tổ dân phố đủ 16 tuổi trở lên phải tham gia đầy đủ lễ di quan, tập trung đúng nơi quy định khi có lệnh tổ dân phố… Nếu người nào có hành vi né tránh sẽ bị làng phạt bằng cách nếu gia đình đó có người mất làng sẽ không đến đưa tang...

Từ tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái được quy định trong hương ước, quy ước đã xuất hiện những điển hình về giúp đỡ nhau sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng cuộc sống, như: mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở xã Hùng Sơn, tỉnh Hải Dương; mô hình phát triển các làng nghề truyền thống như nghề gốm sứ, chạm khắc, dệt vải, đan lát, nghề rèn, nghề mộc ở các vùng miền...

Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, các gia đình luôn tương trợ, giúp đỡ nhau theo hình thức đổi công để đảm bảo mùa vụ; đoàn kết cùng nhau bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước; hỗ trợ  nhau khi trong gia đình có các công việc lớn như ma chay, cưới hỏi, làm nhà... Người Mông, người Dao ở Lào Cai quy ước: Các gia đình trong bản, hỗ trợ lợn, củi, gạo, rượu cho gia đình có việc cưới, việc tang... Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái còn được thể hiện qua những quy định của luật tục trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng.

Xây dựng và hình thành quy tắc ứng xử giữa con người với con người, con người với tự nhiên và xã hội

Trong tiến trình phát triển của lịch sử xã hội, mối quan hệ giữa con người với con người là vấn đề chủ quan, và mối quan hệ giữa con người với tự nhiên là vấn đề khách quan. Việc ứng xử có văn hóa, nhân văn giữa con người với con người, giữa con người với môi trường tự nhiên đều hướng đến sự phát triển bền vững, là quá trình chuyển từ nhận thức, thái độ, trách nhiệm đến hành vi. Lối ứng xử đó đã được thể hiện sâu sắc trong các bản hương ước, quy ước, trở thành bộ quy tắc ứng xử giữa con người với con người (trong láng giềng, dòng họ, gia đình), giữa con người với môi trường tự nhiên.

Ở các bản hương ước, quy ước luôn đề cao mối quan hệ láng giềng thân thiện; đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, lúc khó khăn hoạn nạn; tôn trọng quyền lợi, cuộc sống riêng của mỗi gia đình, giải quyết tốt các mâu thuẫn và quyền lợi trong thôn với ý thức xây dựng tình làng nghĩa xóm chân thành, thẳng thắn, tế nhị, trung thực, dân chủ và bình đẳng; quan tâm chăm sóc các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn; các thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, thương yêu nhau. Mỗi thành viên phải biết hướng thiện, biết cảm thông và sống vị tha, cư xử đúng với vị trí của mình, có nếp sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Giáo dục nền nếp gia phong, dòng họ; có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của gia đình và dòng họ. Tự hòa giải các mâu thuẫn, xích mích trong gia đình, tránh làm liên lụy đến cộng đồng....

Ví dụ: Các bản hương ước, quy ước trước đây được xây dựng với mục đích duy trì tôn ty, trật tự, sự đoàn kết trong cộng đồng, như: việc lập Cấm điều của làng Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế xuất phát từ những biến đổi của đời sống xã hội ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa, truyền thống, nền nếp gia phong của cộng đồng, gia đình, dòng họ, yêu cầu cần có những điều chỉnh, bổ sung hương ước của làng: “Xưa nay các đời nối nhau gìn giữ, chẳng dám vi phạm; con cấy cháu cày, phong thuần tục tốt. Hiện thời lòng người phiền phức, chia gì cũng muốn cho riêng mình, không đếm xỉa đến công dựng nghiệp của cha ông, giành nhau lợi nhuận, bỏ bê việc chung, đến nỗi đất đai nghiêng ngả, cây cối xác xơ. Thấy cảnh càng thêm nghĩ ngợi, há chẳng đau lòng mà không đoán đến phận sự trong vũ trụ sao?” Trong mối quan hệ đó, các hương ước, quy ước đều có những quy định rất rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức và cá nhân, những gì mà phe, giáp, lý trưởng... được làm và không được làm.

Ngày nay, khi xã hội đã thay đổi, các phe, giáp truyền thống không còn, thay vào đó là thôn, làng, ấp, bản…, bộ máy tổ chức đảm nhiệm chức năng điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng. Ngoài ra, còn có các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, các ban, ngành, đoàn thể hoạt động theo quy định của pháp luật. Do vậy, vai trò của hương ước, quy ước trong mối quan hệ này mang tính tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Ở một số thôn, làng ngày nay đã xuất hiện mô hình, nhóm, hội dựa trên sở thích, phát triển kinh tế, như: hội xóm, hội làng, hội đồng niên, thông gia, liên gia... họ cũng đặt ra những quy định và hoạt động riêng do những người tham gia tự thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện.

Giáo dục truyền thống, giữ gìn thuần phong mỹ tục dân tộc

Thuần phong mỹ tục là những giá trị văn hóa hướng con người tới cuộc sống tốt đẹp, hòa thuận, biết ơn tổ tiên, cội nguồn dân tộc, chăm chỉ hăng say lao động, đoàn kết, hiếu thảo. Để giữ gìn thuần phong mỹ tục của cộng đồng cần có phương pháp phù hợp. Cha ông ta đã vận dụng hương ước, quy ước làm công cụ để bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng. Giáo dục truyền thống, gìn giữ thuần phong mỹ tục được xác định là nội dung quan trọng trong xây dựng và thực hiện hương ước.

Ngay lời mở đầu, các bản hương ước, quy ước đều nêu rõ mục đích của việc xây dựng hương ước, quy ước của làng là nhằm giáo dục truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng; phòng ngừa, bài trừ những thói hư tật xấu làm ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống.

Ví dụ:

Tục lệ làng Thiệu Kỳ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An soạn năm 1844 ghi “Từ trước thôn ta là đất văn hiến. Tương truyền rằng: Thời Trần có Thượng thư họ Đỗ. Thời Lê có Tiến sĩ họ Lê. Tiếp nối khoa cử đời nào cũng có. Tục lệ xưa nay vốn đã thành nếp. Nay bổ sung cho đầy đủ thêm, thiết tưởng cũng là điều có ích. Nay Nhà nước có chủ trương chấn hưng tục lệ. Thôn ta vốn là nơi văn vật, gặp lúc vận may. Xây dựng một bản điều ước tốt đẹp cho dân làng há không phải là việc nên làm hay sao? Sưu tầm điều ước cũ, thế tất nhân tình, chọn lọc những gì còn thích hợp bổ sung những điều cần thêm sao cho hợp thời nay”.

Hương ước, quy ước trở thành phương tiện để truyền tải, giáo dục, khuyến khích và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, làng bản, tránh xa những thói hư tật xấu, loại bỏ những hủ tục, tập quán không phù hợp, hướng tới xây dựng những quy tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội phù hợp với đời sống kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng của từng làng, từng dân tộc.

Ở mỗi gia đình, mỗi dân tộc lại có những quy tắc riêng về nếp ăn ở, đi lại, ứng xử, giao tiếp giữa các thành viên. Trong các gia đình, thường chú trọng đến giáo dục lễ nghi, ứng xử, trung hiếu, tiết nghĩa, kính trên nhường dưới, anh em sống hòa thuận, thương yêu nhau. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài những quy định chung như trên còn có những quy định rất chặt chẽ trong quan hệ hôn nhân, thứ bậc, địa vị và các phép tắc truyền thống của gia đình. Ví dụ: Người Mông quy định con dâu tuyệt đối không được vào buồng ngủ của bố chồng và ngược lại; anh trai không được gắp thức ăn cho em dâu; chỉ nam giới mới được tham gia vào các hoạt động thờ cúng của gia đình, dòng họ...           

Hương ước, quy ước đối với việc xây dựng gia đình, dòng họ văn hóa

Nhiều bản quy ước đã đưa ra những quy định cụ thể về “Xây dựng gia đình văn hóa”, như: tại Điều 5 bản Quy ước xây dựng thôn văn hóa Phủ Liễn 3, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế quy định về xây dựng gia đình văn hóa: Phấn đấu hằng năm có 90% gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa; Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, chăm ngoan, hiếu học, người lớn trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, không vi phạm pháp luật Nhà nước,  thực hiện nghiêm túc chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình theo quy định hiện hành; kinh tế gia đình ổn định, thực hiện tiết kiệm; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho các thành viên trong gia đình ngày càng được nâng cao”.

Ví dụ:

Quy ước xây dựng tổ dân phố văn hóa Thạch Bình, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế quy định về xây dựng gia đình văn hóa: Mỗi gia đình trong tổ dân phố phải đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, phấn đấu hằng năm trong tổ dân phố có từ 85 - 95% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Vai trò hương ước, quy ước với phong trào xây dựng đời sống văn hóa còn gắn với việc phát huy truyền thống của các dòng họ; tôn vinh các dòng họ có nghề thủ công truyền thống; các dòng họ khuyến học... Một số địa phương đã đăng ký, xây dựng dòng tộc văn hóa trong phong trào xây dựng làng văn hóa. Năm 2001, tỉnh Quảng Nam đã có tới 1.184 họ tộc văn hóa. Họ tộc văn hóa là gạch nối giữa gia đình văn hóa và làng văn hóa. Khi đăng ký các họ tộc văn hóa, các dòng họ ở Quảng Nam đều soạn thảo tộc ước văn hóa với nội dung: “Giữ gìn và tăng cường đoàn kết nội bộ họ tộc và đoàn kết các gia tộc ở địa phương; giáo dục con cháu sống có đạo lý, nghĩa tình, thực hiện phong trào 5 không (không có người vi phạm pháp luật, kể cả say rượu bia, quậy phá; không có người thất học mù chữ; không có hộ đói nghèo; không có người nợ nần dây dưa; không có người sinh con thứ ba trở lên); giữ gìn thuần phong mỹ tục, tiếp thu chọn lọc các tục lệ cổ truyền; chấp hành và thực hiện đầy đủ luật pháp và các quy định của chính quyền địa phương”.

Hình thành các chuẩn mực, quy tắc đạo đức mới

Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu mỗi người phải năng động, sáng tạo hơn để thích ứng với hoàn cảnh; phải trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống văn minh. Hương ước, quy ước cũng đã bắt nhịp với yêu cầu này và luôn có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Các quy tắc, chuẩn mực đạo đức truyền thống không còn phù hợp được sửa đổi; các quy tắc chuẩn mực đạo đức mới được hình thành và đưa vào hương ước, quy ước để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng.

Các quy tắc, chuẩn mực đạo đức mới trong hương ước, quy ước được thể hiện rõ nhất từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển; “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tiêu biểu là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được hưởng ứng và đồng thuận thực hiện ở các tầng lớp nhân dân. Vai trò của hương ước, quy ước trong xây dựng, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống được phát huy. Nội dung xây dựng trên cơ sở kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống của các bản hương ước xưa, đồng thời bổ sung những quy tắc, chuẩn mực mới vào hương ước, quy ước cho phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội.

Hương ước, quy ước đối với việc xây dựng kỷ cương phép nước, phát huy dân chủ ở cơ sở

Nhìn ở lăng kính hẹp, việc giữ gìn kỷ cương trong cộng đồng gồm nhiều khía cạnh, như việc bảo đảm an ninh, chống các tệ nạn xã hội, duy trì tốt các quan hệ gia đình, dòng họ, cộng đồng làng. Nhìn ở lăng kính rộng là phép nước: “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Phải nắm được cái chung nhất để soạn thảo hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện của làng. Hương ước, quy ước một mặt buộc các thành viên phải tuân thủ các quy định của làng, giữ “hòa khí” làng xóm; mặt khác cũng có các điều khoản khuyên nhủ, khuyến cáo, đôn đốc, giám sát, buộc các cá nhân phải tuân theo pháp luật.

Để phát huy vai trò, thế mạnh của hương ước, quy ước trong việc duy trì trật tự xã hội và từng bước đưa các quy định pháp luật “đi vào đời sống, phát huy khả năng điều chỉnh của mình, các quy phạm của luật nước phải tìm cách hóa thân vào các quy định của hương ước, thông qua hương ước để đưa các mục tiêu điều chỉnh của mình đến từng cộng đồng làng, xã”. Do vậy, việc xây dựng hương ước, quy ước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay được xác định là nội dung quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Mục tiêu đưa các quy định của pháp luật vào thực tế đời sống các làng quê và quản lý thôn làng bằng pháp luật là nội dung quan trọng được cụ thể hóa trong các bản quy ước, hương ước ngày nay.

Ví dụ: Quy ước xây dựng làng văn hóa Thành Trung, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế quy định:

“- Thường xuyên nâng cao cảnh giác, phát hiện kịp thời những đối tượng khả nghi, phòng ngừa, ngăn chặn những người có hành vi phạm tội và các tệ nạn xã hội liên quan khác. Thực hiện “mỗi người dân là một công an viên”.

- Tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự, an toàn thôn, xóm; không gây gổ, ẩu đả hoặc biểu hiện những hành vi xấu.

- Nghiêm cấm rượu bia say sưa, gây rối mất an ninh trật tự, phá hoại tài sản của nhân dân hoặc đánh nhau gây thương tích.

- Nghiêm cấm trộm cắp tài sản của nhân dân và tài sản của công”.

Có thể nói, hương ước, quy ước do cộng đồng đặt ra nhằm gắn kết giữa các cá nhân với nhau, giữa gia đình trong một dòng tộc, giữa các thế hệ trong cùng gia đình, giữa cá nhân với cộng đồng, để duy trì trật tự, nền nếp gia phong, tinh thần đoàn kết, gắn bó, kính trên nhường dưới, quan hệ hàng xóm láng giềng hòa thuận… Đó là những giá trị cao quý góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện nhân cách, nhân phẩm của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng. Hương ước, quy ước là sự kết hợp hài hòa giữa quản lý và tự quản, giữa áp đặt và tự nguyện. Đây là tư tưởng cốt lõi của nhiều bản hương ước và đã đang mang lại nhiều hiệu quả trong quản lý cộng đồng. Điều mà luật pháp nhà nước khó có được những quy định cụ thể mang nét đặc thù cho từng làng xã, cộng đồng dân cư.

***

Thực tiễn xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở nước ta trong những năm qua đã khẳng định rõ vị trí, vai trò và giá trị của của hương ước, quy ước đối với việc quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần điều chỉnh, giải quyết các mối quan hệ cụ thể của thôn, làng, ấp, bản mà pháp luật chưa điều chỉnh; đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; gìn giữ, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở cơ sở; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở, chứng minh sự tồn tại bất diệt của nó trong đời sống xã hội.

 

NGUYỄN DUY KIÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022

 

 

;