Hải Dương: Giữ gìn văn hóa truyền thống qua di tích nhà thờ họ

Nhà thờ họ tộc là nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của một dòng họ, nơi các thế hệ sau thể hiện đạo hiếu, lòng biết ơn sâu sắc với thế hệ trước, đồng thời cũng là địa chỉ tạo sự gắn kết giữa các gia đình trong mối quan hệ huyết thống. Không chỉ vậy, một số di tích nhà thờ họ được gìn giữ qua hàng trăm năm còn là chứng tích về văn hiến, văn vật của những thôn làng truyền thống.

Ông Trần Xuân Cành, dòng họ Trần Điền Trì dâng hương tri ân tổ tiên
 

Niềm tự hào dòng tộc

Tới thăm nhà thờ họ Vũ ở thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương sẽ thấy thật trân quý những gì mà các thế hệ tiếp nối của dòng họ này còn gìn giữ được qua hàng trăm năm. Được khởi công xây dựng từ thế kỷ 19, nơi thờ cụ ông Vũ Thiện Phái và phu nhân là Phạm Thị Hiệu Từ Nhân, nhà thờ họ Vũ mang đậm dấu ấn thời Nguyễn với lối kiến trúc hình chữ Nhị, gồm 3 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Nhuốm màu rêu phong nhưng công trình vẫn đứng vững trước sự khắc nghiệt của thời gian và thiên nhiên. Điều này cho thấy sự tỉ mỉ trong việc xây dựng, lắp ghép vì kèo, cột cái, cột quân, đấu trụ, đấu nóc... của những người thợ tài ba xưa. Mà nào đã hết, di tích hiện vẫn giữ được nhiều hiện vật quý như: ngai thờ, khám thờ, tượng Cao tổ bằng gỗ từ thế kỷ 19 còn khá nguyên vẹn.

Hồ hởi giới thiệu về nhà thờ dòng họ mình, ông Vũ Văn Toán, hiện giữ vai trò Trưởng ban khánh tiết và trông coi nhà thờ cho biết: công trình này là tâm huyết của ông cha bao đời gây dựng và gìn giữ. Ở thời điểm hiện tại, dẫu cuộc sống có nhiều thay đổi thì nhà thờ họ Vũ vẫn luôn là nơi mà con cháu tề tựu hằng năm để thắp nén hương tri ân tổ tiên, đồng thời chia sẻ với nhau những việc tốt, những thành tích trong nghiên cứu, lao động, học tập... Các dịp ấy, dòng họ cũng tranh thủ trao quỹ khuyến học cho con cháu có thành tích học tập tốt, góp phần khích lệ, động viên tinh thần hiếu học.

Với những giá trị về kiến trúc cổ còn lưu giữ được, nhà thờ họ Vũ đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh vào năm 2010. Hiện nay, ngôi nhà do hậu duệ dòng họ Vũ kế thừa cùng chính quyền và nhân dân địa phương trông coi, gìn giữ.

Cùng với họ Vũ ở Gia Lộc, còn có thể kể đến lịch sử vẻ vang của dòng họ Trần Điền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách gắn với ba vị Tiến sĩ Trần Thọ, Trần Cảnh và Trần Tiến. Đây là ba thế hệ liên tiếp gồm ông, cha và con cùng đỗ Tiến sĩ thời Hậu Lê, cùng có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước, được sử sách ghi nhận. Cả 3 được ghi tên trong bảng vàng, bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) và để lại nhiều tác phẩm có giá trị, là tấm gương sáng về đạo học cho con cháu noi theo.

Nhà thờ họ Trần Điền Trì được xây dựng vào năm 1718 với kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm có tòa tiền tế 3 gian 2 dĩ và hậu cung 3 gian; ngăn giữa tiền tế và hậu cung là một khoảng sân lọng nhỏ. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử, nhà thờ đã được trùng tu vài lần và vẫn còn giữ dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn, đồng thời còn lưu giữ được hệ thống các cổ vật, di vật có giá trị với nhiều chất liệu khác nhau như: giấy, gỗ, gốm, đá... Trong đó, đặc biệt là cuốn Niên phả lục bằng chữ Hán do Phó đô Ngự sử Trần Tiến viết vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ 25 (1764), 13 tấm bia đá có từ thời Hậu Lê tới thời Nguyễn và 33 đạo sắc phong triều Hậu Lê...

Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc, nhà thờ họ Trần Điền Trì đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2005; đến năm 2020, mộ và nhà thờ 3 vị Tiến sĩ họ Trần Điền Trì được xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Ông Trần Xuân Cành, 84 tuổi, hậu duệ của dòng họ Trần Điền Trì chia sẻ: “Với truyền thống hiếu học quý giá từ bao đời, con cháu chúng tôi hiện vẫn miệt mài học tập, phát huy truyền thống hiếu học và khoa bảng của ông cha. Đến nay, dòng họ chúng tôi đã có gần 200 người đỗ đạt Cử nhân, hơn 30 Thạc sĩ, 6 Tiến sĩ, nhiều gia đình có con em 100% trình độ Đại học. Nhiều năm, dòng họ có hơn 30 con em cùng đỗ vào các trường Đại học. Cùng với việc kế tục truyền thống hiếu học, việc tu bổ, tôn tạo nhà thờ họ và phần mộ 3 vị Tiến sĩ cũng được dòng họ và nhà nước quan tâm, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân tiên tổ, góp phần phát huy ý nghĩa, giá trị lịch sử của di tích cho các thế hệ hiện tại và mai sau”.

Gìn giữ và phát huy

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có khoảng gần 600 di tích nhà thờ họ được kiểm kê lập hồ sơ đưa vào danh mục di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó, có 2 nhà thờ họ được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh. Tiêu chí để xếp hạng di tích cho nhà thờ họ bao gồm kiến trúc nghệ thuật và nhân vật lịch sử được thờ, thường là người đỗ đạt, có chức tước hoặc có đóng góp trong một thời kỳ lịch sử. Các di tích nhà thờ họ sau khi được xếp hạng sẽ do địa phương quản lý, gia đình thờ cúng tổ tiên và được nhà nước hỗ trợ kinh phí tu bổ nếu xuống cấp.

Ông Vũ Trường Sơn, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở VHTTDL Hải Dương cho biết: Các di tích nhà thờ họ có niên đại lâu năm, ngoài giá trị về kiến trúc thường gắn với những nhân vật có đóng góp lớn cho địa phương, đất nước hoặc là những người đỗ đạt cao trong lịch sử, là niềm tự hào của dòng họ, là tấm gương sáng trong việc giáo dục truyền thống, khơi dậy tinh thần hiếu học của dòng họ cũng như địa phương. Bên cạnh đó, cùng với hệ thống hơn 3.000 di tích trên toàn tỉnh, các nhà thờ họ đã góp phần làm đa dạng hóa các loại hình di tích, là minh chứng cho việc Hải Dương sớm có mặt trong tiến trình lịch sử của đất nước.

Có thể nói, từ xa xưa, dòng họ đã được coi là một cộng đồng thu nhỏ quan trọng để hình thành nên làng, xã. Chính vì vậy, việc giữ gìn nề nếp, gia phong, giáo dục của gia đình, dòng họ góp phần đem lại một xã hội tốt đẹp. Đó cũng là tiền đề để thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ đi sau truyền thống tốt đẹp của dòng họ trong cuộc sống  hôm nay.

Cũng cần phải nói thêm, ngoài giá trị kiến trúc, nhà thờ họ là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần to lớn như các bản gia phả, văn tự cổ, sắc phong, tượng thờ, bài vị… Từ những gì được lưu giữ trong nhà thờ họ, mỗi thành viên có dịp soi lại những tấm gương sáng, hiểu thêm về công lao của tổ tiên trong việc hình thành nên dòng họ hay đóng góp của các bậc tiền nhân với quê hương, đất nước được sử sách ghi nhận.

Chính bởi những giá trị lịch sử văn hóa to lớn ấy mà nhà thờ họ luôn có một vị trí đặc biệt trong tâm thức của mỗi gia đình, dòng họ. Đó không chỉ là nơi trở về thân thuộc của con cháu mọi miền vào mỗi dịp lễ, tết nhằm tri ân tổ tiên mà còn là minh chứng cho sức sống, sự kế thừa - tiếp nối của một dòng họ bền vững, phát triển lâu đời.

“Nhà thờ họ có thể được coi di tích tiêu biểu trong việc lấy người dân làm chủ thể để bảo tồn di sản văn hóa, là tài sản của cộng đồng dân cư. Để có thể phát huy hết giá trị của di tích nhà thờ họ, trong thời gian tới, các dòng họ cùng địa phương cần thường xuyên quan tâm, rà soát khi di tích xuống cấp; đồng thời các cơ quan chức năng cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ tu sửa đảm bảo đúng kiến trúc, đúng Luật Di sản. Ngoài tư liệu của dòng họ về nhân vật được thờ, các cơ quan chuyên môn nên sưu tầm và bổ sung tư liệu - hiện vật, góp phần làm sáng tỏ thêm những đóng góp của nhân vật được thờ tự đối với địa phương hay đất nước, từ đó giúp tuyên truyền, lưu giữ những giá trị di sản văn hóa ngay trong cộng đồng dân cư” - ông Vũ Trường Sơn chia sẻ.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, nhờ sự chăm lo, gìn giữ của bao thế hệ, nhiều di tích nhà thờ họ đã trở thành sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, tạo nên truyền thống của nhiều danh gia vọng tộc. Trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong các dòng họ tiếp tục được người dân bảo tồn, phát huy, trở thành di sản văn hóa quý báu của quê hương, đất nước góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc trên mỗi chặng đường phát triển.

 

Nhà thờ dòng họ Vũ, thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc
 

 

TRƯỜNG THÀNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021

 

 

;