Phát huy vai trò hương ước, quy ước trong xây dựng làng (thôn, ấp, bản…) văn hóa trong giai đoạn hiện nay

Hương ước, quy ước là văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các nguyên tắc ứng xử do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận và đặt ra để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính chất tự quản của nhân dân, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Hương ước, quy ước phản ánh tâm lý của người dân, phản ánh một phương diện quan trọng của văn hóa cộng đồng dân cư, đồng thời có ý nghĩa giáo dục và động viên nhân dân hành động, gắn bó dân làng thành một cộng đồng chặt chẽ, điều tiết các mối quan hệ ứng xử, trách nhiệm, quyền lợi của mọi thành viên trong cộng đồng dân cư. Hương ước trở thành thiết chế xã hội quan trọng để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng, gìn giữ và phát triển phong tục, tập quán, đạo đức, lối sống tốt đẹp của cộng đồng, dân tộc.

    Ảnh: Internet

 

 Sơ lược sự hình thành và phát triển hương ước, quy ước

a) Về hương ước

Hương ước gắn liền với làng (thôn, ấp, bản…) và được xem như lệ làng. Theo các nhà nghiên nghiên cứu văn hóa, “Lệ làng được phát triển trong hai thời kỳ: Thời kỳ “lệ làng” chưa thành văn từ nửa cuối thời Trần về trước và thời kỳ “lệ làng” thành văn có thể tính từ cuối thế kỷ XIV trở đi, trải dài 5 thế kỷ, với bao chặng đường phát triển tới giữa thế kỷ XX thì kết thúc. Từ khi “lệ làng” thành văn được mang nhiều tên gọi khác nhau tùy mỗi thời gian, mỗi làng, mỗi vùng. Trong đó phổ biến nhất là dùng tên “hương ước” hay “khoán ước”. Có thể khái quát lại quá trình ra đời và phát triển của “hương ước - khoán ước” ở nước ta thành 4 giai đoạn:

1) Từ nửa cuối thời Trần về trước, làng xã bắt đầu hoàn chỉnh về cơ cấu và tục lệ ra đời những “lệ làng” chưa thành văn. Đây là thời kỳ chuẩn bị cho sự ra đời của “hương ước - khoán ước”. 2) Từ cuối thời Trần đến thời Lê Sơ, cơ cấu tổ chức làng xã ngày càng hoàn chỉnh hơn, đời sống xã hội ngày càng thêm phong phú và phức tạp, “lệ làng” được văn bản hóa tức là các bản “hương ước - khoán ước” ra đời. 3) Từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, làng xã bị phong kiến hóa sâu sắc. Đó là thời kỳ nở rộ của “hương ước - khoán ước”. Tất cả các làng xã nông thôn trong xã hội Việt Nam đều xây dựng các bản “lệ làng” thành văn của mình. 4) Từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, thời kỳ cuối cùng của “hương ước - khoán ước”, chúng được sửa đổi nhằm phục vụ yếu tố “cải lương hương chính” để nắm các làng xã, củng cố chế độ cai trị của thực dân Pháp”.

Hương ước là văn bản pháp lý của mỗi làng, trong đó bao gồm các điều ước về dân sự, hình sự, các điều ước giữ gìn đạo lý, về phong tục tập quán... có liên quan đến tổ chức xã hội cũng như đến đời sống xã hội trong làng. Hương ước được hình thành trong lịch sử, được điều chỉnh và bổ sung mỗi khi cần thiết. Hương ước còn là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ làng xã trong cộng đồng làng, là công cụ để quản lý làng xã, các điều khoản của hương ước quy định trách nhiệm và chế độ thưởng phạt chủ yếu đối với các cá nhân trong làng. Với các điều khoản, hương ước đã kiểm soát, thái độ ứng xử của từng thành viên, không phân biệt già trẻ, gái trai và ở tầng lớp xã hội nào. Các hành vi từ ăn mặc, đi đứng, nói năng, thăm hỏi, học hành cho đến nghĩa vụ với gia đình, họ mạc, làng xóm trong việc ma chay, cưới xin, khao vọng, biện lễ, lễ tế, khao thọ đến việc tuần phòng canh gác chống trộm cướp đều được quy định tỷ mỷ, chặt chẽ trong các điều khoản.

Như vậy, hương ước đã trở thành luật pháp của làng khi nó tạo ra sự ràng buộc, áp đặt và cưỡng chế của cộng đồng làng xã đối với mỗi cá nhân, nắm cá nhân để nắm tổ chức buộc nó phải vận hành thống nhất. Nhờ đó hương ước còn là sợi dây bền chặt để nối liền từng cá thể trong cộng đồng làng xã.

b) Về quy ước

Qua các tư liệu nghiên cứu về hương ước, quy ước, bản quy ước đầu tiên được biết đến là quy ước của làng Trang Liệt, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, khởi thảo năm 1987. Đây là giai đoạn triển khai các mô hình thí điểm xây dựng làng văn hóa, chứa đựng những nội dung cơ bản của tiêu chí làng văn hóa, sau được ngành văn hóa nhân rộng, trở thành phong trào soạn thảo Quy ước làng, gắn với phong trào “Xây dựng làng văn hóa”. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và Chỉ thị 24/1998/CT-TTg… với chủ trương “khuyến khích xây dựng và thực hiện các hương ước, các quy chế về nếp sống văn minh ở các thôn, xóm” đã trở thành nền móng cho việc xây dựng hệ thống thể chế về hương ước, quy ước, hạt nhân là Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Và đến nay, hương ước, quy ước tiếp tục được khẳng định, ngày 8/5/2018 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước… nhằm tiếp tục vận dụng vai trò hương ước, quy ước trong xây dựng môi trường văn hóa, điều chỉnh các mối quan hệ ở cộng đồng dân cư làng (thôn, ấp, bản…). Việc soạn thảo và tổ chức thực hiện quy ước văn hóa là nội dung quan trọng của phong trào “Xây dựng làng văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Sự ra đời của quy ước xây dựng đời sống văn hóa là một đòi hỏi tất yếu với sự phát triển làng xã toàn diện trong tình hình mới, và đến nay hương ước, quy ước vẫn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Thực trạng xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thời gian qua ở địa bàn dân cư

Qua hơn hai thập kỷ triển khai thực hiện, các nội dung của phong trào xây dựng làng (thôn, ấp, bản…) văn hóa, hương ước, quy ước được coi là tiêu chí quan trọng trong xây dựng làng văn hóa, qua đó các nội dung phong trào đã được hương ước, quy ước cụ thể hóa với mục đích triển khai các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh; xây dựng đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa con người Việt Nam và phát huy tính chủ động sáng tạo của mỗi người dân, mỗi gia đình trong các hoạt động văn hóa, bảo vệ, giữ gìn và phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp; loại bỏ các hiện tượng mê tín dị đoan; phòng chống các tệ nạn xã hội như: ma túy mại dâm, cờ bạc… và đẩy lùi sự xâm nhập của văn hóa độc hại.

Trong quá trình hình thành và phát triển hương ước, quy ước và phong trào xây dựng làng (thôn, ấp, bản…) văn hóa có mối liên hệ mật thiết với nhau. Hương ước, quy ước là công cụ để cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung, tiêu chí của phong trào xây dựng làng (thôn, ấp, bản…) văn hóa như: Mục tiêu về thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong cuộc sống; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh và phong phú; xây dựng cảnh quan, môi trường sạch đẹp; Xây dựng môi trường cảnh quan sạch đẹp… đáp ứng nhu cầu tham gia hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân. Hiện nay, việc xây dựng, soạn thảo hương ước, quy ước đã được thể chế hóa và phát triển rộng khắp ở các làng quê Việt Nam.

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện hương ước, quy ước  

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 1998 về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, các bộ, ngành liên quan đã triển khai ban hành các văn bản hướng dẫn việc triển khai xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở như: Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, ấp, cụm dân cư; Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN-UBQGDSKHHGĐ ngày 09 tháng 7 năm 2001 hướng dẫn bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN về việc thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007; Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; Tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện hương ước, quy ước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2019.

 Ở Trung ương, việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước chủ yếu được triển khai gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì), cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì) và Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; được thực hiện cao điểm vào khoảng những năm 2000-2005. Năm 2018, thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức việc rà soát, kiểm tra và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

Cùng với hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức các cuộc kiểm tra, khảo sát về tình hình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm để đánh giá thực trạng của công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, qua đó nắm bắt tình hình thực tiễn về thuận lợi và khó khăn, bất cập trong công tác này tại địa phương để từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả.

Tại các địa phương, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước cụ thể hóa bằng các Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, Quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh và kế hoạch triển khai của các địa phương.

Kết quả xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở

- Xây dựng thể chế, chính sách

Các văn bản quy phạm pháp luật trên đã quy định cụ thể nội dung và hình thức thể hiện của hương ước, quy ước, thủ tục soạn thảo, thông qua, phê duyệt, tổ chức thực hiện, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước, trách nhiệm của UBND các cấp trong quản lý việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước... tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các thiết chế tự quản ở nông thôn, điều chỉnh các quan hệ xã hội tại cộng đồng dân cư, thực hiện tinh thần mở rộng dân chủ ở cơ sở, giúp nhân dân tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra

Ở Trung ương, việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước chủ yếu được triển khai gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào xây dựng làng (thôn, ấp, bản…) văn hóa nói riêng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì. Cùng với hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức các cuộc kiểm tra, khảo sát về tình hình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm để đánh giá thực trạng của công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, qua đó nắm bắt tình hình thực tiễn về thuận lợi và khó khăn, bất cập trong công tác này tại địa phương để nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả trong những năm tiếp theo.

Ở địa phương: các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, trong đó các tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của HĐND, Quyết định của Chủ tịch UBND các cấp và Kế hoạch hoạch triển khai của các địa phương và lồng ghép trong các văn bản chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp và đặc biệt là lồng ghép hiệu quả trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”.

- Tuyên truyền, vận động thực hiện

Qua khảo sát, các địa phương đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, nội dung của quy ước, các quy định của pháp luật về thực hiện quy ước, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, gìn giữ phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của địa phương.

Hình thức tuyên truyền hương ước, quy ước chủ yếu thông qua các cuộc họp thôn, trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, làng, ấp, bản; tuyên truyền qua Ngày hội đại đoàn kết toàn dân vào dịp cuối năm… Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền ở một số địa phương vẫn còn những hạn chế như: nội dung tuyên truyền chưa phong phú, còn mang tính hình thức, hiệu quả tuyên truyền chưa cao.

- Về nội dung xây dựng hương ước, quy ước:

Nội dung của các bản hương ước, quy ước cơ bản đảm bảo theo Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy trình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Kết quả cho thấy, hầu hết các hương ước, quy ước đã bám sát đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, xây dựng nếp sống văn hóa mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện chính sách dân số, gia đình và trẻ em; gìn giữ, bảo tồn và phát huy phong tục tập quán, đạo đức, lối sống tốt đẹp của cộng đồng.

Trong quá trình triển khai thực hiện, hương ước, quy ước ở các địa phương được gắn liền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần đưa các nội dung của hương ước, quy ước gắn với các hoạt động thực tế ở các thôn làng, ấp, bản và đã đạt được những kết quả nổi bật như: Tỉnh Quảng Ninh, huyện Bình Liêu là huyện miền núi vùng cao biên giới có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, nhờ xây dựng tốt quy ước, hương ước mà nhiều hủ tục lạc hậu đã bị xóa bỏ một phần hoặc xóa bỏ hoàn toàn. Chuyển biến tích cực phải kể đến hủ tục trong ma chay, cưới xin, tế lễ... Trước đây, khi con trai người Tày muốn lấy vợ phải sắm đủ 8 gánh cho nhà gái (80kg thịt, 80 lít rượu, 80kg gạo, 80 đồng bạc trắng...); nhiều gia đình cưới vợ cho con xong phải trả nợ 2 - 3 đời. Từ khi thực hiện hương ước, quy ước mới, việc thách cưới giảm dần, hình thức cưới được tổ chức gọn nhẹ và đặc biệt loại bỏ được tình trạng ăn uống dài ngày. Riêng tình trạng tảo hôn đã được xóa bỏ hoàn toàn.

Ở tỉnh Lai Châu - vùng miền núi khó khăn, với 20 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, việc thực hiện tốt hương ước, quy ước đang trở thành một công cụ hữu hiệu để quản lý, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Bản Chù Lìn, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường có 100% dân số là người Dao Đầu Bằng, liên tục từ năm 2005 đến nay, được công nhận là Bản văn hóa. 100% trẻ em được đến trường theo đúng độ tuổi, không có trẻ em bỏ học. Người ốm đau được đưa đến cơ sở y tế chữa bệnh. Trong bản không có người vi phạm pháp luật; trật tự an toàn được giữ vững; các tệ nạn xã hội, các hủ tục bị đẩy lùi. Bản không có người tảo hôn, không có người sinh con thứ ba. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được gìn giữ. Cánh rừng nguyên sinh vài trăm năm tuổi được người dân trong bản bảo vệ rất tốt, không bị chặt phá... Có được kết quả đó chính là nhờ việc xây dựng và triển khai thực hiện tốt các nội dung của hương ước, quy ước. Lúc đầu, hương ước, quy ước được quy định và truyền khẩu (thế hệ trước truyền cho thế hệ sau). Sau này, hương ước, quy ước được xây dựng thành văn bản để phát cho từng gia đình và phổ biến tại cuộc họp bản. Song, dù là truyền khẩu hay bằng văn bản thì những quy định cụ thể trong bản hương ước, quy ước luôn được người dân trong bản nghiêm túc thực hiện.

Ở tỉnh Phú Thọ, trong hương ước thôn Minh Đức, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập quy định rất rõ về bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng trên địa bàn. Quy ước của bản Hùng Nhĩ, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn quy định rõ việc không được bán nhà sàn đã có 50 tuổi ra khỏi làng để ngăn chặn việc “chảy máu nhà sàn”, quy định ngày lễ tết người dân trong bản mặc trang phục truyền thống của dân tộc... Hương ước của bản Lạng, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn quy định rõ không chặt cây, không hái củi trong khu rừng nguyên sinh Xuân Sơn; không chặt phá, không khai thác thạch nhũ trong các động, các hang; bảo vệ con nước, thác nước trong các khu rừng của địa phương. Quy ước của một số bản thuộc xã Đồng Thịnh, xã Hưng Long, huyện Yên Lập nêu rõ việc giữ gìn, khôi phục điệu múa Mỡi, múa Trống đu của người Mường... Nhờ những quy định trong các quy ước, hương ước mà việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Phú Thọ đã đạt được hiệu quả cao.

Đối với địa bàn các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước không chỉ theo quy định của pháp luật mà còn chú trọng đến yếu tố tiến bộ của luật tục trong đời sống sinh hoạt của các cộng đồng dân tộc tại chỗ. Tại Đắk Lắk, ở huyện Cư M’gar, quy ước buôn là "chìa khóa" để xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, như lời khẳng định của cán bộ văn hóa tại địa phương. Để ứng dụng hiệu quả, huyện đã chọn buôn Đing (xã Cư Dliê Mnông) xây dựng bản quy ước mẫu. Bản quy ước này, ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật, Ban Tự quản buôn đã linh hoạt đưa một số luật tục của cộng đồng để hoàn chỉnh thêm, đó là: Phân chia tài sản; Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; Bảo vệ môi trường, cảnh quan; Xử lý mọi hành vi trộm cắp và hành vi gây rối an ninh, trật tự xã hội. Hiện bản quy ước này có 6 chương, 37 điều và được các thành viên trong cộng đồng buôn Đing thực hiện nghiêm túc, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn. Tiếp theo đó, hơn 50 buôn còn lại đã tham khảo để xây dựng quy ước cho buôn của mình. Với nhóm các dân tộc thiểu số từ phía Bắc di cư vào, huyện chọn thôn Bình Minh (xã Cư Suê) làm điểm để xây dựng bản quy ước mẫu. Đây là thôn có đa số người Dao sinh sống từ những năm 1990. Hiện nay, thôn đã hoàn thiện bản quy ước gồm 5 chương, 20 điều. Đặc biệt, đồng bào ở đây rất quan tâm đến việc cưới, việc tang và các lễ hội truyền thống; trong cưới xin, không được tảo hôn, không ép hôn, không thách cưới... mà phải thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình; khi trong nhà có người chết, không để quá 3 ngày, hạn chế và tiến tới việc không đốt vàng mã để bảo đảm vệ sinh chung....

Sinh hoạt văn nghệ cộng đồng của người dân bản Giàng Vìn, xã Trí Nang.     

Ảnh: internet

 

Ở một số thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, những vùng có rừng, hương ước, quy ước thường có thêm các nội dung bảo vệ, phát triển rừng, định canh, định cư, loại trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Một số địa phương còn xây dựng và thực hiện các quy ước mang tính chuyên ngành như: “Quy ước bảo vệ và phát triển rừng” (Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, …), Quy ước về trồng, chăm sóc cây thảo quả (Lào Cai)...       

(Còn nữa)

 

NGUYỄN DUY KIÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 489, tháng 2-2022

;