Huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa): Bảo tồn và Phát huy di sản văn hóa phi vật thể

Trò múa hát quanh cây bông của đồng bào dân tộc Mường

 

Cẩm Thủy là huyện trung du miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa, có 3 dân tộc chính sinh sống (Kinh, Mường, Dao). Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ngành có liên quan đã làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc; thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa đến với người dân, thông qua đó góp phần làm chuyển biến trong nhận thức và hành động trong việc bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn huyện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Để thực hiện tốt công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, trong đó chú trọng bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Với chủ trương đưa các hoạt động văn hóa về cơ sở, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT) trên địa bàn huyện cũng như ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực - nổi bật là phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, làng, khu phố, cơ quan văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu. Đây là việc làm có ý nghĩa khoa học, đáp ứng tình hình thực tiễn để bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể, đặc biệt là của đồng bào dân tộc thiểu số như người Mường, người Dao trên địa bàn huyện. Đây cũng là mục tiêu, chiến lược trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Cẩm Thủy.

Một tiết mục biểu diễn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường

Các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT luôn được duy trì và phát triển. Các làng, cơ quan sau khi xây dựng làng, cơ quan văn hóa đều có những bước chuyển biến rõ nét về mọi mặt hoạt động, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch  - đẹp, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng cao, xây dựng nhân cách và lối sống đẹp, những giá trị nhân văn được bảo tồn, góp phần làm ổn định đời sống kinh tế, chính trị - xã hội, nâng cao dân trí, thúc đẩy sản xuất phát triển. Các đơn vị đã có những việc làm thiết thực trong việc thực hiện nếp sống văn minh, trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phát huy truyền thống đạo lý, uống nước nhớ nguồn, hiếu thảo, thủy chung của dân tộc, đề cao các chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống của dân tộc, thực hiện các hành vi ứng xử văn minh trong giao tiếp, ăn ở, đi lại,…

Về văn hóa dân gian, huyện Cẩm Thủy luôn giữ được một số bản sắc với những phong tục, cổ truyền rất đặc sắc như: Lễ cấp sắc, Múa rùa, Tết nhảy, Tết năm cùng của dân tộc Dao; hát Ru, hát Xường; mo Mường và Séc bùa của dân tộc Mường. nhạc cụ dân tộc hát Chèo của người Kinh,… Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện đã giúp đỡ các đơn vị thành lập các câu lạc bộ (CLB) đặc thù và định hướng dàn dựng chương trình, nội dung sinh hoạt của từng CLB, hỗ trợ về cơ sở vật chất, giúp các xã, các làng, các cơ quan củng cố lại các loại hình CLB, đặc biệt là đã chú trọng đến các CLB thế mạnh như: CLB Cồng Chiêng xã Cẩm Lương, Cẩm Liên, Cẩm Ngọc, Cẩm Thành; CLB hát Xường, hát Ru của dân tộc Mường; CLB nhạc cụ dân tộc của các cụ cao tuổi xã Cửa Hà, Cẩm Phong; CLB văn nghệ dân gian - dân tộc Dao - Bình Yên, xã Cẩm Bình và làng Thạch An xã Cẩm Liên;… Trong những năm gần đây, các CLB đã phát huy được thế mạnh của mình, sinh hoạt theo chủ đề và ngày càng thu hút được nhiều hội viên tham gia và gặt hái được nhiều kết quả. Đặc biệt, CLB Cồng chiêng xã Cẩm Liên, Cẩm Lương, Cẩm Ngọc đã giành được nhiều huy chương và Bằng khen tại các Hội thi toàn quốc. Việc củng cố và xây dựng các loại hình CLB, vừa phát huy được các giá trị văn hóa hiện đại vừa giữ được những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện. Song, để giữ được hoạt động đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc hướng dẫn phương pháp tổ chức các hoạt động, hỗ trợ kinh phí cho việc tu sửa, mua sắm thêm các cơ sở vật chất để văn hóa thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu trong việc nâng cao đời sống văn hóa cơ sở mà Đảng đã đề ra, đặc biệt là trong thời kỳ cả nước đang chung sức xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu.

Người dân tộc Dao huyện Cẩm Thủy nặn bánh để đón Tết năm cùng

 

Trung tâm thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, tuyên truyền gương tiên tiến trong công tác bảo tồn, phát duy di sản văn hóa... với nhiều hình thức như: Tuyên truyền qua hệ thống pano, áp phích, lồng ghép trong các cuộc họp ở thôn, tổ dân phố, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh không dây các xã, thị trấn, tuyên truyền qua các tin, bài, phóng sự  tuyên truyền lưu động cơ sở… qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội nên thiếu quan tâm đầu tư, khai thác hết mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa phi vật thể. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vât thể trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế như sau:

Người lớn tuổi và các nghệ nhân dân gian am hiểu về di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình ngày càng ít đi, một số giá trị nghệ thuật không được ghi chép, truyền dạy cho thế hệ trẻ kịp thời. Một bộ phận thanh niên dân tộc thiểu số có biểu hiện xa rời các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa chưa thực sự am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số.

Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, nhất là trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh còn hạn chế.

Có thể nói rằng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể là một trong những nội dung có quy mô rộng lớn, nếu không có sự quan tâm đầu tư kinh phí của Trung ương thì cấp địa phương rất khó khăn trong việc bảo tồn, gìn giữ, kế thừa và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có chính sách ưu đãi với đội ngũ Nghệ nhân Dân gian nắm giữ vốn văn hóa truyền thống và có khả năng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ... Quan trọng nữa là cần có cơ chế chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học và ưu tiên dành kinh phí cho việc bảo tồn, gìn giữ, kế thừa, phát huy từng loại hình di sản văn hóa phi vật thể thông qua các đề án cụ thể của từng lĩnh vực giữa các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý của Trung ương đối với địa phương; góp phần bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn huyện, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc.

 

LÊ HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022

 

;