HẬU GIANG: Giải pháp góp phần xây dựng nông thôn mới từ cuộc thi “Hộ gia đình có cảnh quan, môi trường, sáng xanh, sạch đẹp”

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, dọc theo những tuyến đường, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh các trang hoàng nhà cửa, cắt tỉa cây xanh, vệ sinh môi trường xung quanh... để làm cho bộ mặt quê hương mình sáng hơn, đẹp hơn khi mùa xuân về; đồng thời, góp phần làm cho không khí trong nhà thêm ấm áp, sung túc và đặc biệt là tạo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ để phòng, chống dịch bệnh COVID -19.

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hùng - Ấp Bình Hòa, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ rất tỉ mỉ trong việc chăm chút cảnh quan, môi trường trước nhà
 

Không chỉ vậy, các hộ gia đình trong toàn tỉnh Hậu Giang càng háo hức hơn khi việc làm này còn nhằm mục đích tham gia cuộc thi “Mô hình có cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp” lần thứ VIII giai đoạn 2021-2022 (sau đây gọi tắt là cuộc thi) do UBND các cấp phát động và trong các mô hình được phát động tham gia dự thi, có mô hình “Hộ gia đình”. Chính vì vậy, từng hộ gia đình rất “tỉ mỉ” trong việc làm đẹp cho ngôi nhà của mình, để đạt thứ hạng cao trong cuộc thi “Hộ gia đình có cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Cuộc thi được tổ chức 2 năm 1 lần, bắt đầu từ tổ nhân dân tự quản; đến ấp, khu vực; xã, phường, thị trấn; huyện, thị xã, thành phố và cuối cùng kết thúc ở cấp tỉnh. Cuộc thi phát động cho các mô hình: Hộ gia đình; Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu; Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã và Nhà văn hóa ấp đạt chuẩn; Tuyến đường nông thôn; Ấp, khu vực văn hóa; Chợ văn minh; Cơ sở thờ tự; Trường học; Trạm Y tế cấp xã; Trụ sở UBND xã, phường, thị trấn. Hiện nay, cuộc thi đã kết thúc ở tổ nhân dân tự quản và đang tiến hành ở các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh cho mô hình “Hộ gia đình”. Việc tổ chức cuộc thi luôn chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Có thể khẳng định rằng, hiệu quả từ cuộc thi lần thứ VIII nói riêng và những lần trước nói chung đã góp phần nâng cao nhận thức của các chủ thể được phát động tham gia trong việc chỉnh trang cảnh quan, môi trường bằng những việc làm mang tính tự giác, thường xuyên và hết sức tỉ mỉ, nhằm làm cho cảnh quan, môi trường tại nơi mình sinh sống, làm việc, học tập, sản xuất, kinh doanh được sạch đẹp hơn, có tính thẩm mỹ hơn, đặc biệt là thu hút được sự chú ý và tâm đắc của bất kỳ ai khi đã 1 lần nhìn thấy.

Nhiều người dân phấn khởi cho biết: “Tham gia cuộc thi không những làm cho cảnh quan nhà mình đẹp hơn, môi trường sạch hơn mà tâm hồn còn cảm thấy sảng khoái, vui vẻ, được “đắm mình” vào khung cảnh đẹp do chính mình tạo nên và một khi đời sống tinh thần tốt thì làm chuyện gì cũng hiệu quả cao hơn”.

Thích thú là cảm giác chung của nhiều người khi chạy xe trên các tuyến đường của quê hương Hậu Giang, họ cảm nhận được vẻ đẹp thật thu hút bởi hàng rào bằng cây xanh được chăm sóc hết sức công phu và thẳng tắp dọc theo hai bên đường, dưới hàng rào còn có hoa kiểng (cảnh) đủ màu sắc sặc sỡ làm cho không gian vùng quê thêm thanh bình, xanh mát, dễ chịu và hết sức độc đáo. Tất cả những hình ảnh đã làm cho chúng tôi cảm thấy thật ấm áp, háo hức và phấn khởi, bởi vì từng mô hình có cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp sẽ góp phần làm cho bộ mặt tỉnh nhà ngày thêm khởi sắc, từng bước tạo nên một nét đẹp riêng cho quê hương Hậu Giang trong thời gian tới.

Đánh giá sau khi kết thúc cuộc thi ở tổ nhân dân tự quản cho thấy, do được quan tâm đúng mức nên chất lượng Cuộc thi được nâng lên và xuất hiện một số điển hình mới được nhận định là đẹp hơn so với những điển hình đạt thứ hạng cao ở những lần thi trước. Điều đó chứng minh rằng, ý nghĩa và mục đích của cuộc thi là hết sức thiết thực, kích thích được toàn xã hội đồng lòng tham gia và tham gia một cách tích cực, đầy trách nhiệm, mang tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, quy trình phát động, bình chọn và chấm điểm luôn được thực hiện chặt chẽ, dân chủ và công tâm, tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân và đây chính là điều kiện thuận lợi giúp cho cuộc thi ở các cấp còn lại được tổ chức thành công, chất lượng các điển hình đoạt giải ngày càng thuyết phục.

Qua nhiều lần tổ chức cuộc thi đã tạo nền tảng vững chắc cho các địa phương hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng tiêu chuẩn “cảnh quan đẹp, môi trường sạch” trên bước đường xây dựng hoặc giữ vững và nâng chất các danh hiệu phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đề ra. Nổi bật là danh hiệu: “Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu”, “Ấp, Khu vực văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Phường, Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị nâng cao”... hướng tới thực hiện đạt các tiêu chí do ngành VHTTDL phụ trách trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Tính đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang có 348/4.008 tổ đạt danh hiệu “Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu”, chiếm tỷ lệ 8,68%; 519/525 ấp, khu vực đạt danh hiệu “Ấp, Khu vực văn hóa”, chiếm tỷ lệ 98,85%; 36/51 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, chiếm tỷ lệ 70,58% và 21/24 phường, thị trấn đạt danh hiệu “Phường, Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, chiếm tỷ lệ 87,50%.

Cuộc thi là một giải pháp trọng tâm thúc đẩy phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Từ đó góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, văn minh và giàu đẹp; bảo vệ tốt môi trường sinh thái và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… Tin chắc rằng, với sự vào cuộc đầy quyết tâm của cả hệ thống chính trị và mỗi cá nhân, cuộc thi sẽ mang lại nhiều kết quả đáng tự hào hơn và đây chính là nhân tố quan trọng tạo nên sự thay đổi đến bất ngờ về cảnh quan, môi trường trên địa bàn tỉnh và người dân địa phương càng hãnh diện hơn khi để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách các địa phương khác khi có dịp về thăm quê hương Hậu Giang. Có thể khẳng định, cuộc thi không những là điểm sáng của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, mà còn là giải pháp góp phần xây dựng nông thôn mới một cách có hiệu quả trong những năm qua và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Cảnh quan, môi trường ngày càng được nhân rộng, góp phần có hiệu quả vào phong trào xây dựng nông thôn mới
 

 

LƯ QUANG BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 483, tháng 12-2021

 

;