Ninh Bình: Sôi động các hoạt động Văn hóa - Thể thao năm 2023

Năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) tỉnh Ninh Bình đã tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt, thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, 4 giải pháp về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Ninh Bình và Bộ VHTTDL, Sở VHTT tỉnh Ninh Bình đã tham mưu tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao quan trọng, ý nghĩa, có sức lan tỏa, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng, theo dõi của đông đảo nhân dân và du khách, tạo không khí sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi động.

Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2023) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023
Ảnh : Minh Quang

 

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao thường xuyên được củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức thường xuyên với nhiều nội dung đa dạng, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương.

Bên cạnh các hoạt động thường niên, Ninh Bình đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa ý nghĩa như: Lễ kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023. Đây là một sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh Ninh Bình, được tổ chức trang trọng, nghiêm túc, chu đáo. Các hoạt động được diễn ra hiệu quả, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, ấn tượng, vui tươi, mang đậm những sắc màu văn hóa, tín ngưỡng linh thiêng của đất và người Ninh Bình.

Chương trình truyền hình thực tế và liveshow âm nhạc “Miền lau trắng” với sự hội tụ của các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng đã để lại nhiều hiệu ứng, hình ảnh tốt đẹp trong lòng khán giả, đồng thời sản phẩm văn hóa này có sức lan tỏa lớn, là điểm nhấn trong xây dựng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao ở Ninh Bình.

Chương trình Festival Ninh Bình - Tràng An năm 2023 với chủ đề Sắc màu di sản - kết nối và lan tỏa là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa quan trọng, khẳng định nỗ lực và năng lực của Ninh Bình trong tổ chức sự kiện văn hóa có quy mô lớn; là bức tranh đa sắc của di sản văn hóa các vùng miền trong cả nước, từ miền rừng núi Tây Bắc đến đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ được tỏa sáng trong không gian sơn thủy hữu tình của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An bằng nghệ thuật trình diễn sinh thực cảnh đặc sắc. Với việc tổ chức festival hằng năm, Ninh Bình hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu lễ hội riêng, có tính chất thường niên, thu hút và mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa trong nước, quốc tế, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các quốc gia, dân tộc, góp phần thúc đẩy hòa bình và hợp tác phát triển. Trong khuôn khổ festival còn có nhiều hoạt động ý nghĩa như Triển lãm, bế mạc cuộc thi ảnh nghệ thuật về Ninh Bình; Triển lãm di sản văn hóa phi vật thể và sản phẩm thủ công truyền thống toàn quốc và các Liên hoan nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật hát Xẩm… với quy mô ngày càng lớn.

Cùng với các hoạt động nghệ thuật gây tiếng vang và thu hút đông đảo công chúng, Ninh Bình đã phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ thức thành công 3 hội thảo khoa học quan trọng thu hút đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước, quốc tế tham dự, tạo cơ sở lý luận và khoa học để tỉnh xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án, kế hoạch, dự án phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh. Hội thảo khoa học Nghề gốm cổ Ninh Bình - truyền thống và hiện đại đã bổ sung, củng cố, làm rõ các luận cứ khoa học, lịch sử, văn hóa của quá trình hình thành và phát triển nghề gốm nói riêng, vùng đất Ninh Bình nói chung (bao gồm đồ gốm, đồ sành, đồ sứ, vật liệu kiến trúc) qua các giai đoạn lịch sử trên vùng đất Ninh Bình. Nghiên cứu và làm sáng tỏ vai trò, vị trí của di tích khảo cổ học Mán Bạc và làng gốm cổ Bồ Bát trong lịch sử hình thành, phát triển nghề gốm và vùng đất, con người Ninh Bình, từ đó đề xuất phương hướng bảo tồn và phát huy truyền thống nghề gốm cổ Ninh Bình trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa tại địa phương.

Hội nghị quốc tế về phát huy các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam là cuộc tổng kết, đánh giá thực tiễn bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; chia sẻ, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về bảo tồn và phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; đề xuất giải pháp huy động nguồn lực và sự tham gia của người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững và đưa ra các khuyến nghị về bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững.

Hội thảo khoa học quốc tế Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế, xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương thu hút gần 200 đại biểu, khách mời là các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự đã xác định các định hướng và giải pháp có thể giải quyết hài hòa, hiệu quả mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế, xã hội trên cơ sở quản trị vùng, liên vùng và địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng, kinh nghiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong thực hiện phục dựng, bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế của cá nhân, cộng đồng, tỉnh, khu vực và cả nước.

Cũng trong năm 2023, Ninh Bình đã tổ chức thành công 2 Trại sáng tác văn học, nghệ thuật, 2 cuộc thi sáng tác âm nhạc và nhiếp ảnh thu hút gần 100 văn nghệ sĩ trên cả nước về thực tế sáng tác tại Ninh Bình. Kết thúc các trại sáng tác, bên cạnh các tác phẩm văn học, nghệ thuật được sáng tác tại Ninh Bình và về Ninh Bình còn để lại dư âm sâu đậm, khích lệ và tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sĩ.

Ở lĩnh vực thể thao, năm 2023 cũng là năm khá sôi động và thành công của thể thao Ninh Bình. Toàn tỉnh đã tổ chức được trên 820 cuộc thi đấu thể dục thể thao ở cơ sở; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hàng chục giải thể dục thể thao quốc gia, quốc tế như: Giải chạy Cúc Phương Jungle Paths năm 2023, giải chạy thể thao quần chúng quốc tế, có một số cự ly chạy xuyên vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương, chinh phục những cung đường băng qua 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Hòa Bình, đã có hơn 2.000 vận động viên, trong đó có khoảng 120 vận động viên nước ngoài đến từ 26 quốc gia tham gia; Giải Bóng chuyền Cúp Hoa Lư - Bình Điền lần thứ XVII năm 2023; Giải Bóng đá chuyên nghiệp hạng Nhất quốc gia; Giải Bóng đá Nhi đồng Cúp Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Bình lần thứ XXV năm 2023; Giải Vật dân tộc tỉnh Ninh Bình năm 2023; Giải Bóng chuyền trẻ cúp CLB năm 2023… Các đoàn vận động viên tham gia thi đấu các giải thể thao quốc gia, quốc tế giành được 317 huy chương các loại, đạt gần 200% so với kế hoạch năm 2023. Đặc biệt, Đội bóng chuyền nữ Ninh Bình Liên Việt post bank đã giành cúp vô địch quốc gia giải Hóa Chất Đức Giang 2023, đánh dấu sự thăng hạng vượt bậc của bóng chuyền Ninh Bình những năm gần đây.

Bước sang năm 2024, với định hướng chung của tỉnh là xây dựng Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư làm nguồn lực và động lực để Ninh Bình phát triển mạnh mẽ trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa của quốc gia, quốc tế, Sở VHTT Ninh Bình mong muốn tiếp tục  nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Ninh Bình, Bộ VHTTDL, nhất là các cơ quan chuyên môn, các cục, vụ, viện thuộc Bộ VHTTDL trong tổ chức, triển khai nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh và thành công chung của ngành.

 

TS. NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

 

;