Thành phố sáng tạo âm nhạc Đà Lạt: Dấu ấn tích cực về khả năng phối hợp hiệu quả trong triển khai chính sách phát triển công nghiệp văn hóa

Vào đầu tháng 11-2023, cùng với Hội An, Đà Lạt đã chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) và trở thành thành phố sáng tạo thuộc lĩnh vực âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam. Điều này không chỉ mở ra cho Đà Lạt (Lâm Đồng) nhiều cơ hội phát triển âm nhạc theo hướng bền vững mà còn là minh chứng cho thấy, hiệu quả tích cực của quá trình phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương nhằm hiện thực hóa tầm nhìn củng cố và mở rộng mạng lưới các thành phố sáng tạo của Việt Nam.

Tiết mục của Đoàn Nghệ thuật quần chúng Lâm Đồng tham gia Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I - Ảnh: Tuấn Minh    
 

Xuất phát từ thực tế năm 2019, thành phố Hà Nội gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc khảo sát tiềm năng, thế mạnh cũng như thách thức đặt ra khi lựa chọn thiết kế là lĩnh vực đăng ký hồ sơ gia nhập mạng lưới UCCN, năm 2021, Bộ VHTTDL đã đề xuất thực hiện Đề án Phát triển Mạng lưới các thành phố sáng tạo Việt Nam nằm trong UCCN. Đây là đề án khảo sát tiền khả thi do Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện nhằm đánh giá tổng thể về khả năng gia nhập mạng lưới UCCN của 9 thành phố trên toàn quốc. Trong quá trình này, các nhà quản lý và các chuyên gia nghiên cứu của Bộ VHTTDL đã có sự phối hợp chặt chẽ với các thành phố trong việc đánh giá toàn diện các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cũng như thách thức, bất cập của địa phương trên 7 lĩnh vực gồm: điện ảnh, âm nhạc, thiết kế, nghệ thuật truyền thông, ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, văn học. Từ các bước triển khai đề án, nhờ sự phối hợp tích cực giữa các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL và chính quyền, cộng đồng sáng tạo, Đề án đã sớm xác định thành phố Đà Lạt như tên gọi theo tiếng Latinh là “cho người này niềm vui, cho người khác sự mát lành” đã thể hiện rõ những nét rất đặc trưng của một thành phố âm nhạc có sự hòa quyện giữa các loại hình âm nhạc từ âm nhạc phương Tây đến âm nhạc truyền thống của các dân tộc bản địa với thiên nhiên ôn hòa và sự cởi mở, thân thiện của cư dân thành phố. Chính sự hòa quyện đó đã trở thành khởi nguồn định hình một đời sống âm nhạc độc đáo tại Đà Lạt dưới các hình thái đa dạng như âm nhạc đường phố, nhạc acoustic tại các phố đi bộ, các phòng trà, quán cà phê. Đà Lạt nuôi dưỡng các ban nhạc đương đại như Cá Hồi Hoang và tiếp tục chào đón các nghệ sĩ từ khắp nơi đến biểu diễn như Trần Tiến, Hà Anh Tuấn, Lê Cát Trọng Lý, v.v…

Từ kết quả khảo sát tiền khả thi, tháng 2-2023, Đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO đã được Chính phủ ban hành, trong đó yêu cầu Bộ VHTTDL chủ động hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ ứng cử mạng lưới UCCN. Trong quá trình triển khai Đề án, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với thành phố Đà Lạt đảm nhận xây dựng nội dung chuyên môn của Hồ sơ đăng ký, Cục Hợp tác quốc tế tích cực hướng dẫn thành phố Đà Lạt hoàn thiện các thủ tục theo quy định của UCCN. Vì thế, việc Đà Lạt trở thành thành phố âm nhạc đầu tiên của Việt Nam gia nhập UCCN, không chỉ cho thấy quyết tâm của thành phố trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu trở thành tiêu điểm âm nhạc ở khu vực Đông Nam Á, mà còn khẳng định một dấu ấn tích cực của ngành Văn hóa trong việc chủ động tạo cơ chế phối hợp đồng bộ để phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, công nghiệp âm nhạc nói riêng theo hướng hội nhập bền vững.

Trong thời gian tới, trên tinh thần thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Đề án của Chính phủ, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn thành phố Đà Lạt bám sát các cam kết để phát huy vai trò của các chủ thể sáng tạo trong từng giải pháp, sáng kiến cụ thể. 

Trong bối cảnh Việt Nam đang có 3 thành phố sáng tạo là Hà Nội, Hội An và Đạt Lạt gia nhập UCCN, chúng ta có thể nhìn nhận được đây là cơ hội mở ra khả năng phát triển công nghiệp văn hóa mang tính đột phá của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Nhìn xa hơn, từ nay đến năm 2029, nếu chúng ta phát huy hiệu quả sự phối hợp đồng bộ của Bộ, ngành và địa phương, rất có thể chúng ta sẽ có từ 5 đến 7 thành phố thuộc UCCN. Sự xuất hiện của các thành phố sáng tạo ở các lĩnh vực trọng tâm của công nghiệp văn hóa sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên bản đồ công nghiệp văn hóa toàn cầu nói chung.

 

6 sáng kiến của Đà Lạt khi trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc

Di sản âm nhạc của tương lai (MHF)

Với sự hợp tác của chuyên gia, nghệ sĩ, doanh nghiệp, CSOs trong các lĩnh vực có liên quan (âm nhạc, văn hóa dân gian, nhân học, phim tài liệu…), MHF diễn ra trong 4 năm và có thể kéo dài giúp cộng đồng các dân tộc bản địa, đặc biệt là giới trẻ, tham gia có ý nghĩa và hưởng sinh kế từ việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có âm nhạc đồng thời tăng tính gắn kết cộng đồng.

Giáo dục âm nhạc vì cộng đồng

Chương trình được thực hiện xuyên suốt nhằm cải thiện hệ thống giáo dục đào tạo âm nhạc của Đà Lạt, nâng cao năng lực của các bên liên quan trong hệ sinh thái âm nhạc Đà Lạt (quản lý nhà nước, doanh nghiệp, giáo viên/giảng viên âm nhạc, giới thực hành âm nhạc, nhà nghiên cứu âm nhạc và thanh niên), đồng thời thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật (âm nhạc) giữa các nhóm xã hội tại thành phố. 

Củng cố và phát triển mạng lưới không gian sáng tạo tại Đà Lạt

Sáng kiến củng cố và phát triển mạng lưới không gian sáng tạo tại Đà Lạt do chính quyền địa phương hợp tác với các công ty tư nhân và cộng đồng sáng tạo thực hiện trong vòng 4 năm để tạo dựng một hệ sinh thái nền tảng cho người thực hành và doanh nhân khởi nghiệp trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo của thành phố chia sẻ nguồn lực và kết nối để phát triển. 3 sáng kiến quốc tế bao gồm: Hòa âm Cồng chiêng Đông Nam Á; Thanh âm của đại ngàn; Festival âm nhạc quốc tế LangBiang.

Hòa âm Cồng chiêng Đông Nam Á

Hòa âm Cồng chiêng Đông Nam Á hướng đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam và Đông Nam Á cùng các giá trị âm nhạc truyền thống thế giới, từ đó giúp giữ gìn tri thức bản địa và bảo vệ sự đa dạng các biểu đạt văn hóa, hình thành mạng lưới hợp tác về âm nhạc truyền thống trong khu vực.   

Thanh âm của đại ngàn

Thanh âm của đại ngàn là chương trình lưu trú thực hành âm nhạc quốc tế diễn ra hằng năm trong vòng 1 tháng khám phá vai trò của âm nhạc để giải quyết các thách thức phát triển bền vững. Đây là dự án hợp tác giữa Đà Lạt và các thành phố âm nhạc trong mạng lưới UCCN, đặc biệt là các thành phố khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Adelaide-Australia, Daegu-Korea, Ambon-Indonesia và các thành phố châu Phi.

Festival âm nhạc quốc tế LangBiang

Festival âm nhạc quốc tế LangBiang dự kiến trở thành Festival âm nhạc lớn nhất của Đà Lạt, tổ chức hai năm một lần, kéo dài 1-2 tuần tại các không gian trong thành phố với sự hợp tác của chính quyền địa phương, tư nhân, nghệ sĩ quốc gia và quốc tế và cộng đồng.

 

 

 

PGS, TS. NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG

Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

;