Thể thao Việt Nam: Ấn tượng năm 2023 và Khát vọng năm 2024

Năm 2023 là năm nhiều khó khăn, thách thức khi Thể thao Việt Nam phải chuẩn bị cho nhiều sự kiện thể thao quan trọng như SEA Games 32, ASIAD 19, ASEAN Para Games 12, ASIAN Para Games 4 và nhiều giải đấu quốc tế lớn... vừa phải kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng cơ cấu, chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Cục Thể dục Thể thao và các đơn vị trực thuộc (thay vì Tổng cục Thể dục Thể thao). Tuy vậy, Thể thao Việt Nam đã gặt hái được những thành tích đáng ghi nhận ở cả lĩnh thể thao thành tích cao lẫn thể thao quần chúng.

Đội tuyển Karatedo vô địch ASIAD 19 - Ảnh: Bùi Lượng
 

Những dấu ấn thành tích năm 2023

Trong bối cảnh khối lượng nhiệm vụ lĩnh vực Thể dục Thể thao khá nặng nề, với nhiều nhiệm vụ cấp bách, phức tạp, song, Thể thao Việt Nam đã tiếp tục đạt được một số dấu ấn quan trọng đáng ghi nhận.

Một trong những giải quốc tế đầu tiên của thể thao Việt Nam trong năm 2023 là Giải vô địch Boxing nữ thế giới. Đây là thời điểm Boxing nữ Việt Nam mang đến Ấn Độ dàn vận động viên (VĐV) gần như mạnh nhất, với những gương mặt xuất sắc nhất ở từng hạng cân thi đấu. Tại giải đấu này, VĐV Nguyễn Thị Tâm - Võ sĩ sinh năm 1994 đã lần lượt đánh bại hàng loạt đối thủ mạnh như Nazym Kyzaibay (võ sĩ từng 2 lần vô địch thế giới) và sau đó là Laura Fuertes và Wassila Lkhadiri để bước vào trận chung kết hạng cân 50kg nữ. Tuy vậy, trong trận chung kết, Nguyễn Thị Tâm đã để thua sát nút trước võ sĩ chủ nhà là Nikhat Zareen. Dù vậy, đây vẫn là thành tích đáng tự hào, bởi lọt vào một trận chung kết tại một giải boxing thế giới do Tổ chức quyền Anh quốc tế - IBA tổ chức cũng như giành huy chương Bạc là kết quả tốt nhất của Boxing Việt Nam từ trước tới nay. Giành huy chương Bạc, Nguyễn Thị Tâm hoàn toàn xứng đáng với danh xưng “đẳng cấp thế giới”.

Thành tích ấn tượng, nổi bật của Thể thao Việt Nam trong năm 2023 tại đấu trường quốc tế quan trọng khác đó là SEA Games 32. Đây là kỳ SEA Games đầu tiên Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn dù không thi đấu trên sân nhà. Bên cạnh đó, là một loạt các khó khăn gặp phải từ lịch trình thi đấu, đến nhiều môn, nội dung thế mạnh bị cắt giảm, nhưng các VĐV Việt Nam đã làm nên điều không tưởng khi giành 136 huy chương Vàng, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games; lần thứ 2 liên tiếp giành huy chương Vàng Bóng đá U23 nam Đông Nam Á. Đặc biệt, Vòng chung kết World Cup nữ 2023 được tổ chức từ 20-7 đến 20-8 tại Australia và New Zealand là giải đấu lần đầu tiên có sự góp mặt của tuyển nữ Việt Nam.

Ngay sau SEA Games 32, Thể thao Việt Nam tiếp tục gây ấn tượng với tấm huy chương Vàng châu Á của VĐV Nguyễn Thị Thật. Cuarơ 30 tuổi đã về Nhất nội dung xuất phát đồng hành nữ tại Giải vô địch xe đạp đường trường châu Á 2023. Thành tích này đã giúp Nguyễn Thị Thật trở thành VĐV đầu tiên của Thể thao Việt Nam giành suất tham dự Olympic Paris 2024.

Và chỉ sau đó không lâu, tháng 8-2023, Thể thao Việt Nam có thêm 1 suất dự Olympic Paris. Chủ nhân tấm vé này là xạ thủ Trịnh Thu Vinh. Cô đã đứng thứ 5 tại Giải vô địch Bắn súng Thế giới 2023 ở Azerbaijan khi tranh tài với gần 100 xạ thủ.

Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD 19 - Hàng Châu) là nơi Thể thao Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng và tâm huyết. Dù vậy, trước những đối thủ mạnh đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, Đoàn Thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu đề ra, với 3 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc, 19 huy chương Đồng, xếp vị trí thứ 21/45 quốc gia.

Đặc biệt, tại ASIAD 19, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đã giành huy chương Bạc nội dung 800 tự do với thành tích 7 phút 51,65 giây. Kết quả này giúp Hoàng đạt vượt qua chuẩn A và chính thức có suất dự Olympic Paris 2024.

Cùng với những dấu ấn thành tích của các VĐV trong các Đại hội Thể thao khu vực, châu lục, các đội tuyển thể thao người khuyết tật Việt Nam cũng có nhiều thành công. Trong đó, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam giành được 66 huy chương Vàng, 59 huy chương Bạc, 78 huy chương Đồng, lập 19 kỷ lục Đại hội, xếp thứ 3/11 đoàn tham dự tại ASEAN Para Games 12 tổ chức tại Campuchia và 1 huy chương Vàng, 10 huy chương Bạc, 9 huy chương Đồng tại ASIAN Para Games 4 tổ chức tại Trung Quốc. Đặc biệt, Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã có 1 suất chính thức tham dự Paralympic 2024 tại Pháp của VĐV Lê Văn Công môn Cử tạ. Trong năm 2023, Cục Thể dục Thể thao đã tổ chức 39 giải marathon và cự ly dài ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước với sự tham gia của hơn 150 nghìn vận động viên.

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của thể thao thành tích cao, thể thao cho mọi người cũng đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển sâu rộng, nhiều hoạt động thể dục thể thao ở cơ sở đã được tổ chức sôi nổi rộng khắp cả nước, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia. Các hình thức tập luyện thể dục thể thao đơn giản, không cần đầu tư nhiều về sân bãi, trang thiết bị như chạy, đi bộ, thể dục dưỡng sinh, cầu lông, cờ tướng, võ thuật, bóng đá mini, bóng chuyền hơi… phát triển mạnh ở các địa phương. Các chỉ số về thể dục thể thao không ngừng gia tăng. Tính đến tháng 12-2023, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc đạt 36,7 %; số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 27,7% tổng số hộ dân.

Song song với đó, lĩnh vực thể thao quần chúng còn diễn ra nhiều hoạt động hiệu quả như: tiếp tục triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030; duy trì, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, phát triển môn Võ cổ truyền Việt Nam; tổ chức Hội thảo “Các giải pháp về phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2030” tại Bình Định và tổ chức 38 hội thi và các giải thể thao quần chúng cấp quốc gia thu hút gần 10.000 cán bộ, VĐV tham dự; mở 20 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ thể dục thể thao cho gần 3.140 cán bộ, cộng tác viên, hướng dẫn viên thể dục thể thao cơ sở.

Quyết tâm và khát vọng 2024

Hướng tới năm 2024, tiếp tục thực hiện phương châm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, ngành Thể dục Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu tập trung đổi mới mạnh mẽ, phát huy hiệu quả công tác thể dục thể thao; tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước tại Nghị quyết, Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam trong giai đoạn mới. Đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao cho mọi người, nâng cao thành tích thể thao; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành đơn vị.

Trong đó, về thể thao cho mọi người: phấn đấu số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 37,5%, số gia đình tập luyện thể dục thể thao đạt 28,5%. Đối với thể thao thành tích cao, phấn đấu có từ 10-15 suất chính thức tham dự và có huy chương tại Olympic Paris 2024.

Cùng với những mục tiêu rõ ràng, ngành Thể dục Thể thao đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó: Tập trung phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác thể dục thể thao trường học, tổ chức Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 tại Đà Nẵng, tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024 tại thành phố Hải Phòng; Chuẩn bị chu đáo lực lượng VĐV tham dự Paralympic 2024 tại Pháp và các giải thể thao quốc tế giành cho người khuyết tật năm 2024 ; Tiếp tục chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự vòng loại và vòng chính thức Olympic Paris 2024, Đại hội Thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á lần thứ 6 (AIMG6) tại Thái Lan và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới; Triển khai thực hiện Đề án tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035; Chỉ đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức tốt V-League  và chuẩn bị cho đội tuyển Bóng đá tham dự vòng loại thứ hai World Cup 2026 (nam), vô địch Đông Nam Á (nam, nữ), vô địch U23 nam châu Á, vô địch nữ châu Á và các giải bóng đá quốc năm 2024; Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có quan hệ truyền thống, gắn bó như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cu Ba, Hungary, Nga, Mỹ…; tham gia và hưởng ứng các chương trình, hoạt động trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN với vai trò chủ trì SOMS và AMMS năm 2024, 2025; tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về thể thao.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, Cục Thể dục Thể thao sẽ tập trung trí tuệ, đoàn kết thống nhất, tận dụng thời cơ, khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi 10 nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra; nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực thể dục thể thao; tham mưu cho Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ trong công tác phối hợp đề xuất ban hành văn bản mới của Đảng về phát triển thể dục thể thao trong thời gian tới và trình Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển Thể dục Thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao cho mọi người; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, phong trào “Xây dựng nông thôn mới”.

 

TTVN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

;