Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: Những điểm nhấn nổi bật năm 2023

Năm 2023 đánh dấu sự khởi sắc về hoạt động của cộng đồng dân tộc đang sinh sống tại “Ngôi nhà chung” và lượng du khách tới tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng Văn hóa). Một năm nhìn lại, Làng Văn hóa đã vượt qua nhiều khó khăn và đạt được những kết quả nổi bật, đồng thời xác định những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

 

Ngày hội của đồng bào Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam- Ảnh: Tuấn Minh
 

Nỗ lực vượt khó đạt kết quả nổi bật

Năm 2023, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Bộ VHTTDL, cùng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ và phương châm hành động “Đoàn kết, trách nhiệm, hiệu quả”; chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “Trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Làng Văn hóa đã nỗ lực vượt khó hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm.

Về công tác xây dựng các văn bản, đề án, Làng Văn hóa đã hoàn thành xây dựng 2 thông tư về quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức chi phí và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng ngày cho đồng bào dân tộc được mời tham gia hoạt động và thông tư tổ chức các sự kiện, hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị tại Làng Văn hóa.

Ban Quản lý Làng Văn hóa đã hoàn thành dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý, xin ý kiến các bộ, ban, ngành địa phương có liên quan.

Làng Văn hóa tiếp tục tổ chức hoạt động thường xuyên hằng ngày, hằng tuần, tổ chức tốt các hoạt động theo chủ đề… Các hoạt động đón tiếp khách, giới thiệu không gian văn hóa dân tộc và giao lưu với khách tham quan luôn được chú trọng trong các hoạt động hằng ngày của đồng bào. Làng Văn hóa ngày càng được nhân dân và du khách biết đến nhiều hơn, như là một địa chỉ đỏ về bảo tồn, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế

Năm 2023, Làng Văn hóa đã tổ chức đón tiếp và phục vụ hơn 43 lượt cộng đồng dân tộc với 735 lượt đồng bào tộc của 25 lượt địa phương và khoảng 200 tiểu thương là đồng bào các dân tộc vùng cao, 500 trọng tài, võ sư, vận động viên, 75 nghệ sĩ diễn viên tham dự sự kiện hoạt động; tái hiện 24 lễ hội, nghi lễ, phong tục độc đáo trong đó 4 lễ hội, nghi lễ do đồng bào hoạt động hằng ngày tổ chức thực hiện và 24 hoạt động trình diễn, giao lưu trong đó có 3 hoạt động trình diễn giới thiệu Di sản văn hóa được UNESCO ghi danh; 4 hoạt động triển lãm, trưng bày giới thiệu; 1 hoạt động trình diễn thể thao võ cổ truyền, 6 chương trình quảng bá văn hóa địa phương. Ngoài ra, Làng Văn hóa còn phối hợp đón tiếp, hỗ trợ khoảng 400 nghệ nhân đồng bào, diễn viên, vận động viên của các tỉnh Thanh Hóa, Lai Châu, Sơn La, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Quảng Nam về tham gia các hoạt động Ngày hội Trình diễn cây Nêu, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023 tại Làng Văn hóa… Các lễ hội được thường xuyên tái hiện tại Làng đã thể hiện nét đặc sắc riêng có, thu hút sự quan tâm của du khách, truyền thông trong và ngoài nước…

Triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Bộ VHTTDL với 11 UBND các tỉnh trong việc huy động cộng đồng dân tộc về tái hiện hoạt động thường xuyên tại Làng Văn hóa, đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức ngày văn hóa, tuần văn hóa, các hoạt động văn hóa thể thao, giới thiệu quảng bá du lịch, điểm đến của địa phương tại Làng Văn hóa. Chính từ những hoạt động của đồng bào trải dài từ Bắc vào Nam đang sinh sống tại Làng Văn hóa, cùng cảnh quan mỗi khu làng được tái hiện nơi đây đã trở thành địa điểm lý tưởng để tổ chức các hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa cho du khách, học sinh, sinh viên... Lượng khách tham quan, du lịch tới Làng Văn hóa trong năm 2023 là hơn 450.000 lượt khách, đạt 112,5% vượt chỉ tiêu lượng khách được giao. Trong đó, khoảng 1.075 đoàn khách có thuyết minh viên tương đương với khoảng 140.000 lượt khách, đoàn đăng ký trải nghiệm tại các làng dân tộc khoảng 550 lượt. Ban Quản lý Làng Văn hóa cũng duy trì tăng cường kết nối với địa phương đảm bảo nhân sự, nội dung chất lượng hoạt động để phát huy không gian văn hóa dân tộc.

Năm 2023, Làng Văn hoá đã tổ chức thành công 3 sự kiện thường niên “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” (từ ngày 11 đến 12-2-2023); “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” (từ ngày 15 đến 19-4-2023) và Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” (từ ngày 23 đến 26-11-2023) đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương quan tâm và tới tham dự.

Làng Văn hóa đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình tuyên truyền về các hoạt động của Làng Văn hóa. Hợp tác truyền thông với các báo trong và ngoài Bộ có những bài viết chuyên sâu về Làng Văn hóa. Năm 2023 đã có hơn 200 lượt đầu báo, kênh truyền hình đưa tin về các hoạt động của Làng Văn hóa.

Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động, Ban Quản lý Làng Văn hóa đã thực hiện tốt nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng các công trình. Công tác đảm bảo duy trì cảnh quan, môi trường xanh, sạch đẹp được đặt lên hàng đầu. Đó là điểm cộng lớn khiến du khách đến với Làng ngày càng nhiều hơn.

Trong công tác quy hoạch và xúc tiến đầu tư, Làng Văn hóa đã tổ chức các hội nghị thu hút đầu tư, thường xuyên đăng tải chuyên đề thông tin chủ trương kêu gọi xúc tiến đầu tư trên trang web của Ban Quản lý; xây dựng phim quảng bá, giới thiệu Làng Văn hóa…

Về công tác số hóa di sản, Làng Văn hóa tiếp tục triển khai Dự án “Chuyển đổi số nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam, tạo môi trường giáo dục, tra cứu văn hóa và phát triển du lịch tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”.

Ban Quản lý Làng Văn hóa đã triển khai 5 dự án đầu tư chuyển tiếp từ các năm trước và 2 dự án chuẩn bị đầu tư. Chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương triển khai công tác giải ngân, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định hiện hành, nguyên tắc về tài chính và đã hoàn thành giải ngân 100% vốn được giao năm 2023.

Với những kết quả đạt được nêu trên, có thể khẳng định năm 2023, Ban Quản lý Làng Văn hóa đã luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ VHTTDL, các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan và các đơn vị trực thuộc Bộ. Trong bối cảnh khó khăn chung, với tinh thần “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến” tập thể Lãnh đạo Ban Quản lý Làng Văn hóa và công chức, viên chức, người lao động đoàn kết, chủ động, nỗ lực vượt qua những khó khăn. Đó là sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm thực hiện khát vọng xây dựng Làng Văn hóa ngày càng phát triển.

Những kỳ vọng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2023, hướng tới năm 2024 với nhiều kỳ vọng, Ban Quản lý Làng Văn hóa xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024.

Cụ thể: Hoàn thành 2 Thông tư tổ chức các sự kiện, hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị tại Làng Văn hóa; Thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức chi phí và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ  hỗ trợ chi phí sinh hoạt hằng ngày cho đồng bào dân tộc được mời tham gia hoạt động tại Làng Văn hóa; Tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp, thẩm định của các Bộ có liên quan, báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ̣, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Làng Văn hóa; Tiếp tục triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Bộ VHTTDL và UBND các tỉnh, thành phố về việc huy động đồng bào tham gia các hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa.

Làng Văn hóa tiếp tục tổ chức 3 sự kiện thường niên Chương trình “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” nhân dịp Tết Nguyên đán; “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” (19-4); Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” (18 đến 23-11) được tổ chức tại Làng Văn hóa; Tổ chức tốt các hoạt động tái hiện, giới thiệu, bảo tồn, phát  huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa làng bản của cộng đồng các dân tộc; tăng cường phối hợp với các địa phương tổ chức hoạt động, dự kiến tổ chức hơn 20 lễ hội trong năm 2024; huy động khoảng 1.000 nghệ nhân, đồng bào đảm bảo nhân sự̣, nội dung, chất lượng hoạt động tại Làng Văn hóa, tiếp tục củng cố, kiện toàn 16 cộng đồng các dân tộc luân phiên các địa phương theo tình hình thực tế. Tổ chức các hoạt động truyền thống, quảng bá, dịch vụ phục vụ du khách, thu hút từ 600.000 - 800.000 lượt khách du lịch.

Triển khai công tác đầu tư công năm 2024 đảm bảo tuân thủ đúng các quy định hiện hành, nguyên tắc về tài chính, hoàn thành giải ngân 100% vốn được giao năm 2024 và hoàn thành Dự án “Chuyển đổi số nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam, tạo môi trường giáo dục, tra cứu văn hóa và phát triển du lịch tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra năm 2024, Ban Quản lý Làng Văn hóa mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, bám sát và thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Ngoài ra, Ban Quản lý sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phân cấp và nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao; chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện để kịp thời động viên và tìm biện pháp khắc phục các vướng mắc, tồn tại.

Đồng thời, Ban Quản lý Làng Văn hóa tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự, ổn định tư tưởng, nâng cao ý thức chấp hành quy chế, quy định cơ quan của công chức, viên chức, người lao động kết hợp với tăng cường đoàn kết nội bộ, phát động thi đua, tạo không khí phấn khởi trong đơn vị, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

LÊ ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

;