Văn hóa đối ngoại - Điểm sáng năm 2023

Trong phiên toàn thể Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 được tổ chức ngày 19-12-2023 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “chưa bao giờ hình ảnh Việt Nam lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay”, “công tác ngoại giao và đối ngoại trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước”. Đóng góp vào kết quả ấn tượng ấy có một phần nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng, cống hiến của đội ngũ những người làm công tác đối ngoại của ngành VHTTDL.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sĩ tại chương trình gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ (thành phố San Francisco, bang California)- Ảnh: Cục Hợp tác quốc tế cung cấp
 

Năm 2023, ngành Văn hóa đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Nghị quyết Chính phủ tháng 7-2023 đặt yêu cầu tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện khu vực và quốc tế quy mô, uy tín. Bộ VHTTDL đã chủ động xây dựng và thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai Chỉ thị 25-CT/TTg của Thủ tưởng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam, đồng thời kịp thời tổ chức các chương trình chính trị nghệ thuật phục vụ đối ngoại với chất lượng cao.

Tạo dấu ấn trong các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Trong các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, giá trị văn hóa, con người Việt Nam được thể hiện đậm nét. Trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản diễn ra tại thủ đô Tokyo tháng 11 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Hoàng Thái tử Nhật Bản Akishino, NSND Đặng Thái Sơn đã kể câu chuyện Việt Nam bằng ngôn ngữ của âm nhạc cổ điển ở đẳng cấp thế giới qua bài dân ca Trống cơm chuyển soạn cho piano và dàn nhạc. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ dự Đại hội đồng lần thứ 78 Liên Hiệp Quốc và thăm chính thức Bra-xin của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, 4 chương trình nghệ thuật đặc sắc dành cho các đối tượng khác nhau tại mỗi thành phố đều để lại những ấn tượng khó phai trong lòng các chính khách và công chúng quốc tế. 4 chương trình chính trị - nghệ thuật diễn tại Cuba, Argentina và Uruguay trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (tháng 4-2023) là điểm sáng, kết nối tình hữu nghị giữa nhân dân các nước Mỹ La-tinh và dân tộc Việt Nam... Đồng thời, mỗi khi các vị nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cao cấp nước ngoài đến Việt Nam, chúng ta đều dành những gì tinh túy nhất, qua các chương trình nghệ thuật đặc sắc, từng món ăn bài trí trên bàn tiệc, đến những món quà lưu niệm tinh tế để thể hiện sự mến khách, trân trọng và chiều sâu văn hóa dân tộc Việt Nam.

Quan hệ song phương đi vào chiều sâu

Năm 2023, Bộ VHTTDL đã đàm phán, ký kết 15 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, gấp 3 lần chỉ tiêu đặt ra, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đồng thời góp phần đưa các quan hệ song phương đi vào chiều sâu. Nhiều văn kiện được ký kết trước sự chứng kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thể hiện cam kết và sự tin cậy cao như Chương trình hợp tác văn hóa giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Italia giai đoạn 2023-2026 do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký kết với người đồng cấp trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Italia của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (tháng 7-2023); Chương trình hành động trong lĩnh vực du lịch giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Du lịch Ả-rập Xê-út ký kết nhân chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị GCC- ASEAN (tháng 10-2023); Bản ghi nhớ trong lĩnh vực du lịch giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Kinh tế U.A.E nhân dịp Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị COP 28 và một số hoạt động song phương tại Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (tháng 12-2023); Chương trình hợp tác văn hóa giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Văn hóa Bungari giai đoạn 2022-2024 và Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ Du lịch Bungari giai đoạn 2022-2024 nhân chuyến thăm chính thức Bungari của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ…

Bên cạnh các chương trình chính trị nghệ thuật được tổ chức trong khuôn khổ 5 chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong năm 2023, Bộ VHTTDL tổ chức hiệu quả 6 chương trình Tuần Văn hóa, Lễ hội du lịch - văn hóa Việt Nam tại nước ngoài như Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Singapore nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (tháng 7-2023); Lễ hội Du lịch - Văn hóa Việt Nam tại Tokyo (tháng 6-2023) và Kanagawa, Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (tháng 9-2023); Ngày văn hóa Việt Nam tại UAE nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 10-2023); Lễ hội xúc tiến du lịch - văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc (tháng 10-2023); Tuần Văn hóa Việt Nam tại Pháp nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp (tháng 11-2023). Nhiều chương trình văn hóa đối ngoại có quy mô lớn được tổ chức và tạo được sức lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng quốc tế và kết hợp tổ chức phục vụ cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài. Các chương trình Tuần Văn hóa, Lễ hội Du lịch-Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần giới thiệu quảng bá đất nước, con người và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, truyền tải thông điệp về các định hướng phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam, tăng cường gắn kết tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè các nước, đưa quan hệ của Việt Nam và các nước đi vào chiều sâu, giúp nhân dân các nước hiểu hơn về đất nước Việt Nam tươi đẹp, phát triển năng động, là địa chỉ hấp dẫn để đầu tư, du lịch...

Chủ động hội nhập sâu rộng tại các cơ chế đa phương về văn hóa

Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã hội kiến Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azouley, làm việc với Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới, trực tiếp chủ trì Đêm Di sản Văn hóa Việt Nam với chủ đề Di sản văn hóa là động lực cho hòa bình, tự cường và phát triển bền vững tại Pháp, được sự ủng hộ lớn từ các nước thành viên UNESCO, kết quả là Việt Nam trúng cử vào Ủy ban Di sản Thế giới với số phiếu cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cùng lúc đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các cơ chế của tổ chức quốc tế uy tín này bao gồm thành viên Hội đồng Chấp hành và thành viên Ủy ban liên Chính phủ 3 Công ước quan trọng hàng đầu về văn hóa (Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025, thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 và thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027).

Triển khai Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTTDL chủ trì, ngày 31-10-2023, hồ sơ của thành phố Hội An và Đà Lạt đã chính thức được Tổng Giám đốc UNESCO ký quyết định công nhận gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Danh hiệu mới này góp phần nâng cao nhận thức của chính quyền và cộng đồng địa phương trong việc đặt văn hóa và sáng tạo làm trung tâm của các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, tôn vinh danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Việt Nam ở nước ngoài

Bộ VHTTDL đồng hành cùng Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện trong việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng cao đẹp của dân tộc Việt Nam, đặc biệt thông qua hình ảnh, tư tưởng nhân văn, tiến bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh. Bộ VHTTDL tích cực tham gia triển khai thẩm định chất lượng nghệ thuật công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại St. Petersburg, Liên bang Nga nhân kỷ niệm 100 năm lần đầu tiên Bác Hồ đến với nước Nga; phục dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cộng hòa Đôminicana và Mêhicô...

Bộ VHTTDL đã tổ chức các triển lãm tư liệu về Bác Hồ với chủ đề: “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động 1969-2011” tại Nga; triển lãm “Việt Nam-Cuba tình hữu nghị đặc biệt và mẫu mực” tại Cuba giới thiệu về mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết anh em, thủy chung, trong sáng giữa Việt Nam và Cuba do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Fidel Castro đặt nền móng, dày công xây dựng; triển lãm “Hồ Chí Minh-Chân dung một con người” tại Ác-hen-ti-na và Bra-xin; triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bỉ, cung cấp phim tài liệu về Bác Hồ cho Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan trình chiếu tại Hà Lan nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hà Lan...

Để tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, năm 2023, Cục Hợp tác quốc tế đón hướng dẫn 30 đoàn các hãng truyền thông tấn báo chí quốc tế vào Việt Nam làm chương trình giới thiệu, quảng bá, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tại các địa phương trên cơ sở nguồn kinh phí chủ động của các hãng phim quốc tế, hoặc xã hội hóa. Đây là kênh thông tin hiệu quả đưa hình ảnh Việt Nam lên sóng các hãng truyền thông hàng đầu thế giới như BBC (Anh), CNN (Mỹ), NHK (Nhật Bản), CCTV (Trung Quốc), ARD (Đức), KBS (Hàn Quốc)... Đặc biệt, trong năm 2023, Chương trình Let’s Feast Vietnam - Hành Trình kỳ thú do Bộ VHTTDL bảo trợ chính thức phủ sóng châu Á trên Netflix và lan tỏa toàn cầu trên nền tảng của Meta; giành giải hạng mục Chương trình thực tế và tạp kỹ hay nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Busan năm 2023.

Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu nền văn hóa dân tộc, xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế

Với chủ trương đẩy mạnh giao lưu văn hóa quốc tế, tạo cơ hội cho công chúng Việt Nam tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, Bộ VHTTDL tiếp tục tăng cường, phối hợp với Bộ Văn hóa các nước, các cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam và Trung tâm văn hóa các nước tại Hà Nội tổ chức nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều chương trình văn hóa đối ngoại không chỉ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, hoặc thành phố lớn Việt Nam, mà còn được triển khai, lan tỏa đến nhiều địa phương trong cả nước, tạo điều kiện cho khán giả trong nước, kể cả vùng sâu, vùng xa có cơ hội thưởng thức trực tiếp sản phẩm sáng tạo từ nước ngoài.

Năm 2023, nhiều chương trình văn hóa lớn của các nước được tổ chức tại Việt Nam như Chương trình biểu diễn Opera đặc biệt “Công nữ Anio” kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản; Tuần Văn hóa Campuchia tại Việt Nam tổ chức tại Sóc Trăng và Đồng Tháp; Tuần Văn hóa Lào tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội và Ninh Bình; Những ngày Văn hóa Nga tại Việt Nam; Những ngày Văn hóa Belarus tại Việt Nam năm 2023 tại TP.HCM và Bà Rịa Vũng Tàu; Triển lãm mỹ thuật của Đại sứ quán Hà Lan “Ánh sáng rực rỡ: Những kiệt tác hội họa đến từ Hà Lan”; Chương trình nghệ thuật nhân kỷ niệm 76 năm ngày Độc lập Ấn Độ; Các chương trình hòa nhạc của Italia (vở opera Cavalleria Rusticana, hòa nhạc Valentiana Concert...

Thu hút nguồn lực hỗ trợ sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành

Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, Bộ VHTTDL đã chủ động vận động tài trợ, hỗ trợ tài chính từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài để tăng thêm nguồn lực cho công tác di sản văn hóa, đào tạo sinh viên chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật... Năm 2023, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA phê duyệt Dự án “Nâng cao năng lực bảo quản và phục hồi di sản văn hóa của Bảo tàng Lịch sử quốc gia” từ nguồn vốn viện trợ ODA không hoàn lại hơn 85 triệu yên Nhật (hơn 15 tỷ đồng). Vận động thành công Công ty TNHH Samsung Việt Nam cấp 80 suất học bổng trị giá 640 triệu đồng cho sinh viên Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh và Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc; tài trợ 1 tỷ đồng cho sự kiện kết nối Du lịch - Điện ảnh tại Nha Trang. Kêu gọi thành công Quỹ Chiến lược Thể thao quốc tế Hàn Quốc hỗ trợ toàn bộ kinh phí để lựa chọn 100 VĐV xuất sắc ở các môn bóng bàn, bắn súng, cử tạ và những môn khác Hàn Quốc mà có thế mạnh để đào tạo và đưa sang Hàn Quốc tập huấn. Kết nối Công ty TNHH Asong Invest, đối tác chiến lược của Quỹ Chiến lược Thể thao quốc tế tại Việt Nam cam kết trao thưởng cho các VĐV Việt Nam giành Huy chương Olympic…

Để đạt được kết quả ấn tượng trên, trước hết là do nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của văn hóa nói chung, văn hóa đối ngoại và ngoại giao văn hóa nói riêng đã được nâng lên một bước. Sau 2 Hội nghị toàn quốc về văn hóa và đối ngoại do đồng chí Tổng Bí thư chủ trì vào cuối năm 2021 và sự ra đời của Chỉ thị 25 về tiếp tục triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại đến năm 2030, Chiến lược Phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030, các cơ quan đã phát huy tính chủ động và có sự phối hợp chặt chẽ hơn.

Công tác văn hóa đối ngoại là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, được triển khai đồng bộ trên các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; vì vậy cần sự hưởng ứng tham gia của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả tiềm năng của toàn xã hội, chính quyền các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các văn nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo và của đông đảo các tầng lớp nhân dân, bao gồm kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Trong hành trình đẩy mạnh triển khai công tác văn hóa đối ngoại, Bộ VHTTDL mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí, truyền thông, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng sáng tạo và người dân để lan tỏa “sức mạnh mềm” Việt Nam ra thế giới, khẳng định vị thế, uy tín Việt Nam, một đất nước hòa bình, thân thiện, giàu bản sắc văn hóa, phát triển năng động, đổi mới, sáng tạo, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

 

TS. NGUYỄN PHƯƠNG HÒA

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTD

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

;