Xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở: Nhận diện và giải pháp nhân rộng

Trong bối cảnh thế giới và đất nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và quan tâm đến công tác xây dựng môi trường văn hóa (MTVH) trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đã đề ra nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.

Ngày hội của đồng bào Thái - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà
 

Thực hiện các nhiệm vụ được giao, toàn ngành Văn hóa đã triển khai công tác xây dựng MTVH đi đúng hướng, chọn cơ sở là địa bàn trọng tâm để tác nghiệp, bảo tồn, phát huy và nhân lên các giá trị văn hóa. Các bộ, ban, ngành Trung ương đã triển khai xây dựng MTVH theo từng lĩnh vực quản lý. Các địa phương triển khai nhiều mô hình văn hóa tiêu biểu không chỉ giúp củng cố môi trường sống nề nếp, văn minh, mà còn góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư. Sự lớn mạnh không ngừng của các mô hình còn cho thấy công tác tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa ở cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; qua đó lan tỏa, tạo hiệu ứng, góp phần khắc phục vấn đề xuống cấp văn hóa nói chung.

Phát biểu Kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm mà cả hệ thống chính trị cần thực hiện trong thời gian tới. Một trong những nhiệm vụ mà Tổng Bí thư đề cập là phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, MTVH, đời sống văn hóa.

Thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Bộ VHTTDL đã đề ra phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, chỉ đạo toàn ngành tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; triển khai công tác xây dựng MTVH đi đúng hướng, chọn cơ sở là địa bàn trọng tâm để tác nghiệp, bảo tồn, phát huy và nhân lên các giá trị văn hóa. Sức lan tỏa của xây dựng MTVH đã thấm sâu vào các bộ, ngành và được các địa phương triển khai thực hiện toàn diện.

Cụ thể: Bộ VHTTDL đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai xây dựng MTVH trong các cơ quan báo chí; với Bộ Công Thương, Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp xây dựng MTVH kinh doanh trong doanh nghiệp; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026 làm căn cứ để Ban Chỉ đạo Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nội dung trong phong trào có trọng tâm, trọng điểm gắn với công tác xây dựng MTVH ở cơ sở. Các địa phương tập trung, tích cực triển khai hiệu quả xây dựng MTVH với sự xuất hiện nhiều mô hình văn hóa tiêu biểu. Sự lớn mạnh không ngừng của các mô hình đã góp phần lan tỏa, tạo hiệu ứng, góp phần khắc phục vấn đề xuống cấp văn hóa nói chung.

Năm 2023, thông qua số liệu thống kê từ các tỉnh, thành phố, kết quả tuyên truyền, vận động đăng ký thực hiện xây dựng các danh hiệu văn hóa đạt kết quả cao, khẳng định hiệu quả trong công tác hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào ở cơ sở. Cụ thể: 70,163/76,943 cơ quan, đơn vị đăng ký đạt chuẩn văn hóa đạt tỷ lệ 89,60%; có 22,294,941/23,357,787 hộ đăng ký danh hiệu Gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 94,22%; có 80,999/83,481 khu dân cư đăng ký danh hiệu văn hóa đạt tỷ lệ 95,58 %; 70,163/76,943 cơ quan, đơn vị đăng ký đạt chuẩn văn hóa đạt tỷ lệ 89,60%.

Thời gian qua, nhiều mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả được triển khai ở các cấp tỉnh, huyện, xã, thôn. Nhiều mô hình đã được các địa phương triển khai cùng với hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các địa phương quan tâm phát triển chiều sâu các mô hình câu lạc bộ ở cấp xã, thôn về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình... để người dân phát huy tính tự chủ, tự nguyện và trách nhiệm trong xây dựng MTVH. 

Một số mô hình không chỉ dừng ở bảo tồn các giá trị văn hóa mà còn góp phần phát triển kinh tế, thu hút xã hội hóa, nhiều mô hình xây dựng thành điểm đến văn hóa du lịch của địa phương như: “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề tranh dân gian Đông Hồ tỉnh Bắc Ninh”; Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” của tỉnh Gia Lai. Thông qua đó, một số địa phương đã phát huy hiệu quả công tác phối hợp hiệu quả giữa ngành VHTTDL với các sở, ban, ngành ở địa phương cùng xây dựng, ký kết và tổ chức triển khai các mô hình như: Vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tỉnh Ninh Bình; “Gia đình hạnh phúc”, “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Câu lạc bộ khiêu vũ thể thao, câu lạc bộ dân vũ thể thao” của tỉnh Yên Bái …

Nhiều địa phương đã tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng công nghệ số vào đổi mới các phương thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và văn nghệ quần chúng phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân như: “Nhóm đam mê đờn ca tài tử - Bạn cùng tôi”, “Hành trình văn hóa” tỉnh Bến Tre; Liên hoan các câu lạc bộ Nghệ thuật truyền thống không chuyên tỉnh Ninh Bình; Hệ thống thuyết minh tự động qua ứng dụng quét mã QR và hệ thống thuyết minh tự động cầm tay tại Khu di tích Xẻo Quít tỉnh Đồng Tháp…Phát triển văn hóa đọc thông qua các mô hình; luân chuyển sách để phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc sách của người dân; trưng bày sách theo chuyên đề, pano giới thiệu sách; tuyên truyền, hướng dẫn về phương pháp đọc sách và tác dụng của việc đọc sách, phục vụ đọc sách tại chỗ, xe thư viện lưu động, các cuộc thi tìm hiểu về sách, đại sứ văn hóa đọc…

Nguồn lực đầu tư cho văn hóa của các địa phương có thay đổi tích cực. Dự toán ngân sách của nhiều tỉnh, thành phố phân bổ ngân sách cho lĩnh vực VHTTDL đã đạt tỷ lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương. Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được các địa phương tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đưa vào hoạt động có hiệu quả. Nhiều địa phương đã chú trọng triển khai công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, tuyên truyền, thể thao, du lịch và nhận được sự hưởng ứng, đồng hành mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng MTVH như: việc hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa đạt hiệu quả chưa cao; hệ thống thiết chế văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, hiệu quả hoạt động thấp; chưa kiểm soát được xu thế thương mại hóa thái quá trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ văn hóa; còn nhiều lúng túng trong xử lý các hiện tượng văn hóa mới phát sinh dẫn đến một số hiện tượng lệch chuẩn, phản văn hóa, tác động xấu tới môi trường văn hóa; một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng còn chưa quan tâm xây dựng MTVH.

Xây dựng MTVH là một nhiệm vụ quan trọng nhưng khó khăn, nhiều thách thức. Từ các mô hình tiêu biểu, hiệu quả thời gian qua, để nhân rộng các mô hình, trong thời gian tới cần có các giải pháp đồng bộ, toàn diện và triệt để như sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch hành động ban hành theo Quyết định số 3117/QĐ-BVHTTDL ngày 29-11-2022 của Bộ VHTTDL triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa  toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Hai là, tạo bước đột phá trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của Ngành theo đề án hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình giai đoạn 2021-2026 đã phê duyệt; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến xây dựng MTVH.

Ba là, tiếp tục thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại các chiến lược, quy hoạch phát triển, chương trình, đề án, đề tài, dự án theo các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa cơ sở đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng và hoàn thiện các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024 bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Bốn là, tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, hoạt động nghiệp vụ về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở trong phạm vi quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

 

NGUYỄN THU TRANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 555, tháng 12-2023

;