Năm 2024, bên cạnh những gương mặt trẻ ghi dấn ấn cả trên phim điện ảnh và truyền hình thì có những gương mặt gạo cội để lại dấu ấn mạnh mẽ trong các bộ phim điện ảnh. Họ đều là những nghệ sĩ đã qua thời xuân sắc nhưng đều trở lại màn ảnh trong những vai chính ấn tượng, góp phần vào thành công của bộ phim.
NSND Minh Châu trong vai bà Nguyện
NSND Minh Châu cùng đạo diễn Phạm Ngọc Lân và các diễn viên tại LHP Berlin lần thứ 74
NSND Minh Châu
Cu li không bao giờ khóc của đạo diễn Phạm Ngọc Lân là phim Việt gây chú ý khi thắng giải Phim đầu tay xuất sắc tại LHP Berlin 2024. Với cách thể hiện giàu chất thơ, bộ phim đã để lại dư âm mạnh mẽ về những điều không dễ nguôi ngoai trong quá khứ và nỗi lo sợ mơ hồ về tương lai. Từ châu Âu trở về Việt Nam với món thừa kế là con culi của người chồng quá cố, bà Nguyện vừa phải đối mặt với những ký ức tưởng như chôn chặt, lại vừa lo lắng cho tương lai của người cháu gái, khi cô kết hôn vội vã do lỡ có thai với bạn trai.
Vào vai bà Nguyện, NSND Minh Châu tỏa sáng với những kỹ năng diễn xuất từng mang lại thành công cho chị trong nhiều bộ phim điện ảnh. Bà Nguyện xuất hiện trong phim với rất ít thoại, chủ yếu diễn viên phải sử dụng kỹ năng diễn xuất để bộc lộ nội tâm qua ánh mắt, cử chỉ và biểu cảm. Từng cái nhìn hay động tác nhỏ đều chứa đựng sức nặng tâm lý, giúp khắc họa sâu sắc những giằng xé, uẩn khúc bên trong nhân vật.
Giống nhiều tác phẩm art-house (phim nghệ thuật), Cu li không bao giờ khóc có mạch phim chậm, gần như không có cao trào hay kịch tính. Điều đó khiến phim hơi khó xem, đôi khi thử thách lòng kiên nhẫn của khán giả. Những cũng chính vì thế mà diễn xuất của diễn viên đã trở thành điểm nhấn thu hút sự chú ý. Xuyên suốt phim, người xem chứng kiến mâu thuẫn thế hệ được xử lý một cách tinh tế. Người dì lớn tuổi bị đời sống hiện tại bỏ quên, luôn tìm cách bám víu vào quá khứ với biết bao kỷ niệm. Người cháu thì non nớt, đầy bất định về tương lai mới cùng chồng. Số phận hai dì cháu cứ đan xen vào nhau rồi họ dần xích lại gần nhau, thấu hiểu và hàn gắn những vết thương lòng qua câu chuyện được kể từ tốn, tiết chế lời thoại để tập trung vào ngôn ngữ điện ảnh với nhiều khung hình mang tính ẩn dụ. Phong cách kể chuyện này khiến bộ phim mang đến một cảm giác đầy bí ẩn, mơ hồ. Trên nền bối cảnh chính là Hà Nội, nhiều cảnh quay nhuốm màu sắc hoài niệm khiến Hà Nội hiện lên như một đô thị cổ kính. Không khí xưa cũ gợi nỗi buồn man mác, vừa như là nỗi tiếc nhớ quá khứ của nhân vật, lại vừa có nhịp trầm buồn, tạo nên một cảm giác vừa lãng mạn vừa day dứt.
Hình ảnh con cu li trong phim tượng trưng cho nỗi ám ảnh quá khứ vẫn luôn khiến bà Nguyện lưu luyến. Bà mang nó về nhà như một cách níu giữ ký ức về người chồng cũ. Sự lặng lẽ và cô độc của con cu li phần nào phản chiếu nỗi trống trải bên trong bà Nguyện, đồng thời cũng là cầu nối giữa những kỷ niệm xưa cũ với thực tại, nơi bà đang tìm kiếm sự an ủi.
Thông qua câu chuyện của hai người phụ nữ, phim còn gửi gắm thông điệp về thời gian. Và những gì NSND Minh Châu - bà Nguyện trong phim thể hiện đã cho thấy, thay vì tiếc nuối quá khứ và sợ hãi tương lai, hãy học cách tha thứ cho nhau để xoa dịu nỗi cô đơn, giải thoát khỏi những ẩn ức để an yên sống trong thực tại.
Nghệ sĩ Tú Oanh và gia đình trong buổi ra mắt phim Mưa trên cánh bướm tại Hà Nội
Tú Oanh đã khắc họa chân thành và đầy cảm xúc chân dung
một phụ nữ trung niên bình dị trong những lo toan đời thường
Nghệ sĩ Tú Oanh
Hơn ba thập kỷ hoạt động với vai trò diễn viên trên sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ, nghệ sĩ Tú Oanh cũng để lại ấn tượng trong nhiều vai diễn trên màn ảnh nhỏ. Vai diễn đầu tiên trên màn bạc của chị là Lài - con gái ông Cơ trong phim Tướng về hưu. Sau vai diễn này, Tú Oanh tập trung cho công việc tại Nhà hát Tuổi trẻ và hầu như không xuất hiện trên màn ảnh. Đến năm 2021, sau 15 năm xa rời màn ảnh nhỏ, chị mới trở lại với vai bà Bích trong phim truyền hình Hương vị tình thân. Màn tái xuất ấn tượng đã mang đến cho chị đề cử Nữ diễn viên ấn tượng của VTV Awards 2021 và ngay sau đó là vai diễn trong các phim truyền hình Hương vị Tình thân, Mình yêu nhau bình yên thôi, Hoa sữa về trong gió…
Với hai giải Circolo del Cinema Verona cho phim sáng tạo nhất và giải Iwonderfull Grand Prize cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim Venice lần thứ 81, bộ phim Mưa trên cánh bướm đã trở thành một mốc son của điện ảnh Việt trong năm 2024. Đạo diễn Dương Diệu Linh chia sẻ, vai bà Tâm trong bộ phim này được cô viết riêng cho diễn viên Tú Oanh bởi những ấn tượng với khả năng diễn xuất cũng như tinh thần làm việc chuyên nghiệp của chị trong bộ phim ngắn Ngọt, mặn mà cả hai cộng tác vào năm 2018. Theo Dương Diệu Linh, Tú Oanh rất nhạy cảm trong việc nắm bắt yêu cầu của từng cỡ cảnh và có khả năng tiết chế cảm xúc cũng như biểu cảm một cách tinh tế. Vào vai bà Tâm - một phụ nữ trung niên “mắc kẹt” trong những định kiến xưa cũ, Tú Oanh đã khắc họa chân thành và đầy cảm xúc chân dung một phụ nữ bình dị trong những lo toan đời thường. Chị mang đến những cung bậc cảm xúc đầy tinh tế trong từng biểu cảm của sự cô đơn, nỗi buồn và cả một chút “cố chấp”.
Trong một câu chuyện hòa trộn giữa các yếu tố tâm lý, hài đen, kinh dị và giả tưởng, điều làm nên sự thành công của Mưa trên cánh bướm chính là sự chân thành. Bởi cả đạo diễn và các diễn viên dường như đều “tin” vào câu chuyện, họ mang đến một màn trình diễn đầy thuyết phục, để khán giả cũng có thể dễ dàng đồng cảm, “giận thì giận mà thương thì thương” với những người phụ nữ, và cả những người đàn ông trong phim. Kể một câu chuyện gần gũi và dường như có thể bắt gặp ở rất nhiều gia đình Việt, phim đã chinh phục công chúng toàn cầu khi khắc họa một lối sống Việt Nam hiện đại, khác biệt so với nhiều tác phẩm tranh giải khác.
Những dằn vặt nội tâm của bà Năm cũng được Minh Trang diễn đạt thật tinh tế với vẻ bề ngoài hiền hậu
NSƯT Minh Trang
Bộ phim Bà già đi bụi (kịch bản: Phi Tiến Sơn, đạo diễn: Trần Chí Thành) chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Trước khi ra mắt khán giả Thủ đô vào tháng 9/2024, bộ phim đã được nhận Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam tại Giải thưởng Cánh diều năm 2024. Phim xoay quanh nhân vật chính là bà Năm, chồng mất sớm, một mình bà bươn chải nuôi 4 đứa con khôn lớn. Khi các con đều trưởng thành, có gia đình riêng, bà mới cảm thấy rõ sự trống trải, cô đơn và luôn thầm ước được sống cho chính mình. Nhưng hết lần này đến lần khác, nỗ lực rời khỏi nhà của bà đều vấp phải sự ngăn trở từ phía những người con. Khi các con hiểu ra nỗi lòng của mẹ thì bà Năm cũng trút hơi thở cuối cùng.
Trong vai bà Năm, NSƯT Minh Trang đã có cuộc “lột xác” ngoạn mục. Nhiều năm sinh sống ở nước ngoài NSƯT Minh Trang đã lâu không đóng phim và diễn kịch, một cơ may đã dẫn dắt chị đến với vai diễn này. Nhưng những gì chị thể hiện trong phim đã cho thấy nội lực diễn xuất vẫn luôn ẩn giấu đằng sau vẻ bề ngoài luôn điềm tĩnh của chị. Vào vai một phụ nữ miền Tây sông nước, lại già hơn mình rất nhiều, NSƯT Minh Trang đã rất trăn trở, dành thời gian 1 tháng trước khi quay xuống miền Tây để học hỏi. Chị tìm hiểu từ lời ăn tiếng nói, kiểu ăn mặc, dáng đi đến cách chèo xuồng và cả cách biểu lộ tình cảm của phụ nữ vùng sống nước miền Tây. Và chị đã nhập vai một người phụ nữ miệt vườn thông thạo sông nước, thích nghe ca vọng cổ…thật ngọt. Những dằn vặt nội tâm của bà Năm cũng được Minh Trang diễn đạt thật tinh tế với vẻ bề ngoài hiền hậu, luôn chiều chuộng và nhẫn nhịn với con cái nhưng bên trong ẩn chứa một nội tâm mãnh liệt.
Bà già đi bụi thấm đẫm tính nhân văn khi lột tả những xúc cảm, nỗi niềm của một người mẹ - người bà sau gần trọn cuộc đời dành cho chăm sóc con cái, gia đình, nay chỉ còn mong muốn được sống như mình mong ước, thực hiện những ước mơ thầm kín của một người phụ nữ. Bộ phim để lại một dấu lặng buồn, khi hành trình của “bà già đi bụi” khao khát muốn vượt thoát khỏi sự trống trải, cô đơn, hiu quạnh của tuổi già. Là khát khao muốn được sẻ chia, đồng cảm nhưng không phải lúc nào cũng được thấu hiểu và chia sẻ. Phim không có cao trào hay kịch tính, chỉ là những câu chuyện rất dung dị và đời thường, điểm nhấn của phim chính là diễn xuất của các diễn viên trên nền bối cảnh tuyệt đẹp của miền Tây sông nước. Nhịp phim chậm rãi để đẩy lên cao trào ở cuối phim, khi những đứa con nhận ra nỗi lòng của mẹ nhưng đã quá muộn. Diễn xuất tinh tế của Minh Trang đã làm điểm tựa cho dàn diễn viên trẻ bùng nổ với những màn diễn lấy nước mắt khán giả. Câu chuyện của bà Năm và bài học của những đứa con trong phim cũng là câu chuyện của rất nhiều gia đình hiện đại. Xem để hiểu, để thấu cảm với nỗi lòng cha mẹ. NSƯT Minh Trang bộc bạch rằng, khi vào vai bà Năm, chị không chỉ thấu hiểu mà còn đồng cảm với nhân vật và thông điệp nhân văn mà bộ phim gửi gắm.
LÊ MINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 595, tháng 1-2025