Đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế qua nghệ thuật múa

Tối ngày 2/12, tại Học viện Múa Việt Nam đã khai mạc Liên hoan múa Châu Á 2024 (ADF 2024). Tham dự liên hoan có các đoàn nghệ thuật đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội, Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc, Trường Múa TP Hồ Chí Minh và Học viện Múa Việt Nam. 

Tiết mục Em và núi (Việt Nam)

Hội tụ Á châu

Liên hoan múa Châu Á được khởi xướng lần đầu tiên tại Hàn Quốc với tên gọi “ryu”. “ryu” bắt đầu bằng việc khôi phục các điệu múa truyền thống của Hàn Quốc và phát triển thành một mạng lưới Festival múa Quốc tế vào năm 2010. Kể từ đó đến nay, Liên hoan múa Châu Á trở thành hoạt động thường niên, được hỗ trợ bởi chính quyền thành phố Seoul, do Trung tâm Nghệ thuật Múa Hàn Quốc chủ trì, dưới sự điều hành của ông Lee Chuljin. 

Đây là lần đầu tiên Liên hoan Múa châu Á năm 2024 (ADF 2024) được tổ chức tại Hà Nội do Học viện Múa Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghệ thuật Múa Hàn Quốc tổ chức, dưới sự đạo diễn của ông Lee Chuljin - Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật múa Hàn Quốc và TS, NSƯT Trần Văn Hải - nguyên Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam. 

Tiết mục Fan dance Geomungo (Hàn Quốc)

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Lee Chuljin bày tỏ mong muốn “đem Liên hoan Múa Châu Á năm 2024 đến với Việt Nam như một cầu nối để gắn kết các quốc gia Châu Á qua nghệ thuật múa. Hy vọng rằng, Hàn Quốc, Việt Nam và các nước trong khu vực sẽ xây dựng mối quan hệ gắn bó và thấu hiểu sâu sắc hơn thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đầy cảm xúc”.

Với chủ đề Giữ gìn bản sắc chung của Châu Á thông qua nghệ thuật Múa và tăng cường mối quan hệ các nước trong khu vực, các tác phẩm múa đã mang đến Liên hoan múa Châu Á 2024 một bức tranh sinh động, đa sắc về nghệ thuật múa. Sự gặp gỡ giữa ngôn ngữ múa truyền thống và đương đại qua các tác phẩm múa đem đến những cảm xúc đa chiều về các giá trị văn hóa của các quốc gia tham dự. 

Ấn Độ với tác phẩm Baal Gopal Taragam do diễn viên Bijal Haria thể hiện

Đến với Liên hoan, đoàn Hàn Quốc mang đến hai tiết mục: Fan dance GeomungoJinju Gyobang Gutgeori Chum. Fan dance Geomungo là sự hợp tác vũ đạo giữa Bae Jung-hye và Hong Eun-joo, tác phẩm thuộc thể loại neo-traditional (phương pháp xăm hình truyền thống) nhằm truyền tải cảm xúc vương giả của nữ hoàng, thể hiện qua chiếc quạt và những động tác trang trọng, chính xác theo giai điệu geomungo (đàn tam thập lục của Hàn Quốc).

Điệu múa Jinju Gyobang Gutgeori được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Kyungnam, bao gồm tám chuỗi tượng trưng cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Bắt nguồn từ sự thanh lịch và nghệ thuật của Deotbaegi ở tỉnh Kyungsang-do, điệu múa kết hợp các tư thế tinh tế và động tác chính xác, đóng vai trò vừa là động lực vừa là đỉnh cao của mọi chuyển động đạt đến sự tự nhiên nhất. 

Tiết mục Dâng (Việt Nam)

Ấn Độ với tác phẩm Baal Gopal Taragam do diễn viên Bijal Haria thể hiện. Tác phẩm là một hình thức múa cổ điển cổ xưa của Ấn Độ tôn vinh sự chính xác về nhịp điệu, các chuyển động sống động và những bước nhảy năng động. Baal Gopal Taragam chính là nghệ thuật lay động tâm hồn của “Kuchipudi” - nghĩa là sự pha trộn lòng sùng mộ với nghệ thuật phức tạp, bắt nguồn từ truyền thống sân khấu thiêng liêng của Ấn Độ. Trích đoạn Baal Gopal Taragam  đầy mê hoặc, phần trung tâm trong tác phẩm Kuchipudi mô tả một cách sống động những trò đùa thời thơ ấu vui tươi của công chúa Krishna và sự tận tâm của những người vợ của các nhà hiền triết đang tôn thờ ngài với tình yêu và sự tôn kính kiên cường. 

 Các nghệ sĩ Nhật Bản đem đến Liên hoan 2 tác phẩm múa đương đại với tên gọi Doble poem và 52Hz do diễn viên Yasushi Kurotaki và Takayoshi Tsuchida thể hiện. Qua những chuyển động linh hoạt, uyển chuyển, hai nghệ sĩ múa đất nước mặt trời mọc mong muốn truyền tải đến khán giả Việt Nam những cảm xúc bản thể tinh tế về thế giới, vũ trụ và sự sống thông qua vẻ đẹp của những chuyển động tràn ngập tự nhiên. 

Workshop giữa các chuyên gia, nghệ sĩ với học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam vào ngày 4/12

Đoàn Việt Nam trình diễn tại Liên hoan 4 tác phẩm múa mang đậm màu sắc dân tộc là Mùa ban nở, Dâng, Em và núi, Khúc biến tấu Cao Lan và 3 tác phẩm múa đương đại Giác ngộ, Day after dayHy vọng. 

Mùa Ban nở - một tác phẩm được coi là khuôn mẫu cho vẻ đẹp tinh tế cả về ngôn ngữ, kết cấu, bố cục tác phẩm cho đến âm nhạc đều đạt đến độ hoàn mỹ do nhà biên đạo tài hoa - cố NSND Đỗ Minh Tiến và nhạc sĩ Lê Lan sáng tạo. Tác phẩm Dâng (biên đạo: Nguyễn Tấn Lộc, âm nhạc: Nhất Dũng, Đức Trí) mượn hình ảnh cô Bóng (trong hình thức tâm linh hầu đồng người Việt) mang đến cho khán giả một cảm xúc mạnh mẽ về tài nghệ và sự điêu luyện, chuẩn xác của từng động tác cho đến nét biểu cảm của khuôn mặt, cơ thể đều được nghệ sĩ múa Nguyễn Đinh Bảo Bảo biểu hiện đạt đến độ thăng hoa, thoát tục. Hai tác phẩm Em và núi (biên đạo: NSƯT Thanh Hằng, âm nhạc: Anh Đức) và Khúc biến tấu Cao Lan (Biên đạo và Âm nhạc: Hà Tứ Thiên) tôn vinh vẻ đẹp mộc mạc, bình dị nhưng đầy cuốn hút của người dân tộc Dao và dân tộc Sán Chay Việt Nam. 

Ba tác phẩm múa đương đại Giác ngộ, Day after dayHy vọng cũng đem đến cho khán giả những sắc thái phong phú, đa dạng và vô cùng uyển chuyển của cuộc sống đương đại. 

Đại biểu và các nghệ sĩ tham dự Liên hoan

Các tác phẩm múa tham dự Liên hoan, cả Việt Nam và quốc tế đã mang đến cho khán giả những cảm nhận thú vị, đa chiều về các sắc thái văn hóa của từng quốc gia, dân tộc được truyền tải qua ngôn ngữ múa, tạo không khí nghệ thuật đa sắc, truyền cảm. 

Đẩy mạnh, chia sẻ, kết nối

Trong khuôn khổ của Liên hoan múa châu Á 2024, chiều ngày 3/12, Hội nghị trao đổi, tọa đàm IDANS được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội) với chủ đề “Khôi phục sự đồng nhất văn hóa qua các mạng lưới nghệ thuật múa ở châu Á”. Hội nghị có sự tham gia của một số các diễn giả quốc tế là các lý luận phê bình, giảng viên, biên đạo múa đến từ các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, và Việt Nam.  

Đại diện cho Hàn Quốc, học giả Lee Kuen Jee - Giám đốc điều hành Công ty TNHH NSSAM hào hứng chia sẻ tầm ảnh hưởng và vai trò của công nghệ AI với bài viết “Khiêu vũ trong công nghệ AI”. Về phía Việt Nam, TS, NSND Phạm Anh Phương - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tham gia hội nghị với bài viết “Yếu tố dân tộc và hiện đại chuyển động giao thoa trong tác phẩm múa Việt Nam hôm nay”. Bài viết khẳng định trong không gian của sự phát triển và hội nhập quốc tế, đòi hỏi tác phẩm múa cần phải hội tụ những kỹ năng sáng tạo mới cùng sự vận dụng các phương pháp sáng tác với nhiều hình thức biểu hiện đa dạng, mang hơi thở dân tộc và nhịp điệu thời đại. 

Tiết mục Day after day (Việt Nam)

TS, NSƯT Trần Văn Hải, nguyên Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam tham gia Hội nghị với bài viết “Giữ gìn bản sắc dân tộc trong nghệ thuật múa Việt Nam đương đại thời kỳ giao lưu, hội nhập quốc tế”. Trong bài viết, ông Hải nhấn mạnh thông qua hội nhập, giao lưu quốc tế, nghệ thuật múa Việt Nam đã tiếp nhận và biến đổi các nhân tố múa ngoại sinh thành nội sinh, bản sắc nội sinh được tôn vinh, đề cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế, để làm giàu bản sắc múa dân tộc.

Không phô trương, hoành tráng, hội nghị diễn ra trong một không gian nhỏ, ấm cúng tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc nhưng tất cả các nghệ sĩ, các học giả tham dự hội nghị đều thể hiện sự tôn trọng, cầu thị, lắng nghe, chia sẻ với tâm thái gắn kết, hợp tác bền vững. 

Workshop giữa các chuyên gia, nghệ sĩ với học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam vào ngày 4/12 trong không khí hào hứng, sôi nổi đã kết thúc chuỗi hoạt động của Liên hoan múa châu Á 2024 thực sự hiệu quả, gắn kết. 

Liên hoan không chỉ mở ra môi trường kết nối, chia sẻ về nghệ thuật múa mà còn tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa sâu sắc giữa các quốc gia, dân tộc. Hi vọng, Liên hoan múa Châu Á 2024 tại Hà Nội, Việt Nam sẽ là khởi đầu tốt đẹp mở ra nhiều cơ hội hợp tác thường xuyên, liên tục, bền vững giữa nghệ thuật múa Việt Nam - Hàn Quốc và bạn bè quốc tế trong tương lai.

Bài & Ảnh: NGUYỄN THỊ THANH HOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 592, tháng 12-2024

;