Quân đội nhân dân Việt Nam (tiền thân là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân) do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện; là quân đội kiểu mới mang bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân đội luôn giữ vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân, cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên nhiều kỳ tích vẻ vang, đưa đất nước đến với kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Bài viết đề cập đến những thành tựu to lớn và những giá trị truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân và có sự kết tinh những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Những chiến công nối tiếp chiến công trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã xây đắp lên truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Quân đội ta có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả, luôn luôn đoàn kết với nhân dân và quân đội các nước xã hội chủ nghĩa anh em, với nhân dân các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới” (1).
Những giá trị truyền thống tốt đẹp của quân đội được thể hiện sinh động qua nhiều nội dung; tuy nhiên, tiêu biểu trên một số nội dung cơ bản sau:
Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tận trung với Đảng
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trong 80 năm qua, Quân đội luôn mang bản chất giai cấp công nhân; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, trở thành chỗ dựa tin cậy của Đảng, công cụ bạo lực sắc bén của Nhà nước, giữ trọn niềm tin của nhân dân.
Ngay từ khi mới thành lập, quân đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là đội quân tuyên truyền về đường lối cách mạng của Đảng, làm cho nhân dân tin vào Đảng, hăng hái đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong kháng chiến chống ngoại xâm, cũng như trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, hy sinh, thậm chí cả các tình huống phức tạp đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, song Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí quyết tâm, chủ động, sáng tạo và đấu tranh, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, đòi “phi chính trị hóa” quân đội... của các thế lực thù địch, vững vàng trước những biến động của thời cuộc.
Phạm trù “trung với Đảng” có nội hàm rộng lớn hơn và khác hẳn về bản chất so với phạm trù “trung quân” trong xã hội phong kiến trước đây. Sự khác biệt này càng thể hiện rõ với quân đội do giai cấp tư sản tổ chức hiện nay, họ chỉ trung thành với nhà nước tư sản, chống lại nhân dân lao động trong nước và tiến hành xâm lược, nô dịch các quốc gia, dân tộc khác. Tận trung với Đảng của quân đội được bắt nguồn trước hết từ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Ngay từ rất sớm, Đảng đã khẳng định rõ: “Công nông cách mạng Tự vệ đội là dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương, quân ủy của Đảng Cộng sản” (2). Như vậy, Đảng Cộng sản tổ chức và giữ quyền lãnh đạo, làm cho Đội Tự vệ thực sự là đội quân cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng của Đảng và nguyện vọng của nhân dân. Trên cơ sở giữ quyền lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, Đảng chỉ đạo thành lập Đảng bộ Quân đội; trong đó, Quân ủy Trung ương là cơ quan lãnh đạo đối với quân đội. Nguyên tắc này đã xác lập và giữ vững vai trò hàng đầu đảm bảo cho quân đội luôn tận trung với Đảng.
Tận trung với Đảng của Quân đội nhân dân Việt Nam là sự thể hiện sinh động nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, được bắt nguồn từ tình cảm gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng; là đạo lý “tôi trung không thờ hai chủ” và là lòng thủy chung, son sắt, trước sau như một của tiền nhân… Tận trung với Đảng đã được hình thành và xây đắp, trở thành lẽ sống cao cả, ăn sâu vào máu thịt, tâm thức của mỗi cán bộ, chiến sĩ, là lời thề son sắt truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trung với Đảng còn thể hiện ở niềm tin trọn vẹn vào đường lối, chủ trương của Đảng, vào thắng lợi của cách mạng để quân đội sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những vấn đề mới; vì vậy, cần quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam”. Tập trung xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; trong đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, góp phần xây dựng, củng cố bản lĩnh chính trị, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Diễu binh trong ngày Quốc khánh - Ảnh: Phạm Công Thắng
Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tận hiếu với nhân dân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Quân đội ta là quân đội do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu” (3). Từ khi thành lập đến nay, ngoài mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam không có mục tiêu, lý tưởng nào khác. Đây là biểu hiện nét bản chất riêng có của quân đội cách mạng do Đảng lãnh đạo; luôn ghi nhớ cội nguồn, biết ơn sự giúp đỡ, đùm bọc để tận tâm, tận lực chiến đấu hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Tận hiếu với dân là khái niệm “dùng để chỉ lòng hiếu nghĩa của quân đội với nhân dân, phản ánh mối quan hệ máu thịt giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với nhân dân Việt Nam, là biểu hiện sự khác nhau căn bản giữa quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân với quân đội của giai cấp bóc lột, đối lập với nhân dân” (4). Tận hiếu với dân không chỉ biểu hiện ở những thành tích, chiến công của quân đội trong chiến đấu chống kẻ thù, mà còn biểu hiện ở tình cảm “thương yêu dân”, “quý trọng dân”, ở hành động giúp đỡ dân, bảo vệ dân, không đụng đến “cái kim, sợi chỉ” của nhân dân, thực hiện “đi dân nhớ, ở dân thương”... Những phẩm chất này được thể hiện sinh động, phong phú qua nhận thức, tình cảm và hành động của tất cả cán bộ, chiến sĩ trong quân đội khi thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Thể hiện sâu sắc những chuẩn mực xã hội, giá trị văn hóa ứng xử của người Việt và mang dấu ấn đặc trưng của tổ chức nhân văn quân sự.
Cán bộ, chiến sĩ trong quân đội luôn nhận thức rõ: Cơm quân đội ăn, áo quân đội mặc, vũ khí quân đội dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân tăng gia sản xuất, đóng thuế nông nghiệp mà có. Nhân dân thức khuya dậy sớm, ăn gió nằm sương, để đắp đường sửa cầu cho bộ đội đi. Nhân dân không quản trèo đèo lội suối, không quản khó nhọc gian lao, để chuyên chở súng đạn cho bộ đội đánh giặc. Quân đội sinh trưởng, thắng lợi, là nhờ nhân dân ra sức giúp đỡ, đùm bọc. Đặc biệt, trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, với nghệ thuật chiến tranh nhân dân phát triển cao, quân và dân đã kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi. Nhân dân đã hy sinh hết thảy, thực hiện quyết tâm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” hay “xe chưa qua, nhà không tiếc”… để ủng hộ kháng chiến, giúp đỡ bộ đội. Đáng quý hơn, có hàng vạn bà mẹ đã dâng hiến cho Tổ quốc thứ quý giá nhất của đời mình khi động viên những người con tham gia quân đội; trong đó, có hàng ngàn người mẹ trở thành Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Quán triệt lời dạy của Người “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác” (5), từ khi thành lập đến nay, quân và dân vẫn luôn gắn bó mật thiết. Trong những năm tháng hòa bình hiện nay, Quân đội luôn sẵn sàng hy sinh, cống hiến vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị quân đội đã có mặt ở biên giới, ở nơi tâm dịch để giúp đỡ nhân dân, với quyết tâm như đi vào một trận chiến, không thắng không về. Vào tháng 9-2024, khi cơn bão số 3 (Yagi) ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc, chúng ta lại được chứng kiến sự dũng cảm, hy sinh của rất nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội khi giúp nhân dân khắc phục hậu quả… Nói về đoàn kết quân dân, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Luôn luôn xung kích đi đầu trong tham gia phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân - đây là cơ sở để củng cố, duy trì mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân dân” (6).
Với những phẩm chất cao đẹp của mình, Quân đội nhân dân Việt Nam đã được nhân dân tin yêu, khen ngợi và gọi tên gắn với danh xưng của lãnh tụ thiên tài dân tộc “Bộ đội Cụ Hồ”. Đây là danh hiệu cao quý, là tài sản tinh thần vô giá, có giá trị nhân văn sâu sắc. Hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” là sự độc đáo riêng có, bởi trên thế giới chưa có quân đội nào được gắn với danh xưng của một lãnh tụ, một danh nhân như Quân đội nhân dân Việt Nam. Danh hiệu này còn là biểu tượng của văn hóa quân sự, hàm chứa tình cảm của nhân dân dành cho quân đội.
Sự tận hiếu với nhân dân của quân đội được bắt nguồn từ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa quân dân như cá với nước. Mối quan hệ đặc biệt này đã được hình thành từ rất sớm, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, chỉ với 34 cán bộ, chiến sĩ, trang bị vũ khí thô sơ, cùng với sự giúp đỡ của nhân dân địa phương đã mở đầu trang sử truyền thống “bách chiến, bách thắng” bằng chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần. Các chiến sĩ dũng cảm ấy đã từ nhân dân mà ra, là con em của nhân dân, được nhân dân đồng hành và cùng làm nên những chiến thắng vang dội. Quân đội không chỉ do dân đẻ ra như lời Bác Hồ nói mà dân còn là tường đồng, vách sắt che chở cho quân đội công tác và đánh giặc. Như vậy, sự gắn bó quân dân đã được hình thành rất tự nhiên, ngay từ trong máu thịt và cả quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành.
Sự tận hiếu với dân là thể hiện nét văn hóa đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; là sự phụng sự báo đền, không quên ơn nhân dân đã sinh ra và nuôi dưỡng, giúp đỡ bộ đội. Tận hiếu với nhân dân là hành động thiết thực, góp phần vun đắp, làm sâu sắc thêm tình quân dân, thể hiện sự khiêm tốn, kính trọng của quân đội đối với dân, biết dựa chắc vào dân để thực hiện nhiệm vụ; luôn tự trọng và đề cao trách nhiệm với nhân dân; thể hiện sự tri ân sâu sắc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay đối với bao anh hùng, liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh xương máu để đất nước ta, dân tộc ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Cán bộ và chiến sĩ trong quân đội luôn đoàn kết một lòng, thương yêu gắn bó, giúp đỡ nhau
Mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam được hình thành, phát triển trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, được xây đắp trên tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, đồng đội sâu sắc của một quân đội cách mạng trong suốt 80 năm qua. Tình đồng chí, đồng đội, một giá trị đạo đức cao đẹp mang ý nghĩa xã hội - chính trị sâu sắc, thấm đượm tính nhân văn, chứa chan tình yêu thương con người được bắt nguồn từ sự thống nhất về lợi ích giai cấp giữa các thành viên; hàm chứa sự bình đẳng về chính trị, về nghĩa vụ quân nhân, về tình anh em, tình bạn chiến đấu, nghĩa đồng bào. Đây là nguồn sức mạnh vô tận để người quân nhân cách mạng vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và là đặc trưng khác biệt về chất so với các quân đội nhà nghề, chiến đấu vì lợi ích của giai cấp thống trị.
Hoạt động quân sự là loại hình lao động đặc biệt, cường độ hoạt động cao trong điều kiện hết sức khắc nghiệt và gian khổ; ở những hoàn cảnh đặc biệt, việc hy sinh cả thân thể hoặc tính mạng của người cán bộ, chiến sĩ vẫn xảy ra… Những đặc điểm này có tác động mạnh mẽ tới tâm tư, tình cảm và ý chí của mỗi quân nhân. Để thực hiện mục tiêu: “Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận; thực hiện toàn quân một ý chí” (7), thì tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau như người trong một nhà càng cần được phát huy trong cuộc sống, công tác và chiến đấu. Mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ không chỉ biểu hiện ở việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ giữa lãnh đạo, chỉ huy và phục tùng mà còn được biểu hiện ở tình cảm cha con, anh em trong gia đình “Lớp cha trước, lớp con sau - Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”. Không ở đâu có thể tìm thấy tình cảm đồng chí, đồng đội sâu sắc, trong sáng, gần gũi như tập thể quân nhân cách mạng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh chiến đấu gian khổ ác liệt.
Thực hiện lời dạy của Người: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng” (8). Mỗi quân nhân cách mạng, nhất là đội ngũ cán bộ luôn đề cao trách nhiệm, là tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết và sự chân thành để chiến sĩ học tập, noi theo. Tiêu biểu là đội ngũ cán bộ chính trị các cấp đã luôn tận tâm, tận lực trong công việc, luôn gần gũi, gắn bó với đồng chí, đồng đội, thực sự “thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn” (9) và là chỗ dựa về tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Mọi vướng mắc của bộ đội đều được quan tâm giải quyết một cách kịp thời và thấu đáo.
Tinh thần đoàn kết keo sơn, gắn bó chặt chẽ với nhau như ruột thịt “lúc thường cũng như lúc ra trận” giữa những con người cùng chung lý tưởng, mục tiêu, cùng thực hiện nhiệm vụ cao cả của người quân nhân cách mạng được hình thành trước hết từ nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, điều lệnh của quân đội… Đặc biệt, mối quan hệ gần gũi như người trong một gia đình của những tướng lĩnh với từng người lính, được các tiền nhân khái quát như: “Huynh đệ chi binh”, “phụ tử chi binh”.
Có thể nói, với mỗi người quân nhân cách mạng, tình đồng chí, đồng đội là sự tin cậy lẫn nhau và quên mình vì nhau, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau lúc thường cũng như lúc chiến đấu; ở “tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”, nhận khó khăn về mình, chia sẻ cho nhau những niềm vui, nỗi nhớ; ở sự thẳng thắn, trung thực với tập thể; biết giữ nguyên tắc với mình và những người xung quanh; không làm ngơ trước những thiếu sót, khuyết điểm của đồng đội để cùng nhau tiến bộ và tiến bộ mãi. Đó chính là chất kết dính, là mạch nguồn giúp cho tình đoàn kết quân nhân luôn giữ vững và lan tỏa.
Quân đội nhân dân Việt Nam luôn có tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình
Ngay từ khi mới thành lập, trong Cương lĩnh đầu tiên do Đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Đảng thông qua đã xác định rõ về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới: “Đảng phổ biến khẩu hiệu “Việt Nam tự do” và đồng thời Đảng liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản trên thế giới, nhất là với quần chúng vô sản Pháp” (10). Đây là sự vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về tinh thần quốc tế của giai cấp công nhân vào điều kiện thực tiễn Việt Nam. Quan điểm nhất quán này là cơ sở để cách mạng Việt Nam thiết lập quan hệ hữu nghị, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau với cách mạng thế giới trên tinh thần quốc tế vô sản cao cả và trong sáng.
Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo; vì vậy, Quân đội mang bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Tiếp nối những nguyên tắc và truyền thống của Đảng, trong suốt 80 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thể hiện rõ tinh thần quốc tế vô sản trong sáng của một quân đội cách mạng; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chống áp bức, bóc lột, vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới.
Từng trải qua những năm tháng chiến tranh biết bao gian khổ, đau thương, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn khát vọng được sống trong hòa bình. Vì vậy, khi bạn bè cần sự giúp đỡ, quân đội đều sẵn sàng cử những quân nhân ưu tú tham gia thực hiện nhiệm vụ, chống kẻ thù chung. Với quan điểm “giúp bạn là tự giúp mình”, bao thế hệ quân tình nguyện Việt Nam đã kề vai sát cánh giúp đỡ nhân dân Lào, đặc biệt là giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, hồi sinh và phát triển đất nước. Không chỉ đón nhận sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, những cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của bạn bè quốc tế; cuộc đời và những đóng góp của Thiếu tướng Nguyễn Sơn cho Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc là một trong những ví dụ rất sinh động.
Cùng với nhiều đoàn công tác tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, gần đây, vào đêm 12-2-2023, Đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam gồm 76 cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã đến Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ hỗ trợ nước bạn khắc phục hậu quả thảm họa động đất. Việc làm này thể hiện chính sách đối ngoại ưu việt, trách nhiệm cao cả của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân Việt Nam trước cộng đồng quốc tế; khẳng định uy tín, vị thế, tinh thần trách nhiệm và năng lực tác chiến trong thời bình của quân đội ta trước các vấn đề an ninh phi truyền thống, góp phần thực hiện chính sách đối ngoại quốc phòng vì hòa bình; đồng thời, lan tỏa mạnh mẽ chính sách nhân đạo, đoàn kết, chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc về tinh thần tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân đã là bệ đỡ cho tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng của quân đội được tỏa sáng hơn. Đây cũng là quá trình hiện thực hóa chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới, để “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trước những thay đổi của tình hình thế giới, khu vực hiện nay và yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, việc tiếp tục xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tiến tới năm 2030 xây dựng quân đội chính quy, hiện đại, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội bằng “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội với những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc... Việc nhận thức đúng về “Bản chất cách mạng và truyền thống vẻ vang không chỉ là cội nguồn sức mạnh tạo nên bao chiến thắng hiển hách của quân đội ta trong các giai đoạn cách mạng trước đây mà còn là động lực, sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn thôi thúc cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phấn đấu vươn lên xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại, vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới” (11). Vì vậy, hơn bao giờ hết, cần thường xuyên nêu cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động của các thế lực thù địch; phát huy giá trị tốt đẹp của truyền thống Quân đội, tạo thành sức mạnh nội sinh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
________________________
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.435.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.94.
3. Hồ Chí Minh, Với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1975, tr.123.
4. Ngô Xuân Lịch, Quân đội nhân dân Việt Nam trung với Đảng, hiếu với dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr.41-42.
5, 8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.334, 76.
6. Trích bài phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Hội nghị Quân ủy Trung ương, ngày 8-7-2024.
7. Trích trong Mười lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Lời thề 7.
9. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.484.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.5.
11. Trương Thiên Tô, Phát huy phẩm chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, Hà Nội, 2024, tr.8.
TS NGUYỄN VĂN TRƯỜNG – Ths TRẦN THỊ MAI PHƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024