Nâng cao vị thế danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Nghệ sĩ đóng vai trò rất lớn trong việc đưa nền văn hóa - nghệ thuật nước nhà bước vào thời đại mới, thời đại sánh vai với bạn bè năm châu. Chính vì vậy, bản thân những người hoạt động nghiêm túc, có nhiều đóng góp lớn lao cũng đã nhận được sự vinh danh từ phía Nhà nước, bằng việc phong tặng các danh hiệu cao quý.

Tôn vinh nhằm tạo động lực vươn mình

Trong buổi trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” ngày 25-11-2024 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo đó, đây là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển theo chế độ Xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Trong thời đại dân tộc ta phát triển không ngừng để trở nên giàu mạnh, văn hóa – nghệ thuật không nằm ngoài nhịp vận động ấy. Bởi muốn hướng đến đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, không thể chỉ đáp ứng trên phương diện vật chất, mà phương diện tinh thần cũng cần được chú trọng. Trong đó, những người nghệ sĩ chính là nòng cốt trên bệ phóng đưa văn hóa – nghệ thuật cất cánh, bay xa. Để người làm nghệ thuật có thể đem trí và lực tận hiến cho nhân dân, phụng sự cho Tổ quốc, bên cạnh việc tự ý thức được trách nhiệm của bản thân, cũng cần có sự vinh danh kịp thời, xứng đáng từ phía Nhà nước.

Từ năm 1984 đến năm 2023, nước ta đã tổ chức 10 đợt trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), Nghệ sĩ nhân dân (NSND). Qua đó, tìm ra những gương mặt nghệ sĩ có tài năng, có đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển của nền nghệ thuật – giải trí nước nhà. Bàn về ý nghĩa của việc phong tặng danh hiệu, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận thấy, việc phong tặng danh hiệu cao quý có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Trước hết, đó là sự ghi nhận cho những nỗ lực và cống hiến không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ đối với nền văn hóa - nghệ thuật cách mạng của đất nước. Họ đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho văn hóa - nghệ thuật cách mạng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Sự tôn vinh này chính là lời khẳng định mạnh mẽ về giá trị lao động sáng tạo mà họ mang lại.

Tiếp nối quan điểm trên, GS, TS-NSND Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thành viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhận định, những đợt phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND cho các nghệ sĩ đều tạo được động lực cho sự phát triển nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, chúng ta đã xác định và đang có những tầm nhìn chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Mà công nghiệp văn hóa cần có sự tham gia của đông đảo những người làm nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực như âm nhạc, sân khấu, múa, điện ảnh,… Bởi vậy, tạo động lực cho các nghệ sĩ phát triển nghề nghiệp chính là tạo động lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Từ đó, thúc đẩy những ngành khác như du lịch, quảng cáo,…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao tặng danh hiệu NSƯT cho các nghệ sĩ - Ảnh: Tuấn Minh

Mọi đóng góp đều được đáp đền

Đáp ứng được mong mỏi của nhiều người yêu nghệ thuật, ngày 6-6-2024, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2024/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu NSND và NSƯT. Nghị định này được kỳ vọng sẽ khắc phục một số khó khăn cho các nghệ sĩ trong các kỳ xét tặng trước đây. Song hành với những quy định được ban hành, NSND Ngô Văn Thành chia sẻ, bản thân các thành viên trong hội đồng xét tặng ở các cấp cũng phải đi sâu vào đời sống nghệ thuật. Bởi số lượng nghệ sĩ trải dài trên nhiều tỉnh, thành, nhiều lĩnh vực tham gia xét tặng. Dĩ nhiên, các thành viên trong hội đồng cấp Nhà nước không thể biết hết các nghệ sĩ tham gia đề cử. Để đảm bảo sự công tâm, cũng như thấu tình đạt lý trong quá trình xét hồ sơ, hội đồng các cấp có đại diện của từng chuyên ngành nghệ thuật. Những đại diện có thể là các anh em, đồng nghiệp và thấu hiểu quá trình làm nghề của những nghệ sĩ xét tuyển. Hoặc đã từng sống trong những vai diễn, sống với những tiết mục biểu diễn mà các nghệ sĩ xét tuyển đã từng kinh qua. Dẫu vậy, vẫn phải dựa trên những nguyên tắc đánh giá công tâm, thống nhất, để đưa ra kết luận thỏa đáng với từng hồ sơ xét tuyển.

Ghi nhận qua các đợt phong tặng, NSND Ngô Văn Thành chia sẻ, một số nghệ sĩ đã có tuổi, có nhiều cống hiến trong suốt sự nghiệp, nhưng thời gian và sức khỏe không cho họ nhiều điều kiện để phục vụ công chúng, cũng được đưa vào diện ưu tiên xem xét phong tặng. May mắn, nhiều trường hợp đã được tôn vinh kịp thời. Bên cạnh đó, cũng có không ít nghệ sĩ giã từ khán giả trong những ngày xét tặng và trước ngày phong tặng. Nhưng trong ngày truy tặng, gia đình, thân nhân vẫn tới thay mặt để nhận danh hiệu cao quý. Theo NSND Ngô Văn Thành, sự tôn vinh này đầy giá trị nhân văn, giúp nuôi dưỡng văn hóa gia đình. Đồng thời, khuyến khích con cháu kế thừa nghề của tiền bối trong gia đình mình.

Cũng trên quan điểm ấy, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhận định: “Những danh hiệu này không chỉ dừng lại ở việc tri ân, mà còn giống như nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ nghệ sĩ kế cận. Khi nhìn vào những tấm gương đó, các bạn trẻ sẽ cảm nhận được rằng, dù con đường nghệ thuật còn nhiều khó khăn, nhưng nếu tận tụy, đam mê, cống hiến cho đất nước, vẫn sẽ luôn được xã hội ghi nhận. Qua đó, lan tỏa niềm tin và động lực để họ tiếp tục sáng tạo, làm giàu thêm cho nền văn hóa nước nhà”. NSND Ngô Văn Thành nhấn mạnh, đây là truyền thống đáng quý, làm sao để sự tôn vinh dành cho nghệ sĩ thật xứng đáng.

Để hòa chung với nghệ thuật thế giới

Việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT hoàn toàn là sự công nhận trong nước. Tuy nhiên, nhờ vị thế trong nước được củng cố, tên tuổi trong nước được biết đến đông đảo, đã tạo nguồn động viên to lớn cho các nghệ sĩ dấn thân ra những sân chơi quốc tế. NSND Ngô Văn Thành chỉ ra, trước đây, nước ta không có đoàn nghệ thuật nào tự tin mang nhạc thính phòng cổ điển ra nước ngoài biểu diễn. Nhưng những năm gần đây, có nhiều đoàn đã đứng trên sân khấu ở nhiều quốc gia phát triển mạnh về dòng nhạc này như Nga, Đức, Áo,… Cùng với đó, nhiều bộ phim điện ảnh đã bước chân vào những liên hoan phim quốc tế. Những điều này càng minh chứng ra nét, nghệ thuật Việt Nam đã hòa vào tiếng nói chung của nghệ thuật thế giới. Vươn ra thế giới vừa khuyến khích, cũng vừa đòi hỏi người làm nghệ thuật dám đầu tư, hy sinh, để nghệ thuật nước nhà trở thành tinh hoa, sánh ngang với bạn bè quốc tế.

Chính vì thế, PGS, TS Bùi Hoài Sơn khẳng định: “Những danh hiệu này còn góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Theo đó, những nghệ sĩ được tôn vinh không chỉ là người gìn giữ di sản mà còn là những người làm mới, làm phong phú thêm các giá trị văn hóa. Từ đó, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới. Mỗi nghệ sĩ cũng chính là đại sứ văn hóa, giúp bạn bè quốc tế hiểu và yêu mến đất nước ta hơn. Hơn hết, việc phong tặng danh hiệu còn đặt ra một chuẩn mực cao hơn cho nghệ thuật, thúc đẩy sự chuyên nghiệp hóa trong các lĩnh vực sáng tạo. Nó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền cảm hứng cho mọi người cùng nhau xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc.

ĐỨC BÌNH – NAM DƯƠNG

;