Việc phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) qua các đợt đều có những cởi mở hơn, tạo cơ hội cho nhiều đối tượng nghệ sĩ có thể tham gia xét tặng. Song, trước tiên, chính mỗi nghệ sĩ phải ý thức được việc trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, gìn giữ phẩm chất.
Tạo cơ hội cho mọi đối tượng nghệ sĩ
Bản thân các đơn vị nghệ thuật luôn mong muốn các nghệ sĩ của đơn vị mình không chỉ được công chúng dành nhiều tình cảm mến mộ, mà còn nhận được sự vinh danh cao quý. Theo như chia sẻ của NSND Trọng Bình, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, chủ trương của nhà hát là tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nghệ sĩ chưa có huy chương được va chạm, cọ xát và học hỏi từ những cuộc thi quy mô địa phương và trên toàn quốc. Trong quá trình làm hồ sơ tham gia xét tặng, nghệ sĩ nào khi quy đổi thành tích ra còn thiếu chút điểm, nhà hát vẫn sẽ cân nhắc toàn bộ quá trình làm nghề của cá nhân để đề cử. Ví dụ như cá nhân đó đi diễn ở những chương trình, sân khấu nào ngoài nhà hát, đã từng thu thanh, thu hình cho các đài phát thanh, truyền hình hay chưa,… Cùng với khích lệ, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng rất chú trọng đến khâu bồi dưỡng nhân tài. Từ giữa những năm 1990, nhà hát đã mở lớp đào tạo các diễn viên mới về hoạt động tại nhà hát. Bản thân NSND Trọng Bình chính là thế hệ học viên đầu tiên trưởng thành từ lớp đào tạo ấy.
Tài năng luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, GS, TS - NSND Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thành viên Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho biết, các thành viên trong hội đồng xét tặng còn xem xét tới tương lai của một nghệ sĩ. Đôi khi, năng lực của nghệ sĩ ở thời điểm hiện tại chưa đạt đến độ chín muồi, nhưng nhìn về tương lai phía trước của cá nhân đó, có thể phát triển được nhiều hơn nữa.
Tại sao tương lai lại được chú trọng tới như vậy, NSND Ngô Văn Thành lý giải, tuổi đời của nghệ sĩ không quá dài, nên cần xem xét đến đối tượng những người còn trẻ, còn sung sức. Vì ngay từ khi còn trẻ đã được phong tặng danh hiệu như vậy, mỗi người hoạt động nghệ thuật sẽ càng ý thức hơn trọng trách mình được trao gửi, để phấn đấu nhiều hơn trên hành trình làm nghề, cống hiến nhiều hơn cho công chúng. Trong đợt phong tặng danh hiệu gần đây nhất vào tháng 12-2023, khán giả đã được chứng kiến một số tên tuổi nghệ sĩ sinh vào những năm 1980, 1990 đã nhận danh hiệu NSND, NSƯT.
Song song với khung tiểu chuẩn chung, đối với mỗi chuyên ngành nghệ thuật cũng có những tiêu chuẩn riêng sao cho phù hợp với đặc thù của chuyên ngành đó. Như về thời gian hoạt động, đối với xiếc, ở độ tuổi 15, 16 cho tới 18 tuổi, sau thời gian dài luyện tập, biểu diễn, cơ thể của nghệ sĩ đã có nhiều thay đổi. Càng lớn tuổi, cơ thể càng có nhiều chuyển biến tiêu cực. Nên thời gian phục vụ khán giả không thể dài được bằng các bộ môn nghệ thuật khác. Trong khi đó, với điện ảnh, nghệ sĩ 80 tuổi vẫn có thể viết kịch bản, làm đạo diễn, hoàn thành công trình nghệ thuật của mình.
Song, NSND Ngô Văn Thành nhấn mạnh, tạo điều kiện ở một chừng mực nào đó, vẫn có thể chấp nhận được, nhưng không thể buông lỏng trong khâu xét duyệt. Tuy nhiên, không phải đối tượng nào hoạt động nghệ thuật lâu năm, cống hiến nhiều cũng được xem xét ưu tiên. Bởi không thể chỉ đếm số lượng các chương trình nghệ sĩ thực hiện, mà phải xét xem, cái tên ấy có tài năng thế nào, để lại ấn tượng như thế nào trong lòng khán giả. Phát triển nghệ thuật phải cân bằng, hài hòa được giữa năng lực và cống hiến. Có rất nhiều cách tôn vinh xứng đáng cho những người có nhiều cống hiến, không chỉ dựa vào việc phong tặng NSND, NSƯT.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trao danh hiệu NSƯT cho các nghệ sĩ - Ảnh: Tuấn Minh
Qua mỗi đợt xem xét hồ sơ, NSND Ngô Văn Thành ghi nhận, không chỉ những nghệ sĩ từ các đơn vị nghệ thuật công lập tham gia, mà ngày càng có nhiều hơn những nghệ sĩ hoạt động tự do hay hoạt động trong các đơn vị ngoài công lập. Ông nhận định, hiện tại, nền kinh tế nước ta đang vận hành trong khuôn khổ cơ chế thị trường. Vì vậy, ta cũng cần nhìn nhận sự đóng góp của các loại hình nghệ thuật mang tính chất thị trường và những cá nhân, tập thể sáng tạo, thực hiện các loại hình nghệ thuật ấy. Bởi những chương trình nghệ thuật ấy tạo được sự thích thú trong phần đông công chúng, nâng cao đời sống tinh thần của khán giả. Đôi khi, nghệ sĩ hoạt động ngoài công lập cảm thấy mặc cảm, khi mà những người đồng nghiệp của mình nhận được nhiều hỗ trợ, đầu tư từ Nhà nước. Vì vậy, không nên để vô tình tạo ra sự hiểu lầm, chỉ đánh giá những nghệ sĩ từ các đoàn nghệ thuật trong đơn vị công lập, mà bỏ quên các nghệ sĩ ngoài công lập.
Trong những tiêu chí xét tặng, nghệ sĩ còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn khác về tư tưởng, đạo đức, phẩm chất. Thậm chí, những tiêu chí này được đặt lên hàng đầu trong khung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu. NSND Trọng Bình hoàn toàn tán thành với quy định này. Theo anh, không nên vin vào mỗi tài năng, mà có những hành động thiếu kiểm soát. Dù có là vô tình cũng khiến cho danh hiệu nghệ sĩ trở nên bị rẻ rúng. Anh luôn lấy lời căn dặn Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời làm kim chỉ nam trên con đường nghệ thuật của mình - “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Phát huy danh hiệu sau khi vinh danh
Sau khi được phong tặng, các NSND, NSƯT làm sao để phát huy cho xứng danh hiệu mình nhận được, là trăn trở không chỉ của riêng NSND Ngô Văn Thành, mà còn là của tập thể các thành viên Hội đồng xét tặng cấp Nhà nước. Vừa đón nhận danh hiệu NSND trong đợt phong tặng vừa qua, NSND Trọng Bình luôn ý thức được trách nhiệm của một người nghệ sĩ được Nhà nước, nhân dân tin yêu.
Anh tâm niệm, nhận được danh hiệu đã khó, giữ được danh hiệu lại càng khó hơn. Cá nhân anh chưa bao giờ có suy nghĩ kén chọn giữa vai lớn và vai nhỏ, vai chính với vai phụ. Dù nhận vai diễn nào, NSND Trọng Bình cũng luôn cháy hết mình trên sân khấu. Xuất hiện ở trên sân khấu, trên truyền hình hay ở bất kỳ đâu, anh vẫn luôn giữ thái độ chỉn chu, nghiêm túc. Vì diễn ở đâu cũng là phục vụ công chúng. Sau tấm màn nhung, anh cũng là một người thầy, một người dìu dắt những mầm non của nghệ thuật cải lương.
Được biết, NSND Trọng Bình hiện là giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Theo anh, muốn truyền nghề được cho sinh viên, thì phải tạo được cho các em lòng tin, tình yêu với nghề. Bằng cách, bên cạnh việc nghiêm túc học tập trên lớp, anh vẫn tạo điều kiện cho các em hoạt động nghệ thuật ở bên ngoài trường, để có thể kiếm thêm thu nhập, nuôi dưỡng cuộc sống và đam mê.
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Các em nghiêm túc tôi rèn kỹ năng làm nghề từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, sau này ra trường, nhất định sẽ nhận được nhiều thành tựu. Cùng với đó, trong quá trình học, nhà trường luôn dành nhiều học bổng có giá trị cho những sinh viên có tinh thần ham học, cầu thị”, đó là lời anh luôn dặn dò sinh viên của mình. Cùng với đó, anh phát triển khả năng của từng sinh viên theo hướng mà mỗi em giỏi nhất. Thay vì dạy tràn lan, gây lãng phí thời gian, công sức học tập, sinh viên nào có khả năng ở những vai đào, lão hay kép sẽ được NSND Trọng Bình định hướng rõ ràng. Có được định hướng phát triển nghề nghiệp cho riêng mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các sinh viên cảm thấy hứng thú với việc học tập, rèn luyện hơn.
Đó chính là những nỗ lực của cá nhân NSND Trọng Bình, đồng thời cũng là câu chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ học hỏi và lấy đó làm động lực cho sự nghiệp của mình. Tóm lại, mỗi nghệ sĩ cần phải luôn ý thức được rằng, việc phát huy danh hiệu sau khi được tôn vinh cũng là trách nhiệm xuyên suốt hành trình làm nghề.
ĐỨC BÌNH – NAM DƯƠNG