Nhà Mạc là một triều đại đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Sự xuất hiện của nhà Mạc trong tiến trình lịch sử dân tộc tuy không dài (1527-1592), nhưng đã có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, là dấu son đáng trân trọng, tự hào của dân tộc. Từ góc độ di sản văn hóa, chúng tôi đã tiến hành khảo cứu, tập hợp được 11 di sản văn hóa đặc sắc thời nhà Mạc được công nhận là Bảo vật quốc gia. Những tìm hiểu này giúp hình dung, phác họa, nhận diện đặc trưng di sản văn hóa thời Mạc cũng như việc phát huy nó trong bối cảnh hội nhập đa văn hóa hiện nay, khi mà bản sắc văn hóa là chìa khóa của thành công, là căn cốt của sự phát triển bền vững.
Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung - Nguồn: Bảo tàng Hải Phòng cung cấp
1. Long Đao (Định Nam Đao)
Long Đao hiện được lưu giữ tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Long Đao được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 88/QĐ-TTg, ngày 15-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Long Đao làm bằng kim loại, chia thành các phần: lưỡi và cán (chuôi) bằng sắt; khâu bằng đồng. Đao dài 240cm, bản lưỡi đao rộng nhất 8,5cm, sống đao dày 1,3cm, đường kính đao 3,8-4cm; trọng lượng 12,8kg. Long Đao có mũi nhọn, lưỡi hình bán nguyệt, cán dài. Khâu đao là chốt nối giữa lưỡi và cán; khi tháo lưỡi ra thì cán đao thành một cây đoản côn. Khâu đao tạo tác hình linh vật Nhai Tí (hay Nhái Xế), đầu giống rồng, thân có vảy, miệng há rộng làm bệ đỡ lưỡi đao, răng nanh nhô ra ngoài, mũi sư tử, trán lạc đà, mắt tròn to, tai hình quạt. Thân khâu đao khắc hoa văn tựa vân mây và vảy rồng. Lưỡi và cán đao để trơn. Long Đao vốn là bảo vật của dòng họ Phạm (gốc Mạc) tại làng Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, sau đó bị thất lạc (1). Năm 1938, dòng họ Phạm trùng tu từ đường đã tìm thấy Long Đao sau hơn 90 năm nằm dưới lòng đất. Năm 2009, Long Đao được rước về trưng bày và bảo quản tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc.
Căn cứ vào kết quả xét nghiệm số 1370 ngày 16-7-2019 của Phòng Nghiên cứu thực nghiệm khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học, kỹ thuật và vật liệu chế tạo thanh đao là loại hợp kim thuộc TK XVI-XVII, mang phong cách Mạc - Lê Trung hưng. Theo nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân: “Đây là một hiện vật độc bản, không sao chép, có nguồn gốc rõ ràng, được phát hiện và thờ trong từ đường họ Phạm (gốc Mạc)... nghệ thuật trang trí mang phong cách Mạc” (2). Theo nhà nghiên cứu Phạm Quốc Quân: “Đây là hiện vật cổ, chưa thấy xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam. Niên đại của hiện vật có thể đặt trong bối cảnh triều Lê Trung hưng” (3). Long Đao là hiện vật gốc, hình thức độc đáo và có giá trị đặc biệt liên quan đến dòng họ Phạm gốc Mạc, họ Mạc Việt Nam, là biểu tượng của họ Mạc Việt Nam.
2. Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung
Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung được lưu giữ tại chùa Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Tượng được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định 2283/QĐ-TTg, ngày 31-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung - vị Vua khai sáng vương triều Mạc - làm từ đá nguyên khối, màu sắc tự nhiên của đá vôi (đá xanh) (4). Tượng được tạo tác theo phong cách tượng tròn với dạng thức kiểu tượng hậu (hậu Phật, Phật tử), có niên đại TK XVI. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Du Chi: “pho tượng hậu Phật nhưng lại được thể hiện dưới dạng tượng Ngọc Hoàng” (5). Tượng kích cỡ tương đương người thật, “bằng đá vôi, cao tất cả 74cm, ngồi trong thế kiết già, lòng đùi mở rộng 57cm, vai rộng xấp xỉ 35cm... là một Phật tử nhà vua nên tượng vẫn đeo đai ngọc và giữa ngực áo vẫn có bổ tử chạm rồng” (6). Áo để bổ tử dạng đai hình vuông kép, trong chạm hình rồng thế cuộn tròn, mặt rồng nhìn chính diện. Mũ trang trí biểu tượng con chim với tạo tác dạng thức hai cánh xòe, đuôi cong, đầu chúc xuống phía dưới, khá tương đồng với mũ quan thời Hán - Đường, Trung Quốc. Hình tượng chim gắn trên đầu tượng là hình tượng Thần điểu - chim Thần, có tiếng hót trong trẻo giảng về Pháp vi diệu, ai nghe thấy đều có thể tức thời mà lĩnh hội Phật pháp. Tương truyền, loài chim này là linh vật của ngài Bắc Phương Bất không thành tựu Phật. Đương thời, Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh Diệu pháp liên hoa cho hàng Bồ Tát, từng đàn chim đến đậu trên cây báu Chiên đàn để nghe và lĩnh hội được ý của Phật. Sau đó, đàn chim bay đến các tầng trời để chuyển kinh bằng tiếng hót thuyết pháp của mình. Về mặt tạo hình, chim nằm ở đỉnh cao nhất của tượng trong tư thế bay hướng đầu xuống dưới, tạo thành hai chiều chuyển động: Phật là chúng sinh vươn lên chân lý, chim đại diện cho chân lý của Phật pháp sẵn sàng hòa xuống cùng chúng sinh. Cách tạo hình này biểu trưng cho quan niệm của Phật giáo: Phật pháp bất ly thế gian pháp (7). Điều này cho phép chúng ta nghĩ đến giả thuyết, hình chim có thể cho biết Mạc Đăng Dung sau khi mất mong muốn quy Phật pháp, hoặc là cách che mắt thế lực thù địch tránh sự trả thù.
3. Phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn
Phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn có niên đại TK XVI, được lưu giữ tại chùa Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2283/QĐ-TTg ngày 31-12-2020, được làm từ đá nguyên khối, tạc vào ngày mồng 1 tháng 4 năm Tân Hợi, niên hiệu Trung Nguyên (1551) dưới dạng hậu Phật (8). Ở đây cũng cần nói thêm, một số tài liệu đề cập tên bà là Vũ Thị Ngọc Toản. Hiện nay chưa có sự thống nhất trong cách gọi tên của bà.
Phù điêu Thái hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toản - Nguồn: Bảo tàng Hải Phòng cung cấp
Phù điêu được tạo tác tinh tế, chuẩn mực, lột tả được nội tâm nhân vật. Phù điêu còn nguyên vẹn, không sứt mẻ, được sơn tô màu vàng cam phần áo, tóc màu đen và phần đế/ bệ bia; lòng bia tượng, diềm bia được sơn, tô màu nâu đỏ (sơn ta). “Hình thức tạc này theo lối khoét đá, bỏ đi những phần thừa, và như vậy, khung bao ngoài là một “y môn” tạo cho tượng như ngồi trong khám (y môn cao 74cm, rộng 40cm, tượng cao 55cm, lòng đùi rộng 41cm, đầu xấp xỉ 16cm, đế cao 30cm, rộng 56cm). Nền “y môn” là hoa dây điểm các bông cúc mãn khai, có tính tượng trưng, ở phía trên chạm rồng phượng. Hai góc “y môn” ngang đầu tượng đề hai chữ “Động chủ”. Phù điêu chạm nổi (tới 6cm) với mặt trái xoan, má hơi bầu, tai dài có đeo hoa. Phù điêu này vẫn đậm chất chân dung, ngồi kiết già, tay trái úp tay phải ngửa để trên đùi ở hai bên, như muốn nói lên ý nghĩa tự độ độ tha của chủ nhân. Áo kiểu cà sa, ít nếp, không đóng khung, để hở yếm ngực” (9). Phù điêu thể hiện một người đài các, giàu sang, nhưng rất đôn hậu, nhân ái, sẵn sàng phế bỏ tất cả để tìm về cửa thiền. Phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là hiện vật cổ, độc bản, chưa thấy xuất hiện trong các di tích và bảo tàng ở Việt Nam.
4. Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay chùa Đào Xuyên
Tượng có niên đại thời Mạc (TK XVI), được lưu giữ tại chùa Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tượng được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 14-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ, còn có tên gọi khác là tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn, được tạo tác bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng, chiều cao cả tượng và bệ là 255cm (tượng cao 132cm), vòng cánh tay rộng 155cm (10).
Tượng ngồi trong thế “tham thiền nhập định” nhưng lại thoát ra cái động của nội tâm qua những cánh tay vung ra xung quanh. Người thợ tạc tượng tài tình và khéo léo đến nỗi có thể đứng ở chính giữa, phía trước, bên phải, bên trái, đều như tượng đang nhìn về phía mình. Tượng được trang trí theo hai tuyến: tuyến thật và tuyến tượng trưng. Tuyến thật là phần chính của tượng, với đầy đủ chi tiết của một con người, có khác chăng là con người ở đây không phải 2 tay, mà 42 tay trong tư thế khác nhau theo từng cặp, cách xếp đặt các đôi tay, dù ở tư thế nào vẫn mang tính chân thực. Tuyến tượng trưng là phần vòng sáng phía sau, tạo bởi 610 cánh tay nhỏ, chia làm 5 lớp. Tuyến này được tạo nên từ phong cách phù điêu, biểu lộ tính thần thoại, siêu thoát như thân tượng tỏa ra một vòng sáng. Đầu tượng phủ khăn bên ngoài, trong đội mũ, đỉnh mũ có tượng Phật Thích Ca ngồi nhập định trên tòa sen. Mặt tượng đầy đặn, đôn hậu, mắt hơi khép, mũi thẳng, má bầu, miệng để tự nhiên, tai dài và đeo hoa. Tóc mai chảy ngang qua tai. Thân tượng đầy đặn mặc áo nhiều nếp chảy cả xuống mặt bệ. Ngang bụng thắt bao rủ xuống hai bên, lẫn vào nếp áo (11). Tượng ngự trên tòa sen. Toàn bộ phần tượng và phần bệ được tạc bằng gỗ mít, tuy được ghép bằng nhiều mảng, nhưng cảm giác như tượng được tạo bởi một khối gỗ nguyên (12). Tượng là công trình nghệ thuật tuyệt vời, có thể xếp vào loại kiệt tác nghệ thuật tạc tượng Phật Việt Nam và là kiệt tác nghệ thuật thời Mạc còn lại đến ngày nay.
5. Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng
Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng có niên đại vào thời nhà Mạc TK XVI được lưu giữ tại đền - chùa Bà Tấm, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng có kích thước cao 170cm, rộng thân 63cm, rộng chân 67cm, rộng bờ nóc 32cm, rộng mái trên 52cm, rộng mái dưới 76cm. Khám thờ mang dáng dấp của một tòa kiến trúc, cấu tạo gồm 3 phần: bộ mái, thân và chân đế, liên kết với nhau bằng hệ thống mộng và chồng đấu. Bộ mái được tạo tác theo kiểu thức chồng diêm, 2 tầng 8 mái, lợp ngói âm dương. Tầng mái trên thu nhỏ, gồm 2 mái chính và 2 mái phụ, nối với nhau bởi các bờ nóc, bờ giải trang trí hoa chanh, hoa thị. 2 đầu bờ nóc có 2 con kìm chạm hình rồng nhô cao. Tầng mái dưới xòe rộng, 4 mặt mái hình thang cân. Dưới mỗi tầng mái là bộ con sơn chạc ba. Thân khám gồm 2 lớp: Lớp trong hình khối hộp chữ nhật, mặt trước trổ cửa bức bàn, có lan can vây quanh và ngưỡng cửa, với y môn chạm rồng chầu hoa cúc. 3 mặt bên là ván bưng, chạm lộng hình rồng trong ô tròn và ô-van, hoa cúc, dây xoắn trong ô chữ nhật đứng và nằm ngang. 4 góc là 4 cột trụ chạm nổi hình rồng, chạm lộng lưỡng long chầu nguyệt ở 4 mặt diềm cửa võng. Chân đế khám được tạo theo kiểu 4 chân quỳ dạ cá, chạm nổi đao mác và văn xoắn.
Khám thờ ở đền - chùa Bà Tấm là hiện vật gốc độc bản, tiêu biểu cho đồ thờ trong đền chùa, đại diện cho kỹ nghệ chạm gỗ, sơn son thếp vàng của nước ta nói chung và thời Mạc nói riêng. Khám thờ được làm theo kiểu long đình, như là hình thức của một công trình kiến trúc thu nhỏ, nhưng lại khá chi tiết, ngoài giá trị nghệ thuật, còn cho chúng ta biết một hình mẫu kiến trúc thời Mạc (13), một triều đại tuy tồn tại không dài, nhưng để lại những dấu ấn đáng trân trọng.
6. Bệ thờ đất nung đền An Xá
Bệ thờ đất nung được lưu giữ tại đền An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, niên đại thời nhà Mạc. Bệ thờ đất nung được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định 41/QĐ-TTg ngày 30-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Bệ thờ đất nung đền An Xá còn gọi là bệ đất nung đền Đậu An, hương án đất nung đền An Xá. Bệ được cấu tạo bởi nhiều khối đất nung khác nhau gắn kết khít lại tạo thành bệ thờ hoàn chỉnh dạng khối hộp chữ nhật, đặt tại hậu cung đền. Nhìn tổng thể bệ thờ có dáng như một tòa sen lớn, cao 135cm, dài 290cm, rộng 106cm, chia làm 4 phần: mặt bệ (đài sen), thân bệ, chân bệ và đế bệ. Mặt bệ tạo dáng như một tòa sen. Thân bệ tạo dáng nhỏ, thắt lại, là phần tập trung nhiều đề tài và hoa văn trang trí nhất. Mặt trước và sau đều chia làm ba ô hình chữ nhật, mỗi ô đắp nổi hình rồng. Rồng với tư thế lượn thoải mái, không theo nguyên tắc nào, mỗi con một vẻ thể hiện sự đa dạng và dân gian hóa hình tượng này trong mỹ thuật. Chân bệ ngăn cách với phần thân bởi đường gờ nổi to nhô ra được làm nhẵn. Chân bệ chia làm ba ô vuông hình chữ nhật. Đế bệ to rộng tạo tác kiểu chân quỳ dạ cá, mặt ngoài khum lại. Bệ thờ được tạo tác thủ công với kỹ thuật nung, chạm khắc tinh xảo, độc đáo, không theo hình mẫu nhất định. Bệ thờ là dấu mốc cho bước chuyển từ chất liệu đá sang đất nung, nhất là với tổ hợp hoa văn mang yếu tố Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo hòa quyện, đan xen (14), phản ánh hiện tượng Tam giáo - một đặc sắc tư tưởng thời nhà Mạc đã lưu dấu trong lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và xã hội đương thời.
7. Bia hộp đá đồi Cốc thời Mạc
Bia hộp đá đồi Cốc thời Mạc được lưu giữ tại đền thờ Trạng nguyên Giáp Hải, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang, được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2089/QĐ-TTg, ngày 25-12-2027 của Thủ tướng Chính phủ.
Bia được tạo tác năm 1549, đến năm 1581 khắc thêm 91 chữ ở vỏ bia, là một loại sách đá, có rất ít ở Việt Nam. Nhìn tổng thể, bia tạo thành khối chữ nhật, hình hộp gồm 2 phần nắp và thân bia đậy ốp khít vào nhau, nắp đậy cao 72cm, rộng 149cm, dày 16cm. Cả hai phần đều là hình khối chữ nhật, lòng văn mài phẳng, nhẵn, khắc chữ Hán Nôm (15). Bia được khắc vào ngày 26 tháng Chạp năm Kỷ Dậu niên hiệu Cảnh Lịch thứ hai (1549). Ba diềm cạnh khắc chìm họa tiết hoa dây cuốn trổ tay mướp (16).
Bia được phát hiện ở lưng đồi Cốc, thuộc làng Cốc, xã Dĩnh Trì, ban đầu bảo quản ở đình làng Cốc, sau di dời về đền thờ trạng nguyên Giáp Hải. Là bia đá/ sách đá chạm khắc rồi chôn theo mộ. Nội dung văn bia là tư liệu quý về thân thế và sự nghiệp của Trạng nguyên Giáp Hải (1507-1586) - một danh nhân khoa bảng, nhà chính trị ngoại giao yêu nước, thương dân, tài năng lỗi lạc; đồng thời xác định ngôi mộ Khánh Sơn tiên sinh, thân phụ của ông. Văn bia làm sáng tỏ những huyền thoại liên quan đến thân phận Trạng nguyên. Ông làm quan cho nhà Mạc trải qua 4 đời Vua (Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp) và giữ những trọng trách cao trong triều: Lục bộ Thượng thư, kiêm Đông Các, Nhập thị Kinh diên, Thái Bảo, Sách quốc công, Luân quốc công. Ông đã dành hai phần ba cuộc đời cho nhà Mạc (gần 50 năm làm quan), được các Vua Mạc đánh giá cao như một phần không thể thiếu trong triều đình (17). Vì vậy, bia hộp đá Đồi Cốc là hiện vật mang tính tiêu biểu, có giá trị đặc biệt, đại diện cho thời Mạc.
8. Cây đèn gốm
Cây đèn gốm men lam xám thời Mạc (1582) hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội, được công nhận là Bảo vật quốc gia theo quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo các nhà nghiên cứu, chân đèn gốm này là đồ thờ được cung tiến vào chùa Thanh Lan (thôn My Xuyên, xã Lai Khê, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, nay thuộc tỉnh Hải Dương). Chân đèn cao 73,5cm, đường kính miệng 16,5cm, đường kính đáy 22cm, trọng lượng 12kg và còn nguyên vẹn. Nghệ nhân thực hiện là Đặng Huyền Thông, người đã sáng tạo ra dòng gốm men lam xám đại diện cho phong cách gốm thời Mạc. Đây là sản phẩm tiêu biểu của ông (18).
Cây đèn gồm hai phần được khớp với nhau. Phần dưới cây đèn giống chiếc mai bình, phần trên như bông sen nở, trang trí hoa văn rồng yên ngựa, rồng trong lá đề, bông hoa tròn hình ngôi sao 8 cánh nhọn... Các hoa văn này đều mang nét đặc trưng của phong cách Đặng Huyền Thông và kế thừa hoa văn thời Lê Sơ. Phần trên cây đèn có miệng đấu (để đặt đĩa đèn) và hai đoạn hình loa, giữa hai đoạn là một đường gờ nổi. Cổ nhỏ lắp khớp với phần trên, vai và thân trên phình, thân dưới eo, chân đế choãi. Vai chân đèn có hàng chữ Hán đúc nổi, mỗi chữ đặt trong ô vuông: “Hoàng đế vạn tuế, thiên hạ thái bình, chúng sinh đồng thụ phúc trường diên khảo”. Trước đầu rồng ở phần thân chân đèn có 3 chữ “Thanh Lan tự” đúc nổi trong ô tròn. Phần dưới chân đèn có khắc chìm dưới men bài minh văn bằng chữ Hán, gồm 27 dòng, khắc thời gian tạo tác là năm 1582 - đời Vua Mạc Mậu Hợp. Thông tin về minh văn trên đồ gốm này là minh chứng cho thời kỳ phục hưng Phật giáo ở Việt Nam trong TK XVI (19).
9. Lư hương gốm men lam xám
Lư hương gốm men lam xám có niên đại thời Mạc (khoảng năm 1588-1591), hiện thuộc bộ sưu tập bảo vật An Biên, Hải Phòng, được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Lư hương còn gọi là lư hương gốm thời Mạc, cao 41cm, đường kính miệng 23,5cm, dáng hình trụ, miệng cao, loe, trang trí hình tượng rồng uốn khúc “hình yên ngựa” đặc trưng cho mỹ thuật thời Mạc. Lư hương mang dáng dấp và trang trí hoa văn hai loại trống đồng của người Việt. Phần dưới lư hương có dáng trống Đông Sơn dáng úp sấp, thân chia ba phần rõ rệt, hoa văn gạch ngắn song song, tam giác liền đáy. Phần trên lư hương trang trí sen đối đỉnh đặc trưng của trống Mường. Phần cổ như trụ tròn, trang trí họa tiết hoa sen và mây xoắn, bên trong có chữ “Đại tự” là chữ Phật (Phật giáo). Đặc biệt, có tượng động vật 4 đầu nằm giữa phần tang và lưng trống, đôi mắt tròn, tai nhọn, mũi và miệng giống như đầu con dơi. Theo truyền thuyết và phong thủy, hình ảnh này biểu tượng cho hạnh phúc. Đây là cách liên tưởng âm “Bức” (con dơi) với âm “Phúc”. Bên ngoài 2 dải quai lớn có hình rồng nổi, uốn khúc. Có 4 dải quai nhỏ bên thân, mỗi dải có hình chữ Hán nổi là: “Định hương”, “Huệ hương” (còn gọi là Tuệ hương), “Giải thoát hương” và “Giải thoát tri kiến hương”. Đó là các chữ trong bài Nguyện hương của Phật giáo với nghĩa nguyện cho khói nhang mà người đốt lên cúng Phật kết thành đám mây hương rộng lớn bay khắp 10 phương, đến nơi có Phật tử. Nghĩa của chữ “hương” ở đây là mùi hương của phẩm hạnh. Trong đó, “Định hương” là tâm thế người đốt hương, thanh tịnh. “Huệ hương” là mong cho trí tuệ người đốt hương thông tuệ. “Giải thoát hương” là giải thoát ra khỏi sự sinh tử, luân hồi. “Giải thoát tri kiến hương” là thấy và biết được các pháp, thâm nhập vào cảnh giới của Phật… (20). Là hiện vật độc đáo, mang hình bóng trống đồng, lư hương giúp tìm hiểu đầy đủ hơn về lịch sử nghệ thuật gốm thời Mạc.
10. Bộ chân đèn và lư hương gốm men
Bộ chân đèn và lư hương gốm men còn gọi là Chân đèn và Bát hương, được lưu giữ tại Bảo tàng Nam Định, được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Chân đèn phát hiện tại đình Cự Trữ; bát hương phát hiện tại chùa Cổ Chất, đều thuộc xã Trực Phương, huyện Trực Ninh, Nam Định.
Chân đèn có đường kính miệng 17cm, đường kính đáy 21,2 cm, cao 76cm. Lư hương có đường kính miệng 20cm, đường kính đáy 20cm, cao 40,4cm. Chân đèn dáng thon cao, gồm 2 phần cổ và thân ghép với nhau. Cổ đèn hình trụ tròn nhỏ cao, miệng loe, hai bên đắp 2 tai hình rồng có cánh để mộc chạy dọc cổ, đầu hướng xuống dưới. Phần trang trí nổi không men gồm các hoa văn rồng, phượng, hoa thị 4 cánh, lá đề, rồng trong cánh sen, chữ Hán “Phật” và hoa văn hình học; kết hợp vẽ lam đề tài rồng, phượng. Thân đèn có vai ngang, thân nở, eo thon, chân đế cao loe rộng, đắp nổi hình một con rồng không men, đầu hướng vào dòng chữ Hán khắc chìm “Hưng Trị tam niên bát nhị thập nhật tạo”, chế tạo ngày 20-8 năm Hưng Trị thứ ba (1590). Thân đèn sát chân đế tạo một băng cánh sen vuông đầu, lòng để mộc trang trí nổi hoa văn.
Lư hương gồm 2 phần chồng lên nhau. Phần trên giống bát hương, miệng bằng loe, cổ hình trụ, thân phình gắn 4 chân hình đầu thú uốn cong. Trang trí đắp nổi kết hợp vẽ lam các loại hoa văn hoa cúc, hoa chanh, hoa sen, lá đề, rồng trong ô, lân, ngựa có cánh, mặt hổ phù, mây và hoa văn hình học. Phần đế giống chiếc hồ lô trong đó thân trên dáng búp sen, thân dưới hình trụ tròn, cổ nhỏ ngắn, vai nở, đế loe tô son nâu. Ngoài phần trang trí nổi không men hình rồng trong ô, chân lư hương khắc chìm dòng chữ Hán cho biết người chế tác là Đỗ Xuân Vi, xã Bát Tràng, chế tác ngày 20-8 năm Hưng Trị thứ ba và tên các tín đồ cúng lư hương vào chùa Thanh Quang.
Chân đèn và lư hương không chỉ là hiện vật gốc độc bản, mà còn hoàn chỉnh độc đáo về hình thức, hoa văn trang trí cầu kỳ, tinh xảo thể hiện rõ phong cách kỹ mỹ thuật bổ ô đắp nổi để mộc kết hợp vẽ lam dưới men đặc trưng của thời Mạc (21). Dòng minh văn trên hiện vật cho biết về phong cách chữ viết, địa danh, tên di tích, họ và tên người sùng tín đạo phật, khẳng định Bát Tràng trung tâm sản xuất gốm nổi tiếng. Đây là cơ sở để nhận biết phong cách tạo hình, nghệ thuật trang trí thời Mạc, để đối chiếu, so sánh, xác định niên đại các hiện vật cùng thời, trước và sau đó (22).
11. Đôi chuông chùa Đà Quận (chùa Viên Minh)
Đôi chuông chùa Đà Quận (chuông chùa Viên Minh và chuông đền Quan Triều) đang lưu giữ và trưng bày tại Khu di tích chùa Đà Quận, đền Quan Triều, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng. Đôi chuông chùa Đà Quận được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2496/QĐ-TTg ngày 22-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Chuông chùa Đà Quận - Nguồn: Bảo tàng Nhân học
Chuông chùa Viên Minh là loại chuông lớn, cao 160cm (thân cao 132cm, quai cao 28cm); đường kính rộng 95cm (miệng). Về trang trí, phần thân tạo thành ba lớp đường viền cân xứng từ trên xuống, ba lớp đường viền tròn chạy quanh thân chuông; những đường viền giao nhau, điểm giao trang trí các núm chuông. Các núm chuông này được bố cục gồm 6 núm bao quanh thân chuông, đúc nhô cao để gõ tạo sự ngân vang; phần diềm xung quanh núm chuông trang trí hình cánh sen, biểu tượng sự trường tồn của nhà Phật; ở các mặt nhẵn phần thân khắc chữ Hán. Nội dung bài minh chuông ca ngợi cảnh đẹp châu Thạch Lâm, thắng tích chùa Viên Minh và việc trùng tu tôn tạo, sửa sang lại chùa. Đặc biệt trên chuông còn ghi niên hiệu: “Long Phi, Càn Thống chi thập cửu niên Tân Hợi cốc nhật (tạm dịch: Ngày lành năm Tân Hợi, niên hiệu Càn Thống thứ 19 (1611)”. Quai chuông trang trí rồng quấn quanh tạo thành 4 chân trụ rất chắc để treo chuông.
Chuông đền Quan Triều, cao 178cm (thân cao 142cm, quai cao 36cm), đường kính 106cm (miệng). Chuông đền Quan Triều cơ bản giống chuông chùa Viên Minh, nhưng to hơn. Nhân dân địa phương thường gọi quả chuông này là chuông đực (chuông chùa Viên Minh là chuông cái). Về trang trí, các đường viền ngang, dọc chạy xung quanh thân chuông và được tiếp nối bởi các đường giao nhau là các núm chuông. Chuông không khắc chữ, quai giống chuông chùa Viên Minh (23). Mỗi quả chuông là một tác phẩm nghệ thuật, hiện vật gốc minh chứng trình độ, kỹ thuật đúc đồng tinh xảo, nghệ thuật điêu khắc điển hình của TK XVII.
Kết luận
Với những đặc sắc của từng bảo vật được phân tích trên, có thể thấy nhà Mạc đã tạo được dấu ấn rất riêng trong lịch sử văn hóa dân tộc, khiến cho nó chỉ có thể là nó mà không lẫn với bất kỳ thời đại nào. Những tìm hiểu này giúp hình dung, phác họa, nhận diện đặc trưng di sản văn hóa thời Mạc cũng như việc phát huy nó trong bối cảnh hội nhập đa văn hóa hiện nay, khi mà bản sắc văn hóa là chìa khóa của thành công, là căn cốt của sự phát triển bền vững (24).
___________________
1, 4, 8, 10, 15. Bộ VHTTDL và Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.476, 384, 386, 482, 394.
2, 3. Bảo tàng Hải Phòng, Hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia (đợt 8), Hải Phòng, 2019.
5, 6, 9. Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm Biền, Nguyễn Bá Vân, Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ thuật, 1993, tr.139, 70, 71.
7. Triệu Thế Việt, Giá trị biểu tượng ở tán lửa Tam muội của tượng Tam thế chùa Bút Tháp, Tạp chí Di sản văn hóa, số 2-2010, tr.96-110.
11. Chu Quang Trứ, Quan Âm chùa Đa Tốn, Báo Quân đội nhân dân, 18-8-1979.
12. Lưu Minh Trị (chủ biên), Hà Nội - Danh thắng và Di tích, tập 2, Nxb Hà Nội, 2012, tr.406.
13. Thúy Hà, Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng (đền - chùa Bà Tấm), dsvh.gov.vn.
14. Theo Hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia đợt 11 năm 2022, lưu trữ tại Cục Di sản văn hóa.
16. Nguyễn Văn Thành, Bảo vật quốc gia bia hộp đá Đồi Cốc: Ghi dấu công đức Trạng nguyên Giáp Hải, mactrieu.vn, 31-3-2021.
17. Trạng nguyên Giáp Hải với vương triều Mạc và xã hội Đại Việt thế kỷ XVI, vusta.vn, 12-9-2013.
18. Thùy Hương, Cây đèn gốm men lam thế kỷ XVI, hanoimoi.com.vn, 4-9-2020 .
19. Hà Văn Tấn (chủ biên), Khảo cổ học Việt Nam, tập III: Khảo cổ học Lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.240-241.
20. Trịnh Sinh, Chiếc lư hương thời Mạc kể chuyện lịch sử, heritagevietnamairlines.com, 13-9-2023.
21. Bộ chân đèn và lư hương gốm men - Bảo vật quốc gia, baotangtinhnamdinh.vn, 29-5-2019.
22. Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa, Bộ chân đèn và lư hương, dsvh.gov.vn.
23. Minh Hòa, Đôi chuông chùa Đà Quận được công nhận là Bảo vật quốc gia, baocaobang.vn, 23-12-2016.
24. Bài viết được tác giả thực hiện trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Đại học Quốc gia Hà Nội mã số QG. 23.80: “Nghiên cứu đặc trưng văn hóa thời Mạc qua tương quan Tam giáo và việc phát huy giá trị của nó trong bối cảnh hội nhập đa văn hóa hiện nay”, do PGS, TS Dương Thị Thu Hà, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội làm chủ nhiệm đề tài.
PGS, TS DƯƠNG THỊ THU HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024