Di chỉ gốm Cồn Chè - Cồn Thịnh trong lịch sử nhà Trần tại Thiên Trường

Cồn Chè - Cồn Thịnh là di chỉ gốm sứ có từ thời Trần, thuộc huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết lò nung, dụng cụ sản xuất cùng các sản phẩm, minh chứng đây đã từng là nơi sản xuất gốm phục vụ cho cung đình mà chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong thái ấp của vương hầu quý tộc vùng này. Những phát hiện về đồ gốm sứ tại đây phần lớn mang những đặc trưng thời đại, phổ biến của đồ gốm thời Trần ở các lò khác có cùng giai đoạn. Nhưng những nghiên cứu, phân loại loại hình trong dòng men và đánh giá đầy đủ giá trị, vai trò của chúng trong lịch sử nhà Trần còn chưa thật rõ ràng, đây là vấn đề rất quan trọng còn bỏ ngỏ. Dựa trên kết quả sưu tầm, khai quật tại di chỉ, bài viết nêu ra những phát hiện, từ cơ sở đó làm sáng rõ hơn mối quan hệ giữa chủ nhân thái ấp - với Hành cung Thiên Trường trong lịch sử Đại Việt nhà Trần.

Chồng dính phát hiện tại Cồn Chè - Cồn Thịnh - Ảnh: Bùi Minh Trí 

1. Mở đầu

Cồn Chè - Cồn Thịnh là hai quả đồi nhỏ của làng Bói, xã Mỹ Thịnh, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, gần Quốc lộ 21, cả hai quả đồi đều là di chỉ gốm sứ thời Trần, nằm bên hữu ngạn cầu Mái. Từ TK XIII-XIV, cùng với Tức Mặc là hai địa điểm sản xuất gốm thuộc trung tâm gốm Thiên Trường, Cồn Chè - Cồn Thịnh nằm trong khuôn viên thái ấp của Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải (1240-1294) (1). Mặc dù vậy, địa danh này lại chưa từng được nhắc đến trong sử liệu một cách chính thống và rõ ràng.

Những khám phá và hiểu biết về di chỉ này bắt đầu vào những năm 1959-1960, khi những người dân lấy đất nơi đây làm gạch. Trong quá trình khai thác, đã phát hiện thấy cả hai khu Cồn Chè và Cồn Thịnh có nhiều mảnh gốm, sành cùng những chồng dính bát, bao nung, con kê… Những năm 1973-1974, nhiều nhà nghiên cứu lại tìm thấy các thành phần kiến trúc gỗ, ván nong, ván bưng, vì kèo có chạm, khắc hình vũ nữ dâng hoa, cánh sen các loại… Đến năm 1999, trong quá trình điều tra khảo sát, các nhà khảo cổ học là: TS Bùi Minh Trí, TS Nishimura Masanari, Nguyễn Quốc Hội và Nishino Noriko đã phát hiện thấy dấu vết lò nung gốm thời Trần ở Cồn Thịnh (2). Qua nghiên cứu, xác minh, họ cho rằng lò gốm cùng các sản phẩm, dụng cụ sản xuất gốm và phế thải hiện diện tại đây có niên đại thời Trần với lịch sử tồn tại và phát triển kéo dài khoảng hơn một thế kỷ.

Từ những dấu ấn ban đầu đó, đã tiếp tục có các cuộc điều tra, thám sát, khai quật diễn ra khi nghiên cứu về di chỉ này, kết quả cho thấy ngoài đồ gốm sứ, sành còn sản xuất các loại hình vật liệu kiến trúc như gạch hoa, ngói sen… phục vụ cho nhu cầu sử dụng không những của Hoàng tộc, tầng lớp quan lại nhà Trần mà còn phục vụ cho việc trao đổi buôn bán trong nước và nước ngoài (3).

Dựa vào những bằng chứng của khảo cổ học, những kết quả khai quật trước, nội dung bài viết sắp xếp bộ sưu tập gốm phát hiện tại di chỉ theo dòng men một cách hệ thống dựa vào phương pháp phân loại hiện nay, đồng thời đánh giá vai trò của di chỉ gốm Cồn Chè - Cồn Thịnh trong thái ấp Độc Lập nói riêng, cũng như trong lịch sử nhà Trần tại Thiên Trường nói chung.

2. Những bằng chứng từ khảo cổ học

Những hiện vật thời Trần tại Cồn Chè - Cồn Thịnh được tìm thấy dưới lòng đất di chỉ bao gồm các loại hình thuộc vật liệu kiến trúc, đồ sành và đồ gốm sứ, chiếm số lượng lớn là các đồ dùng vật dụng liên quan đến việc sản xuất đồ gốm sứ. Đáng lưu ý là bên cạnh các loại gốm dùng trong sinh hoạt, khu di tích còn thấy được rất nhiều đồ gốm phế thải, đó là các loại đồ gốm bị sống men (gốm chưa qua lò nung hoặc bị hỏng khi nung), các chồng gốm dính nhau (các loại bát, đĩa… bị chảy dính vào nhau do nung ở nhiệt độ quá cao) hay các loại dụng cụ sản xuất gốm (bao nung, con kê)… Đây là những phế thải của lò nung gốm cổ, minh chứng về việc sản xuất gốm “tại Cồn Thịnh, ở tọa độ 20°26’29” vĩ Bắc và 106°05’15” kinh Đông, cuộc điều tra của chúng tôi cuối năm 1999, đã phát hiện được dấu tích của một nền lò cùng khá nhiều đồ phế thải của lò gốm này. Đây là phát hiện đầu tiên về dấu tích nền lò nung gốm cổ thời Trần ở Bắc Việt Nam” (4).

Mặt khác, kết quả nghiên cứu của Bảo tàng Nam Định cũng cho biết thêm “tại sườn phía Đông của Cồn Thịnh, ở độ sâu so với vị trí đất cao nhất của cồn 1m, đã tìm thấy dấu vết lò nung có kích thước: dài 1,2m; rộng 1m và cao 0,5m. Vết tích này có đặc điểm: đất bị nung chín, bên trong ken dày đặc mảnh gốm, sành và bao nung, thậm chí còn chứa cả những mảnh xỉ lò nung cháy. Những hiện vật này đều có niên đại thời Trần” (5).

Như vậy, có thể nói đây là những minh chứng xác thực, lần đầu tiên cho biết về sự tồn tại của lò gốm thời Trần, bao gồm các sản phẩm của lò nung gốm, dụng cụ sản xuất và đồ gốm phế thải. Các sản phẩm gốm tìm thấy tại đây phần lớn là đồ dùng sinh hoạt với các dòng gốm khác nhau đó là men trắng, men ngọc và men nâu, bản thân chúng đã hàm chứa mục đích sử dụng khác nhau của những người sở hữu chúng.

3. Những phát hiện về đồ gốm sứ tại Cồn Chè - Cồn Thịnh

Những phát hiện từ việc sưu tầm, thám sát, khai quật tại Cồn Chè - Cồn Thịnh bao gồm đồ gốm sứ, đồ sành và các loại hình vật liệu kiến trúc, trong đó đồ gốm sứ có số lượng nhiều và phong phú hơn cả. Đối với đồ gốm, hiện diện với các nguồn gốc và niên đại khác nhau, ngoài đồ gốm Việt Nam (Trần và Lê Sơ) còn có cả gốm Trung Quốc (thời Nguyên), nhưng chiếm số lượng lớn nhất là đồ gốm thời Trần. Nội dung bài viết này sẽ đề cập đến những sản phẩm gốm sứ thời Trần được phát hiện tại di chỉ.

Gốm men trắng

Gốm men trắng khá đa dạng về loại hình, gồm bát, đĩa, âu, thạp, trong số đó chủ yếu là các loại bát với kiểu dáng và hoa văn trang trí đa dạng. Đặc điểm nổi bật của các loại hình này là men có màu trắng ngả xanh, phủ không đều, bề mặt rạn kính, độ thiêu kết giữa xương và men phần lớn chưa cao, xương gốm màu trắng đục, khá chắc. Hoa văn trang trí bằng kỹ thuật khắc chìm, in khuôn và tạo nổi, trong đó chủ yếu là khắc chìm dưới men với vết khắc nông sâu khác nhau tạo kiểu ám họa (6). Kỹ thuật xếp nung bằng các hình thức sử dụng bột chống dính và con kê có 5 mấu.

Gốm men ngọc

Gốm men ngọc có các loại bát, đĩa, âu, nắp, trong đó phần lớn là loại hình bát. Bát được sản xuất với số lượng khá lớn, chủ yếu là các loại có miệng loe, thân vát xiên thon dần xuống đáy. Kích thước trung bình đường kính miệng từ 13-15cm, đường kính đáy từ 6-8cm và chân đế cao từ 0,6-1cm. Lòng bát thường có dấu kê 5 mấu. Phần lớn không trang trí hoa văn, số ít trang trí in khuôn hoa cúc hoặc hoa sen kết hợp với dây lá.

Đối với dòng men này, các nhà nghiên cứu trước thường phân ra là men xanh và men vàng rơm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu so sánh, đặc biệt áp dụng theo phương pháp phân loại, chỉnh lý di vật của TS Bùi Minh Trí cho rằng màu vàng rơm đó chính là men ngọc sắc vàng. Bởi, khác với Trung Quốc, men ngọc của Đại Việt có nhiều sắc độ như: ngọc sắc xanh đá, xanh đậm (giống sắc lá) và xanh sắc vàng. Do vậy, màu vàng rơm mà các nhà nghiên cứu trước nói đến chúng tôi cho rằng đó là thuộc dòng men ngọc.

Gốm men nâu

Gốm men nâu phổ biến là các loại bát, đĩa. Đặc điểm chung của các loại hình này đó là miệng loe vát rộng, thành thấp. Chân đế thấp, mép cắt vát hai bên tạo mặt cắt hình tam giác, đế dày, thành trong cắt vét lõm. Men bóng, phủ dày, màu nâu đậm, mật độ phủ không đều nhau: một phần thân sát đế, đáy không phủ men hoặc phủ không đều. Xương gốm màu trắng đục, lẫn các hạt sạn màu đen nhỏ không đồng nhất. Lòng thường để lại dấu vết xếp nung gián tiếp thông qua lớp bột chống dính (chủ yếu là loại bột khô) nên trong lòng thường để lại dấu vết bị lem rộng tạo độ thẩm mỹ kém. Như vậy, dựa vào hình dáng và các kỹ thuật cho thấy loại hình bát, đĩa này mang những đặc điểm của đồ gốm thuộc khung niên đại TK XIII.

4. Vai trò của di chỉ Cồn Chè - Cồn Thịnh trong lịch sử nhà Trần

Vai trò của đồ gốm Cồn Chè - Cồn Thịnh trong đời sống xã hội

Đồ gốm từ lâu được biết đến là tư liệu vật chất phản ánh chân thực nhất mọi khía cạnh từ đời sống vật chất, đời sống tinh thần, tôn giáo tín ngưỡng đến văn hóa xã hội. Chính vì thế, đồ gốm là sản phẩm của xã hội, nó vừa có tính kinh tế, vừa có tính văn hóa, có vai trò đảm đương một số chức năng nhất định trong đời sống xã hội mà nó tồn tại.

Đồ gốm phát hiện tại di chỉ Cồn Chè - Cồn Thịnh đã tìm thấy số lượng khá lớn, đậm đặc nhất là thời Trần (TK XIII-XIV), với 3 dòng men chính đó là men trắng, men ngọc và men nâu, trong đó có các loại hình bát, đĩa, ấm, âu, thạp, nắp, chậu… Các loại hình hiện vật này có những vai trò và chức năng khác nhau trong đời sống xã hội, đó là những đồ dùng đồ thiết yếu được sử dụng trong sinh hoạt thường ngày, chúng đựng thức ăn, chất lỏng, đồ khô… Phần lớn, trong di chỉ, tìm thấy các loại hình dùng trong các bữa ăn như bát, đĩa… chúng có nhiều hình dáng (sâu lòng, nông lòng, miệng loe hay miệng bẻ…) và nhiều kích cỡ (to, nhỏ) khác nhau, phản ánh sự đa dạng của các món ăn trong một hoặc nhiều bữa ăn của đời sống thường nhật, chưa kể phẩm cấp, chất lượng của các loại hình này cũng rất khác nhau nhằm phân định đối tượng sử dụng như đồ dùng cho quý tộc, vương hầu hay những cư dân và nông nô trong vùng.

Bên cạnh đồ dùng trong các bữa ăn còn tìm thấy loại hình ấm (có thể đun nước hay sắc thuốc), tại di chỉ tìm thấy loại vòi có trang trí hình con vật có mũi to, bên trong có răng, đầu đội mũ. Dựa vào lối trang trí, rất có thể đây là đồ dùng không được sản xuất đại trà, dẫn dụ cho ta đoán định chủ sở hữu là người có quyền lực, địa vị cao trong xã hội.

Ngoài ra, tại di chỉ cũng tìm thấy loại hình thạp, có thể nói đây là loại đồ đựng đa chức năng có vai trò quan trọng trong đời sống thường nhật cũng như mang yếu tố tâm linh huyền bí: có thể dùng đựng nước trong các nghi lễ cúng tế, có thể dùng trong việc đựng hài cốt người quá cố (điển hình là chiếc thạp thời Trần tìm thấy trên núi Trán Rồng, Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương), hoặc cũng có thể dùng để cất giữ tài sản, của cải (như chiếc thạp thời Trần phát hiện tại nghĩa trang Hiệp An, Kinh Môn, Hải Dương)… Như vậy, đối với loại hình này, mặc dù hiện diện ở chức năng gì thì bản thân nó vốn được trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ và kích thước lớn hơn so với các loại hình khác có cùng giai đoạn, chứng tỏ có giá trị cao trong đời sống phù hợp với những người có địa vị và của cải trong xã hội đương thời.

Vai trò của thái ấp Độc Lập trong lịch sử nhà Trần

Như ta đã biết, thái ấp - điền trang là một chế độ đặc biệt của nhà Trần, nó gắn liền với thể chế quân chủ quý tộc. Trong xã hội, kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nổi bật nhất là chế độ tư hữu ruộng đất, dẫn đến sự xuất hiện tầng lớp địa chủ, quý tộc. Đây là chế độ bổng lộc đặc biệt mà nhà Trần ban cấp cho những người tài giỏi, văn võ song toàn thuộc dòng dõi tông thất đi trấn trị ở các địa phương bằng hình thức ban cấp thái ấp.

Với quy mô như vậy, thái ấp nói chung là tổ hợp khép kín bao gồm các công trình, hạng mục như: phủ đệ, hào lũy, trại lính canh, chùa, chợ bao quanh bởi hệ thống sông ngòi, chính giữa là phủ đệ, xung quanh có hào (thành) cao, bốn hướng đặt các trại lính canh gác ngày đêm… Bên trong đó có sự phân công lao động rõ rệt thông qua việc hình thành các nghề như: nghề gốm, nghề rèn, nghề dệt, nấu rượu, làm bánh… trồng lúa nước, trồng hoa màu… là nơi tạo ra của cải tài sản, giải quyết nạn thất nghiệp cho số lượng dân không có tài sản, góp phần ổn định xã hội. Trong thời bình, hoạt động của thái ấp không chỉ là nơi ở của vương hầu quý tộc, mà còn là “nơi tích trữ lương thực, dự trữ sức người cho thời chiến” là địa điểm nuôi binh lính chờ khi đất nước có ngoại xâm, họ sẽ là một trong những đội quân hùng mạnh của triều đình (7).

Về quy mô của thái ấp Độc Lập nói riêng, theo tư liệu của tác giả Phạm Trọng Thanh (8) sưu tầm được ở đền Thái Vi (Ninh Bình), cuốn Địa bạ Gia Long và truyền ngôn của dân làng Cao Đài (9) cho biết: thái ấp Độc Lập xưa rộng tới 300 mẫu, chỉ có 20 mẫu ruộng nội cao, còn là đồng trũng. Trong vùng có 7 gò cao (thất chẩm), 3 giếng lớn (tam tỉnh), 4 con sông (tứ giang)... Thái ấp Độc Lập là “đất phong” Vua Trần Thái Tông ban cho Hoàng tử Trần Quang Khải và Phụng Dương công chúa.

Theo tài liệu khảo sát của Bảo tàng tỉnh Nam Hà (nay là tỉnh Nam Định và Hà Nam), thái ấp Độc Lập từng giữ vị trí quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai. Từ Độc Lập, binh thuyền quân ta có thể vào khu căn cứ Trường Yên theo đường sông Vị Hoàng, sông Đáy, sông Vân, hoặc theo sông Ninh ra sông Hoàng Giang lên sông Hồng phía Bắc qua các cửa sông Long Xuyên, Tuần Vường, Nga Khê; theo sông Bún, sông Vĩnh tiến về hành cung Thiên Trường. Tháng 3-1285, Thượng hoàng và Vua Trần rút khỏi Thiên Trường. Độc Lập chính là nơi tập kết, bổ sung vũ khí, quân nhu, nơi xay giã, cung cấp lương thực cho đạo quân của Thượng tướng Thái sư trên đường vào Thanh - Nghệ, ra Bắc đánh giặc. Ở vào vùng đất lầy trũng hẻo lánh, cách sông Hồng 20km, ngựa chiến và thuyền lớn của giặc không thể xâm nhập, trong khi binh lực của ta ở nơi giặc không ngờ tới, lại có thể tiến thoái mau lẹ, xung trận kịp thời làm nên chiến thắng (10).

Sau hội nghị Bình Than năm 1282, nhà Trần ráo riết chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược lần thứ hai của quân Nguyên - Mông. Phủ Thiên Trường là một trong số các căn cứ chiến lược, trong đó thái ấp Ðộc Lập lại gần đường từ Thiên Trường lên Thăng Long, nên có tầm quan trọng đặc biệt quan trọng. Quân nhà Trần lập các trạm gác đường thủy tại bến Than, bến Miễu, bến Viện... các trạm đường bộ tại các vùng lân cận. Trong số các thái ấp phía Nam Thăng Long thì thái ấp trên trục đường nước Thăng Long - Thiên Trường được bố trí rất đậm đặc, gồm có: Cổ Mai, Dưỡng Hòa, Quắc Hương, Độc Lập. Điều này thể hiện nhà Trần rất chú trọng bảo vệ con đường nước Bắc - Nam nối hai trung tâm chính trị lớn nhất nước lúc đó là: Thăng Long - Thiên Trường. Riêng thái ấp của Trần Quang Khải có bến thuyền lớn, trên bến có đình Trạm cho quan lại nghỉ chân. Dưới có hồ to và sâu có thể đậu hàng trăm thuyền lớn, được gọi là hồ Bến Đình. Tuy vậy, căn cứ này trong thời chiến lại là nơi hiểm yếu của quân giặc bởi sông ngòi ở đây nhỏ, đầm lầy, thuyền lớn của giặc khó vào, ngựa không thể cất vó. Chính vì lẽ đó mà năm 1285 khi quân Nguyên - Mông vào Thiên Trường, nhưng mấy lần chúng không tới được căn cứ Ðộc Lập vì khu vực này được canh phòng cẩn mật. Và, cũng từ đây, do phối hợp với các mũi tiến công khác, nhà Trần đã đánh đuổi được quân Nguyên - Mông ra khỏi bờ cõi nước ta trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai.

Như vậy, Cồn Chè - Cồn Thịnh là di chỉ chuyên sản xuất đồ gốm phục vụ cho đời sống sinh hoạt của thái ấp Độc Lập, có thể cả phủ Thiên Trường và các điền trang, thái ấp của quý tộc nhà Trần ở vùng đất Nam Định ngày nay. Di chỉ này nằm trong thái ấp Độc Lập của thái sư Trần Quang Khải, đây là thái ấp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với lịch sử triều Trần, bởi trong thời bình nơi đây tích trữ lương thảo, chiêu tập dân binh, rèn thêm đao kiếm, đến thời chiến cung cấp nhân vật lực sẵn sàng cho chiến tranh, bên cạnh đó, đây cũng là nơi mà Trần Quang Khải cho thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông”.

5. Một số nhận xét

Về niên đại

Từ kết quả nghiên cứu ban đầu, dựa trên cơ sở phân tích hình dáng, men, hoa văn và kỹ thuật sản xuất tại đây so sánh với các lò khác có cùng giai đoạn mà nhà nghiên cứu Nishino Noriko đã từng phân tích (11). Bên cạnh đó, khi nghiên cứu đồ gốm thời Trần tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi đã từng phân lập và phân tích diễn trình đồ gốm thời Trần tại đây theo hệ thống. Dựa vào tính thời đại, sự phân lập theo trình tự các giai đoạn phát triển của các dòng gốm. Đặc biệt, qua nghiên cứu kỹ thuật tạo chân đế, cho thấy đồ gốm thời Lý có kế thừa và phát triển các kỹ thuật như: kỹ thuật tạo chân đế, kỹ thuật xếp nung, phủ men… còn tiếp nối của thời Lý, nhất là giai đoạn TK XIII. Điều này phản ánh rằng, tính bảo lưu truyền thống của gốm là rất lâu dài. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta lấy đó làm cơ sở để áp đặt một khung niên đại rộng (cuối Lý - đầu Trần) như loại bát men nâu hay men trắng. Bởi vì nếu so sánh và phân tích một cách kỹ lưỡng, ta có thể tìm thấy sự khác biệt rất cơ bản giữa gốm thời Lý và gốm thời Trần qua màu men, hoa văn, đặc biệt là kỹ thuật tạo chân đế.

Đặc biệt, khi nghiên cứu về niên đại và kỹ thuật gốm sứ Cồn Chè - Cồn Thịnh của các nhà nghiên cứu trước đã từng cho rằng: “Thời gian Cồn Chè - Cồn Thịnh sản xuất gốm sứ bắt đầu từ nửa đầu TK XIII đến cuối TK XIII là kết thúc” (12).

Bên cạnh đó, nghiên cứu của TS Bùi Minh Trí lúc bấy giờ dựa vào đặc trưng kỹ thuật và hoa văn trang trí của những đồ gốm tìm thấy trong lớp đất đắp nền lò và khu vực xung quanh cho rằng “di tích gốm Cồn Chè - Cồn Thịnh có niên đại khoảng từ TK XIII đến nửa đầu TK XIV” (13).

Như vậy, dựa vào các kết quả nghiên cứu, các nhận định nêu trên, kết hợp với bằng chứng khảo cổ học, đặc biệt từ đáy nền lò ken dày những mảnh gốm sứ và sành. Phân tích từ những hiện vật trên, cho thấy những hiện vật này có niên đại kéo dài từ TK XIII đến đầu TK XIV là kết thúc. Có thể thấy, di chỉ này hoạt động trong khoảng thời gian kéo dài hơn một thế kỷ, nghĩa là có niên đại tương ứng với niên đại của những sản phẩm được sản xuất tại di chỉ.

Về tính chất

Căn cứ vào số lượng đồ gốm sứ, dụng cụ sản xuất, đặc biệt là dấu vết lò nung đã được các nhà nghiên cứu trước chỉ khu vực này là địa điểm sản xuất gốm gia dụng thời Trần, phục vụ cho cung đình và chủ yếu là đồ gia dụng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của cư dân thời Trần cũng như các vương hầu quý tộc ở trong vùng.

Bên cạnh đồ gốm sứ, nơi đây còn sản xuất đồ sành, vật liệu kiến trúc như: gạch hoa, ngói sen… điều này cho thấy quanh khu vực này còn có một số công trình kiến trúc khác để phục vụ cho quan lại và cho việc trao đổi buôn bán sản phẩm không chỉ với khách trong nước mà còn cả khách nước ngoài (14).

6. Kết luận

Qua việc nghiên cứu về di chỉ gốm, có thể thấy Cồn Chè - Cồn Thịnh là một trong các hạng mục tổ hợp bên trong thái ấp Độc Lập của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, là một khu vực sản xuất gốm nằm trong đơn vị kinh tế khép kín, mang tính chất tự túc, tự cấp rõ rệt, trong đó có các nghề nông nghiệp, công nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp… một mặt gắn với việc đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho vương hầu, quý tộc và những cư dân trong khu vực, mặt khác gắn với vai trò quân sự - quốc phòng. Chính vì vậy, giao thông ở khu vực này rất thuận tiện, ngay bên cạnh sông Sắt, có thể theo sông lên thái ấp Trần Thủ Độ (Vũ Bản, Bình Lục), lên Tuần Vường, Vĩnh Giang vào khu cung điện các vua Trần ở Tức Mặc (Lộc Vượng, Nam Định), xuôi xuống thái ấp Trần Quang Khải ở Cao Đài (xã Mỹ Thành) và xuống huyện Vụ Bản, Ý Yên ra sông Đáy đi các địa phương khác. Có thể nói, thái ấp Độc Lập có vai trò quan trọng cả trong thời bình lẫn thời chiến: khi thời bình thì tăng cường sản xuất lương thực, tích trữ lương thảo, dân binh, đến thời chiến thì sẵn sàng cung cấp binh lực, vật lực nhằm đối phó với bàn tay xâm lược của kẻ thù. Đây là một trong những điểm đặc biệt của chính sách nhà Trần chính là sự kết hợp giữa kinh tế - chính trị - văn hóa và quốc phòng mà vương triều Trần đã tạo ra trong lịch sử.

__________________

1, 4, 13. Bùi Minh Trí, Kerry Nguyễn-Long, Gốm hoa lam Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 2001, tr.29, 29, 29.

2, 12. Nishino Noriko, Nishimura Masanari, Niên đại, kỹ thuật và vai trò gốm sứ của di tích Cồn Chè - Cồn Thịnh (huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2000, Nxb Khoa học xã hội, 1999, tr.552-558, 556.

3, 5, 14. Nguyễn Quốc Hội, Kết quả đào thám sát khu vực. Cồn Chè - Cồn Thịnh, xã Mỹ Thịnh, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, Tư liệu Bảo tàng Nam Định, 1999.

6. Là kỹ thuật trang trí trên gốm sứ có nguồn gốc từ Trung Hoa, trong đó các chi tiết trang trí chỗ nông, chỗ sâu được thiết kế tùy theo ý đồ của người thợ gốm.

7. Nguyễn Thị Phương Chi, Thái ấp điền trang thời Trần, Nxb Khoa học xã hội, 2019.

8. Nguyên là Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh (cũ).

9. Tên thôn Cao Đài xuất hiện từ thời Lê Sơ, khởi đầu từ chữ “hữu Cao Đài” (có đài caotrong thái ấp xưa. Nơi đây có đình Cao Đài là ngôi đình vốn được xây dựng trên khu vực thái ấp xưa của thái sư Trần Quang Khải, thờ ông và phu nhân là Phụng Dương Công chúa, địa danh này nằm trên một phần đất của thái ấp.

10. Đào Đình Tửu, Đặng Văn Nhiên, Nguyễn Xuân Đạt, Dương Văn Vượng, Thượng tướng Thái sư Chiêu minh đại vương Trần Quang Khải, Tư liệu Bảo tàng Nam Hà, 1994.

11. Nishino Noriko, Phân loại và thiết lập trình tự đồ gốm thời Trần theo thời gian, trong Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, tập II, Nxb Khoa học xã hội, 2005, tr.457-485.

Ths NGUYỄN THỊ HỒNG LÊ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024

;