Đền thờ Nguyễn Văn Nghi (xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, công trình có giá trị nổi bật trên nhiều phương diện. Đây là một trong số ít các di sản kiến trúc còn lại từ TK XVII. Bên cạnh yếu tố niên đại, đền thờ Nguyễn Văn Nghi còn là một công trình kiến trúc - tôn giáo có giá trị nghệ thuật đặc sắc. Việc sử dụng kết cấu hai vòng thành khép kín thay thế tường rào truyền thống, đền thờ đã đạt đến sự kết hợp độc đáo giữa loại hình kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng với kiến trúc thành lũy quân sự
Nhà chính tẩm, đền thờ Nguyễn Văn Nghi - Ảnh: Tác giả cung cấp
Đông Thanh - vùng đất cổ thuộc châu thổ sông Mã, nơi quần cư lâu đời của người Việt. Xã Đông Thanh ngày nay, làng Cổ Bôn xưa có lịch sử hình thành từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Vì vậy, trên vùng đất Cổ Bôn còn bảo lưu một quần thể di tích lịch sử - văn hóa đồ sộ cùng kho tàng văn hóa nghệ thuật, dân gian độc đáo. Tiêu biểu là đền thờ Nguyễn Văn Nghi - di tích có sự kết hợp giữa kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo và kiến trúc thành lũy quân sự trong cùng một di sản. Đây là điểm đặc biệt làm cho đền thờ Nguyễn Văn Nghi trở thành công trình “độc nhất vô nhị” tại vùng châu thổ sông Mã nói riêng và cả nước nói chung.
1. Kiến trúc tín ngưỡng đền thờ kết hợp kiến trúc thành lũy quân sự
Vài nét về nhân vật được thờ tự và địa điểm, quá trình xây dựng, tôn tạo đền thờ Nguyễn Văn Nghi
Về nhân vật được thờ tự
Nguyễn Văn Nghi tự là Ấp Thanh, người xã Ngọc Bôi, tổng Thạch Khê, huyện Đông Sơn cũ (nay là xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ông sinh năm Ất Hợi (1515) trong một gia đình thuộc dòng dõi “danh gia thế phiệt” thời bấy giờ. Thân phụ là Nguyễn Tứ, làm Tham nghị Thái Nguyên, được phong Thái bảo. Thân mẫu là Lê Thị Niệm, con gái đầu lòng của quan Hiến sứ Thụy Bằng Lê Hựu.
Trong sự nghiệp quan trường, Nguyễn Văn Nghi đã đảm nhận nhiều trọng trách trên nhiều lĩnh vực khác nhau cho triều Lê Trung Hưng suốt 3 thập kỷ. Đặc biệt, ông đã dạy dỗ Lê Anh Tông và Lê Thế Tông trở thành các vị vua giỏi của triều đại. Nhờ tài năng và công trạng lớn, ông được Vua Lê “trọng vọng” (1). Khi mất, ông được truy phong là Thượng thư bộ Công, tước Thái bảo, ban tên thụy là “Phúc Khê Tướng công” và sai các viện Tự Khanh, Hàn lâm đến làm lễ tế. Nhân dân tưởng nhớ công ơn ông, lập đền thờ tại quê nhà.
Về địa điểm, quá trình xây dựng, tôn tạo đền thờ Nguyễn Văn Nghi
Đền thờ Nguyễn Văn Nghi tọa lạc trên một cánh đồng thuộc thôn Phúc Triền, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn. Đền quay về hướng Đông - Đông Nam. Phía Bắc làng là xứ đồng Mau (còn có tên gọi là Bạch Thủy). Phía Nam là xứ đồng Dọc Miễu giáp với làng Phúc Triền. Phía trước đền (phía Đông) là xứ đồng Trạ. Phía Tây là xứ đồng Nhã Đu giáp địa phận xã Thiệu Đô.
Di tích đền thờ được xây dựng năm 1617 dưới triều Vua Lê Kính Tông. Đến năm 1628, con trai thứ hai của Văn Nghi là Đăng quận công Nguyễn Khải đứng ra mở rộng thêm quy mô kiến trúc. Năm 1631 đời Vua Lê Thần Tông (1619-1643), cháu ngoại ông là Lê Khắc Tuy - Tri phủ huyện Hà Trung đã cùng nhân dân 14 xã trong huyện Đông Sơn đứng ra tu bổ hoàn chỉnh đền thờ (2). Đến tháng 6-2018, chính quyền xã Đông Thanh đã huy động xã hội hóa được hơn 200 triệu đồng để trùng tu, tôn tạo khu di tích. Đền thờ ngày nay được đặt đúng vị trí ban đầu xây dựng với mặt bằng diện tích khoảng 38.000m2.
Nét nổi bật trong kiến trúc đền thờ Nguyễn Văn Nghi - sự kết hợp giữa kiến trúc tín ngưỡng đền thờ với kiến trúc thành lũy quân sự
Khu đền thờ Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi hiện nay với tổng diện tích gần 4ha bao gồm nhiều thành phần kiến trúc, được bố trí theo kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm 2 vòng thành khép kín mang tính chất cung điện (3). Vòng ngoài lăng là sân chầu với các tượng người, voi, ngựa, chó đá, giếng đá. Vòng trong là một hệ thống điện thờ, hiện nay chỉ còn lại 1 gian và dấu vết nền móng. Thông giữa hai vòng tường là cổng lăng, đường linh đạo ở chính giữa. Vì vậy, đền thờ Nguyễn Văn Nghi trở thành công trình kiến trúc độc đáo giữa kiến trúc tín ngưỡng đền thờ với kiến trúc thành lũy quân sự.
Lối kiến trúc thành lũy quân sự gồm thành ngoại và thành nội
Thành ngoại là bức tường thành ngoài cùng, có chức năng bao bọc, che chắn cho toàn bộ các công trình kiến trúc bên trong đền thờ. Theo kết quả khai quật, thành ngoại cấu trúc theo hình chữ nhật; được xây chủ yếu bằng đất sét xen lẫn đá tảng, có độ dốc thoai thoải theo kiểu hình thang. Cổng thành hình trụ với hai cột nanh (bằng gạch). Hiện nay, thành ngoại đã bị phá hủy; dấu vết còn lại duy nhất của thành là 2 bậc thềm bằng đá như hình đuôi rồng cách điệu (dài 1,05m, dày 0,19m, cao 0,30m) để dẫn vào đền.
Bên trong thành ngoại là thành nội với chức năng bảo vệ toàn bộ khu nội điện. Cấu trúc thành theo kiểu hình chữ nhật với một bức thành đá dài 106m, rộng 62m, cao 1,8m. Mặt ngoài và mặt trong thành được ghép bằng các phiến đá tảng hình chữ nhật chồng lên nhau mà không hề có chất kết dính. Các phiến đá được đục đẽo vuông góc và mài nhẵn mặt. Phiến lớn nhất có chiều dài hơn 2m, rộng 0,4m, phiến nhỏ cũng dài đến 1m, rộng 0,4m, dày 0,3m, có phiến đá nặng đến hàng tấn. Ở giữa chèn đất. Bốn góc thành được cấu trúc bằng một loại đá tạc đẽo theo hình gấp thước thợ được dùng làm chốt giằng.
Lối kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng
Bên cạnh hệ thống tường thành và cổng thành tiêu biểu cho lối kiên trúc thành lũy quân sự, đền thờ Nguyễn Văn Nghi còn có hệ thống các hạng mục khác thực hiện nhiệm vụ quan trọng của ngôi đền -nhiệm vụ tôn giáo, tín ngưỡng.
Nhà chính tẩm: Ngôi nhà được đặt ở vị trí chính tẩm cũ, tuy đã được sửa chữa, tu bổ một số cấu trúc bị hư hỏng nặng nhưng nhìn chung ngôi nhà vẫn còn mang dáng dấp như ban đầu vốn có.
Ngôi nhà thờ dài 10m, rộng 7,7m, được lợp bằng ngói mũi hài, lợp san sát thành từng dãy theo lối cài răng lược. Đuôi rồng đặt ở đầu đao thay cho loại ngói cong (ngói ống) để úp nóc mái đầu đao. Đầu rồng đặt trên bờ nóc gian nhà. Đặc biệt ở chính giữa của đỉnh mái nhà còn có một phiến đá hình con nghê. Đây là một phiến đá rất đặc biệt, được sơn màu đỏ hồng. Đến nay phiến đá này đã được hạ xuống. Có rất nhiều nhà nghiên cứu đang tiến hành nghiên cứu phiến đá này để có thể giải thích ý nghĩa của nó cũng như nghệ thuật điêu khắc đá. Trong nhà có 12 cột gỗ lim lớn, các vì kèo có kích thước vừa phải được chạm trổ hoa văn tinh xảo, chúng là những bộ phận trục chống và được nối chủ yếu với nhau bằng những đường xà dọc, đường hoành để tạo nên một bộ khung vững chắc đỡ toàn bộ lực đè của mái nhà. Thành phần cấu trúc khung gỗ gồm: cột cái, cột quân, cột hiên và một số đường xà, con chồng... theo phong cách chồng rường của kiến trúc nghệ thuật cổ ở Việt Nam. Phía trên câu đầu, ở giữa còn gắn thêm một bộ phận gọi là giá chiêng gồm 2 trụ chống. Bộ khung giá chiêng có tác dụng giữ cho con chồng hai bên được vững chắc góp phần chống đỡ mái nhà.
Nhóm tượng chầu: Nhóm tượng chầu được bố trí dọc theo hai bên lối đi; mỗi loại có từ 2 đến 4 cá thể khác nhau, đặt đối xứng qua linh đạo. Tất cả đều được tạc bằng đá nguyên khối. Đứng đầu là đôi tượng ngao bằng đá khối được điêu khắc vô cùng tinh xảo. Cả 2 tượng đều cao gần 1m và đều được đeo 1 quả chuông nhạc ở cổ; thân căng tròn, mập mạp và không được chạm khắc hoa văn trên thân mình. Dáng vẻ 2 tượng ngao trông hiền lành, tĩnh lặng trong tư thế cúi đầu như thể hiện lòng thành kính, tôn vinh chủ nhân của mình.
Đi hết đoạn đường gần 200m, giữa rặng cây bạch đàn là 2 tượng ngao. Có thể nhìn nhận nó không còn mang tư cách là con vật canh giữ mốc giới giữa trần gian và thế giới tâm linh, kiểm soát tư cách kẻ hành hương như hai tượng ngao phía ngoài nữa. Ở đây, bằng các biểu tượng được khắc trên thân, nó đã được thiêng hóa để trở thành linh vật của thế giới tâm linh.
Tiếp theo là cặp tượng voi chầu lớn với hình dáng được tạo tác trong tư thế nằm phủ phục, cả thân hình đồ sộ, căng khỏe đặt trên 4 chân mập mạp, đầu hơi ngẩng cao nhìn về phía trước. Đôi ngà dài, nhọn, vòi tròn cuốn vào trong. Tượng bên phải đang cuộn chặt một khối gỗ hình trụ, được chạm khắc đai xích sắt cuốn ngang bụng rồi vòng qua trước ngực tạo thành dây đeo chuỗi chuông nhạc (10 quả chuông nhạc). Trong đó, một con dáng vẻ quy thuận, còn một con biểu lộ sức mạnh như tạo thành hai thể đối nghịch của âm dương.
Tiếp đó là 2 tượng ngựa có đủ yên cương. Các tượng ngựa đều có tạc 11 quả chuông nhỏ đeo quanh cổ. Chân dung ngựa khá đẹp, đỉnh trán ngựa và đuôi ngựa có 2 ụ tròn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, yên cương hình thân chim phượng, hai bên chạm hình hoa cúc, khiến con ngựa được thiêng hóa thành ngựa thần cõng bầu trời chuyển động hay chở thần linh đi về trần thế và cõi trời. 4 chân ngựa vẫn được tạc liền trong một khối đặc với bệ chỉ gợi tả phần ngoài.
Trong cùng, sát cổng thành nội là 2 tượng người chầu, trang phục võ quan, tay cầm chùy đặt chéo thân người. Tượng bên trái tay phải cầm dưới cán chùy, tượng bên phải tay trái cầm dưới cán chùy. 2 tượng chầu này có dáng vẻ đặc biệt: kích thước cao lớn, khối căng mập. Khuôn mặt đầy đặn, đôn hậu, hàng ria méo cong đều, chòm râu hơi dài.
Bia đá: Trong khuôn viên đền thờ Nguyễn Văn Nghi có 3 tấm bia lớn có giá trị cao về mặt lịch sử, nghệ thuật:
Bia Phúc Khê tướng công từ có niên đại sớm nhất, được đặt ở gần thành nội, bên phải dãy tượng chầu. Bia được dựng vào năm Hoằng Định thứ 18 (1617), đời Vua Lê Kính Tông. Bia 1 mặt, kích thước cao 1,96m, rộng 1,26m, dày 0,33m, nặng 5-7 tấn. Bia không có mái che. Trán bia hình vòng cung, trang trí theo kiểu “lưỡng long chầu nguyệt”. Rồng trên trán bia có dáng yên ngựa được hiển hiện một cách trọn vẹn. Diềm bia được trang trí bởi dải họa tiết hoa cúc, hoa sen cách điệu, đáy bia trang trí 3 lớp hoa văn sóng nước. Đặc biệt giữa đường riềm trán bia có trang trí hình chim điểu - một loại chim được xếp vào hạng cao sang quyền quý nhất chỉ có ở những bậc quân tử. Diềm bia mặt sau trang trí hoa cúc dây giữa là hoa sen cách điệu. Nội dung văn bia ghi về gia đình, dòng họ, thân thế và sự nghiệp của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi (4).
Bia Thượng Thư lệnh công ký - văn bia lớn nhất ở đền. Bia được dựng ngày 8-3 năm Kỷ Tỵ, niên đại năm Vĩnh Tộ thứ 11 (1629) do Thái phó, Đặng quận công Nguyễn Khải dựng để ca ngợi công đức của cha mình và ghi việc công đức, cúng tiến tại đền. Bia do trạng nguyên Lê Khả Trù soạn văn, Nguyễn Chí Chi khắc chữ. Bia hình chữ nhật, làm bằng đá trắng cao 2,13m, rộng 1,43m, dầy 0,45m được đặt trên một phiến đá dài 3m, rộng 2,33m, dày 0,23m. Bia có mái che cũng bằng đá trắng; mái bia hai lớp, cao 0,85m, rộng 2,97m. Trán bia khắc hình lưỡng long chầu nhật, hình rồng quện với nhiều đao mác. Đầu rồng khá rõ, miệng há rộng phun hạt ngọc, râu rồng dài, các hạt tròn xoắn bay theo các đao lửa. Mặt trời ở giữa, đao lửa ngang, mỗi bên 5 ngọn, kẹp mỗi bên 2 hạt tròn dạng vân xoắn cuộn thành. Diềm bia nét khắc sâu nên các hình nổi rất rõ, điểm xuyết giữa các hoa cúc mãn khai lại chạm chim hoặc thú nhỏ rất sinh động - một phong cách chạm khắc ở giữa TK XVII. Bia khắc chữ một mặt, mặt sau tấm bia khắc tên bia, họa tiết trên trán bia và diềm bia nhưng không khắc chữ (5).
Ngoài 2 tấm bia trên, đền thờ Nguyễn Văn Nghi còn có tấm bia ghi sự kiện tu bổ công trình năm 1631. Bia dài 1,48m, rộng 0,39m, được gắn vào mặt trong vách thành theo hướng Đông - Đông Nam. Nội dung bia gồm 86 chữ Hán ghi rõ cháu ngoại Nguyễn Văn Nghi là Lê Khắc Tuy (tri phủ huyện Hà Trung) đã cùng nhân dân 14 xã huyện Đông Sơn xây dựng xong ngày 26-9-1631.
Giếng đá: Giếng được xây dựng phía bên trái của đền, gần sát tượng người chầu, cao khoảng 0,7m. Lòng giếng được xây bằng gạch, miệng và thành giếng được đục bằng một phiến đá nguyên khối hình bát úp, màu trắng xanh rất đẹp. Miệng giếng tròn, đường kính khoảng 1m. Bệ giếng hình đa giác 7 cạnh, mỗi cạnh 0,5m. Dường như, việc giếng nước nằm ở phía bên phải cũng mang một yếu tố tâm linh nào đó, có lẽ là yếu tố âm trong thuyết âm dương, như một huyệt thiêng của đền thờ. Nước giếng là chất linh thiêng dùng cho lễ mộc dục diễn ra tại đền hay cho việc rửa đồ tế khí của người dân. Hiện nay, giếng vẫn đầy nước, trong vắt và rất ngọt.
Như vậy, nét độc đáo tạo nên giá trị đặc sắc của đền thờ Nguyễn Văn Nghi là sự kết hợp giữa kiến trúc thành lũy quân sự và kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng. Đặc trưng của lối kiến trúc thành lũy quân sự là hệ thống tường thành ngoại, thành nội và cổng thành, có chức năng bảo vệ, che chắn cho toàn bộ đền thờ, mang tính chất cung điện và thể hiện rõ lối tư duy phòng thủ của người Việt đương thời. Lối kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng là hệ thống tượng linh vật, bia đá, giếng nước và nhà thờ cúng. Trong đó hệ thống các tượng đều được chế tác bằng đá xanh nguyên khối, chạm khắc theo lối tả thực sinh động. Đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật tạo hình khối là hình to khỏe mang đậm tính hiện thực. Bố cục thoải mái, đường nét dứt khoát, kỹ thuật tinh xảo, thể hiện nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, là những công trình nghệ thuật đặc sắc của những nghệ nhân tài hoa lúc bấy giờ. Sự uy nghi của khu sinh từ với sân chầu đông đúc các tượng người và linh thú bên ngoài đã tạo nên một không gian thiêng, phản ánh trí tuệ, thanh thế, sự nghiệp của Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi.
Giá trị lịch sử - văn hóa đền thờ Nguyễn Văn Nghi
Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi có thể được xem là công trình thờ tự tư nhân có niên đại sớm nhất cả nước của tầng lớp quan lại, quận công thời Lê - Trịnh. Từ tổng thể đến chi tiết nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, đền thờ Nguyễn Văn Nghi đều thể hiện ý thức, suy tính sâu xa của người xưa, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa sâu xa, được đánh giá như pho tư liệu quý về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc TK XVII. Di tích đẹp cổ kính tựa như “thành nhà Hồ thu nhỏ” với nhiều bức tượng và hiện vật bằng đá được chạm khắc tinh xảo.
Mặc dù đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử và biến cố của thời gian, nhưng ngôi đền vẫn giữ được những nét cơ bản của kiến trúc đền thời cổ và tính linh thiêng vốn có. Khu di tích như một minh chứng sống động cho một giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc nói chung và mảnh đất Đông Thanh nói riêng; là nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai. Nó có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ về những truyền thống văn hóa của dân tộc, là điểm tựa tinh thần vững chãi cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước trong thời đại mới.
Nghệ thuật xây dựng, lối kiến trúc, điêu khắc của di tích này còn gợi mở, minh chứng cho nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa đương thời, mặt khác góp phần khẳng định thêm giá trị quý báu của một di tích vốn đã vượt khỏi phạm vi của dòng họ để trở thành di sản quốc gia. Không chỉ là công trình có lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo, khu đền thờ Nguyễn Văn Nghi còn mang giá trị lịch sử, văn hóa to lớn. Những giá trị đền thờ Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi đem lại là những giá trị lịch sử - văn hóa tinh thần sâu sắc đối với cuộc sống của cư dân xã Đông Thanh và đồng thời còn mang trong mình những giá trị tâm linh đặc biệt. Đền thờ không chỉ là nơi để nhân dân thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ đến Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi mà còn là nơi để thể hiện đạo lý “tôn sư trọng đạo” và “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, cũng là nơi nhân dân gửi gắm ước nguyện và cầu mong những điều may mắn, tốt lành cho cuộc sống sau này.
Với những giá trị nêu trên, theo Quyết định số 1539/VH-QĐ ngày 27-12-1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL), đền thờ Nguyễn Văn Nghi được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
2. Giải pháp bảo tồn, tôn tạo khu di tích
Để có thể bảo tồn, phát huy hơn nữa giá trị di sản đền thờ Nguyễn Văn Nghi, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, nâng cao hơn nữa vai trò chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền xã Đông Thanh trong công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, giá trị lịch sử - văn hóa của đền thờ Nguyễn Văn Nghi cũng như trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Thứ hai, các cấp có thẩm quyền cần nhanh chóng kiểm tra, đánh giá để xác định rõ thực trạng của khu di tích, từ đó có giải pháp đầu tư, tu bổ kịp thời, tránh sự xuống cấp. Đẩy mạnh việc xã hội hóa, kêu gọi nhân dân địa phương, các thành phần xã hội cùng tham gia vào việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp khu di tích.
Thứ ba, xây dựng các quỹ ngân sách, chính sách về đầu tư, sử dụng các nguồn vốn thu được thông qua khai thác khu di tích; thu hút sự đóng góp của các doanh nghiệp nằm trên địa bàn, trong nước và ngoài nước để phục vụ cho việc bảo tồn phát huy giá trị khu di tích đền thờ Nguyễn Văn Nghi.
Thứ tư, tiến hành tu bổ, quy hoạch lại ngôi đền một cách hợp lý, trong khi tu bổ, sửa chữa cần chú ý tới việc giữ vững tính nguyên mẫu vốn có của ngôi đền. Đồng thời, cần chú ý tới cảnh quan môi trường xung quanh, trồng các loại cây phù hợp; tu bổ, tôn tạo ngôi đền gắn liền với việc bảo vệ môi trường nhưng vẫn không mất đi vẻ trang nghiêm, cổ kính của di tích.
Thứ năm, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động chuyên môn của cán bộ làm công tác quản lý di tích; chọn lựa những cán bộ được đào tạo cơ bản, có năng lực, đạo đức tốt, yêu nghề để làm công tác bảo tồn di sản đền thờ Nguyễn Văn Nghi.
3. Kết luận
Đền thờ Nguyễn Văn Nghi được xây dựng cách đây hơn 400 năm, dưới thời Lê Trung Hưng, nhằm mục đích thờ tự, tôn vinh công đức của Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi - bậc Nho thần xuất sắc của dòng họ Nguyễn, làng Cổ Bôn - xã Đông Thanh. Đây là một di tích lịch sử quốc gia có giá trị nổi bật trên nhiều phương diện.
Những giá trị đền thờ Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi đem lại là những giá trị lịch sử - văn hóa tinh thần sâu sắc đối với cuộc sống của cư dân xã Đông Thanh và đồng thời còn mang trong mình những giá trị tâm linh vô cùng đặc biệt. Đền thờ không chỉ là nơi để nhân dân thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ đến Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi mà còn là nơi để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, cũng là nơi nhân dân gửi gắm ước nguyện và cầu mong những điều may mắn, tốt lành cho cuộc sống sau này.
Hiện nay, đền thờ Nguyễn Văn Nghi - di tích lịch sử cấp quốc gia, công trình nghệ thuật kiến trúc TK XVII đang xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục nguy cơ trở thành phế tích của thời gian. Thực trạng này đặt ra một cách bức thiết vấn đề bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản.
___________________
1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.456.
2. Trần Thị Liên - Phạm Minh Trí, Khảo sát văn hóa truyền thống làng Cổ Bôn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.21.
3, 4, 5. Bảo tàng tổng hợp tỉnh Thanh Hóa, Thanh Hóa di tích và thắng cảnh, tập 2, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa, 2002, tr.119, 122, 122.
Tài liệu tham khảo
1. BCH Đảng bộ xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, Lịch sử Đảng bộ xã Đông Thanh, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa, 2008.
2. HU, HĐND, UBND huyện Đông Sơn, Địa chí huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006.
3. Nguyễn Thị Thúy, Thành Tây Đô - di sản Văn hóa thế giới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.
TRỊNH TIẾN DŨNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024