Bài viết phân tích vai trò của thuyết minh viên trong việc giới thiệu và quảng bá tới công chúng, du khách về các giá trị của di tích lịch sử - văn hóa, từ đó cho thấy để phát triển du lịch thì không thể không chú ý đến việc nâng cao chất lượng của công tác thuyết minh viên. Bài viết phân tích thực trạng việc thuyết minh tại các di tích lịch sử - văn hóa ở Cần Thơ hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác thuyết minh viên trong thời gian tới.
Hướng dẫn viên thuyết minh cho du khách tại đình Bình Thủy, thành phố Cần Thơ - Ảnh: Nguyễn Ngọc Trinh
1. Vai trò của công tác thuyết minh tại các di tích lịch sử - văn hóa
Nhu cầu thông tin về điểm đến du lịch là nhu cầu thiết yếu của du khách khi tham quan bất kỳ một điểm đến nào. Công tác thuyết minh sẽ đáp ứng nhu cầu này của du khách. Bởi lẽ, theo ngữ nghĩa, “thuyết minh” là “nói hay chú thích cho người ta rõ hơn về những sự vật, sự việc hay hình ảnh đã đưa ra”. Đối với các di tích lịch sử - văn hóa, vai trò của công tác thuyết minh là rất quan trọng. Điều này xuất phát từ nhiều lý do. Di tích là những hiện vật bao gồm không gian, những công trình, đồ vật mà di tích có thể cảm nhận được bằng các giác quan của mình. Tuy nhiên, đối với những di tích lịch sử đôi khi đó chỉ là một địa điểm nơi diễn ra các sự kiện lịch sử, vì vậy, những hiện trạng vật chất còn lại không có nhiều, cái thu hút du khách chính là những giá trị văn hóa phi vật thể, những câu chuyện lịch sử gắn liền với những con người cụ thể gắn với các di tích đó. Đối với những di tích có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật đòi hỏi du khách cũng phải có kiến thức và sự am hiểu về văn hóa, kiến trúc hội họa mới thấy được cái hay, điểm đặc sắc của di tích. Nếu không có thuyết minh, du khách chỉ có thông tin chung chung công trình đó, hiện vật đó... và họ sẽ không cảm nhận được giá trị của di tích, do đó không quá khi nói rằng thuyết minh có nhiệm vụ “thổi hồn” cho các di tích, truyền cảm hứng, cảm xúc cho du khách đối với di tích.
Hiện nay, chúng ta coi du lịch là giải pháp có hiệu quả nhất trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích. Bởi lẽ qua du lịch, nhiều người kể cả trong nước và ngoài nước có thể biết đến các di tích cũng như các giá trị của di tích. Do đó, du lịch không chỉ mang lại nguồn thu cho địa phương mà còn có ý nghĩa văn hóa, giới thiệu những giá trị đặc sắc về lịch sử, những nét văn hóa đặc trưng của con người vùng đất, qua đó góp phần vào việc xây dựng con người mới. Tuy nhiên, du lịch chỉ thực sự phát huy hết giá trị của di tích nếu làm tốt công tác thuyết minh, giới thiệu giá trị của di tích đến du khách để du khách biết và hiểu sâu sắc hơn về nó.
Để thuyết minh, giới thiệu di tích có thể thông qua nhiều hình thức khác nhau như thông qua đội ngũ thuyết minh viên, thông qua các tờ rơi ấn phẩm giới thiệu giá trị của di tích, thông qua các phương tiện truyền thông cũng như các ứng dụng công nghệ hiện đại. Trong đó, có thể nói đội ngũ thuyết minh viên đóng vai trò quan trọng. “Thuyết minh viên du lịch” là một thuật ngữ chỉ người làm công tác giới thiệu, hướng dẫn cho khách tham quan, du lịch ở các điểm du lịch. Thuyết minh viên du lịch có trách nhiệm đi cùng đoàn khách trong phạm vi điểm du lịch mà họ phụ trách, cung cấp thông tin về điểm du lịch, đồng thời trả lời tất cả các câu hỏi của khách tham quan du lịch về những vấn đề liên quan đến điểm du lịch.
2. Thực trạng công tác thuyết minh tại các di tích lịch sử - văn hóa của thành phố Cần Thơ
Hiện nay, thành phố Cần Thơ cũng đã xây dựng đội ngũ thuyết minh viên chuyên nghiệp để giới thiệu giá trị của các di tích. Số lượng các thuyết minh viên tại các di tích lịch sử - văn hóa, Bảo tàng thành phố Cần Thơ có 4 viên chức phụ trách thuyết minh di tích; các quận, huyện có 11 thuyết minh viên tại các di tích (Ninh Kiều: 2; Thốt Nốt: 1; Bình Thủy: 2; Cái Răng: 1; Phong Điền: 2; Thới Lai: 1; Cờ Đỏ: 1). Như vậy, số lượng thuyết minh viên tại các di tích là 15 người cho 36 di tích, vì vậy một người thuyết minh phụ trách nhiều di tích khác nhau. Thành phố cũng quan tâm mở các lớp tập huấn nghiệp vụ thuyết minh di tích hằng năm. Thành phố đã tổ chức Lớp tập huấn nghiệp vụ thuyết minh di tích lịch sử - văn hóa năm 2022, có 25 học viên là công chức, viên chức của quận, huyện tham gia (1). Bên cạnh đội ngũ thuyết minh viên là công chức, viên chức nhà nước, thành phố còn xây dựng đội ngũ thuyết minh viên là những người đang quản lý trực tiếp tại các di tích như ban trị sự trong các ngôi đình, ban quản lý các chùa. Sở VHTTDL Cần Thơ tổ chức trung bình từ một đến hai lớp tập huấn/ năm về nghiệp vụ như: thuyết minh di tích lịch sử - văn hóa; bồi dưỡng kiến thức quản lý và phát huy di tích lịch sử - văn hóa; bồi dưỡng kiến thức bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý công tác di sản văn hóa tại địa phương nhằm trang bị kiến thức về Luật Di sản văn hóa cũng như nâng cao nhận thức trong công tác bảo tồn di tích ở địa phương. Các thuyết minh viên về cơ bản đáp ứng được yêu cầu về trình độ, năng lực, được đào tạo, tuyển chọn cẩn thận và có người giàu kinh nghiệm, thuyết minh tại di tích. Các thuyết minh viên không chỉ được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức về di tích mà còn có giọng nói dễ nghe, truyền cảm… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, công tác thuyết minh tại di tích vẫn còn những bất cập như:
Số lượng thuyết minh viên thiếu, một thuyết minh viên phải phụ trách nhiều di tích. Vì vậy, không có người túc trực thường xuyên tại các điểm di tích để khi du khách có nhu cầu nghe giới thiệu thuyết minh viên sẽ đáp ứng kịp thời. Khách nghe giới thiệu về di tích thường là khách đoàn, đã có liên hệ trước với thuyết minh viên khi đến di tích. Các khách lẻ đến di tích thường sẽ không được nghe thuyết minh. Trong bối cảnh thiếu nhân lực, các di tích cần ứng dụng công nghệ thông tin để có thể đáp ứng nhu cầu thuyết minh của du khách. Hiện nay, chỉ có Khám lớn Cần Thơ có mã quét QR tại cửa di tích để du khách có thể nghe giới thiệu về di tích. Tuy nhiên, như phỏng vấn một trường hợp du khách đến thăm Khám lớn Cần Thơ chia sẻ, họ có nhu cầu nghe thuyết minh từng điểm trong di tích, nhưng chỉ có một mã quét QR với những thông tin chung chung mà họ có thể tìm hiểu được trên mạng. Chính vì không có thuyết minh viên thường xuyên để giới thiệu cho du khách khi cần nên thời gian du khách lưu lại tại di tích ngắn, thường chỉ 15-30 phút. Du khách cũng không có hiểu biết sâu về giá trị của di tích mặc dù đã từng đến di tích. Bà Chu Thị Loan một du khách đã từng đi du lịch xuyên Việt đã chia sẻ với chúng tôi: việc thiếu thuyết minh tại di tích là một điểm yếu trong phát triển du lịch. Họ từng đến những nơi nhìn không thấy có gì, chỉ có cái giếng thôi, nhưng thuyết minh viên giới thiệu rất hấp dẫn, kể những câu chuyện liên quan khiến cho giá trị của di tích được nêu bật. Cần Thơ có những điểm tham quan rất độc đáo, ví dụ như giàn gừa tại di tích Giàn Gừa, nhưng không có thuyết minh nên cũng không thấy hết được giá trị của di tích, không để lại ấn tượng cho du khách.
Một số ban trị sự, ban quản lý các di tích túc trực thường xuyên tại các di tích, họ cũng là những người quản lý di tích nhiều năm, có tình yêu và tâm huyết đối với di tích (đa số họ không có chế độ, chỉ được hỗ trợ khoảng hơn 1 triệu/ tháng hoặc chỉ có một ít tiền xăng xe đi lại, song họ vẫn gắn bó với di tích nhiều năm), họ cũng có những kiến thức hiểu biết về di tích. Qua chia sẻ, những người trực tiếp quản lý, trông coi các di tích này sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết của mình đối với du khách nếu du khách có nhu cầu. Tuy nhiên, việc sử dụng đội ngũ này là thuyết minh viên cũng có những hạn chế. Những người trong ban quản lý, ban trị sự đa số tuổi đều từ hơn 60, 70, thậm chí có người trên 80 tuổi, chưa từng được đào tạo một cách chuyên nghiệp và bài bản về nghiệp vụ thuyết minh, nên khó có thể thuyết minh hấp dẫn và thuyết phục du khách.
Đặc biệt, với du khách nước ngoài, khi các di tích chưa ứng dụng công nghệ thông tin và đội ngũ thuyết minh viên lại chưa đáp ứng được yêu cầu do trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Và đối với những người trực tiếp quản lý các di tích thì do tuổi cao, nên họ không biết ngoại ngữ để có thể giới thiệu với du khách quốc tế về giá trị của di tích…
Đội ngũ hướng dẫn viên của các công ty du lịch có các tour khai thác tại di tích cũng tham gia thuyết minh, giới thiệu di tích cho du khách. Tuy nhiên, chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên do các công ty kiểm soát, chưa có cơ chế chính quyền địa phương sát hạch và cấp thẻ cho giới thiệu tại di tích. Những hướng dẫn viên là những người được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng họ dẫn du khách đi rất nhiều tour với nhiều điểm du lịch khác nhau, cũng không phải là người ở địa phương nên đôi khi chưa có kiến thức sâu về di tích để có thể giới thiệu đầy đủ, có sức thuyết phục và sâu sắc các giá trị của di tích. Nhiều khi những thông tin mà hướng dẫn viên đưa ra là những thông tin thu lượm ở nhiều nguồn không chính thống. Thậm chí theo phản ánh của chính những người trực tiếp quản lý di tích, họ đã thấy những trường hợp hướng dẫn viên giải thích sai với du khách khi họ có những thắc mắc về những chi tiết, vấn đề liên quan đến di tích. Vì vậy, đội ngũ này cũng có nguy cơ làm sai lệch các giá trị của di tích.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thuyết minh tại các di tích lịch sử - văn hóa của thành phố Cần Thơ
Để du khách có thể hiểu đúng, sâu sắc, đầy đủ giá trị của di tích, thậm chí có những cảm xúc và ấn tượng sâu đậm đối với các di tích lịch sử - văn hóa, thành phố Cần Thơ phải chú ý nâng cao chất lượng công tác thuyết minh tại các di tích, theo một số định hướng sau:
Thứ nhất, mặc dù hiện nay có những công nghệ hiện đại hỗ trợ việc thuyết minh tại các di tích, nhưng giới thiệu di tích thông qua các thuyết minh viên vẫn có những ưu thế mà không một hình thức nào có thể thay thế được. Thuyết minh viên không chỉ giới thiệu di tích cho du khách qua những bài thuyết minh đã được chuẩn bị sẵn mà còn phải giải đáp những thắc mắc, câu hỏi của du khách về những vấn đề liên quan đến di tích. Điều này chỉ có thể thông qua thuyết minh viên còn với những công nghệ audio guide (hệ thống thuyết minh tự động) hiện đại thì không làm được điều này. Hơn nữa, những cảm xúc thực sự của thuyết minh viên trong từng câu chuyện họ kể cũng có khả năng truyền cảm xúc, lay động đến du khách một cách trực tiếp mà không máy móc nào thay thế được. Vì vậy, cần có những chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hằng năm để các thuyết minh viên được nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ. Đồng thời, thành phố cũng cần sử dụng nguồn kinh phí đào tạo lại để tạo điều kiện cho các thuyết minh viên được đến các di tích nổi tiếng thu hút nhiều du khách ở Việt Nam như Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay Hoàng thành Thăng Long, di tích Cố đô Huế… để được học hỏi kinh nghiệm thuyết minh của các thuyết minh viên tại đây. Thậm chí có thể có những học hỏi mang tính chuyên sâu hơn như những thuyết minh viên giới thiệu tại các di tích lịch sử cách mạng thì đến học hỏi kinh nghiệm thuyết minh tại các di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng của Việt Nam. Cùng với đó, thành phố cũng cần tạo ra những diễn đàn để cho các thuyết minh viên tại các di tích có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của nhau trong công tác chuyên môn như tổ chức các cuộc thi thuyết minh viên giỏi. Điểm hạn chế của các thuyết minh viên tại các di tích lịch sử - văn hóa ở Cần Thơ chính là khả năng ngoại ngữ, vì vậy, cần chú ý tăng cường đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ và có những hình thức khuyến khích việc tự học ngoại ngữ của đội ngũ thuyết minh viên.
Thứ hai, có những giải pháp để mở rộng số lượng những người tham gia thuyết minh tại các di tích để có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách. Như đã phân tích ở trên, số lượng thuyết minh viên chưa thể đáp ứng được nhu cầu, chưa đảm bảo số lượng ở mỗi di tích. Trong bối cảnh tinh giảm biên chế, không thể tăng người, cần có những chính sách để huy động đội ngũ cộng tác viên trong thực hiện thuyết minh tại các di tích. Đội ngũ những người đang trực tiếp quản lý tại các di tích có những mặt thuận lợi và hạn chế khi tham gia vào công tác này. Tuy nhiên, trong vấn đề này, Cần Thơ cần học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác. Ví dụ như Hà Nội xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tình nguyện trong đó có thuyết minh tại các di tích. Việc tận dụng nguồn lực sinh viên tham gia vào đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tình nguyện là giải pháp mà Hà Nội đã làm để đáp ứng nhu cầu được thông tin, giới thiệu của du khách tại các điểm đến du lịch, trong đó có di tích. Đội ngũ này có điểm mạnh là sức trẻ, sự nhiệt tình, ham học hỏi, dễ thích nghi với những thay đổi đặc biệt là trình độ ngoại ngữ tốt. Hạn chế của đội ngũ này là bận công việc học tập nên thường chỉ tham gia vào thời gian rảnh, vào thời gian cao điểm của thi cử thì lại thiếu đội ngũ hướng dẫn viên. Ngoài ra, đội ngũ này chưa có nhiều kinh nghiệm vì còn đang đi học. Vì vậy, trong lựa chọn đội ngũ này nên chú ý đến những sinh viên học các trường có đào tạo nghiệp vụ du lịch, đặc biệt là những sinh viên học ngành Hướng dẫn viên du lịch, như vậy vừa có lợi cho công tác thuyết minh, vừa tạo cơ hội, môi trường cho các em rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ để vững vàng hơn khi ra trường. Hiện nay, ở Cần Thơ các trường đại học lớn ở đây đều có đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, để sau này các em sẽ trở thành hướng dẫn viên, như các trường: Đại học Nam Cần Thơ, Đại học FPT, Đại học Tây Đô, đối với trường Đại học Cần Thơ có ngành Việt Nam học. Ngoài ra, còn có Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ và nhiều trường trung cấp có đào tạo về nghiệp vụ du lịch. Thông qua phong trào đoàn, phong trào của hội sinh viên các khoa, ngành của trường để xây dựng các câu lạc bộ hướng dẫn viên tình nguyện. Ngoài ra, những trường có đào tạo ngoại ngữ và sinh viên của những ngành này cũng cần chú ý tuyển chọn tham gia vào đội ngũ này để có thể hướng dẫn miễn phí cho khách quốc tế, vừa giúp các em học tập ngoại ngữ vì được giao tiếp với người bản địa. Đồng thời, để có thể tham gia giới thiệu giá trị của các di tích cho du khách, đội ngũ này cũng cần được đào tạo. Chính đội ngũ thuyết minh viên chuyên nghiệp sẽ trực tiếp tham gia đào tạo về kiến thức về di tích cũng như những kỹ năng cần thiết cho đội ngũ này. Họ sẽ góp phần đáp ứng được nhu cầu của du khách một cách kịp thời tại di tích.
Thứ ba, để nâng cao chất lượng công tác thuyết minh, không chỉ nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên mà còn phải xây dựng được những bài thuyết minh hay, giới thiệu được đầy đủ và sâu sắc những nét đặc sắc nhất của di tích. Muốn vậy, cần tổ chức các cuộc thi viết các bài thuyết minh hay. Người tham gia cần mở rộng không chỉ đội ngũ những người làm trong các cơ quan văn hóa của địa phương mà cả những viện nghiên cứu, trường đại học, những chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa địa phương. Thông qua công tác chấm thi, không chỉ lựa chọn được bài hay nhất, mà còn là kiểm định để đảm bảo độ chính xác của các thông tin được cung cấp. Trên cơ sở những bài thuyết minh hay, có sức hấp dẫn, các thuyết minh viên sẽ chuẩn bị nội dung tốt để thuyết minh. Hình thức này sẽ thu hút được trí tuệ của nhiều người, đặc biệt là các chuyên gia. Ví dụ, cũng là ngôi đình nhưng những ngôi đình ở Nam Bộ rất khác với những ngôi đình Bắc Bộ, cả về nghệ thuật kiến trúc lẫn tín ngưỡng. Bài thuyết minh phải cho du khách thấy được sự khác nhau đó.
Thứ tư, cần có những giải pháp để quản lý chất lượng thuyết minh tại các di tích lịch sử - văn hóa ở Cần Thơ. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã có những hình thức khác nhau để quản lý chất lượng thuyết minh. Chẳng hạn, Thái Lan có quy định hướng dẫn viên du lịch không có thẻ hướng dẫn tại một số điểm di tích lịch sử quan trọng, thì không được quyền tác nghiệp tại đó. Hay ở Trung Quốc, nhằm khuyến khích phát triển hướng dẫn viên bản địa, họ quy định: khách du lịch đến địa phương nào thì hướng dẫn viên của địa phương ấy sẽ là người thuyết minh (dù đoàn đã có hướng dẫn viên theo suốt cuộc hành trình). Trong điều kiện đội ngũ thuyết minh viên tại các di tích ở Cần Thơ còn mỏng như hiện nay, Cần Thơ có thể học tập kinh nghiệm của Thái Lan. Những hướng dẫn viên của các công ty có tour tại các di tích của Cần Thơ, cần phải trải qua một khóa tập huấn ngắn hạn để nắm được đầy đủ, chính xác những thông tin về các di tích nơi đây. Sau tập huấn có sát hạch và được cấp thẻ.
Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thuyết minh tại di tích. Du lịch số, du lịch thông minh là một xu hướng phát triển tất yếu hiện nay. Nhiều di tích ở Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thuyết minh và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ đã được thực hiện từ lâu và trở nên khá phổ biến. Các bảo tàng như: Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Mỹ), Bảo tàng quốc gia London (Anh)… đã sử dụng công nghệ audio guide thay cho hướng dẫn viên. Ở Việt Nam, một số di tích đã sử dụng công nghệ này và nhận được sự phản hồi tích cực từ du khách. Chẳng hạn, ở di tích Di sản Mỹ Sơn (Quảng Nam), du khách có thể mua vé thuyết minh tự động (50.000 đồng) tại quầy và cài đặt audio guide “Di tích Mỹ Sơn” trên App Store hoặc CH Play để trải nghiệm ứng dụng. Sau khi nhập mã vé hoặc quét mã QR, ứng dụng sẽ hiển thị 40 câu chuyện với 6 ngôn ngữ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Anh. Khách du lịch có thể vừa tham quan vừa nghe 40 câu liên quan đến 40 điểm tham quan chính tại khu đền tháp Mỹ Sơn bằng chính điện thoại của mình. Bên cạnh việc mua vé thuyết minh tự động bằng ứng dụng trên điện thoại, du khách có thể chọn thuyết minh tự động bằng tai nghe được cài sẵn. Hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ được phát triển dựa trên tiêu chí: thuận tiện - trực quan - hấp dẫn và ứng dụng công nghệ. Chỉ với thao tác quét mã QR, người dùng có thể dễ dàng sử dụng và nghe thuyết minh kết hợp với xem hình ảnh đa phương tiện, sử dụng bản đồ định vị, dẫn đường tham quan trong di tích. Văn Miếu - Quốc Từ Giám (Hà Nội) cũng áp dụng công nghệ này tại 14 điểm trong di tích, từ khu nhập đạo, vườn bia Tiến sĩ, Đại thành đến khu Thái học… Tại Di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), có 35 điểm trong di tích có thuyết minh tự động, tại mỗi điểm du khách sẽ được cấp một thiết bị kèm theo bản chỉ dẫn các di tích, hiện vật với các mã số tương ứng. Du khách muốn tìm hiểu về hiện vật hay di tích nào, chỉ cần nhập mã số, máy sẽ tự động thuyết minh… Việc sử dụng công nghệ audio guide mang lại rất nhiều lợi ích, cả cho ban quản lý và du khách. Ban quản lý có thể quản lý được nội dung thuyết minh một cách dễ dàng, bởi tất cả nội dung thuyết minh đều đã được kiểm duyệt trước khi đưa vào sử dụng. Đối với du khách, họ không những không bị chi phối bởi môi trường xung quanh, bởi ngữ điệu có thể chưa được chuẩn mà còn được chủ động tìm hiểu, lắng nghe theo nhu cầu và sở thích (có thể nghe đi nghe lại nhiều lần hoặc nghe lướt). Có thể nói công nghệ audio guide có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Tuy vậy, khi đưa vào sử dụng công nghệ này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban quản lý di tích với các công ty công nghệ, để có sự chuẩn bị bài bản, công phu về nội dung thuyết minh. Bởi vậy, ngành Quản lý văn hóa Cần Thơ cần xây dựng kế hoạch và có lộ trình thực hiện đối với từng di tích, trong từng giai đoạn cụ thể. Trước mắt, cần ưu tiên triển khai ở các di tích có đông du khách đến tham quan. Tất nhiên, thuyết minh tự động cũng nên xây dựng các lựa chọn ngắn, dài khác nhau để du khách lựa chọn theo nhu cầu.
Tóm lại, nâng cao chất lượng công tác thuyết minh là yêu cầu tất yếu không thể thiếu trong phát triển du lịch tại các di tích lịch sử - văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay công tác này ở các di tích lịch sử - văn hóa Cần Thơ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, cả về số lượng và chất lượng. Nếu các giải pháp nêu trên được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ sẽ góp phần phát huy hiệu quả giá trị của di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời tạo ra sự hấp dẫn của điểm đến du lịch để thúc đẩy du lịch Cần Thơ phát triển (2).
___________________
1. Bài viết nằm trong khuôn khổ đề tài “Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp khai thác hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa vào phát triển du lịch ở thành phố Cần Thơ” do TS Hà Thị Thùy Dương là chủ nhiệm.
2. Báo cáo từ Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ năm 2023.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Thị Ái Cầm, Nguyễn Thị Thúy Vân, Nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, Tạp chí Công Thương, số 7, 2019.
2. Phạm Thị Thùy Duyên, Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng hướng dẫn viên du lịch nội địa tỉnh Bình Định, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 3, 2023.
TS NGUYỄN TIẾN THƯ - TS HÀ THỊ THÙY DƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024