Trái ngược với cuộc đời thầm lặng, ít giao lưu bên ngoài, những trước tác của Nguyễn Tư Nghiêm lại gây được tiếng vang mạnh mẽ ở trong và cả ngoài nước. Đó là bởi tranh ông đã góp phần định hình mỹ thuật hiện đại Việt Nam, thông qua việc kế thừa nền tảng mỹ thuật truyền thống, kết hợp với tinh hoa hội họa phương Tây.
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016)
“Hiện thực và siêu thoát”
Nói đến Nguyễn Tư Nghiêm là nói đến cuộc đời sáng tạo miệt mài không ngừng nghỉ, hay sự kiên định một mối hoài niệm về quá khứ nghệ thuật truyền thống. Nguyễn Tư Nghiêm, trong mắt họa sĩ Đặng Thị Khuê, là nghệ sĩ mang tâm hồn dân tộc và thời đại một cách lắng đọng. Nhân kỷ niệm 102 năm ngày sinh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (1922 - 2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - Người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại, vào ngày 12/10 vừa qua, như lời tri ân đối với danh họa tài năng. Được biết, hiện bảo tàng đang trưng bày 28 tác phẩm của ông, trong đó có bức Gióng được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017.
12 con giáp (2003) - ẢNH TL
Họa sĩ Đặng Thị Khuê đã “phân kỳ” tiến trình nghệ thuật của Nguyễn Tư Nghiêm thành 2 giai đoạn: hiện thực và siêu thoát. Thời kỳ đầu, từ năm 1945 đến 1960, với những tác phẩm mang tính thời sự trong những chủ đề, đề tài thiết thực vào đời sống, bộc lộ một năng lực bao quát và xử lý kỹ thuật điêu luyện. Phải kể đến các tác phẩm sơn mài Con nghé quả thực (1957), Đêm Giao thừa bên bờ Hồ Gươm (1957),… Sau đó là thời kỳ chuyển tiếp, biến ảo của nhịp điệu khi ông chuyển sang loạt tranh: Điệu múa cổ, Thánh Gióng, 12 con giáp trên nhiều chất liệu khác nhau. Và chính ở hàng trăm tác phẩm thể nghiệm tạo hình mới, hướng đến những định ước thẩm mỹ truyền thống và tích hợp nhiều phẩm chất tạo hình đã đem đến những thành quả nghệ thuật đặc sắc, cá biệt của nghệ thuật hội họa Việt Nam hiện đại, khiến ông trở thành một biệt lệ trong chính các danh họa Việt Nam cùng thời và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.
Một đời không đánh mất bản sắc
Sinh thời, khi được hỏi: “Đối với nghệ thuật phương Tây, ông đã tiếp thu như thế nào?”. Nguyễn Tư Nghiêm trả lời: “Tôi không thích “cổ điển”, nghe nhạc cổ điển tôi không rung động. Múa ballet tôi không thích bằng chèo”. Đây dĩ nhiên không phải một câu trả lời từ trong vô thức, mà còn là lời khẳng định cho phong cách nghệ thuật xuyên suốt trong ông. Nguyễn Tư Nghiêm tâm niệm rằng, cái mới của mỹ thuật Việt Nam luôn xuất phát từ đình, chùa làng, mạnh hơn là đi vòng qua phương Tây. Từng có người hỏi ông: “Ông vẽ lối nào? Lấy của châu Âu hả?”. Ông khảng khái đáp lại: “Không? Tôi lấy ở đình làng”. Với Nguyễn Tư Nghiêm, điêu khắc đình làng phải nhìn toàn bộ mới thấy được, chứ trích một mảng treo trên tường, thì không tham khảo được. Vốn cổ trong tư duy nghệ thuật của Nguyễn Tư Nghiêm không bao giờ có thể khai thác hết. Bởi phải thích, thì mới đi sâu vào nó, để từ đó, có những phát hiện mới mẻ.
Điệu múa cổ (1970), sơn mài - ẢNH TL
Cho đến cuối đời, ông vẫn luôn thể hiện sự tự hào về quá khứ dân tộc. Hiện đại không nên mượn của nước ngoài, mà nên quay về với gốc rễ, với đình, chùa vẫn dễ dàng hơn. Thế hệ trẻ vẽ quá “phương Tây”, song, ông tin rằng, qua thời gian, rồi họ cũng sẽ trở về với cội nguồn. Ta có thể bước sang hiện đại rất nhanh không cần thiết phải làm cách mạng, vì ta đã có nhiều yếu tố gần với hiện đại mà châu Âu phải trải qua bao nhiêu “đập phá” mới có. Còn Việt Nam đã có “trừu tượng” từ xưa. Điều này được thể hiện rõ nét qua những điêu khắc gỗ cổ truyền.
Nguyễn Tư Nghiêm tuy rất ngưỡng mộ Picasso, và thích phương pháp làm việc của Picasso đã ghi chép nhiều nghệ thuật dân tộc làm tư liệu. Nhưng không học ở danh họa người Tây Ban Nha này, mà chủ yếu lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian. Bà Đặng Thị Khuê kể lại, Nguyễn Tư Nghiêm còn tếu táo đùa rằng: “Xem ra con đường của Picasso và con đường của tôi bắt đầu từ những chỗ khác nhau lại gặp nhau ở một điểm nào đó”. Hồi đi kháng chiến, các họa sĩ ta mới nghe nói tới Picasso. Nghệ thuật Picasso rất đa dạng, khai thác và “tiêu hóa” được nghệ thuật của nhiều dân tộc từ Châu Phi, châu Á tới thổ dân châu Đại dương.
Trước đó, hồi còn đi học ở trường, ông rất thích Van Gogh, Gauguin. Dường như, ông thấy được ở những danh họa Tây phương điểm chung là đều hướng về phương Đông. Ông nhận xét, Van Gogh đã chép nhiều tranh Nhật Bản, còn Gauguin rất ghét văn minh châu Âu. Cả hai đều hướng về phương Đông có nội tâm, có đời sống tinh thần. Về sau, ông lại rất thích Matisse, phái duy sắc chịu ảnh hưởng của các loại trang trí vải Nhật Bản rực rỡ.
Gióng (1990), được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017 - ẢNH:: BTMTVN
Nguyễn Tư Nghiêm suốt một đời cống hiến cho nghệ thuật, ông luôn tâm niệm rằng, không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại. Tri thức không mâu thuẫn với nghệ thuật, song, nghệ thuật cần bản năng, tài năng mặc dù nghệ thuật có thêm tri thức thì càng tốt, song không nhất thiết. Tài năng là quan trọng nhất. Trong nghệ thuật không có sự tiến bộ, khác với tiến bộ khoa học kĩ thuật, trong nghệ thuật cũng không có sự lạc hậu mặc dù mỗi nền văn minh có đinh cao riêng của nó. Cái nhìn của họa sĩ là cái nhìn bằng cảm xúc, bằng nhân cách chứ không phải cái nhìn duy lý khô khan.
Khi được phỏng vấn: “Nghệ thuật của ông có cần cuộc sống không?”. Ông đáp lại: “Tôi chưa đặt ra vấn đề ấy, nên khó trả lời. Tôi chỉ để lại những bức tìm tồi riêng của tôi cho sau này. Hầu hết những cái tôi vẽ bây giờ lấy tư liệu trong các sách lý luận Đông Y, chẳng hạn như của Hải Thượng Lãn Ông. Tôi lấy ví dụ: Năm tới là năm Canh Thìn. ‘Canh’ thì màu trắng, khô hanh. ‘Thìn’ thì màu vàng, ẩm thấp. Đó là quan điểm duy vật theo kinh nghiệm”. Chính từ sự am hiểu văn hóa dân gian, ông đã lựa chọn ra màu sắc hài hòa trong tranh của mình.
Nguyễn Tư Nghiêm trong cảm nhận của giới chuyên môn
Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân từng viết: “Nguyễn Tư Nghiêm là một riêng biệt hồn nhiên, tự tại. Nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm là một ước định tổng hợp và tích hợp tất cả vào trực cảm mạnh mẽ và sâu lắng của cá nhân, không biện luận, có thể nói là phi hệ thống. Nghệ thuật của ông bao hàm một ngữ pháp tổng hòa về nhịp điệu, đường nét và hình tượng của nghệ thuật truyền thống. Tranh ông chứa đựng không cứ gì những yếu tố hoang sơ của nghệ thuật Đông Sơn, Tây Nguyên, hay lão luyện của thời Lê - Nguyễn, mà cả châu Đại Dương, Phi rồi lập thế, biểu hiện... cho tới Pop-Art. Những phương tiện hội họa được ông lựa chọn để nói lên cái nhìn riêng của mình vào thế giới, những ý tưởng nghệ thuật im lặng, giấu mình của Nguyễn Tư Nghiêm nói lên được nỗi lo âu trắc ẩn của thân phận con người và dân tộc. (1)
Canh Thìn (2000), bột màu và màu nước trên giấy dó - ẢNH:: ÁNH DƯƠNG
Qua lời kể của họa sĩ Đặng Thị Khuê, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhận định: “Nguyễn Tư Nghiêm đã tiếp nhận nguyên lý lập thể, không phải từ hội họa hiện đại mà từ chạm khắc phù điêu đinh chùa Bắc Bộ thế kỷ XVI, XVII, XVIII”; “và ông đã dịch chuyển lối tạo hình truyền thống từ không gian lên mặt phẳng và ảnh hưởng đến nhiều họa sĩ Việt Nam trong cách tư duy hình tượng”.
Nối dài mạch cảm xúc của những tác phẩm mang đậm hồn cốt di sản văn hóa, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhắc về tác phẩm Gióng, được Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác năm 1990. Bức tranh cũng đã đoạt giải Nhất trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc cùng năm. “Tác phẩm này khắc họa Thánh Gióng hoàn toàn khác những bức họa ông vẽ Thánh Gióng trước đó. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm không chỉ đơn thuần chép lại con ngựa ngoài đời vào tranh, mà còn thổi hồn cho con ngựa này như bay múa, đưa Thánh Gióng về trời. Qua những tác phẩm của ông chúng ta thấy được cách ông xử lý chất liệu để tạo ra hình tượng Thánh Gióng uy nghiêm, mang đầy khí thế, hào khí của người Việt trước giặc ngoại xâm”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ tại tọa đàm. Ông Lương Xuân Đoàn khẳng định: “Nghệ thuật của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm nguyên vẹn hồn cốt của di sản văn hóa truyền thống Việt Nam, của tâm hồn người Việt Nam, của mỹ cảm người Việt Nam”.
Thế giới tâm hồn và nghệ thuật của Nguyễn Tư Nghiêm còn mãi vang vọng, để ta khám phá. Và không chỉ thế, ông còn góp phần dự cảm cho tương lai khi nâng tầm quốc tế của một truyền thống và nối mạch với hiện tại, đương đại. Ông mang đến niềm tin cho tương lai định vị nghệ thuật Việt Nam trong dòng chảy chung của nghệ thuật nhân loại. Như vậy, ông vẫn còn đồng hành cùng chúng ta hôm nay và cả mai sau.
_______________
Tư liệu tham khảo:
1. Thái Bá Vân, Đọc Nguyễn Tư Nghiêm một mệnh đề đứng riêng, vanhoanghean. com.vn 20/7/2016
NAM SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024