Hội thảo toàn quốc với chủ đề “Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại
Đã trở thành sự kiện thường niên, nhưng Tuần lễ Múa năm 2024 vẫn được ngóng chờ bởi sự sáng tạo, không lặp lại của lãnh đạo Hội, của tập thể hội viên và các nghệ sĩ. Thông qua Tuần lễ múa 2024, sự kiện lớn nhất năm của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, các nhà hoạt động nghệ thuật múa tập trung và đều thống nhất nhận định: nghệ thuật múa Việt Nam đã có những bước tiến mới, xứng đáng là một trong những ngành nghệ thuật hàng đầu của văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 13 - 15/10 tại TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, với sự tham gia của 8 đoàn với hơn 100 nghệ sĩ. Ngoài cơ hội gặp gỡ, giao lưu, thi tài giữa các nghệ sĩ, tôn vinh nghệ thuật múa còn có nhiều sự kiện rất đáng trông đợi như: Lễ khai mạc công diễn vở múa đương đại Sesan vào 20 giờ ngày 13/10; Cuộc thi tác phẩm múa dân tộc Việt Nam vào 19 giờ ngày 14/10; Hội thảo toàn quốc với chủ đề “Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại” diễn ra vào 8 giờ 30 ngày 15/10.
Đây là lần thứ hai Tuần lễ Múa Việt Nam được tổ chức (lần thứ nhất vào năm 2023). Biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cho biết, Tuần lễ Múa Việt Nam lần này được kỳ vọng kết nối giữa nghệ thuật - văn hóa - du lịch, thúc đẩy sự phát triển, kết nối giữa nghệ thuật múa Việt Nam nói chung, giá trị nghệ thuật múa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói riêng với “nghệ thuật chuyển động” trong khu vực và quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nghệ thuật múa, từ đó, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa khu vực và toàn quốc.
Tiết mục tham dự Tuần lễ Múa 2024
Với 18 tiết mục của các đơn vị công lập và ngoài công lập, hơn 100 nghệ sĩ đã khoe vốn liếng múa của các dân tộc Kinh, Ba na, Chăm, Tày, Thái đen, S’Tiêng, Xê Đăng, Mông, Ê đê, Hà Nhì đen, Giê Triêng… Các tác phẩm đã khai thác vốn dân gian, kết hợp với kỹ thuật hiện đại để tạo ra được những tiết mục rất hấp dẫn, truyền tải được thông điệp một cách rõ ràng. Tuy vẫn còn có những tiết mục chưa rành mạch về ý tưởng, có những nghệ sĩ còn hơi khuôn sáo, chưa thật uyển chuyển theo những diễn biến xảy ra nhưng gần 20 tiết mục dự thi thực sự đã tạo được "bữa tiệc" nghệ thuật thịnh soạn cho người xem.
Trong hội thảo khoa học toàn quốc của ngành Múa, sự đóng góp ý kiến, tranh luận khá sôi nổi kéo dài qua cả bữa trưa, ai cũng rất hào hứng. Múa dân gian dân tộc thuộc về văn hóa dân tộc, về yếu tố để làm bật nên bản sắc riêng của mỗi quốc gia. Gìn giữ, phát huy sao cho đúng luôn là yêu cầu có tính bức thiết đối với tất cả các ngành nghệ thuật, trong đó có múa. Các NSND, nhà giáo, nhà nghiên cứu đã có nhiều đóng góp rất đáng chú ý tại Hội thảo “Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại”. Qua nhiều thế hệ, nghệ thuật múa của người Việt Nam đã phát triển không ngừng, từ điệu thức đơn giản đến phức tạp, từ những sự ban sơ đi tới thế giới hiện đại. Tiếp nhận, biến đổi sao cho các tác phẩm múa thể hiện được hơi thở, nhịp sống của ngày hôm nay, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng trong thời đại mới nhưng vẫn kế thừa, gìn giữ được nghệ thuật múa dân tộc truyền thống là rất quan trọng. Vì đó là cội nguồn, là bản sắc để chúng ta “hòa nhập mà không hòa tan”. Các sáng tạo mới nhưng vẫn cần được xuất phát từ chính nội lực, vốn có, cái là bản sắc dân tộc nhất định phải được gìn giữ để không đánh mất mình.
Các biên đạo múa Việt Nam trong suốt chặng đường phát triển đã có những thành tựu đáng kể. NSND Anh Phương khẳng định, vào những năm đầu 90 của thế kỷ XX, múa đương đại phương Tây đã du nhập vào Việt Nam. Hơn 30 năm qua, nghệ thuật múa nước ta có nhiều thay đổi tích cực. Dòng ngôn ngữ múa mới đã mang đến hơi thở đương đại cho lĩnh vực nghệ thuật múa ở Việt Nam với nhiều góc độ nhìn nhận cụ thể như: luật động, tạo hình múa; tính phức điệu; tính ngẫu hứng, tương tác; tính đột biến ấn tượng và quy luật mở trong tư duy phát triển ngôn ngữ... Bên cạnh đó là những trào lưu, xu hướng sáng tạo múa mang tính tiên tiến.
Vở múa Sesan
Theo ông, từ năm 1990 đến 2000, nghệ thuật múa ở Việt Nam xuất hiện nhiều tác phẩm vận dụng ngôn ngữ múa với phong cách sáng tạo mới còn khá khiêm tốn. Nhưng từ năm 2000 đến năm 2010, nghệ thuật múa có nhiều thay đổi ghi nhận về sự phát triển, nhờ các dự án hợp tác với Úc, Pháp, Anh, Bỉ, Mỹ, Thụy Điển. Một đội ngũ diễn viên tài năng của Việt Nam đã được học tập chuyên sâu và biểu diễn trên nhiều sân khấu trong và ngoài nước. Từ 2010 đến nay, diện mạo nghệ thuật múa đã xuất hiện nhiều thế hệ sinh viên và diễn viên múa được trau dồi luyện tập một cách chuyên sâu, bài bản, từng bước tiếp nhận các đặc trưng tiêu biểu của múa đương đại như phong cách múa, kỹ thuật múa và sự cảm nhận hơi thở của ngôn ngữ múa. Nhiều nghệ sĩ múa Việt Nam đạt trình độ biểu diễn với kỹ thuật cao, đạt độ chuẩn mực về phong cách và tính chất của dòng ngôn ngữ múa đương đại.
Không thể phủ nhận, nhiều biên đạo múa Việt Nam đã rất tích cực trong sáng tạo, đưa tới những thành công khi có những chương trình, những vở kịch múa hấp dẫn mà vẫn truyền được thông điệp rất tích cực đến người xem, có tác động tới đời sống xã hội. Các biên đạo múa tài năng đã làm được việc khiến người làm nghề ghi nhận, tạo dựng vị thế mới cho múa trong nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Đó là những vở kịch múa như: Nguồn sáng (NSND Phạm Anh Phương, NSND Nguyễn Hồng Phong); Con tạo xoay, Người cầm lái, Kiều (Biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh); Thơ múa Ký ức dòng Lam (NSND Lữ Kiều Lê, NSƯT Phạm Thanh Tùng, NSƯT Thanh Hằng); Tổ khúc múa Đông Hồ (Biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh); Vở múa Nón (Ngọc Khải); tác phẩm múa ngắn như: Hồn gió Việt (NSND Phạm Anh Phương); Ngô trên đá (NSND Nguyễn Minh Thông)...
Tuy nhiên, lý thuyết thì dễ, trên thực tế, để làm được việc kết hợp giữa yếu tố dân tộc với múa đương đại quả không dễ dàng. Theo ý kiến của TS, NSND Phạm Anh Phương: “Thời gian qua đã xuất hiện không ít tiết mục gây cảm giác “sống sượng” bởi sự kết hợp thiếu tinh tế giữa các dòng ngôn ngữ múa cùng các giá trị thẩm mỹ khác nhau đã tác động tới hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm; chưa tạo thành độ “ngọt” bởi thiếu sự nghiên cứu chuyên sâu và sự tinh tế cần thiết, nên nhiều tác phẩm không khơi gợi được hứng thú cho người xem, thậm chí bị cho là phản cảm”. NSƯT Đặng Công Hưng, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tỉnh Gia Lai nhìn nhận: Chỉ vài ba tiết mục múa mang đúng đặc trưng dân tộc và đâu đó cứ bị pha lẫn một cách khó nhận diện; đâu đó có những lạc nhịp như âm nhạc mang âm hưởng của dân tộc này nhưng sử dụng chất liệu ngôn ngữ múa dân tộc khác và người xem mặc định đấy là múa Tây Nguyên. Thậm chí, đâu đó ngôn ngữ múa, kể cả âm nhạc, lai căng hòa trộn sắc thái thổ dân châu Mỹ cũng được ví von là múa Tây Nguyên. Chưa kể nhiều biên đạo còn tùy tiện sử dụng trang phục một cách cẩu thả, thiếu hiểu biết…
Múa mang tính trừu tượng, biểu tượng cao. Vậy nên, rất cần có sự rõ ràng trong ý tưởng, có được phông nền là vốn văn hóa cao để đưa những gì tinh túy của dân tộc đến với hiện đại. Bản thân yếu tố dân tộc cũng không bất biến mà luôn biến đổi theo dòng thời gian. Dung nhập sao cho ngọt ngào, đưa hiện đại vào sao cho sâu mà không bị kiên cưỡng… đó là sức mạnh của các nhà biên đạo ngày nay.
TS, NSND Phạm Anh Phương nhận định thêm: Trong không gian hội nhập và phát triển của thế giới ngày nay, sự chuyển động và giao thoa giữa hai yếu tố dân tộc và hiện đại luôn đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của sáng tạo nghệ thuật nói chung, nghệ thuật múa nói riêng. Thông qua giá trị của yếu tố dân tộc để thể hiện bản sắc văn hóa và khẳng định cái riêng - hộ chiếu xuất xứ của tác phẩm; thông qua giá trị của yếu tố hiện đại để thể hiện tính mới - tính thời đại, như vậy, sự tích hợp giá trị của yếu tố dân tộc và yếu tố hiện đại cùng hội tụ trong tác phẩm múa dân tộc Việt Nam để hòa nhập vào dòng chảy nghệ thuật của nhân loại hôm nay.
Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 đã kết thúc, nhưng Dòng sông của ánh sáng- chủ đề của sự kiện vẫn thắp sáng trong tim mỗi nghệ sĩ làm nghề. Hy vọng, tinh thần, ánh sáng ấy sẽ giúp các nghệ sĩ giữ được lửa nghề luôn bừng cháy, sáng tạo không ngừng để ngành Múa mãi phát triển bền vững.
CAO NGỌC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024