Vở chèo Bắc Lệ đền thiêng
Hầu đồng là một trong ba nội dung chính của Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt- di sản được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản phi vật thể này được vinh danh chính là vì nhân dân ta đã trao truyền qua nhiều thế hệ để gìn giữ được nét độc đáo của một hình thức tín ngưỡng dân gian lâu đời. Đặc biệt, khi di sản đó được các hình thức sân khấu khai thác, đưa lên sàn diễn cũng góp tiếng nói có trọng lực để hoạt động tâm linh này đến với đông đảo bạn bè thế giới và được người dân biết, hiểu hơn về một hình thức tín ngưỡng thể hiện được rất nhiều loại hình nghệ thuật trong đó. Sau nhiều lần khai thác hình thức tín ngưỡng dân gian trên sàn diễn, nay Nhà hát Chèo Việt Nam lại thêm lần nữa, thực hiện trọn một chương trình với nghi lễ hầu đồng.
Đưa hầu đồng lên sân khấu chuyên nghiệp
Tuy đều thừa nhận giá trị nghệ thuật rất cao, rất đặc sắc của nghi lễ hầu đồng trong thực hành tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt, nhưng các nhà nghiên cứu văn hóa có những ý kiến trái chiều về việc đưa nghi lễ này lên sân khấu biểu diễn. Dù vậy, trên thực tiễn, người làm nghệ thuật từ lâu đã đưa hầu đồng trở thành tiết mục của sân khấu.
Một cảnh trong show diễn Tứ Phủ
Nhà nghiên cứu văn hóa và âm nhạc Bùi Trọng Hiền cho biết, từ khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc, với quan niệm mới và nền tảng mới, mong muốn làm cuộc cách mạng tư tưởng, xã hội nên chính quyền đã đưa gần hết những hoạt động cầu cúng, lễ bái vào danh sách những hoạt động mang tính “mê tín dị đoan, cần bài trừ”. Hầu đồng đứng đầu danh sách cấm vì ở đó chủ yếu là các chân đồng cầu buôn may bán đắt, cầu tài cầu lộc... trái với lý tưởng xây dựng một xã hội đại đồng. Trải qua thời gian khá dài tới nhiều thập niên, Đảng và Nhà nước chú ý hơn tới các hoạt động văn nghệ dân gian. Thực hiện chủ trương phục hồi và phát triển di sản văn nghệ dân gian, các nhà hát, các cơ quan truyền thông đã tìm kiếm, ghi chép, bảo lưu, truyền trao lại những hình thức nghệ thuật như hát Ống, hát Cửa đình, hát Xoan... đặc biệt là hát Chầu văn vốn rất giàu tính nghệ thuật để trình diễn. Những làn điệu rất giàu nhạc cảm của hầu đồng đã trở thành chất liệu cho nhiều bài hát mới của các nhạc sĩ. Các làn điệu hát Văn được đặt lời mới, được chính thức phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, trên Truyền hình Việt Nam và tại các chương trình ca múa nhạc dân tộc... Và, từ sự gạn đục khơi trong ấy, tới thời kỳ mở cửa, với nhận thức đổi mới về văn hóa, khi hội nhập đời sống văn hóa thế giới, thấy được ở nghi thức hầu đồng những giá trị văn hóa rõ rệt, được nhiều cộng đồng duy trì, trao truyền nên việc đưa hầu đồng lên sàn diễn đã có những biến chuyển mạnh mẽ. Khởi thủy là quá trình sân khấu Chèo khai thác đầy đủ cả nhạc hát Văn, múa, đóng vai các cô đồng, thầy đồng để diễn tiết mục ba giá chầu đồng để biểu diễn.
Nghệ sĩ Lệ Thu trong giá Quan Đệ Nhị
Thạc sĩ, nhà nghiên cứu Chèo - Trần Minh Phượng nhấn mạnh, cần ghi nhận công lao của nhóm nghệ sĩ Chèo từng đưa ba giá chầu lên sàn diễn từ những ngày đầu tiên. Ý tưởng xuất phát từ NSƯT Công Hưng, ông đã mạnh dạn đề cập với Ban Giám đốc Nhà hát mà ngày đó là NSƯT Bùi Đức Hạnh làm Giám đốc. Hai nhạc sĩ Chèo là NSƯT Bùi Đức Hạnh và Nhạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú Hoàng Kiều đã quyết định đưa hầu đồng lên sân khấu Nhà hát. Nhạc sĩ Hoàng Kiều đã dày công ghi lại lời hát văn của 72 giá đồng rồi đúc rút, gợn gạn, chắt lọc để lấy ba giá chính: giá Cô Bơ, giá ông Hoàng Mười, giá Cô Thượng Ngàn (còn gọi là giá cô Bé).... những giá chầu đại diện cho từng vùng miền, có cách biểu diễn khác biệt. Cô Bơ là chủ vùng sông nước, có những động tác chèo thuyền, múa quạt rất đẹp. Ông Hoàng Mười lẫm liệt uy nghi thường múa gươm và Cô Đôi Thượng Ngàn thì là những động tác gặt hái, đi nương của người miền núi. Phần múa đã được NSND Trần Minh lựa chọn và nâng cao để có được những động tác, tổ hợp múa ra chất, đúng với đặc điểm riêng của các vị thánh đang hiển linh. Diễn viên vào vai bà đồng đầu tiên là nghệ sĩ Thu Phương. Rồi sau đó lần lượt là các nghệ sĩ như Vân Quyền, An Chinh... Sau thành công của Ba giá đồng ở Nhà hát Chèo Việt Nam, không những tiết mục này trở thành tiết mục đinh, tiết mục thường xuyên của sân khấu nhỏ ở rạp Kim Mã mà còn lan sang tất cả các đơn vị chèo khác.
Rồi tới năm 2011, sau nhiều lao tâm khổ tứ, NSND Lan Hương cũng tìm thấy ở hầu đồng những điều chị tâm đắc để hình thành vở diễn Tâm linh Việt dưới dạng kịch hình thể cho Đoàn kịch Thể nghiệm của Nhà hát Tuổi trẻ. Vì nhiều lý do, vở diễn này không có được số lượng buổi diễn xứng với lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ, nhưng đây cũng là một trong những chương trình tái hiện nghệ thuật hầu đồng một cách công phu.
Trong số những vở diễn, tiết mục khai thác chất liệu từ hầu đồng, phải kể đến show diễn khá đình đám mang tên Tứ phủ, do Việt Tú đạo diễn, trên sân khấu Nhà hát Việt (Viettheatre) trình diễn thường xuyên ở địa điểm Nhà hát Kịch Hà Nội. Với sự đầu tư tốt về kỹ thuật, về ánh sáng, âm nhạc, khói, màn hình LED... suất diễn dài 45 phút của Tứ phủ đã nhận được sự quan tâm từ đông đảo công chúng trong nước và khách quốc tế.
Bên cạnh đó là vở Ngũ biến của Nhà hát Kịch Việt Nam. NSND Anh Tú cùng NSND Lệ Ngọc làm nên vở diễn Ngũ biến độc đáo từ sự lựa chọn trong hàng chục giá chầu đồng lấy 5 giá: Chầu Đệ Nhị Mẫu, Ông Hoàng Mười, Cô Bé, Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh, Cô Bơ và biên tập, cắt ngắn thời gian của từng giá chầu sao cho có thể diễn tả đầy đủ nhất mà cũng ấn tượng nhất. Ngay trước mắt công chúng, NSND Lệ Ngọc với sự giúp sức rất ăn ý của phụ diễn, đã biến hóa thành năm nhân vật thần thánh hoàn toàn khác nhau một cách thật nhịp nhàng, tinh tế: từ ông Hoàng oai phong tới bà Chúa cai quản vùng non cao, hay chầu cô Bé nhí nhảnh, tinh nghịch, trong sáng, vui tươi...
Phải kể tới vở Chèo Bắc Lệ đền thiêng của Nhà hát Chèo Việt Nam đã đưa hầu đồng lên sàn diễn như một biểu tượng cho văn hóa mà rất ngọt ngào, rất logic. Quá trình đấu tranh của người dân làng Bắc Lệ chính là quá trình gian nan để chống lại sự đồng hóa về văn hóa từ phía người Pháp.
Chương trình Mùa thu vọng tiếng Văn Ca
Đây là chương trình trọn vẹn với tám giá hầu đồng được nghệ thuật hóa, vừa giữ được những đặc trưng của các giá chầu, vừa thể hiện tốt những yếu tố của nghệ thuật chuyên nghiệp. Trước đó, sau đại dịch COVID - 19, Nhà hát Chèo Việt Nam từng dàn dựng Quan Tuần giá ngự do đạo diễn, NSND Thanh Ngoan cùng sự tham gia của các thanh đồng, cung văn nổi tiếng trong Nhà hát Chèo Việt Nam như: NSƯT An Chinh, NSƯT Kim Liên, nghệ sĩ tài năng trẻ Thục Hiền, NSƯT Lê Chử Long, Hoàng Điệp, Thái Sơn, Văn Phương, Thành Lê, Mẫn Đức Kiên… Chương trình thực hiện được một số buổi rồi tạm ngưng.
NSƯT Kim Liên với giá chầu Chúa Thác Bờ trong Mùa Thu vang khúc Văn Ca
Sau một thời gian làm quản lý, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo, TS,NSND Lê Tuấn Cường đã quyết định làm lại chương trình này bởi theo ông, đây là một hoạt động có khả năng thu hút được khán giả, đồng thời góp phần nâng cao nghệ thuật cho nghệ sĩ, lại làm được công tác tuyên truyền, bảo tồn văn hóa dân tộc. Nhiều ý nghĩa như vậy nên ông cùng các cộng sự đã dồn công sức, bồi dưỡng nghệ sĩ… để rồi kết quả là một chương trình nghệ thuật rất cuốn hút ra đời.
Mùa thu vọng tiếng Văn Ca, như tên gọi, đem tới một nét đẹp cho mùa đẹp nhất năm ở Hà Nội. Trong tiết trời Thu lành lạnh, hương hoa sữa thơm nồng, khán giả tới với Nhà hát được thưởng thức những giá chầu đồng tuyệt đẹp của các nghệ sĩ: NSƯT Kim Liên (giá: Chúa Thác Bờ, Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh), Nghệ sĩ tài năng sân khấu trẻ Lệ Thu (giá: Chầu Đệ Nhị, Quan Hoàng Bảy), Nghệ sĩ tài năng sân khấu trẻ Thục Hiền (giá: Chầu Bát, Quan Hoàng Mười), Nghệ sĩ trẻ Lâm Ngọc (giá: Cô Chín, Cô Bé). Chắt lọc từ các điệu múa được xem ở đền phủ, nâng tầm để chuyên nghiệp hóa, đưa lên sàn diễn… các nghệ sĩ Chèo đã rất chuẩn mực, tinh tế trong từng động tác múa. Nét múa, nhịp điệu… không làm khó được những diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp, nhưng dường như trong không gian nghệ thuật đích thực, người xem thấy họ như “ốp đồng”, “lên đồng” thăng hoa trong tiếng hát Văn du dương, ca ngợi. Kết hợp với thanh âm nhạc cổ, với dàn múa và trang trí sân khấu lung linh sắc màu, khói sương như chốn bồng lai… sàn diễn bỗng biến ảo, dẫn dắt khán giả đến với thế giới của các vị thánh, nhân thần được tôn vinh. Thăng hoa, làm mới, đưa lên tầm chuyên nghiệp, nhưng những người dàn dựng, chịu trách nhiệm về chương trình cũng xác định rõ, khi đưa lên sân khấu là người nghệ sĩ phải tôn trọng các nguyên tắc về trang phục, giá nào thì phải mặc trang phục nào, hay về vị trí, chẳng hạn như không được phép quay lưng vào điện thờ trong khi diễn… Vì vậy, trang trí hai tầng sân khấu đều dựa vào điểm nhấn là trang trí tôn nghiêm, lấy sắc hoa sen và cánh sen làm chủ đạo. Các nghệ sĩ trình diễn còn rất trẻ, rất đẹp và vẻ đẹp ấy được nhân lên với sự tài hoa khi được vào vai, nhập đồng những thánh nhân vốn sống trong tiềm thức tri ân, uống nước nhớ nguồn của truyền thống dân tộc. Những điệu múa, bước nhảy, vẻ biểu cảm trong động tác, trên nét mặt rất tinh tế lột tả được từng nhân vật. Mỗi diễn viên vào một vai nam, một vai nữ như để họ thể hiện được hết tài năng nhập thần. Diễn viên nam duy nhất của đêm diễn, Lâm Ngọc là nam thì lại vào vai hai nhân vật nữ thánh, ghi được ấn tượng rất tốt vì sự duyên dáng, uyển chuyển.
Có lẽ, như tên gọi, điểm nhấn của chương trình không chỉ là các thanh đồng do diễn viên trình diễn mà còn ở các nghệ sĩ hát Văn. Cùng với các nhạc công, họ ngồi bên sàn diễn để dõi theo, dùng câu văn nâng nhịp, đỡ tay cho diễn viên. Tuy chưa thể du dương, “tán” theo động tác của thanh đồng như các nghệ sĩ hát Văn thâm niên NSƯT Khắc Tư… nhưng các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam hôm nay cũng đã gắng sức để đưa tới một đêm diễn đầy nhịp điệu, hồn phách dân tộc, là phần quan trọng, điểm nhấn cho hoạt động hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Hát Văn tự bản thân đã là sự tổng hòa của nhiều làn điệu âm nhạc dân tộc, không đơn thuần góp thanh âm mà còn là linh hồn giúp thanh đồng hoàn thiện giá chầu. Hát Văn ngoài chức năng ngợi ca các giá đang ngự trên sàn diễn thì còn là sự tuyên dương công đức cống hiến cho đồng bào, giúp con người hướng thiện, loại bỏ cái ác…
Nghệ sĩ Thục Hiền trong giá chầu Ông Hoàng Mười
Đưa một hình thức diễn xướng tín ngưỡng dân gian lên sàn diễn nghệ thuật là một quá trình đã được thực hiện từ ngàn xưa. Nhưng làm sao để hình thức nghệ thuật hóa này không xa rời cội nguồn, linh khí dân gian của nó, mà giữ cho được nguồn ngọn trong trẻo, đầy chất tự nhiên, dân dã như một mẫu hình lý tưởng thì lại là công việc cần đầu tư, chăm chút của các nghệ sĩ chân chính. Đêm diễn Mùa thu vọng tiếng Văn Ca đã thành công và làm được nhiệm vụ này.
NGỌC BẢO
Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024