Xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch thông qua điện ảnh là một kênh quảng bá hữu hiệu trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia của Việt Nam. Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên đặc sắc với các vùng sinh thái đa dạng cùng bản sắc văn hóa độc đáo, Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh.
Bối cảnh phim Chuyện của Pao đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Giang
Sự liên kết giữa Điện ảnh và Du lịch tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ về thúc đẩy phát triển du lịch. Theo đó, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch bền vững cũng được đặt ra với các mục tiêu: bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên...
Ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được phát triển trong 12 nhóm ngành gồm: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa. Các ngành công nghiệp văn hóa có thể tồn tại độc lập, song thường phát triển mang tính liên ngành, tích hợp tạo thành nhóm ngành công nghiệp văn hóa, có thể tập trung trong một khu vực, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp.
Cảnh phim Tấm Cám chuyện chưa kể đưa hình ảnh Tràng An Ninh Bình lên phim
Trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, điện ảnh và du lịch được xác định là hai ngành trọng tâm. Vì vậy, sự liên kết giữa hai ngành này sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam là ngành kinh tế tổng hợp, liên kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác. Sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa ở Việt Nam thể hiện trong ngành Du lịch thông qua việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy sự kết hợp bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với tiếp thu tinh hoa trên thế giới trong quá trình giao lưu và hợp tác quốc tế. Tiềm năng kinh tế của văn hóa còn được khai thác thông qua việc phát triển những sản phẩm từ làng nghề truyền thống, các sản phẩm từ đặc sản vùng miền của các địa phương đã mở ra thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa như ẩm thực, lễ hội để thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác có liên quan.
Điện ảnh là một trong những kênh quảng bá hiệu quả, giới thiệu hình ảnh, tạo ấn tượng, cảm nhận tích cực cho người xem. Điện ảnh cung cấp thông tin, kiến thức về một số khía cạnh của điểm đến như cảnh quan thiên nhiên, nét đẹp văn hóa về miền đất, con người hay thậm chí một sản phẩm du lịch cụ thể, dẫn đến việc hình thành thái độ đối với một quốc gia, một điểm đến hay một sản phẩm du lịch cụ thể. Hình ảnh tích cực về một quốc gia, điểm đến, sản phẩm du lịch có thể dẫn đến quyết định về một chuyến du lịch hiện thực tới quốc gia, điểm đến, sử dụng sản phẩm du lịch đó.
Phim Cha cõng con với bối cảnh quay tại Bắc Mê Hà Giang
Điện ảnh tác động, thúc đẩy người xem đi du lịch không chỉ thông qua hình ảnh, cảnh quay mà còn bằng chủ đề, cốt truyện, tình tiết, diễn viên. Địa điểm, sự kiện và nhân vật trở thành các yếu tố hấp dẫn mang tính biểu tượng có được do câu chuyện, thông điệp bộ phim mang lại. Những yếu tố này định hình cảm xúc và thái độ của khán giả hướng tới điểm đến. Mọi người có xu hướng mong muốn đến thăm điểm đến cụ thể mà những hình ảnh, ký ức, khoảnh khắc liên quan đến điểm đến đã tạo cho họ cảm xúc, sự rung động hay sự ấn tượng khi họ xem phim. Nhiều địa điểm quay phim trên khắp thế giới trở thành yếu tố thu hút khách du lịch đến tham quan. Nhiều chương trình tham quan phim trường, tham quan điểm đến là cảnh quay ấn tượng trong phim đã trở thành sản phẩm du lịch, thu hút nhiều khách đến du lịch.
Đến nay, đã có nhiều công ty du lịch khẳng định những chương trình du lịch theo dấu các nhân vật chính của những bộ phim nổi tiếng luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ du khách đam mê điện ảnh. Những điểm đến và quốc gia xuất hiện trong các bộ phim dài, phim bom tấn được công chúng yêu thích luôn tạo ra tác động mạnh đến hoạt động du lịch, kéo theo sự tăng trưởng bùng nổ cả về lượng khách và doanh thu. Thực tế đã minh chứng, nhiều bộ phim với cốt truyện hay, cảnh quay đẹp, diễn xuất ấn tượng, sau khi được sản xuất và công chiếu đã có ảnh hướng lớn đến sự phát triển du lịch tại nơi được lựa chọn làm bối cảnh của bộ phim.
Phim Mắt biếc với bối cảnh tuyệt đẹp của Thăng Bình Quảng Nam
Một trong những yếu tố quan trọng tạo ra ảnh hưởng lớn từ điện ảnh tới du lịch là thu hút được những dự án làm phim lớn, đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Điều này đã được chứng minh bằng rất nhiều dự án phim bom tấn trên thế giới. Ở Việt Nam thời gian qua, điện ảnh đã và đang góp phần không nhỏ quảng bá danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa, di sản của các vùng miền Việt Nam đến với công chúng trong và ngoài nước, giúp thu hút khách du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Một số tác phẩm điện ảnh chọn bối cảnh tại Việt Nam đã tạo được dấu ấn, định hướng thị hiếu, thu hút một lượng lớn du khách tới điểm đến, địa danh xuất hiện trong bối cảnh phim. Có thể kể đến: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Chuyện của Pao, bộ phim Mỹ Kong - Đảo đầu lâu (Kong - Skull Island)… Gần đây, Hành trình tình yêu của một du khách (A tourist’s guide to love) là phim quốc tế đầu tiên được quay hoàn toàn tại Việt Nam sau đại dịch COVID-19 với sự tham gia của hơn 200 thành viên đoàn phim, dưới sự hỗ trợ của Bộ VHTTDL Việt Nam. Sau khi công chiếu vào tháng 4/2023, phim đứng thứ 3 trong top 10 toàn cầu cho phim tiếng Anh trên nền tảng Netflix, lọt vào top 10 ở 78 thị trường, bao gồm ở châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương. Bản sắc văn hóa và nhiều cảnh đẹp của Việt Nam đã được lan tỏa đi khắp thế giới. Những bộ phim này ngoài tác động tích cực, thúc đẩy tăng trưởng lượt khách du lịch còn tạo tiền đề hình thành các chương trình du lịch phim trường đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Trong công tác xúc tiến du lịch, hình ảnh, cảm nhận về điểm đến, sản phẩm của khách du lịch đóng vai trò quan trọng, tác động đến quá trình ra quyết định của khách du lịch và lựa chọn đi du lịch ở đâu. Điểm đến, sản phẩm du lịch nào truyền tải được càng nhiều hình ảnh thuận lợi, cảm nhận tích cực đến du khách thì càng có nhiều khả năng được khách du lịch lựa chọn đến để trải nghiệm, sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
Thời gian gần đây, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến du lịch qua điện ảnh như: Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh tháng 6/2023 tại tỉnh Khánh Hòa; Hội thảo Xây dựng bộ chỉ số môi trường làm phim gắn với phát triển kinh tế xã hội từ thực tế của tỉnh Phú Yên tháng 11/2023; Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ tháng 9/2024; Chương trình Du lịch, Điện ảnh và Thể Thao - Tự hào bản sắc Việt tháng 9/2024… Các hoạt động này đang dần mang lại hiệu quả. Các nhà làm phim không chỉ lồng ghép quảng bá sản phẩm, dịch vụ cụ thể mà đã lựa chọn, đưa vào phim hình ảnh địa danh tươi đẹp, nổi trội với mục đích quảng bá, xúc tiến điểm đến các địa phương, vùng miền Việt Nam rõ ràng hơn. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị và các địa phương đã chủ động kết nối, mời chào những đạo diễn tên tuổi, nhà sản xuất có tiềm lực đến làm phim, quảng bá cho du lịch vùng, miền.
Điều gì thu hút các nhà sản xuất đến quay phim ở địa phương?
Việc thu hút các nhà sản xuất phim khác với khách du lịch bởi khi chọn địa điểm quay phim, họ không có cùng tiêu chí như khách du lịch. Trước tiên đoàn phim sẽ lựa chọn bối cảnh phù hợp với kịch bản và câu chuyện phim. Bởi vậy, yếu tố liên kết đầu tiên giữa địa phương và đoàn làm phim phải bắt đầu từ kịch bản, xây dựng một kịch bản phù hợp với bối cảnh của địa phương, sau đó mới đến khâu sản xuất.
Cảnh dưới chân đèo Cả ở Phú Yên từng xuất hiện trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Vậy điều gì khiến một vùng đất (địa phương/khu vực) trở nên hấp dẫn đối với các nhà sản xuất phim? Đầu tiên là giá trị tưởng tượng. Giá trị tưởng tượng gia tăng bằng tất cả hiểu biết và tưởng tượng liên quan đến thành phố hoặc quốc gia này đã tồn tại trong tâm trí khán giả. Điều tạo nên giá trị tưởng tượng trước tiên là những bộ phim đã dùng bối cảnh đó một cách thành công, làm gia tăng sự hấp dẫn của điểm đến. Ví dụ những bộ phim Amelie, Emily in Paris, Midnight in Paris đã làm được điều này cho thành phố Paris.
Yếu tố thứ hai là tin tức và sự kiện trực tiếp giúp điểm đến trở nên sống động hơn và tạo ra những nét hấp dẫn mới lạ cho điểm đến. Bên cạnh đó là tác động của du lịch khiến khán giả có sự kết nối sâu hơn với những điểm đến họ biết hoặc nghe từ bạn bè đã đến thăm. Điều này có nghĩa, mỗi du khách còn là một phương tiện truyền thông rất quan trọng. Đặc biệt, mạng xã hội bao gồm YouTube, Facebook, Instagram, Tik Tok, Twitter… cũng góp phần quan trọng lan tỏa thông tin, hình ảnh và kích thích khám phá.
Để thu hút các nhà làm phim cả trong nước và nước ngoài, một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong những năm qua là chính sách hỗ trợ tài chính của mỗi địa phương hay quốc gia đối với các dự án làm phim. Cần thiết áp dụng những chính sách ưu đãi, giảm các chi phí như: thuê bối cảnh, đạo cụ, chi phí logicstic, thuê phương tiện đi lại, ăn uống, khách sạn… cho các nhà làm phim.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch qua điện ảnh, có thể kể đến một số giải pháp, bao gồm: Nghiên cứu, đánh giá tác động của điện ảnh đến hoạt động xúc tiến và khả năng phát triển du lịch; Hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các đoàn làm phim trong nước và quốc tế làm phim giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam; Tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch tại những sự kiện điện ảnh lớn, tại thành phố, quốc gia là kinh đô điện ảnh, có nền điện ảnh phát triển hàng đầu trên thế giới để quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn của Việt Nam, giới thiệu chính sách ưu đãi dành cho nhà sản xuất, đạo diễn làm phim, thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất, đạo diễn và những người làm điện ảnh đến một Việt Nam thanh bình, hấp dẫn, tươi đẹp. Tổ chức chương trình dành cho nhà sản xuất, đạo diễn và những người làm điện ảnh quốc tế cũng như trong nước khảo sát điểm đến, sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam, tìm hiểu cơ hội làm phim, hợp tác phát triển điện ảnh du lịch. Phối hợp tổ chức một số sự kiện du lịch - điện ảnh có chất lượng, tạo tiếng vang, thu hút sự quan tâm của những người làm điện ảnh đến làm phim quảng bá du lịch Việt Nam. Từ đó từng bước xây dựng thương hiệu điện ảnh du lịch của Việt Nam.
NGÔ HỒNG VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024