Nông Tiến Dũng: Vẽ lại lịch sử bằng tấm lòng tri ân

Khác với nhiều cây bút vẽ về đề tài chiến tranh, cách mạng trước đó, là một họa sĩ sống trong thời bình, Nông Tiến Dũng tái hiện lại đề tài này bằng lòng tri ân của một người được thừa hưởng nền hòa bình do cha anh gây dựng.

Chuyến đò đêm (2022), 90x240cm

Theo đuổi hướng đi mớì trong đề tài cách mạng

Sinh ra ở Sơn Tây (Hà Nội), từ nhỏ đã sống trong môi trường quân đội, vì thế mà hình ảnh hình ảnh những người lính bộ đội Cụ Hồ đã in sâu vào trong tâm thức của họa sĩ Nông Tiến Dũng. Nhưng khi dấn thân vào con đường nghệ thuật, những bức tranh đầu tiên anh thể hiện chưa phải về đề tài người lính hay kháng chiến, cách mạng như hiện nay. Trước khoảng thời gian hiện tại, Nông Tiến Dũng dành nhiều tâm huyết khắc họa những đề tài như văn hóa truyền thống. Ở đó nghiêng nghiêng những mái đình, mái chùa cổ kính rêu phong, hay sừng sững những tòa công trình lầu các, đền đài uy nghiêm. Cũng có khi, bút vẽ của anh lại trở về với những gì bình dị nhất trong đời sống hằng ngày… Yêu hình tượng người chiến sĩ là thế, nhưng cái duyên với đề tài này chưa đến thời điểm chín muồi. Ðể có được nguồn cảm hứng dạt dào như ngày hôm nay, Nông Tiến Dũng đã phải mất rất nhiều thời gian tìm kiếm mạch nguồn sáng tạo, để tưới tắm cho cái duyên với đề tài này được nảy nở. 

Thời điểm anh bắt đầu đến với đề tài chiến tranh, cách mạng là từ năm 2013, 2014. Khi đó, anh đã thử sức mình với những bức tranh đầu tiên vẽ về khí tài quân sự. Chưa nhắc tới bất kỳ sự hi sinh, đổ máu nào mà chỉ nhìn vào khí tài quân sự với những súng ống, bom mìn, máy bay, xe tăng thôi, cũng để khiến người xem thấy gờn gợn, tưởng tượng ra khung cảnh khốc liệt của chiến tranh. Nhưng nếu chỉ tập trung vào cái khốc liệt ấy, dường như sẽ càng làm cho đề tài chiến tranh, cách mạng khó đến gần với đông đảo người yêu nghệ thuật, đặc biệt là với thế hệ trẻ sống trong thời bình. Cho nên, nối tiếp sau đó, anh lại tìm thấy một cảm hứng mới trong đề tài này đến từ yếu tố lãng mạn. Ðó cũng là thời điểm anh làm nghiên cứu tại Trường Ðại học Mỹ thuật Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu, để nắm chắc cơ sở lý luận, anh đã tìm hiểu rất kỹ nội dung, bối cảnh lịch sử của các bức họa về đề tài cách mạng được sáng tác trong giai đoạn 1945 đến 1975. Ðặc biệt, anh tập trung hướng tới yếu tố lãng mạn được các họa sĩ thế hệ đi trước thể hiện trong các trước tác đó. Cảm hứng lãng mạn cứ dần dần hun đúc trong trái tim nghệ thuật của anh, tiếp thêm cho anh động lực để thể hiện chúng trong những sáng tác của mình. Lãng mạn thì cũng là hướng đi được nhiều cây bút lừng danh trước đó thể hiện, nên đứng từ góc độ một họa sĩ trẻ, anh muốn đem một tiếng nói khác, làm phong phú thêm cho dòng tranh chiến tranh, cách mạng Việt Nam. Và từ đó, anh đã dùng bút vẽ của mình để tỏ bày lòng tri ân với những anh hùng đã chiến đấu, đã hi sinh xương máu vì Tổ quốc. 

Cơ sở lý luận Nông Tiến Dũng nắm tương đối chắc, còn ý tưởng tri ân những người chiến sĩ bước qua cuộc chiến cần phải được thể hiện làm sao cho trọn vẹn. Thời gian mới nhen nhóm ý tưởng này, anh có sáng tác một số tác phẩm. Tuy nhiên, khi công bố ra, các tác phẩm ánh chưa được giới chuyên môn đánh giá cao. Quãng thời gian đó, anh cũng từng suy nghĩ tới việc chuyển hướng đề tài. Nhưng rồi ý thức, trách nhiệm của một người nghệ sĩ lại thôi thúc anh phải tiếp tục cố gắng tìm ra phương pháp biểu đạt đặc sắc hơn. Vững tâm vượt qua những thời khắc nản lòng, cuối cùng, anh đã tìm được hướng đi cho mình, và cho đến giờ, anh vẫn bền bỉ theo đuổi hướng đi ấy. 

Bức họa về chìến tranh nhưng không mang vẻ thê lương

Có thể nói, tác phẩm sơn dầu Tiếng chuông là viên gạch nối trong hành trình nghệ thuật của anh chuyển từ phong cách lãng mạn sang tiếng nói tri ân. Tiếng chuông ấy là âm thanh động lòng người vọng lại từ một ngôi chùa làng nào đó từ xa. Ngân cùng với tiếng chuông là lời tụng niệm, cầu mong linh hồn những người chiến sĩ hi sinh siêu thoát. Hòa vào âm thanh ấy hẳn là cha mẹ, vợ con của các anh chiến sĩ đang bồi hồi chờ con, chờ chồng mình đoàn tụ sớm ngày với gia đình, dù chuẩn bị trước tâm lý rằng người thân của mình khó có thể trở về. Vẻ đẹp lãng mạn thể hiện qua tình cảm gia đình thân thương ấy. Còn sự tri ân lại được thể hiện đầy ẩn dụ bằng hình ảnh bóng dáng các anh bộ đội, từng lớp, từng lớp, đã hóa vào hình hài quê hương, đất nước. 

 Tiếng chuông (2022), 150x200cm

Từ bức Tiếng chuông, và kế đến là các bức sơn dầu khác như Gặp gỡ, Chuyến đò đêm,… ta thấy được, trong các bức tranh anh thể hiện có sự hiện diện của nhiều hình tượng nghệ thuật. Mà ở đó có có những người chiến sĩ may mắn sống sót khi bước qua cuộc chiến, trở về nơi chiến trường xưa để thăm lại những người đồng đội đã ngã xuống. Và phảng phất đâu đó là sự hiện diện mờ mờ, ảo ảo, đầy huyền bí của những người chiến sĩ không may chôn vùi tuổi thanh xuân của mình dưới làn mưa bom, bão đạn. Sự “đồng hiện” của những hình tượng đó đã làm nổi bật lên thủ pháp đối lập Nông Tiến Dũng khéo léo đưa vào trong tranh của mình. Những linh hồn hiện lên trong tranh của anh không tạo cho toàn cảnh bức tranh cảm giác thê lương, u tịch. Linh hồn của những người chiến sĩ hi sinh xương máu cho Tổ quốc trở về là để hội ngộ với những người đồng đội may mắn sống sót sau cuộc chiến của mình, để nói những điều chưa với người thân vẫn đang thấp thỏm chờ các anh nơi quê nhà. Hay trong một số bức tranh, những linh hồn đó có thể nói lên sự gặp gỡ của những người chiến sĩ của bộ đội ta và những người lính Pháp, lính Mỹ. Họ gặp lại nhau để ôn lại những trang sử buồn năm xưa, và gác lại những hận thù của quá khứ, để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn mở ra cho 2 quốc gia.  

Huyền thoại ngã ba Đồng Lộc (2022), 150x200cm

Thủ pháp đối lập đó đã tạo cho Nông Tiến Dũng một cá tính nghệ thuật riêng so với những họa sĩ trước đây. Vẫn luôn khiêm tốn nhận mình là thế hệ nghệ sĩ “trẻ” được sống trong thời bình, không tham gia vào chiến tranh, những ký ức về một thời oanh liệt của quân và dân ta chỉ bừng dậy trong Nông Tiến Dũng qua những tư liệu hình ảnh, những thước phim tài liệu, các bức tranh và lời kể của những người từng tham gia chiến đấu. Sẽ là chưa đủ chân thực nếu một người chưa từng tham gia vào chiến tranh lại dùng ngòi bút của mình để phản ánh hiện thực khốc liệt của chiến tranh, hay tình đồng chí trong cơn nguy nan như các họa sĩ trước đây. Nên việc lựa chọn hướng đi biểu đạt sự tri ân bằng ngôn ngữ mỹ thuật có thể xem là một lựa chọn sáng suốt trong sự nghiệp hội họa của Nông Tiến Dũng. Biểu đạt làm sao để nổi bật lên sự tri ân, có lẽ là điều mà họa sĩ Nông Tiến Dũng luôn trăn trở. Và cuối cùng, anh đã chọn khoảnh khắc gặp gỡ như đã mô tả ở trên, để lột tả cảm xúc ấy. 

Hành trình nối dài lòng biết ơn bằng mỹ thuật

Thành công mà anh gặt hái được từ đó, trước khi kể tới những giải thưởng, bằng khen danh giá anh nhận được, thì đó là việc chạm được đến trái tim của những người lính từng phụng sự cho đất nước. Xúc động khi xem tranh anh vẽ, có những vị cao niên đã không giấu nổi cảm xúc của mình. Họ đã phải bật lên lời cảm thán rằng, sao lại có người họa sĩ trẻ khắc họa được chính xác sự bồi hồi trong họ khi quay trở về viếng thăm những anh em đồng đội đã ngã xuống như vậy. 

Con đường huyết mạch (2014), 180x210cm

Ðể chạm được sâu tới đáy lòng người lính như vậy, chất liệu ban đầu thì đã có sẵn, song trong quá trình thực hiện, anh cũng có tham khảo thêm từ các bộ phim truyền hình, điện ảnh, phim tài liệu về đề tài này, đồng thời, lắng nghe lời kể từ những cựu chiến binh trở về từ chiến trường. Những tư liệu đó giống như chất xúc tác đẩy nội dung trong các tác phẩm nghệ thuật của anh lên cao trào. Bởi trước khi vẽ bất kỳ tác phẩm nào, anh đều đã có sự định hướng, tính toán kỹ lưỡng bố cục được sắp xếp ra sao, nhân vật gồm những ai,…  

Có lẽ những người chiến sĩ đã tham gia vào các cuộc cách mạng không còn nhiều thời gian nữa, điều đó càng thúc giục anh phải nói lớn hơn nữa, tiếng nói từ sự biết ơn của một người sống trong thời bình bằng ngôn ngữ mỹ thuật. Cũng chính vì điều này, để tiếp tục lan tỏa tinh thần uống nước nhớ nguồn bằng ngôn ngữ mỹ thuật, họa sĩ Nông Tiến Dũng dự định trong năm 2025 sẽ mở một triển lãm cá nhân để trưng bày những tác phẩm nghệ thuật của mình. Ðó là khoảng thời gian thời gian đủ để anh hun đúc những ấp ủ trong mình thành hiện thực.

Họa sĩ, Tiến sĩ Nông Tiến Dũng (sinh năm 1982), công tác tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đến nay đã hơn 10 năm. Trên hành trình sáng tác nghệ thuật của mình, anh đã gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá như Giải A, Triển lãm Khu vực 1, Hội Mỹ thuật Việt Nam (2015), Giải B, Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô (2013)...

 NGỌC DIỆP - Ảnh: NVCC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 574, tháng 6-2024

;