Được mệnh danh là “Ông bố quốc dân” trên màn ảnh nhưng NSND Trung Anh vẫn miệt mài đi tìm sự phá cách. Với nghệ thuật, NSND Trung Anh luôn muốn khám phá hết mình và không ngại thử sức với những vai khó, vai khác biệt.
Từng vào những vai hiền lành, tồi tội trên cả sân khấu lẫn màn ảnh, NSND Trung Anh còn làm nên một thương hiệu “ông bố quốc dân" khi thể hiện thành công hình ảnh người cha hết lòng thương yêu, bảo bọc con gái trong Về nhà đi con, Những ngày không quên… Quá thành công với các vai người tốt, người lương thiện nên thỉnh thoảng ông lại muốn bứt phá, làm khác mình với những vai khác biệt như nhà văn Ngôn trong Những công dân tập thể, Lương Bổng trong Người phán xử hay mới đây nhất là vai ông bố đại gia của phim Chúng ta của 8 năm sau. Trong bộ phim này, ông thủ vai một đại gia có tạo hình rất bảnh với mái tóc bạc trắng, nhưng luôn mang trong mình nỗi ân hận vì đã từng bỏ rơi gia đình.
Khi được hỏi vai diễn này có gì khác với hình tượng “ông bố quốc dân” đã in sâu trong lòng công chúng ở các bộ phim trước, NSND Trung Anh cho biết: Trước đây, vai ông bố dành cả đời chăm sóc những đứa con là tuýp nhân vật tôi thường đóng. Nhưng ở phim Chúng ta của 8 năm sau khi nhận kịch bản tôi thấy có sự khác biệt với các vai diễn trước. Vai này không quá quan trọng ngoại hình mà chủ yếu là nội tâm. Tôi thích nhất ý đồ của biên kịch đưa vào ở nhân vật này là: khi con người ta tưởng mất tất cả thì lại có điều quý giá nhất. Khi vào vai này, tôi không muốn thể hiện sự khác biệt ở hình thức mà ở nội tâm, qua đó khắc họa nên tính cách của nhân vật. Mặc dù khán giả có thể thấy tạo hình của nhân vật này có sự khác biệt như nhuộm tóc trắng, ăn mặc sang trọng nhưng đó cũng chỉ là bề nổi, cái quan trọng là ở nội tâm.
NSND Trung Anh vai đại tá công an Trần Giang trong Đấu trí
Vẫn đóng vai ông bố nhưng nó “lạ”! Bởi vai diễn lần này của NSND Trung Anh sẽ là một người cha nhiều toan tính hơn, không thể hiện quá nhiều sự bao dung. Ông bố lần này nghiêng nhiều hơn về lạnh lùng, dứt khoát cũng như khiến cô con gái duy nhất mà mình đã vô tình bỏ rơi phải “hận” rất nhiều.
NSND Trung Anh từng chia sẻ rằng, bản thân ông luôn ao ước một dạng vai đa nhân cách, rất khó thể hiện và xa lạ với khán giả. Và sau nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật, ông cũng được thỏa mong ước, với một vai diễn cũng “lạ” chẳng kém, trong bộ phim cũng mới ra mắt gần đây là Nhà mình lạ lắm! của đạo diễn Ðinh Tuấn Vũ.
Nhà mình lạ lắm! xoay quanh một gia đình “giả” 3 thế hệ được lập nên bởi một đạo diễn nghiệp dư, để giúp cho một cô bé 10 tuổi khôi phục trí nhớ. NSND Trung Anh vào vai ông Hùng, người ông thấu tình đạt lý, luôn là nhân tố giữ vững hoà khí trong nhà, nhưng cũng đầy “chiêu trò” những lúc nước sôi lửa bỏng. Thậm chí, nhân vật này còn ăn mặc có phần kỳ quặc với chiếc quần yếm đặc trưng. Nhân vật là người đồng tính - chắc chắn sẽ khiến những người yêu mến NSND Trung Anh không khỏi ngạc nhiên.
NSND Trung Anh (phải) vào vai người ông đồng tính trong Nhà mình lạ lắm
Bày tỏ về điều này, ông nói rằng: “Phải đến gần cuối phim, sự thật này mới được tiết lộ. Vì thế trong suốt bộ phim, tôi chỉ diễn tâm lý của nhân vật chứ không quá sa đà vào ngoại hình hay hành động ẻo lả. Tôi chỉ bộc lộ một chút qua trang phục thôi. Nói thật là tôi cũng phải vắt óc để nghĩ phục trang cho nhân vật. Không phải để nó trở nên đặc biệt mà để nó là một chỉ dấu. Cuối phim, khi sự thật này được lộ ra, khán giả sẽ thấy à hóa ra là như thế. Trang phục của mình hợp lý chứ không phải mình cố tình mặc thế để gây chú ý”. Với NSND Trung Anh: trang phục là một trong những yếu tố khá đặc biệt, khắc họa được tính cách và câu chuyện đằng sau của mỗi nhân vật.
Từ trước đến nay, tên tuổi của NSND Trung Anh gắn liền với những vai diễn nghiêm túc. Nhưng đạo diễn Ðinh Tuấn Vũ (phim Nhà mình lạ lắm) lại cho rằng ông diễn hài rất “ngọt”, quay cảnh hài là một phát ăn ngay chứ không hề khó như nhiều người nghĩ. Ðiều đó có lẽ tới từ sự chuyên nghiệp cũng như ham muốn tìm tòi, bứt phá, tìm kiếm cái mới trong sáng tạo của ông.
NSND Trung Anh với mái tóc bạch kim trong Chúng ta của 8 năm sau
Từng có một tuổi thơ bất hạnh khi mới 7 tuổi, nghệ sĩ Trung Anh đã phải chứng kiến 3 người phụ nữ mà ông yêu quý nhất trong gia đình là mẹ, dì và chị gái thiệt mạng trong một trận đánh bom. Khi ấy đám tang của 3 người phải nhờ họ hàng làng xóm làm giúp bởi bố và anh trai thứ hai ở Hà Nội, anh cả ở Trung Quốc nên không ai biết gì về biến cố lớn của gia đình.
Sau đám tang, ngôi sao phim Người phán xử quyết định đi theo một người bà con vượt hơn 400km ra Hà Nội để tìm cha và anh trai. Lý do là vì ở quê đã không còn bất kỳ người thân nào cả. Cuộc hành trình dài trong suốt thời chiến ấy của cậu bé 7 tuổi là vô cùng gian nan. Ông kể rằng mình từng phải vừa đi, vừa nấp, chui rúc ở bên trong những đống rơm, đống cỏ ven đường.
Sau này, người anh trai thứ hai của Trung Anh kể lại phút gặp lại cậu em út ở Hà Nội. Khi ấy, Trung Anh chỉ là một thằng bé loắt choắt, còi cọc, đầu đội mũ sắt, mặc cái áo trấn thủ dài đến tận đầu gối, mặt mũi lem lấm bụi đường và xuất hiện trước cửa nhà.
NSND Trung Anh vai quan Thượng Thư Lê Anh Tuấn phim Hồng Hà nữ sĩ
Có lẽ vì trải qua nhiều biến cố, nên NSND Trung Anh tự nhận bản thân là người sống khá khép mình, không dễ cởi mở. Những người thân thiết khi tiếp xúc đều nhận xét ông là người điềm tĩnh, nhỏ nhẹ kể cả trong những câu bông đùa. Tuy vậy, ông cho rằng đôi khi mình rất nóng nảy. Khi gặp chuyện gì bức xúc, ông là người khác hẳn và chỉ một số người chứng kiến được những khoảnh khắc ấy. Ðó là những lúc ông bùng phát những ức chế, bức xúc trong người.
Sau những vai diễn trên màn ảnh, qua các phim Người phán xử, Về nhà đi con, Trở về giữa yêu thương… tình cảm của khán giả dành cho NSND Trung Anh ngày càng nhiều, khiến ông cũng cởi mở hơn với mọi người, với chính mình. Cũng từ đó mà NSND Trung Anh có thêm động lực tìm cho mình nhiều vai diễn mới mẻ hơn. Ở tuổi này, ông vẫn ý thức rất rõ áp lực phải làm mới mình của một nghệ sĩ.
Phim Về nhà đi con làm nên thương hiệu ông bố quốc dân cho NSND
Khi được giao vai đại tá Trần Giang trong phim Ðấu trí, NSND Trung Anh trước đó đã nói với đạo diễn, NSƯT Danh Dũng giao cho ông vai tội phạm vì cho rằng: “Không hiểu sao tôi nghĩ mình không thể đóng được công an”. Nhưng rốt cuộc, khán giả không những nhận xét ông mặc đồng phục công an rất đẹp, mà còn ra chất của một người đại tá công an liêm khiết, chính trực.
NSND Trung Anh chia sẻ: “Ðại tá Trần Giang là nhân vật chính diện, nên ngoài việc đúng nghiệp vụ thì yêu cầu đặt ra là diễn sao cho mềm mại, đúng tác phong mà không khô cứng. Nhiều lúc tôi có cảm giác, nếu không cẩn thận, mình cứ như đọc lời thoại vì không hiểu được tính đặc thù của ngành”.
Trung Anh (trái) vai Lương Bổng trong Người phán xử
Ở tuổi 62, NSND Trung Anh có một cuộc sống viên mãn, thế nên ông không lấy làm “hụt hẫng” khi về hưu. Ông có một người vợ tần tảo, chịu khó, làm việc trong lĩnh vực tài chính và luôn ủng hộ hết mình sự nghiệp của chồng. Bên cạnh đó, hai đứa con của ông đều đã và đang du học nước ngoài, hứa hẹn sẽ có một tương lai sáng lạn.
Nếu không phải đi đóng phim, ông sẽ dành thời gian đọc sách, xem bóng đá hay dậy sớm, chăm sóc cây cối, pha trà uống rồi ngắm nhìn khung cảnh của một ngày mới. Ông nói rằng không uống bia, không uống rượu và hạn chế tới nơi đông người. Với nghiệp diễn, ông vẫn khao khát một vai diễn khác biệt, khác với tất cả các vai ông từng diễn. Ngoài diễn xuất, ông vẫn tham gia giảng dạy tại Trường Ðại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội, góp phần “tiếp lửa” cho ước mơ của bao bạn trẻ muốn tỏa sáng trên sân khấu lẫn màn ảnh.
TRẦN GIANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 574, tháng 6-2024