Người đi dép cao su - vở diễn thành công của Nhà hát Kịch Việt Nam

Tối 24 - 4, vở diễn Người đi dép cao su của nhà văn Algeria Kateb Yacine đã được các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam trình diễn thành công tại Nhà hát lớn Hà Nội. Người đi dép cao su là kịch bản của nhà thơ, nhà văn nổi tiếng người Algeria - Kateb Yacine (1929-1989). Năm 1967, Kateb Yacine đến Việt Nam, trực tiếp chứng kiến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Việt Nam. Sự đồng cảm sâu sắc của người đứng cùng hàng ngũ với các dân tộc thuộc địa, bị áp bức, đã thôi thúc ông tìm hiểu lịch sử dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình yêu, sự kính trọng đã truyền cảm hứng sáng tạo cho ông và vở kịch thơ Người đi dép cao su ra đời với hình tượng trung tâm là Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta, một người bình dị mà lớn lao. Kịch bản đã ra đời từ nhiều thập niên trước, nhưng khá khó dựng nên mãi tới nay, mới được đưa lên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam.

Kịch bản vở Người đi dép cao su dày 304 trang với 1.800 câu thoại của hàng trăm nhân vật đã được TS,NGƯT Lê Mạnh Hùng biên tập, cắt gọt và dàn dựng phần đầu. Đạo diễn tâm sự, kịch bản này thuộc loại kịch bản văn học đọc vì không đi theo cấu trúc chung của kịch bản truyền thống khi khối lượng nhân vật rất lớn, thời lượng và không gian, thời gian được đưa vào rất dài… nên sẽ yêu cầu đặc biệt đối với việc dàn dựng. Nội dung vở kịch theo trật tự thời gian của tiến trình lịch sử Việt Nam, từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trải qua các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969. Cả một quá trình lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam bằng nghệ thuật sân khấu qua nhiều tuyến nhân vật trong tác phẩm, đặc biệt là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông phát biểu: “Đây là kịch bản khó đối với người làm sân khấu Việt Nam. Ê kíp của chúng tôi đã biên tập ngắn gọn và súc tích hơn so với nguyên tác vở diễn từng dựng những năm 1970 ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ nguyên không gian kịch đồ sộ, trong đó nhân vật chính là hình tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được xây dựng khéo léo, để khán giả cảm nhận, vừa nghe vừa nhìn được chân dung, tư tưởng, phong cách của Người xuyên suốt vở diễn mang tính biểu tượng, ước lệ”. Vì vậy, đạo diễn quyết định thực hiện dàn dựng theo lối thử nghiệm, tối giản, ước lệ… Và ông đã hiện thực hóa ý tưởng đó với chỉ 60 phút sàn diễn đã lướt qua lược sử Việt với những nhân vật anh hùng như Hai Bà Trưng, Triệu Trinh Nương, Đinh Bộ Lĩnh…, chỉ dừng lại ở nhân vật trung tâm là Hồ Chí Minh ngày trẻ cũng như giai đoạn sau này, cùng hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp do diễn viên Minh Hải và NSƯT Trịnh Mai Nguyên tái hiện trong vở Người đi dép cao su

Mở màn, sân khấu là một đám đông đang lầm lũi trên cánh đồng với màu áo nâu truyền thống của dân tộc Việt Nam - một đất nước thuần nông thủa xưa. Rồi tiếp đó là màn tái hiện những nhân vật anh hùng lịch sử, các bậc tiền bối anh dũng đấu tranh cho độc lập dân tộc đã khắc ghi trong tâm khảm người Việt. Dàn diễn viên trong vai quần chúng hiển hiện trên sàn diễn suốt từ giây phút mở màn cho tới khi kết thúc, dùng hình thức múa, hát ca khúc… rất đắt cho từng phân cảnh. Có thể thấy, nhân vật chính ở vở diễn là quần chúng nhân dân, từ nền tảng đó đã sản sinh những nhân vật xuất chúng đi ra từ nhân dân, khiến người ta liên tưởng tới triết lý: Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như sức nước, mềm mại mà lại dữ dội… Cách xử lý này hàm chứa triết lý sâu sắc về lịch sử dân tộc, một lịch sử đấu tranh bền bỉ, được viết lên từ những cá nhân vĩ đại, nhưng tất cả những chiến thắng trong lịch sử đều dựa vào nhân dân, thuộc về nhân dân anh hùng. Các diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam không phụ sự đầu tư tâm huyết của đạo diễn khi đã nỗ lực tập luyện nhuần nhuyễn, trở thành một thể thống nhất trong các vai quần chúng. Chính vì thế, biện pháp đặc tả được dành cho các diễn viên Minh Hải trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh và NSƯT Trịnh Mai Nguyên thủ vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động năm châu. Sự thử nghiệm được dành cho thủ pháp khác lạ, sự kết hợp rất đắt giữa âm nhạc cách mạng và những giai điệu giao hưởng châu Âu… 

Người xem đi từ sự tò mò về một Việt Nam trong cách nhìn của một nhà văn người nước ngoài hiểu ra sao về lịch sử dân tộc chúng ta và nhất là đã xây dựng hình tượng Bác Hồ từ khi còn trẻ với cái tên Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm đường cứu nước và cuối cùng là Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị mà vĩ đại… để rồi bị hấp dẫn về cách thể hiện giàu ý tưởng thử nghiệm. Thử nghiệm nhưng không thách đố, sự kết hợp rất hài hòa, nhuần nhuyễn giữa các thành phần tham gia sáng tạo đã khiến 60 phút biểu diễn lôi cuốn khán giả thực sự. 

Một cảnh trong vở Người đi dép cao su

Ngay sau buổi diễn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algeria tại Việt Nam Abdelhamid Boubazine xúc động chia sẻ: “Người đi dép cao su cần được đưa sang biểu diễn tại đất nước Algeria của chúng tôi. Sân khấu Algeria đã từng dàn dựng vở kịch này, nhưng khi xem các bạn dàn dựng và diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tôi mới cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của kịch bản mà nhà văn Kateb Yacine đã gửi gắm… Thông qua tác phẩm và tình cảm của người viết, người dựng và người xem, có thể thấy mối quan hệ giữa Việt Nam - Algeria ngày càng bền chặt; Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trong tâm khảm người Algeria…”.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly khẳng định: “Ê kíp sáng tạo, đặc biệt là đạo diễn đã tìm ra cách tiếp cận và dàn dựng kịch bản cực kỳ thú vị. Lối dàn dựng phá vỡ cấu trúc cổ điển, quen thuộc. Cách sắp đặt thời gian, cách thức biểu hiện cũng hoàn toàn khác biệt. Đặc biệt là cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể và không gian sân khấu rất tuyệt vời. Không cần sử dụng phông cảnh, sân khấu trống trơn nhưng qua ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ của âm thanh, ánh sáng, cách thức biểu hiện đã diễn đạt thành công mọi sự thay đổi về khoảng cách thời gian, các diễn biến của lịch sử...”.

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tặng hoa cho ông Abdelhamid Boubazine - Đại sứ Algeria tại Việt Nam và NSƯT Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam

Người đi dép cao su được dàn dựng trau chuốt từ lời thoại, cách xử lý âm nhạc, thiết kế phục trang, cho tới diễn xuất của những vai quần chúng đầy cẩn trọng, kỹ lưỡng... để đem tới cảm giác tự hào, màu sắc sử thi cho một tác phẩm sân khấu cô đọng, tiết chế và rất hợp với tâm thức con người hiện đại. Có thể nói, một vở diễn thành công của nhà giáo, đạo diễn Lê Mạnh Hùng và tập thể diễn viên chuyên nghiệp, tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và Đại sứ Algeria chúc mừng thành công tiếp theo của Nhà hát Kịch Việt Nam

NGỌC BẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 535, tháng 5-2023

;