Tìm hướng đi sáng tạo cho nghề truyền thống Hà Nội

Tạo ra các sản phẩm thủ công truyền thống với tính sáng tạo cao, có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của du lịch làng nghề, phố nghề. Đồng thời, góp phần khẳng định vai trò là một trung tâm sáng tạo trong phạm vi cả nước và rộng hơn là trong khu vực của thành phố Hà Nội.

Buổi Tọa đàm Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển

Vừa qua, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức tọa đàm Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển. Tọa đàm đã mở ra không gian giao lưu, trao đổi để lãnh đạo từ các quận, huyện trên thành phố, các nhà đầu tư, nhà thiết kế, nghệ nhân thuộc các thế hệ trao đổi và cùng tìm ra giải pháp giúp các nghề truyền thống có những hướng đi mới, nhất là trong bối cảnh sau khi Hà Nội chính thức gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vào tháng 10 năm 2019. 

Do đâu mà du lịch phố nghề, làng nghề chưa thịnh hành? 

Qua quá trình khảo sát các tour ở Hà Nội, bà Đỗ Diệu Linh, giảng viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Đại Nam (Hà Nội) nhận thấy, phần lớn các công ty du lịch nội địa và quốc tế mới chỉ tập trung vào một số điểm đến được nhiều người biết đến, như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hay phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm,... Có một số ít tour tham quan bổ sung vào lộ trình bằng hoạt động đưa du khách trải nghiệm ẩm thực. Nhưng du lịch làng nghề, phố nghề chưa thực sự được chú trọng và khai thác thành một sản phẩm du lịch đặc sắc. Sự xuất hiện của những nghề thủ công truyền thống nếu có thì cũng chỉ loáng thoáng qua lời giới thiệu sơ lược của hướng dẫn viên du lịch khi khi đi qua con phố nào đó trong toàn bộ chuyến tham quan. Vậy nguyên do vì đâu mà phố nghề ở nội đô và làng nghề ở ven đô lại bị “lãnh đạm” như vậy? 

Nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống Lê Đình Nghiên

Lí giải cho vấn đề này, bà Linh cho hay, hiện nay vẫn còn những phố nghề, làng nghề ở Hà Nội đang gìn giữ và kinh doanh các sản phẩm thủ công truyền thống. Song, trên thực tế, pha trộn vào những mặt hàng được bày bán đó, là không ít sản phẩm không được sản xuất tại chính địa phương ấy, thậm chí là được nhập khẩu từ Trung Quốc. Du khách khi đi du lịch thường có xu hướng mua một sản phẩm đặc trưng của vùng miền làm quà tặng, quà lưu niệm. Vậy nếu bỏ tiền ra mua một sản phẩm không đến từ chính nơi ấy, thì dĩ nhiên họ sẽ không muốn làm vậy. Theo bà Linh, đó là lí do tại sao các điểm phố nghề chưa thực sự hấp dẫn các công ty du lịch đưa vào khai thác, phát triển thành sản phẩm du lịch. 

Bên cạnh đó, hiện có nhiều phố nghề không còn giữ được nghề truyền thống. Điển hình như phố Hàng Trống vốn nổi tiếng với dòng tranh dân gian cùng tên vang danh nhất chốn Kinh kỳ. Cho đến nay, cả con phố chẳng còn ai ngoài nghệ nhân ưu tú Lê Đình Nghiên năm nay đã ngoài tuổi 70 miệt mài giữ gìn nghề truyền thống này nhưng nơi ông làm tranh ở trong con ngõ nhỏ phố Cửa Đông. Thay thế khung cảnh sầm uất, tấp nập người mua kẻ bán tranh năm xưa, con phố ấy giờ đây mọc lên những khách sạn, bãi trông xe tự phát…

Nghệ nhân nhân dân Phùng Ngọc Trọng (làng nghề Đại Bái)

Câu chuyện về con phố Hàng Trống đã nói lên một thực trạng của không ít phố nghề, làng nghề ở Hà Nội. Phần lớn nghệ nhân hiện theo nghề đều là những người cao hoặc trung niên. Họ chưa có nhiều sáng tạo đột phá trong chính nghề thủ công của cha ông mình truyền thụ. Nhiều người thuộc thế hệ trẻ, dù sinh ra từ những làng nghề, phố nghề, nhưng do việc sản xuất đồ thủ công truyền thống không đem lại hiệu quả kinh tế cao, vả lại, những nghề này cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhiều thời gian, công sức để làm ra thành phẩm, nên họ chuyển hướng sang làm những ngành nghề khác, không còn có ý thức giữ gìn nghề truyền thống.

Cần "phục hưng" lại phố nghề, làng nghề 

Trăn trở trước sự mai một của nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề vẽ tranh Hàng Trống, họa sĩ Nam Chi - chàng trai trẻ tiếp bước tiền nhân gìn giữ nghề vẽ tranh dân gian Hàng Trống, bày tỏ mong muốn thành phố Hà Nội sớm xây dựng một phòng trưng bày cố định riêng cho dòng tranh dân gian Hàng Trống. Nơi đây mang ý nghĩa không chỉ là nơi trưng bày các bức tranh Hàng Trống được nhiều người biết đến, hay công cụ vẽ tranh, hình ảnh về quá trình thực hiện một bức tranh; mà còn là không gian giao lưu của những người yêu nghệ thuật, là nơi những họa sĩ đương đại tìm cảm hứng sáng tác từ chất liệu dân gian, là nơi những người từng gắn bó với con phố này hoài niệm về quá khứ, và là địa điểm giáo dục cho thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống. Cùng với đó, không gian rộng sẽ cho phép người nghệ nhân trình diễn cách kĩ thuật vẽ tranh cho công chúng chiêm ngưỡng trực tiếp. Nếu dự án này được hiện thực hóa, Nam Chi cũng mong rằng, cố gắng dành ra một địa điểm tại chính phố Hàng Trống, bởi con phố này gắn liền quá trình hình thành và hưng thịnh của dòng tranh. Như thế, phòng trưng bày sẽ có thêm giá trị lịch sử. 

Ông Nguyễn Kim Kê chuyên vẽ mặt nạ Tuồng cổ tại 50 phố Đào Duy Từ

Thế hệ trẻ là đối tượng mà Nam Chi đặc biệt hướng tới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề vẽ tranh dân gian. Anh đề xuất các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng sẽ tổ chức các tiết học ngoại khóa, để các em học sinh có thêm nhiều cơ hội tìm hiểu về nghề tranh Hàng Trống, thay vì chỉ gói gọn trong các tiết học Mỹ thuật chính khóa. Đồng thời, sớm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các bạn trẻ có năng khiếu hội họa và hứng thú với dòng tranh dân gian này. Bởi chỉ khi đào tạo được một thế hệ nghệ nhân trẻ nắm chắc được những kĩ thuật căn bản và đặc trưng của tranh Hàng Trống, mới tạo được tiền đề để tiếp tục sáng tạo ra các mẫu tranh mới, nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của nhiều đối tượng khách hàng. Để làm được việc này, trước hết cần ưu tiên hỗ trợ cho thế hệ nghệ nhân lớn tuổi hiện tại. 

Ngoài ra, cần tìm ra giải pháp giúp kết hợp tranh dân gian với sản phẩm truyền thống, tạo thành các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng thời thượng, song cũng lưu giữ được những yếu tố truyền thống trong từng sản phẩm. Như đưa họa tiết tranh Hàng Trống lên quạt giấy là một điển hình, và mới đây anh đã thử nghiệm thành công. 

Không chỉ là đề xuất riêng cho phường Hàng Trống, những phương án nêu trên của họa sĩ Nam Chi, hoàn toàn chính là gợi ý cho lãnh đạo và nghệ nhân đến các quận huyện trên địa bàn thành phố bàn bạc, nghiên cứu, để tìm ra hướng đi có hiệu quả cho nghề truyền thống của địa phương mình. 

Ông Nguyễn Bảo Nguyên, một trong những nghệ nhân vẽ truyền thần hiếm hoi còn lại của Hà Nội

Tương tự như lời của Nam Chi, quan điểm kết hợp các sản phẩm từ các làng nghề để tạo thành một sản phẩm có tính sáng tạo cũng được bà Đỗ Diệu Linh nhấn mạnh tại tọa đàm. Bà cho rằng, có thể kết hợp giữa vải lụa thừa từ làng Vạn Phúc (Hà Đông) với sản phẩm bạc từ phố Hàng Bạc hoặc làng Định Công (Hoàng Mai), cùng một số vật liệu khác, để tạo thành chiếc túi xách vừa có tính thời trang, lại vừa chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống. 

Bà Đỗ Diệu Linh chia sẻ thêm, trên thực tế, nhiều sản phẩm đồ thủ công dù được chế tác rất tinh xảo, song tính ứng dụng chưa cao. Nói như trường hợp của lụa vân Vạn Phúc, sau khi mua thì cần một khoảng thời gian không ngắn để may được thành phẩm áo dài, mà không phải tiệm may nào cũng đáp ứng được. Chưa kể đến một số sản phẩm hơi cồng kềnh, yêu cầu điều kiện bảo quản cao, nên trong quá trình di chuyển sẽ bất tiện cho khách du lịch. 

Vì vậy, sản phẩm truyền thống cần tìm ra hướng đi sáng tạo mới, khiến du khách thêm phần thích thú. Khi sản phẩm thủ công đã có ấn tượng đẹp với khách du lịch, du lịch làng nghề cũng từ đó mà khởi sắc. 

Kết hợp giữa nét đặc trưng của di tích và nghề truyền thống 

Với vị thế là một di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, và là điểm đến hàng đầu trong mỗi tour khi tới Hà Nội, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ! Chúng tôi đã luôn chủ động phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhằm giới thiệu các nghề thủ công, đặc biệt là của Hà Nội đến với du khách ngay tại chính khuôn viên di tích. Điều này hướng tới đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm của du khách khi viếng thăm nơi đây. 

Bà Tâm một người chuyên làm lẵng thiên nga nhồi bông ở phố Hàng Lược

Đồng thời, để hình ảnh của ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam lan tỏa đến rộng rãi hơn, Trung tâm đã phối hợp với một số làng nghề như làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), lụa Vạn Phúc (Hà Đông), sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ)… tổ chức sản xuất hàng lưu niệm đặc trưng mang thương hiệu Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các nghệ nhân, nhà thiết kế nghiên cứu, thiết kế mẫu mã mới cho các sản phẩm thủ công truyền thống mang màu sắc riêng của Văn Miếu, sau đó các sản phẩm sẽ được giới thiệu tại cửa hàng lưu niệm của di tích. Những thiết kế sáng tạo ấy là sự kết hợp giữa tài năng của các nghệ nhân, nhà thiết kế và giá trị đặc trưng của Văn Miếu, hứa hẹn tạo sức hấp dẫn đối với những du khách khi đến với di tích, họ hẳn sẽ muốn mang về một sản phẩm có dấu ấn bàn tay nghệ nhân làng nghề. Thông qua một sản phẩm nhỏ gọn, vừa có thể quảng bá được nghề truyền thống của Hà Nội, và cũng vừa quảng bá được hình ảnh Văn Miếu. 

Ông Nguyễn Phương Hùng 52 tuổi ở 26 phố Lò Rèn là một trong những người cuối cùng làm nghề rèn thủ công ở phố cổ Lò Rèn, Hà Nội

Thành công và những dự án sắp tới của Văn Miếu, có thể nói, là bài học kinh nghiệm cho các di tích khác tham khảo. Bởi như đã nói trước đó, các di tích lịch sử là điểm đến hàng đầu của các tour du lịch, nên việc làm của Văn Miếu đã tận dụng sức hút với du khách cả trong và ngoài nước của mình để lan tỏa giá trị nghề thủ công truyền thống. 

Cuối cùng, bà Đỗ Diệu Linh nhận định, hơn bao giờ hết, giờ là lúc cần có sự chung tay, tham gia của cơ quan quản lí văn hóa các cấp, các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, hay chuyên doanh các sản phẩm thủ công, cùng các nghệ nhân, nhà thiết kế… trên con đường sáng tạo nghề thủ công truyền thống, thì mới có thể thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của các phố nghề, làng nghề ở Hà Nội, tạo điểm nhấn không chỉ trong phát triển du lịch và phát triển dân sinh.

Ông Phạm Văn Quang, một thợ làm khuôn bánh có thâm niên tại cửa hàng số 59 phố Hàng Quạt

NAM PHONG - Ảnh: LÊ BÍCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023

;