Mỗi trường phái nghệ thuật đều mang đến cho người xem những vẻ đẹp thú vị khác nhau, nhưng với nhiều người, trường phái lãng mạn mới thực sự đem lại thăng hoa cho con người, giúp con người rũ bỏ những mệt nhọc đến với những suy tưởng ngọt ngào. Hồ Hữu Thủ là một họa sĩ đương đại của nền hội họa Việt Nam, dù trải nghiệm với nhiều trường phái và phong cách khác nhau, nhưng có lẽ, tính lãng mạn trong tranh ông chưa bao giờ thiếu vắng. Vì vậy, xem tranh ông, người ta có thể nhẹ lòng chìm đắm trong những mộng tưởng, yêu thương đẹp nhất của cuộc đời…
Vần thơ dưới trăng, 1992, sơn mài, 120cm x 180cm của Hồ Hữu Thủ - Nguồn: Họa sĩ Nguyễn Lâm
1. Trường phái lãng mạn là gì ?
Trường phái hay còn gọi là chủ nghĩa lãng mạn (Romanticism). “Chủ nghĩa lãng mạn vừa là trào lưu văn học, vừa là phương pháp sáng tác, mang một nội dung lịch sử xã hội cụ thể, được hình thành ở Tây Âu sau Cách mạng tư sản Pháp năm 1789… Cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 đã đánh đổ chế độ phong kiến. Sự kiện này là một bước ngoặt vĩ đại không chỉ đối với Pháp mà còn đối với cả châu Âu. Chính sự sụp đổ của chế độ phong kiến và sự hình thành quan hệ xã hội mới đã tác động sâu sắc đến tư tưởng tình cảm của mọi tầng lớp trong xã hội” (1); cùng với đó là ảnh hưởng bởi tư tưởng ánh sáng: Thế kỷ ánh sáng, là một thế kỷ mà văn chương Pháp đã dành trọn thời gian để hướng về mục tiêu khai sáng, đổi mới nền văn hóa tinh thần của nước Pháp. Đây là thế kỷ của văn chương triết học, văn chương chính luận và bút chiến; đặc biệt văn chương còn hướng về mục tiêu chống phong kiến, chống lại cơ chế văn hóa tinh thần trung đại, cổ vũ cho một nền văn học mới với những mục tiêu nhân bản mới, cho thấy, trường phái lãng mạn đề cao 3 yếu tố mộng tưởng, tình cảm và sự tự do.
Trong bài viết Các tông phái hội họa trên thế giới qua các thời đại lịch sử đăng trên Tạp chí Mỹ thuật (số 2) năm 1960, Nguyễn Sao cũng đã chỉ ra: “Tính cách của phái Lãng - Mạn là muốn bước một đường lối riêng, không muốn liên lạc với phái cổ điển, không chọn đề tài thời cổ, chỉ muốn một nguồn cảm hứng dồi dào và tự do. Họ tìm thi vị và cảm hứng ở muôn hình vật, chẳng hạn như, biểu dương một mối tình nồng nàn” (2). Điều đó cho thấy, Chủ nghĩa lãng mạn đã làm con người thấy bay bổng trong mộng tưởng, khát khao sự tự do tuyệt đối trong suy nghĩ và đó cũng chính là hành trình tìm về cái tôi cá nhân để tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn, tình yêu lãng mạn của con người và thiên nhiên cũng được phản ánh một cách sinh động nhất để trở thành nơi phản ánh nội tâm và nuôi dưỡng tình cảm.
Chủ nghĩa lãng mạn như một hành trình tìm kiếm hình tượng nghệ thuật theo trí tưởng tượng thăng hoa của họa sĩ, tạo dấu ấn cá nhân, đặc biệt là dấu ấn cảm nhận và cảm xúc trong nghệ thuật, bất chấp chấp nhận tính chất “bất quy tắc” từ sự bất hợp lý về không gian và thời gian, về cấu trúc logic, trong bố cục, đến các đối tượng trong tranh, cả cái xấu lẫn cái đẹp, như nhà thơ người Pháp Charles Baudelaire mô tả: “Trường phái lãng mạn chính xác không nằm trong sự lựa chọn đối tượng hay sự thật xác đáng, mà nằm trong cách cảm nhận” (3).
Từ đó, nền hội họa miền Nam Việt Nam trước 1975, cũng đã xuất hiện nhiều tác phẩm mang hơi thở của sự tự do sáng tạo. Trong đó, họa sĩ Hồ Hữu Thủ - ông xuất thân từ Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn như một lối giải thoát cho họa sĩ thoát khỏi những trói buộc của những nguyên tắc hội họa tân cổ điển - hàn lâm được truyền đạt trong trường học. Sự tự do ấy giúp ông thể hiện được bản ngã, trở thành chính mình trọn vẹn hơn, thăng hoa hơn trong thế giới mộng tưởng của riêng mình.
2. Hồ Hữu Thủ với các quan điểm về nghệ thuật
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ (1940-2024) được mệnh danh “một thuật sĩ của nghệ thuật sơn mài” (4) và nhật báo Journal d’Extrême Orient đã so sánh Hồ Hữu Thủ với Chagall, và “vì vẻ hồn nhiên trau chuốt mà đối chiếu với Henri Rousseau” (5). Ông theo học Trường Mỹ nghệ Bình Dương về trang trí nội thất từ 1955 đến 1959. Từ năm 1960-1964 ông theo học và tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, là cựu giáo sư của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (với chuyên ngành Hội họa). Ông là thành viên Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam (Sài Gòn) trước 1975.
Bằng chất liệu sơn mài, Hồ Hữu Thủ đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của sơn mài Việt Nam. Thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, cùng với các họa sĩ như Nguyễn Gia Trí, Hoàng Tích Chù, ông đã có nhiều thành công trong kỹ thuật sơn mài mỹ nghệ, như các kỹ thuật mài phẳng, sáng bóng, được coi là truyền thống. Các họa sĩ thế hệ sau đều theo đó nằm lòng và tuân thủ. Sau nhiều lần thử nghiệm và khám phá sơn mài, Hồ Hữu Thủ nghĩ có thể phát triển theo hướng nghệ thuật hiện đại, không nhất thiết phải mài phẳng toàn bộ tác phẩm, mà có thể chừa lại những chỗ nhám, chỗ gồ ghề hoặc có thể đắp thêm bố và một số vật liệu khác… Trên cơ sở thực tế ấy, họa sĩ muốn dùng thuật ngữ “sơn ta” thay cho “sơn mài” để khẳng định tác phẩm của ông là chất liệu sơn ta truyền thống, nhưng kỹ thuật thể hiện có khác sơn mài truyền thống để mang tính chất đương đại.
Trong lời mở đầu của cuốn sách Hồ Hữu Thủ Nghệ thuật sơn ta Việt Nam, xuất bản năm 2024, ông cũng có những quan điểm khá đặc biệt về sáng tạo nghệ thuật với sự nhận định lại về quan điểm sáng tạo đã đề cập năm 1994: “Sự tìm tòi khởi đầu nhằm vào ngoại giới, chính tại nơi này mà con người tìm kiếm lời giải đáp mọi vấn đề ẩn sâu. Con người muốn tìm ở khắp ngoại vật cố ghi lại những hình ảnh để thỏa mãn niềm khát vọng mỹ cảm của mình. Con người muốn miêu tả cụ thể những ấn tượng của bản tâm mình với mọi điều chất chứa bên trong, và thật sự con người đạt được một phần lời giải đáp về những quan niệm diệu kỳ về thượng đế, thẩm mỹ, sự vật, thiên nhiên và những hiện tượng. Những ý niệm đó đã đến từ thế giới bên ngoài. Với tôi sự thật không có ở thế giới bên ngoài, mà chỉ có ở thế giới vô thức, huyền thoại, của nội tâm vô cùng mẫn cảm, ở đó mới sáng tạo ra thế giới mới hơn, rực rỡ hơn; ở đây chỉ còn lại cái Chân Thiện; Và hội họa là một trò chơi của một tâm hồn vắng lặng đầy Sự Thật và được biểu hiện qua những ẩn ngữ của mọi người đang có, đang khao khát, thứ dấu ấn tinh khiết vụt mở ra làm ta ngạc nhiên trong say đắm” (6).
3. Tính lãng mạn trong tranh sơn mài của họa sĩ Hồ Hữu Thủ
Hồ Hữu Thủ là họa sĩ Sài Gòn tài hoa, lãng mạn. Ông luôn tích cực học hỏi thử nghiệm các trào lưu nghệ thuật hiện đại tiên tiến của thế giới, trong đó trường phái Lãng mạn Pháp ảnh hưởng nhiều nhất đến con người bản chất đã lãng mạn như ông. Những bức tranh sơn mài của ông luôn đậm chất lãng mạn, bay bổng.
Tác phẩm Adam Eva, chất liệu sơn mài, sáng tác năm 1987 được vẽ theo lối âm dương mài phẳng, kỹ thuật sơn mài điêu luyện. Đây là một tác phẩm sơn mài có hòa sắc xanh, khác biệt với các tranh sơn mài thường thấy nổi bật với các màu chính: then đen, đỏ sơn, vàng ròng, trắng trứng. Có người nói rằng, tranh sơn mài của họa sĩ Hồ Hữu Thủ có lối đi màu như sơn dầu, một số đồng tình, một số khác không tán thưởng, nhưng dẫu sao điều này đã trở thành nét riêng trong phong cách nghệ thuật của ông. Dù dùng màu gì thì tranh ông vẫn luôn có những nét tạo hình trau chuốt và tinh tế. Nhân vật Adam và Eva đều có dáng hình thon thả, gương mặt sáng bừng, thoát tục và đôi bàn tay búp măng với những ngón dài thanh mảnh. Lối vẽ âm dương đã giúp tác giả đặc tả ánh sáng lung linh trong một không gian tối. Bầu trời về đêm, mặt trăng dù không sáng bừng màu vàng như thông thường, nhưng vẫn có ánh sáng lấp lánh. Những tán lá khéo léo che đi một phần cơ thể của 2 nhân vật chính bộc lộ sự tạo hình tinh tế của tác giả. Cách thể hiện từng cụm lá có màu sắc khác nhau mà vẫn tách thành nhiều tầng lớp thể hiện chiều sâu của nhiều lớp không gian. Eva với mái tóc bồng bềnh nhờ vào việc tạo hình tách từng lọn tóc của họa sĩ. Đôi bàn tay Eva như nâng niu mặt trăng mà bên dưới là một nhành sen Adam dành tặng cho cô chính là một chi tiết lãng mạn đầy thi vị. Ánh sáng chính vẫn tập trung ở phần giữa tác phẩm, lan dần ra xung quanh đã làm bật lên chủ đề về tình yêu cho một đề tài xưa cũ.
Tác phẩm Nụ xanh là một tác phẩm sơn mài đầy tính lãng mạn và thi vị, bất ngờ và mới mẻ cho một đề tài gia đình quen thuộc. Hình tượng chính gồm 3 nhân vật, người nữ 2 tay nâng niu quả táo, người nam ngồi sau nâng 1 đóa sen và đứa bé nằm trong lá sen, tất cả đều khỏa thân và đẹp lung linh trong ánh sáng của vầng trăng đen. Cũng như hầu hết các tranh sơn mài của họa sĩ, tác phẩm này được vẽ với kỹ thuật sơn mỏng, không nhiều lớp, mài vừa phải. Tác phẩm thể hiện một gia đình hạnh phúc với màu chủ đạo là màu đỏ son quen thuộc của sơn mài. Để thêm sự tương phản cho ánh sáng, phần da của cô gái có độ chuyển đen trắng rất mềm mại, làm nổi rõ khối của cơ thể. Tác phẩm rất ít màu, chủ yếu chỉ có đỏ, trắng, đen, thi thoảng đệm một chút sắc xanh. Ở rìa lá, nơi em bé nằm và chữ ký có nhấn vàng thật. Tác phẩm có cách thể hiện màu độc đáo, tạo hình mềm mại uyển chuyển, ánh sáng lung linh, không gian ấm áp, huyền bí mang tính lãng mạn, hạnh phúc và sâu lắng cho tác phẩm.
Tác phẩm Vần thơ dưới trăng được bán với giá 15.000 USD cho một người Nhật, năm 1992. Đây là tác phẩm được bán giá cao nhất những năm 90 trong giới họa sĩ Việt Nam. Hình tượng trong tranh đầy chất lãng mạn phiêu du: thiếu nữ, ngựa và trăng. Không gian được dùng nhiều màu đen, đôi chỗ loang lổ màu đỏ sơn. Các cô gái có màu sáng, nổi trên nền tối. Bên trái tranh, một cô gái mặc áo trắng, cầm hoa, đang bay lên, tóc cũng bay theo gió. Bên phải, một cô gái cầm khăn phía sau, ánh vàng cũng đang bay lên. Mặt trăng đặt ở giữa tranh, một tròn và một khuyết, soi rọi ánh trăng xuống mặt đất lênh láng vàng. Sắc vàng trong tranh là vàng thật nên ấm áp và lấp lánh. Nhiều chiếc đầu ngựa dính vào nhau tạo thành một khối cũng như bay lên. Mọi thứ đều bay lên lơ lửng, huyền ảo. Bức tranh ngọt ngào, vừa lãng mạn và đầy chất thơ.
Trong một dịp gặp gỡ với họa sĩ Hồ Hữu Thủ, năm 2023, ông chia sẻ: “trong các họa sĩ nổi tiếng thế giới ông ngưỡng mộ nhất là nhà thơ “Hàn Mặc Tử” - với niềm say mê thơ và trăng rất đặc biệt…, Hàn Mặc Tử đã có một sự đồng cảm đặc biệt về ánh trăng; và họa sĩ đã từng nhiều lần ngâm nga hai câu thơ: “Trăng nằm sóng soãi bên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi”. Bởi vậy, trong tranh ông thường thấy lấp lánh ánh trăng, có khi trong một bức tranh có nhiều hơn một mặt trăng, trăng không nhất thiết phải là vàng và trắng mà đen, đỏ, đủ màu… có khi những mảnh vàng lấp lánh như những giọt trăng khắp nơi.
Tác phẩm Hoa sen giác ngộ sáng tác năm 2009, là sự thể hiện một góc suy tư mang nhiều ẩn dụ của họa sĩ thấm nhuần về thiền trong Phật giáo. Người phụ nữ như được sinh ra từ lá sen, được nuôi dưỡng bởi sen trong sáng và thanh khiết. Hình tượng người phụ nữ mang nét đẹp tinh khôi của thiền. Tác phẩm lung linh, tinh khiết và trong veo như vẻ đẹp của người phụ nữ được hòa với sen là một. Chiếc lá sen được chia thành nhiều phần, các mảng sáng tối vẽ theo kỹ thuật âm dương làm tôn lên nhân vật chính, đó là một trong những thủ pháp điển hình của phong cách nghệ thuật Hồ Hữu Thủ. Tác phẩm Hoa sen giác ngộ làm người xem liên tưởng đến vẻ đẹp của nàng Venus trong tác phẩm Sự ra đời của thần Vệ Nữ (The Birth of Venus) của họa sĩ người Ý Sandro Botticelli.
Tác phẩm Bà chúa là một trong những thử nghiệm mới về sơn ta của họa sĩ Hồ Hữu Thủ. Giai đoạn sau cùng của phần kỹ thuật sơn mài, họa sĩ không thích mài tranh nữa. Ông tâm sự: tôi kỵ chữ “mài”. Bởi vậy, ông muốn thử nghiệm để không dùng chữ “sơn mài” mà chỉ còn thuật ngữ “sơn ta” trong tranh của ông. Bề mặt tranh không còn nhẵn bóng như ở giai đoạn đầu nữa. Các nút áo là các vật liệu được đính kết vào vóc chứ không phải là màu vẽ trên vóc. Tác phẩm có kích thước rất lớn 120cm x 264cm, gồm 3 phên, với phên ở giữa có kích thước khoảng gấp đôi mỗi phên hai bên. Bà chúa được tạo hình với một vẻ sang trọng và quý phái, tóc dài mềm mại và chân dung hiền hòa... Nét quyến rũ của bức tranh được đặt nhiều ở trang phục nhân vật chính. Các hoa văn trên trang phục rất tinh tế và lấp lánh nhiều màu sắc cùng là gam nóng quen thuộc của chất liệu sơn mài. Tác phẩm này được dùng những gam màu quen thuộc then đen, đỏ son và vàng ròng. Nhân vật nằm mà như không nằm mà bay bổng lãng mạn. Ánh trăng tròn được đặt ở vị trí giữa tranh như một điểm nhấn cho bố cục thêm lung linh, huyền ảo và quyến rũ hơn. Tác giả đặt tên tác phẩm là “bà chúa” như một sự ví von vẻ đẹp cao sang đầy quyến rũ của người phụ nữ, tạo ra một sức hút vô hình đối với bao người thưởng ngoạn.
Tác phẩm Giận hờn, sáng tác năm 2021, là đề tài thiếu nữ và ngựa, một đề tài rất thành công của họa sĩ Hồ Hữu Thủ. Sự lãng mạn ngay từ cái tên tranh “Giận hờn” thật khiến người ta suy nghĩ đến nét đỏng đảnh đáng yêu của người con gái khi yêu. “Giận thì giận mà thương thì thương”, cô gái và con ngựa rõ ràng quay về 2 hướng mà ánh mắt lại liếc nhìn nhau. Tác phẩm có hòa sắc đỏ, những mảng màu loang lổ như chất liệu màu nước hay acrylic pha loãng. Cách tạo “matière” sơn mài như vậy đã tạo được hiệu ứng bề mặt lôi cuốn người xem. Không gian trong tranh đẹp như cõi mộng và trữ tình nhiều hơn là hiện thực. Cô gái tuổi yêu đang đắm mình trong một thế giới ngọt ngào. Con ngựa như một nhân vật ước lệ đầy tính nhân cách hóa, phần bờm ngựa được tạo dáng bay bay rất duyên dáng. Tạo hình của ông không tả chân, chỉ mang tính gợi một cách duyên dáng, mềm mại làm người xem cảm giác như có chút gió nhè nhẹ đang thỏ thẻ trong cơn dỗi hờn của người thiếu nữ.
Qua những tác phẩm giàu chất trữ tình đầy lãng mạn với nhiều cung bậc cảm xúc của mình, trước lớp trẻ sáng tác, ông cho cho rằng: “Nghệ thuật thật sự không nằm trong quá khứ và cũng không nằm trong tương lai mà nó nằm trong hiện tại. Bố cục là biến thiên cái chính của nó là sự cân bằng của nội tâm. Khi sáng tác, thâm tâm phải an nhiên tự tại không bị ý tưởng chi phối. Bởi vậy, lúc sáng tạo phải an tịnh gọi là tâm không” (7). Và Chủ nghĩa lãng mạn mang đến sự thăng hoa cho Hồ Hữu Thủ hay chính Hồ Hữu Thủ làm người ta nhớ đến Chủ nghĩa lãng mạn. Nhưng sự tác động của nghệ thuật lãng mạn đã tạo ra nhiều tác phẩm giá trị đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền nghệ thuật tạo hình miền Nam, mang đến nhiều niềm vui và sự tự do trong sáng tạo, nhờ vậy tâm hồn người xem được khơi mở thăng hoa khi thưởng lãm những họa phẩm lãng mạn.
Kết luận
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ là người nghệ sĩ suốt đời luôn đi tìm cái đẹp của sự bay bổng và lãng mạn, Hồ Hữu Thủ đã rất thành công trong những tác phẩm về đề tài tình yêu, thiếu nữ hay nhiều đề tài khác. Thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật của ông, người xem luôn có thể đắm chìm trong những thế giới trữ tình, mộng tưởng đầy huyền ảo, như trong cuốn Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam (1973), Nguyễn Trung có nhận định về Hồ Hữu Thủ như sau: “Hồ Hữu Thủ có lối vẽ trầm tĩnh hơn, không kiểu cách như những năm gần đây. Hình thể, màu sắc đều được giản dị hóa đã cho thấy lộ dần cá tính của anh” (8).
___________________
1. Chủ nghĩa lãng mạn, wikipedia.org, 10-10-2024.
2. Nguyễn Sao, Các tông phái hội họa trên thế giới qua các thời đại lịch sử, Tạp chí Mỹ thuật, số 2, 188 BTT/ND, 4-10-1960, Kim Lai Ấn Quán, Sài Gòn, 1961.
3. Trường phái nghệ thuật Lãng mạn là gì, designs.vn, 10-10-2024.
4, 5. Huỳnh Hữu Ủy, Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại, Nxb VAALA, California, 2008, tr.167-168.
6. Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, 36 tác phẩm mới Recent paintings Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Nguyễn Lâm, Nguyễn Phước, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung, giấy phép số 474/XB-GP do Sở VHTT, TP.HCM cấp, 1994, tr.58.
7. Tài liệu phỏng vấn tại nhà họa sĩ Hồ Hữu Thủ, tháng 2-2024.
8. Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam, Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam, 1973, tr.23.
Tài liệu tham khảo
1. Bình Minh art gallery, Triển lãm Mùa Xuân - Họa sĩ Hồ Hữu Thủ, 2021.
2. ISTRA-BL Strasbourg, Grand Louvre - Le Musée - Les Collection - Les Nouveaux Espaces (Grand Louvre - Le Musée - Bộ sưu tập Les - Les Nouveaux Espaces), Hiệp hội xúc tiến Nghệ thuật Pháp, 55084 - ISN 1242-9198, Paris, 1993.
Ths VŨ TRẦN MAI TRÂM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024