Hội họa sơn mài Việt Nam đến nay đã đạt được nhiều thành tựu. Từ chất liệu truyền thống chỉ dùng cho việc sơn trét thuyền, tượng thờ và các đồ mỹ nghệ đã trở thành một chất liệu hội họa dân tộc là bước tiến lớn cho nghệ thuật hội họa Việt Nam. Sau khi Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn được thành lập vào năm 1954 tại miền Nam Việt Nam, các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã vào Nam, phối hợp cùng các họa sĩ phía Nam tạo nên một nền hội họa sơn mài Nam Bộ vô cùng đặc sắc. Kế thừa từ thế hệ đi trước, họa sĩ Nguyễn Lâm đã trở thành một trong những họa sĩ tiêu biểu cho dòng tranh nghệ thuật này, tranh của ông được nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước quan tâm và được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Loạt tranh về đề tài hát bội là một nét độc đáo trong nghệ thuật của ông, vừa mang đậm phong cách vẽ của họa sĩ, vừa thể hiện được nét riêng của hội họa sơn mài miền Nam Việt Nam.
Thiếu nữ và những chiếc mặt nạ tuồng cổ, 80x120cm, 2010 - Tranh trong bộ sưu tập của Ngô Anh Tuấn
Để hoàn thành một tác phẩm sơn mài, không chỉ là một nỗ lực kiên trì, một tình yêu đam mê nghệ thuật của họa sĩ, mà còn là một quy trình lao động vất vả tạo vóc công phu của người thợ sơn lành nghề thực hiện. Theo cách làm sơn mài truyền thống, thông thường, để hoàn thành một tác phẩm sơn mài phải mất hằng tháng hoặc hằng năm, phải trải qua nhiều công đoạn. Một là làm vóc, ván ép từ 7-9 lớp, được chà sạch bằng giấy nhám. Người thợ phủ một lớp sơn sống lên mặt ván để sơn rút dần vào trong ván. Năm ngày sau, ván được bọc vải lại để hom bằng cách dùng sơn sống hòa cùng chu sông Hồng quét lên. Chu sông Hồng được lấy từ đất sông Hồng mềm mịn. Một số người cho rằng sử dụng chu Ấn Độ làm từ đất núi lửa sẽ cứng cáp hơn. Quá trình này cũng có khi được trộn thêm một ít thạch cao. Cứ như vậy, người thợ làm tiếp bốn lần nữa, mỗi lần cách nhau khoảng 3-5 ngày sau khi bề mặt của lần trước đã khô. Sau đó, vóc được dùng giấy nhám để mài thật phẳng. Để hoàn thành một tấm vóc, từ khi bắt đầu đến khi vẽ được, họa sĩ phải cần ba tháng cho các công đoạn và để sơn khô hẳn.
Sau khi vóc hoàn thành, họa sĩ bắt đầu phác họa nét bằng phấn trực tiếp trên vóc hoặc dùng giấy can tự làm từ cách thoa bột màu trắng lên giấy báo để can hình hay giấy than (carbon) trắng có bán trên thị trường, rồi phân chia các mảng để gắn các vật liệu trang trí cho tác phẩm.
Tiếp đến, phác thảo thường dựa vào tông nóng vì bản chất sơn ta mang lại sự ấm áp cho tác phẩm. Những mảng dự định sẽ đính vỏ trứng, xà cừ thì cần khoét lõm mặt vóc trước, sau đó dùng then đen làm hồ dán để bảo đảm độ bền chắc hơn là cách dùng sơn cánh gián pha trộn với màu. Xà cừ thường được coi là trang trí mỹ nghệ không dùng trong các tác phẩm tranh nghệ thuật. Vỏ trứng tốt nhất được lấy từ lồng ấp, ngâm nước và cạo sạch màng lụa. Sau đó, họa sĩ tiến hành trám trứng và chồng nhiều lớp màu khác nhau. Màu được pha trộn với sơn cánh gián phủ ít nhất 3 lớp mới mài đi, mỗi lớp cách nhau khoảng 3, 4 ngày, tùy thuộc vào thời tiết và tính chất của loại sơn sử dụng. Một số vùng lựa chọn dán vàng, bạc thì dùng sơn cánh gián làm hồ dán. Họa sĩ phía Nam thường để tranh khô tự nhiên rồi mới chồng lớp sơn mới, ít khi ủ tranh để tránh độ màu kém tươi hơn so với lúc ban đầu.
Việc mài tranh thường dùng giấy nhám mịn ít hay nhiều tùy theo từng công đoạn của tranh. Ban đầu sẽ dùng giấy nhám hạt to số 200, rồi đến lúc hoàn thiện thì dùng giấy nhám 1.200 trở lên. Họa sĩ phía Nam ngoài việc mài bằng giấy nhám còn dùng giấy nhám bọc lấy miếng gỗ hay miếng cao su nhỏ vừa tay để mài.
Cuối cùng là đánh bóng tranh sơn mài. Họa sĩ Bắc dùng chu sông Hồng để đánh bóng, họa sĩ Nam thường dùng than làm từ cây đước hoặc cỏ tranh tán nhuyễn để đánh bóng…
Các thế hệ họa sĩ miền Nam Việt Nam mà cụ thể là thế hệ các họa sĩ của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn như các giáo sư: Lưu Đình Khải, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Rô, Nguyễn Văn Anh đã tiên phong khai thác, sáng tác và truyền đạt cho các thế hệ sau kỹ thuật cũng như hiệu ứng ngôn ngữ đặc trưng của chất liệu sơn mài miền Nam mang tính truyền thống dân tộc, đồng thời, thổi vào một tinh thần hội họa châu Âu qua các hình tượng thiên nhiên và con người Việt Nam. Nỗ lực ấy đã mang lại thành công trong việc dung hợp và hội nhập nghệ thuật sơn mài non trẻ với nghệ thuật thế giới. Các họa sĩ thế hệ kế tiếp thuộc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn lĩnh hội tiếp thu và phát huy vẻ đẹp của tranh sơn mài nghệ thuật, đạt một số thành tựu đáng kể. Một họa sĩ trong thế hệ nối tiếp đó phải nhắc đến, đó là họa sĩ Nguyễn Lâm.
Nguyễn Lâm tên thật là Lâm Huỳnh Long, sinh năm 1941 tại Cần Thơ, tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, là một trong những “thành viên của Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam tại Sài Gòn” (1), là họa sĩ có nhiều tranh trong các bộ sưu tập tư nhân, bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. “Từ năm 1973 đến 1975, ông làm giáo sư tại Trường Quốc gia Trang trí Nghệ thuật Gia Định và một số trường khác tại Sài Gòn. Gia đình Nguyễn Lâm thuộc nhóm hiếm hoi của Việt Nam có đến 8 họa sĩ, trong đó 6 người cùng lúc là hội viên của Hội Mỹ thuật TP.HCM và Hội Mỹ thuật Việt Nam” (2).
Ông bén duyên với hội họa từ khi chỉ là một cậu bé. Cứ mỗi lần có đoàn hát bội ghé về quê, khi cả làng đều chăm chú đắm chìm thưởng thức những điệu bộ và giai điệu thì Lâm Huỳnh Long đã ghi nhớ những vở diễn trong đầu từng chút từng chút một. Sau mỗi lần xem hát về, ông vẽ lại từng cảnh ra giấy, kể lại cho mẹ nghe thật kỹ lưỡng. Có lẽ vì là “con một” nên họa sĩ có một tình cảm gắn bó yêu thương sâu sắc với mẹ. Ngày tháng qua đi, ông lớn lên bình yên cùng những kỷ niệm ngọt ngào như vậy. Những ký ức trẻ thơ về nghệ thuật hát bội thôi thúc họa sĩ sáng tạo nên loạt tác phẩm về đề tài hát bội đậm chất hoài niệm và cổ kính.
Nghệ thuật hát bội từ lâu đã có mặt tại Việt Nam và góp phần tạo nên một nét đẹp trong văn hóa Việt. Hát bội còn được gọi là tuồng hoặc hát bộ là một loại hình nhạc kịch mang tính ước lệ và trình thức thịnh hành tại Việt Nam thời phong kiến. “Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương nhân vật tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của nghệ thuật Tuồng” (3)…
Theo sử sách, vào thời Tiền Lê năm 1005, một kép hát người Hoa tên là Liêu Thủ Tâm đến Hoa Lư trình bày lối hát xướng thịnh hành bên nhà Tống và được Vua Lê Long Đĩnh tán thưởng, giữ lại dạy cung nữ ca hát trong cung. Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) là người có công mang hát bội vào Nam, ông không quan niệm hát bội chỉ dành cho giới trí thức, thượng lưu, ông đã mang hát bội đến với quần chúng bình dân. Hát bội dần rũ bỏ những kiểu cách, rườm rà, những lễ nghi đậm chất bác học, đồng thời, tiếp thu những trình thức biểu diễn, âm nhạc của bộ phận người Hoa trên đất Nam Bộ, cùng tinh thần cởi mở, hát bội miền Nam dần hình thành những đặc trưng riêng: vui tươi náo nhiệt và đậm màu sắc dân dã hơn. Nghệ thuật hát bội ngày xưa là một trong những loại hình nghệ thuật giải trí văn hóa gần gũi với nhân dân Nam Bộ. Ngày nay, hát bội như một nét đẹp hoài niệm của một thời vang bóng…
Quay lại họa sĩ Nguyễn Lâm, ông đã có một loạt tác phẩm theo đuổi đề tài “Nghệ thuật hát bội”, một đề tài kinh điển - như hòa quyện làm một với ngôn ngữ hoài niệm cổ kính của những then đen, son đỏ, những lấp lánh vàng ròng kết hợp các mảnh trứng của chất liệu sơn mài để tạo nên những tác phẩm sơn mài hoài cổ, quyến rũ và đặc biệt.
Tác phẩm sơn mài Cấu trúc 1 được vẽ theo lối trừu tượng, gam màu nóng, kích thước 27,9x40,6cm, sáng tác năm 1990. Tác giả thể hiện hình tượng hai mặt tuồng cổ chính, chiếm diện tích lớn cùng một số mặt nạ nhỏ ở phía sau. Tất cả như hòa tan trong một không gian với sắc đỏ đen loang lổ của son và then, điểm xuyết những vệt trắng chấm phá của vỏ trứng. Tác phẩm không đặc tả chi tiết về những mặt nạ tuồng mà chỉ mang đến cho người xem cảm giác về một sự rực rỡ huy hoàng từng có của nghệ thuật tuồng nhưng xen lẫn nỗi niềm hoài cổ buồn man mác. Ý nghĩa chủ đề của tác phẩm, vì vậy, rất thích hợp với ngôn ngữ chất liệu sơn ta.
Tác phẩm Tuồng cổ được vẽ năm 1995, kích thước 90x60cm, cũng là một sáng tác bằng sơn ta, họa sĩ thể hiện hình tượng hai nhân vật tuồng trắng và đen trên một nền son đỏ, các mảng trắng của vỏ trứng xen kẽ các mảng màu đen như chuyển động theo nhịp điệu của bố cục, làm người xem liên tưởng đến sự đấu tranh giữa thiện và ác. Cách tạo hình rất mới lạ, không nệ thật nhưng gợi được cảm giác về điệu bộ của các nghệ sĩ tuồng trên sân khấu. Bố cục tạo nên không khí sôi động giữa cái tĩnh lặng của âm sắc sơn mài trầm lắng trong nghệ thuật biểu hiện của Nguyễn Lâm.
Tác phẩm sơn mài Hát bội, kích thước 90x60cm, được họa sĩ hoàn thành năm 2010, cũng mang yếu tố biểu hiện. Ông thể hiện ba hình tượng nhân vật tuồng cổ được sắp xếp tạo nên một nhịp điệu của trật tự cao thấp, các mảng đen của then, trắng của vỏ trứng và đỏ của son trai xen kẽ tạo nên một sự chuyển động cho bố cục, những mảng vàng lấp lánh trên các tiết mũ mão và râu tạo cho người xem một cảm giác vui vẻ và sinh động. Tác phẩm được dẫn nhịp khéo léo bởi những nét viền đen. Màu sắc không bị bó buộc trong khuôn khổ của các nét viền mà loang lổ giữa hình với nền. Sự không tách biệt ranh giới đã tạo nên nét mềm mại cho tác phẩm, đồng thời cũng cho người xem cảm giác về sự nhộn nhịp của sân khấu tuồng và sự lấp lánh của ánh đèn.
Tác phẩm Thiếu nữ và những chiếc mặt nạ tuồng cổ, có kích thước 80x120cm, sáng tác năm 2010 cũng là một tác phẩm sơn mài về hát bội. Với hình tượng chính là một cô gái có nét dịu dàng rất Nam Bộ. Người xem rất dễ nhận ra nét chân dung quen thuộc của “nàng” - người con gái có đôi mắt to, dài, hốc mắt tối màu, gương mặt trái xoan và mái tóc mượt mà, suôn thẳng. Đó chính là mẫu chân dung thiếu nữ điển hình trong phong cách hội họa của Nguyễn Lâm. “Nàng” trong những trầm lắng và suy tư, mặc cho những chiếc mặt nạ tuồng phía sau nhộn nhịp với nhiều sắc thái của chính - tà, của các tình cảm hỷ, nộ, ái, ố… Sự đối lập tôn lên vẻ đẹp thanh thoát của cô gái trước những bon chen của cuộc đời. Hình tượng người con gái hiện lên trong tác phẩm vừa bình dị, vừa thanh thoát, vừa sâu lắng, mang một vẻ đẹp quá đỗi Việt Nam… Để giữ sự thăng bằng cho bố cục chuyển động của các mặt nạ tuồng, Nguyễn Lâm đã chắn một dải hình son đỏ phía dưới tranh cùng các mảng then đen lớn ở phía trên và hai bên. Tác phẩm được bố cục chặt chẽ, gam màu chắc khỏe, phô diễn sự độc đáo của ngôn ngữ chất liệu dân tộc. Sự kết hợp hình tượng cô gái hiện đại với nét văn hóa tuồng cổ đã tạo cho người xem một cảm giác hoài niệm, một nét độc đáo qua nghệ thuật biểu hiện của Nguyễn Lâm.
Họa sĩ Nguyễn Lâm luôn tuân thủ với các nguyên tắc của sơn mài cổ truyền. Tranh sơn mài của ông luôn sử dụng sơn ta với lối mài phẳng, chồng nhiều lớp, đánh bóng thủ công nên thưởng thức tranh của Nguyễn Lâm, người xem không chỉ thưởng thức bố cục, hình ảnh, màu sắc, tư tưởng của tác giả mà còn chiêm nghiệm kỹ thuật sơn mài cổ truyền thuần thục của ông để hiểu thấu vẻ đẹp của tác phẩm thông qua ngôn ngữ chất liệu đặc biệt này.
____________________
1. Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam, 1973.
2. Nguyễn Lâm (họa sĩ), theo vi.wikipedia.org.
3. Tuồng, theo vi.wikipedia.org.
Ths VŨ TRẦN MAI TRÂM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 587, tháng 11-2024