Điêu khắc hoành tráng tại Thành phố Hồ Chí Minh - Thực trạng và giải pháp

TP.HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, nghệ thuật khu vực Nam Bộ - nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, nghệ thuật trong nước, quốc tế và là nơi tập trung sinh sống và làm việc của nhiều tài năng lớn. Sự ra đời và phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ với các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật... đã tạo cho Sài Gòn - TP.HCM có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của một nền văn hóa, nghệ thuật của cả nước và khu vực. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng đô thị nói chung và điêu khắc hoành tráng nói riêng vẫn còn nhiều bất cập về sự kết hợp giữa không gian cảnh quan với kiến trúc, điêu khắc, hội họa hay các thiết bị mỹ thuật ứng dụng. Vì vậy, bài viết đưa ra các giải pháp phát triển nghệ thuật điêu khắc hoành tráng ở TP.HCM góp phần xây dựng thành phố là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của đất nước.

Quần thể tượng đài, phù điêu “Khu tưởng niệm Ngã Ba Giồng” (2010) tại huyện Hóc Môn của Bùi Hải Sơn, Lâm Quang Nới, Nguyễn Thành Thi - Nguồn ảnh: Tác giả

1. Thực trạng hệ thống tượng đài điêu khắc hoành tráng ở TP.HCM

Hiện nay, TP.HCM có 52 công trình điêu khắc hoành tráng, trong đó, có 10 công trình trước năm 1975, 42 công trình sau năm 1975 mà chủ yếu là tượng đài đang hiện hữu, nhưng có rất ít các công trình có chất lượng, được đặt ở các quảng trường, vườn hoa công cộng trung tâm thành phố để làm “điểm nhấn” biểu trưng cho nét văn hóa, thẩm mỹ của đô thị. Hầu hết các công trình, tác phẩm điêu khắc đều được xây dựng ở những nơi di tích lịch sử thuộc các quận, huyện ngoại ô, hay trong khuôn viên các bảo tàng, công sở, trường học. TP.HCM có rất nhiều công trình điêu khắc hoành tráng nhưng thiếu các công trình “xứng tầm” làm điểm nhấn cho không gian văn hóa công cộng.

Một số công trình tượng đài tồn tại từ trước năm 1975

Để thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định thành trung tâm quân sự, văn hóa, kinh tế, chính trị ở khu vực Viễn Đông, chính quyền Mỹ - Sài Gòn đã tăng cường xây dựng các đường phố, trung tâm buôn bán đô thị lớn, những quảng trường, những giao lộ rộng tạo ra không gian cần thiết để xây dựng các công trình điêu khắc hoành tráng ngoài trời.

Một số công trình tượng đài được xây dựng ở các trung tâm Sài Gòn - Chợ Lớn như: tượng đài Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng; tượng đài Trần Nguyên Hãn ở bùng binh trước chợ Bến Thành; tượng đài Thánh Gióng ở ngã sáu Phù Đổng; tượng đài An Dương Vương ở bến Chương Dương, tượng đài An Dương Vương ở ngã sáu Nguyễn Tri Phương; tượng đài Phan Đình Phùng ở trước Bưu điện Quận 5; tượng đài Quang Trung ở cổng chợ Nguyễn Tri Phương; tượng đài Lê Lợi ở giao lộ Hùng Vương - Mồng 3-2… Các công trình tượng đài này ra đời trong những năm tháng có nhiều biến động và bế tắc chính trị của chế độ Sài Gòn vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, được thực hiện bởi thợ thủ công và các tác giả phục vụ trong quân đội Sài Gòn (cũ), thời gian thi công ngắn, khẩn trương, nên tính nghệ thuật tạo hình không được chú trọng, cùng phương pháp thi công dã chiến, dùng xi măng trộn cát đắp thẳng lên khung sắt; vì thế, chất lượng nghệ thuật hầu hết rất kém; đồng thời, không đảm bảo độ bền vững của công trình...

Do nhu cầu phát triển đô thị nên một số công trình đã được hạ giải, di dời đi vị trí khác, như: tượng đài An Dương Vương di dời về Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1); tượng đài Trần Nguyên Hãn và tượng đài Lê Lợi di dời về Công viên Phú Lâm (436 An Dương Vương, phường 13, Quận 6), hiện vẫn chưa có phương án lắp dựng lại.

Các công trình còn lại như: tượng Thánh Gióng ở ngã sáu Phù Đổng; tượng An Dương Vương ở ngã sáu Nguyễn Tri Phương; tượng Phan Đình Phùng ở trước Bưu điện Quận 5; tượng Quang Trung ở cổng chợ Nguyễn Tri Phương… hiện không hòa nhập được với không gian đô thị, chưa thể hiện được tính thẩm mỹ… Các công trình chủ yếu là vữa xi măng trộn cát đắp thẳng, phong cách thể hiện theo lối dân gian, tự nhiên chủ nghĩa, đa số kém về mặt nghệ thuật và chất lượng không an toàn.

Điêu khắc hoành tráng ở TP.HCM từ 1975 đến nay

Cùng với trào lưu chung của cả nước, sau ngày thống nhất đất nước, xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật, TP.HCM đã thực hiện được một số công trình điêu khắc hoành tráng như: tượng đài Chiến sĩ Mậu Thân (1982) tại quận Tân Phú; tượng đài Các chiến sĩ Cách mạng (1984), tại Cầu Xáng, huyện Hóc Môn của Nguyễn Thái Bình; tượng đài Đuốc sống (1985) tại Công viên Lê Văn Tám, Quận 1 của Phan Gia Hương.

Từ năm 1986, khi đất nước đổi mới, mở cửa hội nhập, kinh tế phát triển, hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng cởi mở, đổi mới và phát triển theo. Các công trình điêu khắc hoành tráng phát triển mạnh ở các tỉnh thành trong cả nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng. Cụ thể, có các công trình tượng đài như: tượng đài Chiến sĩ Láng Le - Bàu Cò (1986) tại Di tích Láng Le, huyện Bình Chánh của Phan Gia Hương; tượng đài Công nhân (1988) tại Ngã bảy, Quận 10 của Nguyễn Hải; tượng đài Bà mẹ và các nhóm tượng, phù điêu (1990) tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố, Quận 9 của Nguyễn Hải; tượng đài Nam kỳ khởi nghĩa (1990) tại huyện Hóc Môn của Lâm Quang Nới; tượng đài Bà mẹ miền Nam (1990) tại Bảo tàng Phụ nữ, Quận 3 của Nguyễn Thanh Bình; tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi (1993) trước UBND Thành phố (nay dời về Nhà Văn hóa Thiếu nhi Thành phố) của Diệp Minh Châu; tượng đài Chiến thắng Cánh Nam Thủ Đức (1993) tại TP.Thủ Đức của Lâm Quang Nới; tượng đài Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân năm 1968 (2022), tại huyện Bình Chánh của Nguyễn Hoàng Ánh; tượng đài Biểu tượng Hồn thiêng đất nước (2003) tại Đền Bến Dược, Củ Chi của Phan Gia Hương; tượng đài Củ Chi đất thép thành đồng (2005) tại huyện Củ Chi của Nguyễn Quốc Thắng (Bảo tàng); tượng đài Lý Tự Trọng (2005) tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng, TP.Thủ Đức của Trần Thanh Nam; tượng đài Bác Hồ với thiếu nhi (2005) tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi, quận Gò Vấp của Bùi Hải Sơn; phù điêu Bia kỷ niệm Trần Phú (2005) tại Công viên Lê Thị Riêng của Võ Công Chiến và họa sĩ Nguyễn Trung Tín; phù điêu Nguyễn Văn Trỗi tại Quận 3 của Nguyễn Văn Rol; phù điêu tưởng niệm Chiến khu An Phú Đông (2006) tại Quận 12 của Trần Thanh Nam; tượng đài Chiến thắng (2006) tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quận 1 của Đinh Quang An; tượng đài Trần Văn Ơn (2006) tại Quận 1 của Lâm Quang Nới…

Như vậy, các công trình điêu khắc hoành tráng ở TP.HCM, đặc biệt là từ 1986 đến nay, đã có chất lượng nghệ thuật tốt, nhiều công trình thực sự đã trở thành những khu công viên văn hóa lịch sử đẹp, là niềm tự hào cho địa phương và khu vực, được giới chuyên môn đánh giá cao. Đồng thời, chính những công trình đó là những điểm hội tụ về nguồn - nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau; nơi thường xuyên có du khách trong nước, quốc tế tới thăm viếng, chiêm ngưỡng và là nơi giới thiệu về lịch sử, đất nước, con người, những chiến công hào hùng của dân tộc, của quê hương với mọi du khách gần xa, góp phần làm rạng danh quê hương Tổ quốc, bảo tồn các giá trị lịch sử, truyền thống và văn hóa của dân tộc.

2. Những hạn chế tồn tại và nguyên nhân

Một số hạn chế - tồn tại hiện nay

Các công trình được đặt ở các không gian công cộng của TP.HCM chủ yếu là tượng đài và ít các công trình biểu trưng cho nét văn hóa, thẩm mỹ của đô thị. Bên cạnh đó, hầu hết các công trình, tác phẩm điêu khắc đều được xây dựng ở những nơi di tích lịch sử thuộc các quận, huyện ngoại ô, hay trong khuôn viên các bảo tàng, công sở, trường học; trong đó, các công trình thể hiện về đề tài nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử đóng vai trò chủ đạo chiếm tỷ lệ 76,00% với các chất liệu xi măng, bê tông cốt sắt chiếm tỷ lệ 52,00%, đồng 20,00% và bằng đá 26,00%... (1). Tuy có rất nhiều các công trình điêu khắc hoành tráng như vậy, UBND TP.HCM vẫn đang tiếp tục nỗ lực phối hợp với các hội, ban ngành để triển khai công tác quy hoạch xây dựng các công trình tượng đài mới, có kích thước lớn hơn, có giá trị văn hóa, lịch sử và đảm bảo về chất lượng bảo tồn trong không gian văn hóa công cộng thành phố. Việc thực hiện đó đã được giao cho Sở VHTTDL (nay là Sở VHTT) chủ trì, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn thiếu sự phối hợp đồng bộ, nên đã hơn 10 năm vẫn chưa có kết quả gì khả quan (2).

Qua đó có thể thấy, nghệ thuật điêu khắc hoành tráng mới được du nhập vào Việt Nam hơn một thế kỷ và được tiếp biến hơn nửa thế kỷ nay. Tuy nhiên, đây là loại hình nghệ thuật mới đang thể hiện những bước đi ban đầu đầy khó khăn, thử thách trong điều kiện đất nước hiện ở thời điểm vượt nghèo, vì thế chắc chắn còn rất nhiều mặt hạn chế về chuyên môn, về nhân lực, về kinh phí, về quản lý và các giải pháp thực hiện. Cụ thể: thiếu nền tảng truyền thống của điêu khắc trong không gian công cộng; bất cập về không gian tổng thể điêu khắc - kiến trúc, cảnh quan môi trường; hạn chế về trình độ chuyên môn, nhân sự và cách tổ chức thực hiện; nặng tính cổ động miêu tả, hạn chế về nội dung và phong cách tạo hình; hạn chế về kinh tế và kỹ thuật thể hiện… (3). Từ đó, chúng ta nhận thấy những nguyên nhân của những hạn chế trên đó là:

Thứ nhất, thiếu nền tảng truyền thống của lĩnh vực điêu khắc hoành tráng: Đây là một loại hình nghệ thuật mới tại Việt Nam và không có truyền thống lâu đời như ở các quốc gia khác. Sự thiếu hụt về nền tảng loại hình nghệ thuật này đã khiến việc tiếp cận và phát triển gặp nhiều khó khăn, từ đó dẫn đến những hạn chế trong sáng tạo và phát triển nghệ thuật.

Thứ hai, thiếu sự kết hợp đồng bộ giữa điêu khắc, kiến trúc và cảnh quan môi trường: Một trong những nguyên nhân chính khiến điêu khắc hoành tráng ở TP.HCM chưa đạt đến tầm vóc mong muốn, đó là sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch không gian văn hóa công cộng. Các công trình thường được đặt ở những vị trí không thuận lợi về mặt cảnh quan và kiến trúc, dẫn đến việc không tận dụng được hết giá trị thẩm mỹ và văn hóa của chúng. Điều này có thể thấy rõ qua việc nhiều tượng đài quan trọng bị di dời hoặc lắp đặt ở những nơi không phù hợp.

Thứ ba, hạn chế về chất lượng nghệ thuật và công nghệ thi công: Phần lớn các công trình điêu khắc trước năm 1975 được xây dựng trong bối cảnh khẩn cấp, thiếu tính nghệ thuật và bền vững. Sau năm 1975, mặc dù các tác phẩm đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế về kỹ thuật thi công, đặc biệt là chất liệu xi măng và bê tông cốt sắt, chưa đáp ứng được yêu cầu về độ bền và thẩm mỹ.

 Thứ tư, thiếu nguồn nhân lực chuyên môn và kinh phí đầu tư: Nghệ thuật điêu khắc hoành tráng là một lĩnh vực đòi hỏi sự hiểu biết sâu về chất liệu, kỹ thuật cũng như tài năng nghệ thuật. Tuy nhiên, TP.HCM chưa có một hệ thống đào tạo chuyên sâu đủ mạnh để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Việc thực hiện một tác phẩm điêu khắc hoành tráng đòi hỏi sự kết hợp của nhiều hạng mục công trình và sự tham gia của nhiều đơn vị ngành nghề... Hơn nữa, thiếu kinh phí đầu tư vào các công trình nghệ thuật công cộng cũng là một nguyên nhân lớn làm cho các công trình hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô và chất lượng. Vì vậy, thiết nghĩ, cần có các giải pháp cụ thể và mạnh tay thực hiện để đạt được mục tiêu như các Nghị quyết đề ra.

3. Một số giải pháp kiến nghị nhằm phát triển hệ thống tượng đài điêu khắc hoành tráng ở TP.HCM

Để phát triển điêu khắc trong không gian công cộng tại TP.HCM, theo chúng tôi, rất cần các giải pháp như sau:

Một, các cơ quan quản lý nhà nước, thành phố cần hoàn thiện các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý về lĩnh vực về mỹ thuật nói chung và điêu khắc trong không gian công cộng của thành phố nói riêng để tạo điều kiện pháp lý cho các ban, ngành chuyên môn có cơ sở thực hiện; Sở VHTT thành phố cần phối hợp với các ngành mỹ thuật, kiến trúc để hoàn thiện bản đồ quy hoạch tổng thể các công trình, tác phẩm điêu khắc trong không gian văn hóa công cộng thành phố với sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ của giới điêu khắc, kiến trúc, quy hoạch và các ngành có liên quan.

Hai, các cơ sở đào tạo mỹ thuật nói chung mà cụ thể là trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM cần đổi mới chương trình giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ chuyên ngành điêu khắc nhằm có được một đội ngũ chuyên sâu về lĩnh vực điêu khắc hoành tráng để thực hiện các tác phẩm điêu khắc trong không gian môi trường văn hóa công cộng đô thị.

Ba, tạo mọi điều kiện để đầu tư, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới vào quá trình đào tạo và quy trình thi công, thực hiện các tác phẩm điêu khắc hoành tráng trong không gian văn hóa công cộng đô thị có chất lượng tốt hơn và đảm bảo về các giá trị nghệ thuật chuyên sâu từ các nhà thiết kế có trình độ. Cần quan tâm nhiều hơn việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức thẩm mỹ đối với mỹ thuật nói chung và điêu khắc hoành tráng trong không gian văn hóa công cộng đô thị nói riêng cho người dân, học sinh phổ thông… và các cấp lãnh đạo chuyên ngành ở các quận, huyện, phường, xã… Để từng bước có sự hòa hợp trong cách nhìn, cách đánh giá có trình độ thẩm mỹ của người sáng tạo nghệ thuật với người quản lý và người hưởng thụ nghệ thuật.

Bốn, các cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách pháp lý (mang tính bắt buộc) để tạo sự phối hợp đồng bộ giữa điêu khắc, kiến trúc, quy hoạch và các ngành có liên quan trong quá trình thực hiện công trình điêu khắc hoành tráng.

Năm, xây dựng các kế hoạch và biện pháp khoa học nhằm tạo nguồn các tác phẩm điêu khắc đảm bảo chất lượng để xây dựng - bài trí công trình tác phẩm trong không gian văn hóa công cộng thành phố... như tổ chức các cuộc thi, tổ chức trại sáng tác, triển lãm, tọa đàm, hội thảo về lĩnh vực điêu khắc hoành tráng…

Ngoài những khắc phục nhỏ, nghiên cứu đưa ra các giải pháp cấp thiết và kiến nghị để thành phố có được một không gian đúng nghĩa với không gian cộng đồng mang tính thẩm mỹ cao trong con mắt của Nhân dân cả nước và du khách quốc tế khi đến với một thành phố lớn của Việt Nam.

4. Kết luận

Các công trình nghệ thuật điêu khắc hoành tráng ở TP.HCM giai đoạn từ năm 1986 đến nay, đa số có sự đa dạng về thể loại, nội dung truyền tải được tư tưởng về các giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ và mang đến với công chúng những không gian cảnh quan đẹp, sinh động, tạo thành điểm vui chơi văn hóa, về nguồn, nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ; đồng thời, là điểm đến du lịch, tham quan của du khách trong nước, quốc tế. Tuy nhiên, tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hoành tráng ở TP.HCM hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế về nền tảng truyền thống của điêu khắc công cộng, về không gian tổng thể điêu khắc - kiến trúc, cảnh quan môi trường, về trình độ chuyên môn, nhân sự, cách tổ chức thực hiện, thậm chí còn nặng tính cổ động miêu tả, hạn chế về nội dung, phong cách tạo hình, trong nghiên cứu và sáng tạo, cũng như hạn chế về kinh tế và kỹ thuật thể hiện, đặc biệt, gần đây nhiều các tác phẩm tượng đài bị di chuyển, chuyển dịch chưa phù hợp với vị trí nên chưa tạo được “điểm nhấn” tổng quan của toàn thành phố, khiến cho việc phát triển càng về sau càng khó… Mặc dù vậy, nhưng nghệ thuật điêu khắc hoành tráng ở TP.HCM đã hoàn thành tốt sứ mạng lịch sử của mình trong nhiều năm qua với không ít các công trình đẹp, ấn tượng mang nét đặc trưng riêng vùng miền, có giá trị nghệ thuật đóng góp vào sự phát triển chung của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam và có những xu hướng biến chuyển tích cực… Vì vậy, đòi hỏi chúng ta, các ngành, các cấp và bản thân các nhà điêu khắc cùng chung tay góp sức để tìm ra các giải pháp mới hơn, phù hợp, đồng bộ với sự phát triển chung của xã hội hiện đại và sự phát triển của nền văn hóa công nghiệp để loại hình nghệ thuật điêu khắc hoành tráng ở TP.HCM cũng như không gian các đô thị, thành phố Việt Nam được phát triển xứng tầm quốc tế cho hôm nay và trong tương lai.

____________________

1. Nguyễn Xuân Tiên, Điêu khắc trong môi trường văn hóa đô thị ở Nam Bộ, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2015, tr.75.

2. Nguyễn Xuân Tiên, Điêu khắc trong không gian văn hóa công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Văn hóa học, 3 (31), 2017, tr.95-98.

3. Nguyễn Xuân Tiên, Điêu khắc hoành tráng Việt Nam thế kỷ XX - Thành tựu và vấn đề, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2009, tr.64.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng bộ TP.HCM, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hcmcpv.org.vn, 14-2-2023.

2. Kim Ngân, Đô thị Sài Gòn - TP.HCM, diện mạo đổi thay sau gần 50 năm, chinhphu.vn, 1-5-2024.

Ths NGUYỄN HỒNG DƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 584, tháng 10-2024

;