Nghĩ về con đường phát triển của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trong Chiến lược phát triển văn hóa

Nghệ sĩ Văn Hải thể hiện nhân vật Bác Hồ trong vở kịch Lá đơn thứ 72 - Ảnh: Sân khấu Lệ Ngọc

1. Đặt vấn đề

Ngày 12-11-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (sau đây gọi là Chiến lược). Trong Mục tiêu chung của Chiến lược, có thể chỉ ra những từ khóa rất quan trọng, vì chúng vừa thể hiện bối cảnh, xu thế của thời đại, đồng thời là mục tiêu mà Chiến lược hướng tới, là phương hướng hành động của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (VHNT) cho tới năm 2030 và xa hơn nữa. Đó là các cụm từ: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, “ngành công nghiệp văn hóa”, “cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “nguồn lực để phát triển văn hóa”... Đây là những yếu tố có tác động ở tầm vĩ mô đến sự phát triển của nước ta nói chung, của ngành VHNT dân tộc nói riêng trong nhiều năm tới.

Liên quan tới những yếu tố mang tính thời đại trên, hơn một thập niên qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách có tính chỉ đạo thiết thực đối với các bộ, ngành, các tổ chức thuộc lĩnh vực VHNT, nhằm định hướng, tạo cơ chế, khuyến khích sự sáng tạo của mọi bộ phận trong xã hội, của các tổ chức cũng như cá nhân người dân, hướng tới mục tiêu: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại...”, “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân...”, “Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...”, “Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người” (1). Mặc dù mới được phê duyệt và ban hành vào cuối năm 2021, nhưng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là kết quả của quá trình khảo sát, nghiên cứu bối cảnh lịch sử trên thế giới cũng như của Việt Nam hàng chục năm qua, trên cơ sở đánh giá mọi mặt đời sống thực tiễn của đất nước để xây dựng Chiến lược.

Dưới góc độ nghiên cứu sâu về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trong tầm nhìn của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, bài viết sẽ đánh giá những tác động của chính sách Nhà nước đối với các hoạt động của nghệ thuật biểu diễn, nhận diện các yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến xu hướng phát triển của lĩnh vực này hướng tới mục tiêu chung của Chiến lược.

2. Từ chính sách đến thực tiễn

Cách mạng công nghiệp 4.0 và nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam

Nhìn lại ba cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) trước, hai cuộc cách mạng đầu (CMCN đầu tiên - diễn ra từ cuối TK XVIII đến nửa đầu TK XIX, sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất; cuộc CMCN thứ hai, diễn ra từ nửa sau TK XIX đến đầu TK XX, ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt) hầu như không có mối quan hệ hay tác động trực tiếp nào đến lĩnh vực VHNT (mặc dù trong lĩnh vực thương mại thế giới thì không phải vậy: theo Piyachart Isarabhakdee, cuộc CMCN lần thứ hai diễn ra tương ứng với thời đại Marketing 1.0 (2). Nhưng đến cuộc CMCN lần thứ ba (khoảng từ 1969 đến cuối TK XX), với những phát minh đột phá của công nghệ kỹ thuật số (máy tính, internet, mạng xã hội...), tác động của cuộc CMCN này thực sự bao trùm lên toàn bộ mọi lĩnh vực và mọi hoạt động xã hội. Riêng đối với lĩnh vực VHNT, CMCN lần thứ ba đã có những tác động trực tiếp, mang đến nhiều điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nghệ thuật phát triển, về chất lượng nghệ thuật lẫn về phương thức quản lý, quản trị bộ máy tổ chức.

Cảnh trong vở chèo Nguyễn Đình Nghị - Ảnh: tác giả cung cấp

Ở Việt Nam, đối với lĩnh vực VHNT hiện nay, cuộc CMCN 4.0 là một phạm trù khá mới mẻ. Do đặc thù của từng loại hình nghệ thuật nên ở mỗi loại hình có sự tiếp nhận khác nhau đối với cuộc “Cách mạng công nghệ số” này. Nếu như âm nhạc là bộ môn nghệ thuật được hưởng lợi đầu tiên và nhiều nhất các thành quả của công nghệ số, tiếp đến là nghệ thuật điện ảnh, thì ngành Sân khấu ứng dụng này còn bị hạn chế. Tuy nhiên, xét về mặt giá trị tinh thần, sân khấu là một trong những loại hình nghệ thuật có tác động xã hội rộng lớn và mạnh mẽ; xét về giá trị kinh tế, sân khấu là một ngành trong công nghiệp văn hóa (CNVH). Vì thế, cũng như mọi lĩnh vực đời sống, ngành Sân khấu không thể đứng ngoài xu thế tất yếu của nhân loại đang đón nhận sự phát triển đột phá của cuộc số “Cách mạng công nghiệp số”.

Một câu hỏi được đặt ra: Nghệ thuật Biểu diễn Việt Nam đang đứng ở đâu về mặt ứng dụng khoa học công nghệ?

Thật ra, ở Việt Nam, nếu bàn về vấn đề này mà nói tới các đoàn nghệ thuật ở các địa phương có lẽ là câu chuyện xa xỉ. Nhưng nếu chỉ nói về các đơn vị nghệ thuật lớn, tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM thì e rằng cũng chưa có gì nhiều để bàn. Cho đến nay, trong các nhà hát, việc sử dụng máy vi tính chỉ dừng lại ở mức độ lưu giữ các thông tin cơ bản của đơn vị, phục vụ chủ yếu cho công việc của bộ phận kế toán, tài chính. Một số nhà hát có xây dựng trang web để quảng bá cho nhà hát và các chương trình nghệ thuật. Mạng Internet có tác dụng kết nối, liên lạc thông qua thư điện tử... Mươi năm trở lại đây, một số nhà hát có kinh phí đã tổ chức thu âm, ghi hình, làm băng đĩa (số hóa) để lưu giữ những vở diễn, trích đoạn tiêu biểu (Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Đào Tấn...).

Sau khi Nhà nước có chủ trương để các nhà hát từng bước tự chủ về tài chính và tổ chức, khuyến khích mở rộng hợp tác quốc tế, một số ít nhà hát đã tỏ ra năng động và nhanh nhạy, sớm thích ứng với cơ chế mới. Nổi bật có Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam... Trong quá trình từng bước khắc phục khó khăn, tìm lối đi mới của các nhà hát, công nghệ thông tin đã giúp ích cho họ rất nhiều để vươn ra thế giới. Nhưng hầu hết các nhà hát chưa đầu tư cho việc tìm hiểu, nghiên cứu khán giả, cũng như chưa thực hiện các cuộc điều tra xã hội học để tìm hiểu thị trường khán giả, cho nên không thể có được dữ liệu thông tin của riêng mình. Nguyên nhân chủ yếu do hạn chế về nguồn lực, trong đó có hạn chế về mặt tư duy, chưa bắt kịp với sự phát triển thần tốc của khoa học công nghệ ở TK XXI.

Chiến lược phát triển CNVH

CNVH theo định nghĩa của UNESCO là: “Các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và khai thác các nội dung có bản chất phi vật thể và văn hóa. Các nội dung này thường được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới dạng các sản phẩm hay dịch vụ” (3). Ngành công nghiệp sáng tạo, được hình thành từ sự kết hợp của sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa và thường được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ.

Tại Việt Nam, các ngành CNVH bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật Biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa.

Ngày 8-9-2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đảng và Nhà nước ta xác định CNVH là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế tri thức, góp phần quảng bá, bảo vệ, phát triển bản sắc dân tộc, đồng thời đang có chủ trương đẩy mạnh phát triển các ngành CNVH.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24-11-2021 tại Hà Nội đã thể hiện sự quan tâm ngày càng cao đến phát triển văn hóa của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc trong đó có việc “khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”.

Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 đề ra chỉ tiêu cụ thể: đến 2030 doanh thu từ 12 ngành CNVH chiếm 7% GDP. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, con số này là thách thức lớn trong bối cảnh ở Việt Nam chưa thực sự hiện hữu ngành CNVH với đúng nghĩa của nó, đó là cả một quy trình kết nối và liên kết nhiều công đoạn, được khởi đầu từ khâu sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, đến sản xuất và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng, từ đó tạo ra nguồn doanh thu cho các chủ thể trong quy trình đó và đem lại lợi ích kinh tế cho quốc dân.

Trở ngại lớn nhất hiện nay đối với sự phát triển các ngành CNVH sáng tạo ở Việt Nam chính là sự thiếu đồng bộ trong chính sách và thiếu sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành, vì trên thực tế, dù là cơ quan đầu mối nhưng Bộ VHTTDL chỉ chịu trách nhiệm 5 ngành CNVH, các ngành còn lại nằm rải rác ở các bộ, ngành khác.

Xét riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, ngành Điện ảnh có ưu thế hơn cả với tư cách là một ngành CNVH có thể đạt được những lợi ích kinh tế lớn. Trong khi đó, do đặc thù loại hình, nghệ thuật biểu diễn cho tới thời điểm hiện tại vẫn đang phải xoay xở để nuôi sống nghệ sĩ và cố gắng duy trì hoạt động nghề một cách thường xuyên, có lẽ chưa dám ước mơ tới con số 31 triệu USD doanh thu để đóng góp vào mục tiêu chung 7% GDP của cả lĩnh vực CNVH vào năm 2030?

Chính sách xã hội hóa hoạt động VHNT

Năm 1997 là thời điểm lần đầu tiên Chính phủ ban hành văn bản chính thức về xã hội hóa (XHH) hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, đó là Nghị quyết 90-CP, ban hành ngày 21-8-1997. Đến nay đã có hàng chục Nghị định, Nghị quyết lớn của Nhà nước trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành và toàn dân thực hiện XHH các hoạt động thuộc ba lĩnh vực thiết yếu của đời sống nhân dân.

Nghị quyết 90/CP nêu rõ: “Xã hội hóa là xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, phát triển rộng rãi các hình thức hoạt động do các tập thể hoặc các cá nhân tiến hành trong khuôn khổ chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Xã hội hóa là mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội, là giải pháp quan trọng để thực hiện chính sách công bằng xã hội; “Xã hội hóa không có nghĩa là giảm nhẹ trách nhiệm của Nhà nước, giảm bớt phần ngân sách Nhà nước; trái lại, Nhà nước thường xuyên tìm thêm các nguồn thu để tăng tỷ lệ ngân sách chi cho các hoạt động này, đồng thời quản lý tốt để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí đó” (4).

Nghị quyết số 90/CP có mục nói về xã hội hóa (XHH) hoạt động nghệ thuật biểu diễn như sau: “Sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật được ngân sách Nhà nước tài trợ theo hướng: ở trung ương tập trung xây dựng các đoàn nghệ thuật tiêu biểu (như tuồng, chèo, cải lương, xiếc, kịch nói, ca múa nhạc dân tộc, giao hưởng, ba lê, múa rối...); ở địa phương chỉ duy trì những đơn vị tiêu biểu cho truyền thống nghệ thuật của địa phương. Cho phép một số đoàn nghệ thuật mang tính gia đình, tư nhân hoặc tập thể được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, có sự quản lý của Nhà nước về nội dung và chất lượng nghệ thuật” (6).

Trước những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các nhà quản lý, các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa đều nhận thức rằng chủ trương XHH hoạt động văn hóa là bước đi tất yếu, là sự cần thiết trong công cuộc đổi mới của đất nước và thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Những năm cuối TK XX và đầu TK XXI, đời sống sân khấu ở TP.HCM trở nên sôi động với sự đua nở của các đơn vị sân khấu XHH. Tuy là những sân khấu ngoài công lập, nhưng đây lại là lực lượng sân khấu chủ đạo trong đời sống sân khấu ở TP.HCM, đóng góp không nhỏ vào đời sống tinh thần của người dân thành phố một thời gian dài. Sự cởi mở hơn trong chính sách quản lý của Nhà nước đem lại niềm hứng khởi sáng tạo cho giới nghệ sĩ, từ đó niềm say mê nghệ thuật sân khấu của công chúng cũng được thỏa mãn.

Tuy nhiên, mấy năm gần đây, các đơn vị sân khấu kịch XHH ở TP.HCM lại gặp nhiều khó khăn, cũng lâm vào tình trạng thiếu vắng khán giả như sân khấu miền Bắc. Qua vài thập niên hoạt động, sân khấu XHH đã bộc lộ nhiều điều bất cập và đặt ra một số vấn đề đáng để các nhà quản lý và các nghệ sĩ suy nghĩ, rút kinh nghiệm.

Ở miền Bắc, hoạt động XHH chủ yếu là những hoạt động mang tính thời vụ, đơn lẻ trong các nhà hát công lập, nguồn kinh phí chủ yếu vẫn là ngân sách được cấp hằng năm. Đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, chỉ dăm ba câu lạc bộ, nhóm hoạt động không thường xuyên. Cả miền Bắc chỉ có duy nhất một đơn vị nghệ thuật tư nhân là Sân khấu Lệ Ngọc hoạt động rất hiệu quả. Hoàn toàn tự lực cánh sinh, mới có 6 năm hoạt động, trung bình mỗi năm Sân khấu Lệ Ngọc cho ra mắt công chúng 3-4 vở mới với đủ các thể loại và dàn kịch mục rất phong phú. Vở diễn nào của Sân khấu Lệ Ngọc cũng được đông đảo khán giả đến xem, có nhiều vở diễn hàng trăm buổi mà vẫn hút khách. Sân khấu Lệ Ngọc hoạt động hiệu quả là niềm ước mơ của nhiều nhà hát công lập.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hoạt động XHH trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hơn 20 năm qua (từ khi Nhà nước ban hành chính sách XHH), cần thẳng thắn thừa nhận rằng kết quả chưa được như mong đợi, con đường XHH còn rất nhiều khó khăn, trở ngại, bởi còn thiếu một cơ chế quản lý nhà nước đồng bộ và những chính sách khuyến khích tài trợ cho nghệ thuật.

Chính sách tự chủ tài chính và tổ chức bộ máy

Một trong những vấn đề chủ chốt của chính sách XHH hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đó là cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập, theo tinh thần Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Sau khi Nghị định 43 được ban ra, phản ứng của các nhà quản lý đơn vị nghệ thuật biểu diễn, các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu VHNT có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, ý kiến cũng khác nhau. Có người háo hức với những chủ trương đổi mới, nhìn thấy những cơ hội được tự chủ về thu - chi, được chủ động trong kế hoạch xây dựng chương trình và biểu diễn... Nhưng cũng không ít các lãnh đạo đơn vị nghệ thuật cảm thấy hụt hẫng với chủ trương này, từ nhận thức cho đến cung cách làm việc của cơ chế bao cấp kéo dài trong hơn bốn chục năm (tính từ 1945) đã ăn sâu vào máu của toàn bộ hệ thống quản lý, cho nên khi có sự thay đổi thì họ cảm thấy chống chếnh, mất tự tin (6).

Thực tiễn hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở cả hai miền Nam, Bắc mấy chục năm qua cho thấy có một nghịch cảnh: Một mặt, ai cũng nhận thức được rằng XHH hoạt động VHNT là bước đi phù hợp với quy luật phát triển của đất nước trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế, phù hợp với cơ chế của nền kinh tế thị trường... Mặt khác, ai cũng phải thừa nhận rằng hơn hai chục năm trôi qua, chủ trương XHH hoạt động VHNT vẫn chưa được thực hiện một cách rộng khắp và chưa thực sự mang lại hiệu quả cao, nhất là các đơn vị nghệ thuật công lập miền Bắc vẫn rất dè dặt, e ngại trước cánh cửa XHH... Theo chúng tôi, vấn đề có lẽ bắt đầu từ chính sách, từ cơ chế mà chính sách đã tạo ra - một cơ chế thoạt nhìn có vẻ thông thoáng, cởi mở hơn nhiều so với thời bao cấp, nhưng qua cọ xát với thực tiễn mới thấy còn nhiều điều bất cập, vướng mắc.

Trước hết, bất cập ở môi trường pháp lý: Chủ trương Nhà nước cắt giảm ngân sách, để các đơn vị nghệ thuật chủ động về tài chính là chủ trương cần phải làm. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, Nhà nước cần phải có một loạt chính sách khác để tạo ra môi trường pháp lý giúp cho các đơn vị nghệ thuật có thể tồn tại và hoạt động được. Một trong những chính sách có liên quan trực tiếp đến vấn đề này là chính sách giảm hoặc miễn thuế đối với các khoản tài trợ cho hoạt động VHNT. Tuy nhiên, cho đến nay, Nhà nước ta chưa có chủ trương này, nên các đơn vị nghệ thuật nếu có nhận được tài trợ từ các tổ chức kinh tế thì cũng chỉ là những khoản ít ỏi, không ổn định.

Thứ hai, vướng mắc ở chính sách sử dụng nhân lực trong các đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Tất cả lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật công lập cho biết, họ đều phải đối mặt với một vấn đề rất nan giải: giải quyết thế nào lực lượng nghệ sĩ đã lớn tuổi, không còn khả năng biểu diễn nhưng chưa đến tuổi về hưu? Đây là “di sản” của cơ chế bao cấp để lại, do chúng ta quản lý nghệ sĩ như là công chức, đúng tuổi quy định của Nhà nước (nam: 60 tuổi, nữ: 55 tuổi) thì mới nghỉ hưu.

Hiện nay, số nghệ sĩ lớn tuổi không biểu diễn được nữa, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu ở nhiều đơn vị nghệ thuật công lập chiếm khoảng trên dưới 20%. Điều này có nghĩa là các lớp diễn viên trẻ được đào tạo bài bản, mới ra trường, nhiều người tài năng, nhưng không có chỗ để vào các đơn vị nghệ thuật công lập, hoặc họ chỉ là các “nhân viên” hợp đồng, với đồng lương ít ỏi và một vị trí làm việc không ổn định. Những người “đứng mũi chịu sào” của nhiều đơn vị nghệ thuật công lập cho rằng: Nhà nước cần có một khoản ngân sách để giải quyết cho lực lượng nghệ sĩ “dôi dư” ở các đơn vị nghệ thuật công lập được nghỉ với chính sách thỏa đáng, xứng đáng với những năm tháng cống hiến của họ, nhưng cần giải quyết càng sớm càng tốt, thì mới tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị khi chuyển sang tự chủ hoàn toàn được.

3. Thay lời kết

Để thực hiện XHH hoạt động nghệ thuật biểu diễn đạt kết quả, để ngành Nghệ thuật biểu diễn có thể trở thành một ngành CNVH mang lại lợi ích kinh tế cao thì cần thõa mãn ba yếu tố hàng đầu là: đồng bộ về chính sách, chủ động về nhân lực, tự chủ về tài chính. Ba yếu tố thiết yếu và có quan hệ mật thiết, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Nếu cả ba yếu tố này thuận lợi thì các tổ chức có thể hoạt động và phát triển, còn nếu một trong ba yếu tố yếu kém thì hoạt động của tổ chức sẽ bị trục trặc.

____________________

1. Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12-11-2021 Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

2. Piyachart Isarabhakdee, Branding 4.0 (Linh Vũ dịch), Nxb Lao động, Hà Nội, 2017, tr.33-38.

3. UNESCO, Các ngành Công nghiệp văn hóa - Tâm điểm của văn hóa trong tương lai, portal.unesco.org.

4, 5. Nghị quyết 90/CP ngày 21-8-1997 Về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa.

6. Lê Thị Hoài Phương, Tự chủ tài chính - một bước trên lộ trình xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập, Tạp chí Văn hóa học, số 2 (18), 2015, tr.82-87.

GS, TS LÊ THỊ HOÀI PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;