Sân khấu Việt Nam: Thực trạng và con đường trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” (1). Định hướng này đã đặt ra yêu cầu văn hóa Việt Nam nói chung và sân khấu Việt Nam nói riêng phải có sự chuyển hóa mới về nhận thức khi được coi là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự đi lên của đất nước. Tuy nhiên, sân khấu Việt Nam hiện nay, sau 36 năm đổi mới và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, bên cạnh những thành công, còn chứa đựng trong mình nhiều vấn đề trăn trở. Điều này đã đặt ra thách thức to lớn đối với các nhà quản lý, nghệ sĩ với câu hỏi: Làm thế nào để sân khấu Việt Nam, trong thực thể văn hóa Việt Nam, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước?

Cảnh trong vở Người đi tìm minh chủ, Nhà hát Cải lương Việt Nam - Nguồn: Tác giả cung cấp

1. Thành tựu của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23

Thứ nhất, đội ngũ nghệ sĩ không ngừng được phát triển và có nhiều đóng góp, cống hiến cho ngành Sân khấu Việt Nam. Điều này được thể hiện bởi sự tham gia đông đảo của nghệ sĩ ở tất cả các thể loại tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca, kịch nói, múa rối… thuộc Trung ương và địa phương trên phạm vi cả nước; ở các lĩnh vực sáng tạo: kịch bản, đạo diễn, diễn viên, thiết kế mỹ thuật, biên đạo múa, kỹ thuật âm thanh, kỹ thuật ánh sáng… và cả lý luận, phê bình.

Thứ hai, nghệ thuật sân khấu Việt Nam, đã có sự đa dạng về xu hướng nghệ thuật. Những xu hướng này được thể hiện thông qua các tác phẩm nghệ thuật mới, bám sát nhiệm vụ phục vụ chính trị; chú trọng bảo vệ, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc; chủ động tiếp nhận những cái hay, cái đẹp của văn hóa, nghệ thuật thế giới trong nghệ thuật biên kịch, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ, giúp cho trình độ của người nghệ sĩ được nâng cao hơn hẳn về chất và là đòn bẩy dẫn đến sự ra đời của nhiều tác phẩm có sức hấp dẫn khán giả.

Thứ ba, nghệ thuật sân khấu Việt Nam là một trong những loại hình nghệ thuật tiên phong trong việc phản ánh hiện thực xã hội, xây dựng con người Việt Nam mới. Với việc dũng cảm, mạnh mẽ khi đi thẳng vào những vấn đề nhức nhối trong xã hội, phê phán trực diện những cái xấu, cái ác, cái tiêu cực, bảo vệ công bằng, lẽ phải, cái tốt, cái thiện ở đời…, sân khấu Việt Nam đã thể hiện sâu sắc tinh thần “văn dĩ tải đạo” trong nền văn hóa cách mạng với sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”.

Thứ tư, sân khấu Việt Nam, đã dần đẩy mạnh hơn hoạt động tự chủ. Điều này thể hiện thông qua việc đa dạng hơn về đề tài phản ánh, nội dung phản ánh, chương trình và phương thức biểu diễn. Chính sự tự chủ này đã giúp các đoàn, nhà hát đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của nhiều đối tượng khán giả.

Thứ năm, sân khấu Việt Nam ngày càng đẩy mạnh giao lưu và hợp tác quốc tế. Qua đó, tinh hoa sân khấu dân tộc từ truyền thống đến hiện đại được khẳng định và quảng bá với thế giới, qua đó thế giới hiểu hơn về những giá trị của di sản nghệ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ Việt Nam còn có điều kiện được tiếp thu kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ quốc tế, từ đó xây dựng nên những tác phẩm mới vừa dân tộc, vừa hiện đại, phù hợp với xã hội đương đại.

Những thành tựu nói trên có được là nhờ 4 yếu tố cơ bản sau: Nghệ thuật sân khấu Việt Nam được định hướng thông qua các chủ trương, đường lối về văn hóa, văn nghệ của Đảng; Thông qua các hoạt động quản lý, Nhà nước đã không ngừng điều chỉnh sự phát triển của nghệ thuật sân khấu Việt Nam trên cơ sở ban hành hệ thống văn bản quy phạm có giá trị pháp lý cao, đáp ứng tình hình thực tiễn; Nghệ thuật sân khấu Việt Nam vẫn tiếp tục được Nhà nước bảo trợ ở những mức độ khác nhau, nhờ đó, nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu truyền thống được gìn giữ và phát triển, bảo tồn và phát huy, nhiều giá trị văn hóa mới, tiến bộ đã được xác lập, củng cố; Tác động của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế: sự phát triển của công nghệ số đã khiến nghệ thuật sân khấu phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với internet, truyền hình; với các loại hình nghệ thuật khác, đòi hỏi sân khấu Việt Nam phải đổi mới về mọi mặt.

2. Một số vấn đề đặt ra của sân khấu Việt Nam sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 23

Thứ nhất, nguồn nhân lực thừa về số lượng, thiếu về chất lượng. Theo thống kê, Việt Nam hiện nay có khoảng 51/63 tỉnh thành với Trung ương có đơn vị biểu diễn nghệ thuật sân khấu công lập ở các thể loại: tuồng, chèo, cải lương, múa rối, kịch nói, kịch dân ca Chăm, kịch dân ca ví giặm, kịch dân ca bài chòi, dù kê, rô băm. Trên cơ sở đó, số lượng nhân lực của nghệ thuật sân khấu Việt Nam lên tới hơn 3.000 người. Tuy nhiên, số lượng nhân lực chất lượng cao, có tài năng lại hiếm hoi. Nhiều năm trở lại đây, sân khấu chưa có một kịch bản văn học nào gây tiếng vang trong dư luận và đa phần được sáng tác theo thể tài cũ, không phù hợp với đương đại. Các đạo diễn chủ chốt vẫn còn chịu ảnh hưởng của phương pháp dàn dựng cũ của thế hệ đi trước, thiếu những đột phá.

Thứ hai, các thành phần sáng tạo phát triển không đồng đều. Điều này thể hiện ở sự chênh lệch về số lượng giữa đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa, nhân viên kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và nghiên cứu, lý luận, phê bình sân khấu. Đội ngũ diễn viên chiếm số lượng đông đảo nhất (khoảng 90%), trong khi đó, các thành phần khác lại đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa, trong cơ cấu tổ chức của tất cả các đơn vị biểu diễn nghệ thuật sân khấu thuộc Trung ương và 51 tỉnh, thành đều không có đủ các thành phần nói trên. Thậm chí, nhiều đơn vị chỉ có lực lượng diễn viên và nhân viên kỹ thuật âm thanh, ánh sáng. Điều này làm cho phần lớn các đơn vị thiếu (thậm chí là không có) kịch bản, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa, công trình nghiên cứu của riêng mình và dành riêng cho mỗi thể loại sân khấu; các thể loại sân khấu kịch hát dân tộc đứng trước nguy cơ không có người viết; thiếu những bài viết, công trình nghiên cứu lý luận chất lượng cao.

Thứ ba, thiếu vở diễn có chất lượng cao, phản ánh hơi thở của thời đại mới. Cuộc sống hiện thực đang thay đổi từng ngày, nhưng sân khấu vẫn “chìm đắm” trong quá khứ. Dẫu biết rằng, đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, huyền thoại… cũng quan trọng. Tuy nhiên, khán giả vẫn cần đến những vở diễn phản ánh trực tiếp cuộc sống của chính họ trên sân khấu và việc đi vào đề tài hiện đại cũng là cách để làm mới sân khấu, thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ. Hơn nữa, sân khấu chưa tìm được cho mình thể tài mới phù hợp để phản ánh hiệu quả hiện thực mới, con người mới, làm cho các vở diễn chật hẹp trong hình thức nghệ thuật cũ.

Thứ tư, có xu hướng bị nghiệp dư hóa và thu hẹp phạm vi hoạt động. Bằng chứng là nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp ở các địa phương hoặc bị giải thể; hoặc bị sáp nhập vào các trung tâm văn hóa của tỉnh - vốn là nơi hoạt động của phong trào văn nghệ quần chúng; hoặc bị sáp nhập các thể loại sân khấu vào chung một đơn vị. Điều này khiến cho các đơn vị bị rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, không có doanh thu và việc sáp nhập mới chỉ thể hiện trên phương diện hành chính, là “phép cộng cơ học”, gây ra xáo trộn về nhân sự, bất ổn về tâm lý nghệ sĩ, nhiều địa phương không còn đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp độc lập, hoạt động dần bị nghiệp dư hóa và riêng thể loại kịch nói có nguy cơ bị xóa sổ.

Thứ năm, công tác bảo tồn bị coi nhẹ. Hiện nay, trong kịch mục của đa số các đơn vị biểu diễn nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc, đã vắng bóng dần những tích cổ truyền thống. Nhiều đơn vị không diễn được trọn một vở, mà chỉ còn có thể diễn được một số trích đoạn cổ. Bên cạnh đó, phần lớn diễn viên trẻ nắm được các làn điệu cổ đặc trưng của thể loại ngày càng hiếm hoi, dẫn đến số lượng lớn làn điệu cổ ngày càng có nguy cơ mai một. Điều này dẫn đến tình trạng hoạt động bảo tồn sân khấu truyền thống ở các đơn vị chỉ còn là việc sử dụng âm nhạc, làn điệu đa dùng và một số trích đoạn cổ trong hoạt động biểu diễn, dàn dựng tiết mục mới.

Thứ sáu, cơ sở vật chất của các đoàn, nhà hát phần lớn nghèo nàn, lạc hậu. Mặc dù có nhiều rạp hát, nhà hát, nhưng Việt Nam vẫn chưa có một nơi nào là trung tâm trình diễn nghệ thuật đa năng đạt tiêu chuẩn và tầm cỡ khu vực lẫn thế giới. Nhiều trụ sở làm việc, phòng tập, rạp hát, nhà hát bị xuống cấp trầm trọng, trang thiết bị cũ kỹ. Ở một số địa phương có xây dựng rạp hát cho các đoàn biểu diễn, nhưng lại cách xa khu đông dân cư và việc xây dựng mới chỉ chú ý đến vấn đề tìm và xây dựng được một địa điểm để tạo chỗ trú chân cho đơn vị biểu diễn, mà chưa tính đến những điều kiện thích hợp để phát huy tối đa các thiết chế với tư cách là các trung tâm trình diễn nghệ thuật.

Thứ bảy, yếu kém về sức cạnh tranh trên thị trường nghệ thuật. Như đã nói ở trên, việc thiếu các tài năng trẻ - ngôi sao; thiếu lực lượng sáng tác, dàn dựng riêng cho loại thể; sa đà dựng vở cũ; thiếu những sáng tạo mới; thiếu quảng bá, marketing; nhiều khán giả trẻ không hiểu, không thích…, đã làm nghệ thuật sân khấu Việt Nam ngày càng khủng hoảng thiếu người xem và từ đó lúng túng, gian nan trong cuộc chiến cạnh tranh với các loại hình giải trí khác trên thị trường công nghiệp văn hóa.

Có 4 nguồn nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng trên:

Thứ nhất, từ phía nghệ sĩ: Điều không thể phủ nhận, các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam còn chậm đổi mới tư duy sáng tạo để theo kịp với sự phát triển của thời đại. Bước sang giai đoạn mới, gắn liền với hiện thực mới của đất nước và thế giới, nhiều nghệ sĩ vẫn mang trong mình quan niệm thẩm mỹ cũ, hình thức cũ, không chuyển tải được nội dung mới, không thể hiện được tinh thần của thời đại. Điều này dẫn đến hệ quả: sân khấu ngày càng xa rời cuộc sống và đánh mất khán giả.

Bên cạnh đó, không ít nghệ sĩ trẻ mặc dù đã được đào tạo chính quy từ nhà trường, nhưng bị rơi vào tình trạng yếu kém cả về trình độ chuyên môn lẫn kiến thức chính trị, văn hóa, xã hội. Họ ít dành thời gian để học tập, rèn giũa chuyên môn; mơ hồ và không quan tâm đến chính trị, văn hóa, xã hội trong nước và quốc tế; không tích cực chủ động trong việc cập nhật, tiếp thu những xu hướng nghệ thuật mới trên thế giới. Vì vậy, họ cho ra mắt khán giả những hình tượng thiếu chân thực và sâu sắc, không đạt hiệu quả cao.

Thứ hai, từ phía nhà quản lý: Hiện nay, sân khấu Việt Nam, ngoại trừ các đoàn tư nhân, còn lại cơ bản vẫn tồn tại mô hình quan hệ sản xuất từ thời kỳ bao cấp. Điều này thể hiện ở ba mặt: chế độ sở hữu (sở hữu xã hội - các đoàn, nhà hát là các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước), chế độ quản lý (kế hoạch, bao cấp - Nhà nước cấp tiền dựng vở, duyệt phương hướng, kế hoạch, biên chế, tăng lương...), chế độ phân phối (theo lao động - tất cả đều bình đẳng như nhau và các nghệ sĩ đều là viên chức làm công ăn lương). Cách thức quản lí hành chính này đã không kích thích được sự phát triển của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị nghệ thuật, ở nhiều nơi tạo nên sự dựa dẫm, ỷ lại.

Thứ ba, từ phía khán giả: Sân khấu không thể thiếu khán giả. Khán giả là một trong những bộ phận cấu thành và có ý nghĩa quyết định đối với sự sống còn của nghệ thuật sân khấu. Bư­ ớc sang cơ chế thị tr­ ường, khán giả sân khấu bị phân hóa sâu sắc về vùng miền, giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, điều kiện kinh tế, thời gian rỗi…; đồng thời nhiều khán giả trẻ ngày càng thờ ơ, quay lưng với nghệ thuật sân khấu.

Thứ tư, từ phía hệ thống chính sách: Mức lương và các chế độ phụ cấp cho việc luyện tập và biểu diễn tuy đã được nâng lên, nhưng vẫn còn thấp kém, không có tác dụng lớn để thu hút, lôi cuốn những người có tài năng đi theo nghề; không kích thích, động viên người nghệ sĩ toàn tâm, toàn ý cho công việc sáng tạo nghệ thuật. Mức lương thấp đi kèm với chế độ cào bằng, biểu diễn thì vắng khán giả, doanh thu ít đã làm cho đời sống của người nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn.

Chế độ tinh giản biên chế không phù hợp với ngành Sân khấu vốn mang tính đặc thù. Nghệ sĩ sân khấu dưới 25 là độ tuổi đỉnh cao về thanh, sắc; từ 25-35 là giai đoạn tài năng ở độ chín; từ trên 35-45 là giai đoạn xế chiều. Trong khi đó, theo quy định hiện hành của Nhà nước, đối tượng tinh giản biên chế phải đủ 55-58 tuổi hoặc trên 58 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, đủ 50-53 tuổi hoặc trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên. Chưa kể việc thi tuyển biên chế diễn viên thời gian qua bị ngừng lại, không bổ sung thêm chỉ tiêu, các đơn vị muốn tuyển dụng nghệ sĩ trẻ thì phải tự chi trả bằng kinh phí của đơn vị vốn từ doanh thu vô cùng thấp. Điều này khiến nhiều nghệ sĩ trẻ bỏ đoàn/ nhà hát, bỏ nghề.

Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập với chủ trương “sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập (…). Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ giữ lại một đoàn nghệ thuật công lập truyền thống tiêu biểu của địa phương. Đối với các đơn vị nghệ thuật khác chuyển sang hình thức ngoài công lập. Hợp nhất trung tâm văn hóa và đoàn nghệ thuật cấp tỉnh thành một đầu mối” (2) được triển khai trong thực tế chưa phù hợp, đã dẫn đến tình trạng: cùng thực hiện chủ trương, chính sách, nhưng các địa phương lại có cách thực hiện khác nhau, gây ra những xáo trộn về nhân sự; bất ổn về tâm lý nghệ sĩ; nghệ sĩ nhiều tuổi, không còn thanh sắc, nhưng còn trong biên chế thì ở lại; nghệ sĩ trẻ tài năng nhưng chỉ có hợp đồng ngắn hạn thì ra đi; nhiều tỉnh, thành phố không còn đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp độc lập, hoạt động dần bị “nghiệp dư hóa”, từ đó mất mát, tổn thất lớn đội ngũ kế cận vốn rất khó để tìm và đào tạo.

Cảnh trong vở Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam - Nguồn: Tác giả cung cấp

Các đơn vị biểu diễn nghệ thuật sân khấu công lập được Nhà nước bao cấp thì phục vụ chính trị là nhiệm vụ chủ yếu. Tuy nhiên, trên thực tế, các đơn vị nghệ thuật sân khấu nặng gánh thực hiện chồng chéo nhiều nhiệm vụ khác nữa: vừa phải đảm đương trách nhiệm xã hội trong việc nhận thức, khám phá, “giải phẫu” hiện thực đời sống; vừa phải lo bảo tồn và phát huy di sản truyền thống; vừa phải lo tự chủ, làm kinh tế để giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước và đảm bảo đời sống hằng ngày. Điều này đầy mâu thuẫn vì kinh phí của Nhà nước được đầu tư chỉ tập trung vào dàn dựng chương trình, vở diễn mới phục vụ chính trị, chứ không có kinh phí cho đào tạo, bảo tồn hay quảng cáo, marketing. Cho nên, sự chồng chéo, mâu thuẫn này đã làm các nghệ sĩ lúng túng.

3. Phương hướng để nghệ thuật sân khấu trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước

Nghệ thuật sân khấu là một trong những thành tố của văn hóa, mà văn hóa lại là một trong những nguồn lực của sức mạnh nội sinh. Sức mạnh nội sinh của sân khấu Việt Nam được nhận biết từ giá trị của các tác phẩm, cũng như khả năng tác động, ảnh hưởng của chúng đối với con người và xã hội, cá nhân và cộng đồng, theo hệ giá trị phổ quát chân - thiện - mỹ. Những giá trị đó là tinh hoa văn hóa dân tộc, kết tinh trí tuệ sáng tạo nghệ thuật của nhiều người, nhiều thế hệ; phản ánh truyền thống của dân tộc thể hiện qua điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh sống, phong tục, tập quán, qua ca - múa - nhạc - diễn và hình tượng nghệ thuật mang đậm hồn Việt… Nghệ thuật sân khấu, xuyên thấm vào trong nền văn hóa dân tộc, hòa cùng chính trị, kinh tế, xã hội... tạo nên sức mạnh tổng hợp - sức mạnh nội sinh của quốc gia trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở đó, để trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng, sân khấu Việt Nam cần chú ý đến 3 phương hướng sau:

Thứ nhất, sân khấu Việt Nam phải tự đổi mới cho phù hợp với thời đại. Bư­ ớc sang kỷ nguyên mới, hiện thực mới, vấn đề mới đi kèm với chuẩn mực giá trị mới đã làm cho những thể tài cũ không còn phù hợp. Do đó, các nghệ sĩ phải tìm đ­ ược những hình thức nghệ thuật mới, sáng tác kịch bản đa dạng, sinh động trong việc phản ánh hiện thực đ­ ương đại; cách dàn dựng sáng tạo, theo kịp xu hướng phát triển của thời đại và nhu cầu của khán giả. Phương thức hoạt động nhằm tiếp cận khán giả cũng đòi hỏi sân khấu Việt Nam phải thay đổi để cạnh tranh, tự chủ được trên thị trường.

Thứ hai, sân khấu Việt Nam phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để làm được điều đó, nguồn nhân lực sân khấu Việt Nam cần phải không ngừng phát huy tài năng, nâng cao về chất lượng. Một đơn vị nghệ thuật mà thiếu tài năng, thiếu những ph­ ương thức sáng tạo nghệ thuật mới thì đơn vị đó sẽ khó có thể phát triển và tạo ra những tác phẩm thực sự có chất lư­ ợng, đáp ứng yêu cầu của công chúng. Bởi vậy, việc tuyển lựa, đào tạo, phát huy tài năng, nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất nghệ thuật - nghệ sĩ là vô cùng quan trọng đối với sự sinh tồn của các đơn vị nghệ thuật sân khấu.

Cùng với tài năng, nguồn nhân lực sân khấu còn phải có bản lĩnh vững vàng, am hiểu giá trị văn hóa dân tộc không ngừng học hỏi, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của dân tộc khác; vận dụng sáng tạo trong thực tiễn nghề nghiệp.

Thứ ba, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các chính sách nghệ thuật cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Nhà nước cần phải giải quyết sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa 4 nhiệm vụ của các đơn vị biểu diễn nghệ thuật sân khấu. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý mang tính đặc thù cho nghệ thuật sân khấu hoạt động tự chủ trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách thuận lợi. Vì thể chế và chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước luôn luôn là những điều kiện cấp thiết có tính quyết định đối với việc giải quyết nhu cầu và năng lực của sáng tạo văn hóa.

Tóm lại, sân khấu Việt Nam, sau 36 năm đổi mới và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn. Để tồn tại và phát triển, sân khấu Việt Nam cần phải tự đổi mới mình trên mọi phương diện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đi kèm với sự hoàn thiện, đổi mới các chính sách mang tính đặc thù riêng để mở hướng hoạt động phù hợp cho các nghệ sĩ, để các nghệ sĩ không bị nặng gánh, yên tâm giữ lửa nhiệt huyết để hoàn thành sứ mệnh giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của cha ông để lại, góp phần để sân khấu Việt Nam trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, daihoi13. dangcongsan.vn.

2. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

TS TRẦN THỊ MINH THU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023

;