Một từ xứ, không dễ cắt nghĩa

Xứ, nếu tra trong Từ điển tiếng Việt bản mới nhất (1) thì từ này được giải nghĩa như sau:

xứ d. 1. khu vực địa lý có chung một số đặc điểm tự nhiên hoặc xã hội nào đó; 2. giáo xứ [nói tắt].

Bỏ qua nghĩa thứ hai (cách nói tắt từ “giáo xứ”, hay còn gọi là “xứ đạo” - đơn vị cơ sở của Giáo hội Công giáo, dưới giáo hạt, do một linh mục chánh xứ cai quản), từ xứ hiện tại trong tiếng Việt có nhiều vấn đề cần bàn từ góc độ ngữ nghĩa.

Với từ điển chữ Hán (2), xứ đều có mang nét nghĩa: “nơi, chỗ, chốn”, tức là chỉ bất kỳ một địa điểm nào đó, xét về mặt không gian địa lý. Tra cuốn từ điển có liên quan tới chữ Quốc ngữ cổ nhất là cuốn Từ điển Việt - Bồ - La (3), từ xứ có nghĩa là tỉnh (Ví dụ: Thủ trấn xứ = Viên cai trị tỉnh). Với nghĩa này, xứ Thanh = tỉnh Thanh (Hóa), xứ Lạng = tỉnh Lạng (Sơn),...

Từ điển Từ cổ (4) (Vương Lộc, Nxb Đà Nẵng, 2001) không có từ xứ đứng độc lập mà chỉ có từ “xứ xang”, có nghĩa là “xứ sở, quê hương” (Ví dụ: Sau nhờ đất nước quỷ thần xứ xang - Mã Phụng Xuân Hương).

Cách giải nghĩa có phần mơ hồ: “khu vực địa lý có chung một số đặc điểm tự nhiên hoặc xã hội nào đó” vô hình trung làm cho ta thấy ngoại diên của xứ là rất rộng, tùy theo cách dùng của mỗi người trong ngữ cảnh. Chắc mọi người còn nhớ câu thơ sau (trong bài Nhớ của Hồng Nguyên):

Lũ chúng tôi

Bọn người tứ xứ

Gặp nhau hồi chưa biết chữ

Quen nhau từ buổi “một, hai”.

“Tứ xứ” ở đây được hiểu là “ở nhiều nơi”, có thể là ở tỉnh này, huyện nọ, vùng kia (trên đất nước Việt Nam). Nhưng cái vùng kia có thể rất lớn. Câu thơ: “Nắng dọc miền Trung mưa khắp vùng xứ Bắc” thì “xứ Bắc” chỉ toàn bộ vùng Bắc Bộ rộng lớn. Giống như trước đây, thời thuộc Pháp, người ta chia ra 3 xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.

Ngược dòng lịch sử, năm Canh Tuất (1490), Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) cho định lại bản đồ cả nước, gồm 13 (đạo) xứ thừa tuyên (sau gọi ngắn gọn là xứ). Từ triều Tây Sơn tới đầu triều Nguyễn đổi sang là trấn. Đến đây mới xuất hiện tên gọi các xứ (trấn) khác nhau: 13 xứ (trấn, phủ, đạo) từ Nghệ An trở ra Bắc bao gồm: Xứ Nghệ, Trấn Hưng Hóa, Nội trấn Thanh Hoa, Đạo Thanh Bình, Trấn Cao Bằng, Xứ Lạng Sơn, Xứ Tuyên Quang, Trấn An Quảng, Xứ Thái Nguyên, Phủ Hoài Đức (Thăng Long).

Riêng các vùng đất quanh Thăng Long, được gọi là “tứ trấn”, bao gồm: vùng núi phía Tây được gọi là Trấn Sơn Tây (hay Xứ Đoài), vùng núi phía Nam Thăng Long gọi là Trấn Sơn Nam (hay Xứ Sơn Nam), vùng ven biển phía Đông được gọi là Trấn Đông Hải (hay Xứ Đông), vùng phía Bắc Thăng Long gọi là Trấn Kinh Bắc (hay Xứ Kinh Bắc).

Xứ Đoài, một địa danh vốn chỉ vùng đất phía tây Thăng Long (Đoài phương tĩnh nhất khu: Xứ Đoài là một vùng đất yên tĩnh) mà lâu nay đa số mọi người đều hiểu đây là Sơn Tây. Nhưng với nhiều nhà nghiên cứu thì xứ Đoài có một phạm vi lan tỏa rộng hơn so với nơi được coi là “tiêu điểm” (xuất xứ: Sơn Tây). Nó không chỉ bó hẹp trong địa danh Sơn Tây (cũ) mà còn là tổng thể cả vùng đất phía tây Hà Nội, bao gồm: thị xã Sơn Tây, phần lớn địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, phía Bắc tỉnh Phú Thọ và một phần Tuyên Quang. Theo Nguyễn Đắc Hưng, “xứ Đoài có Phú Thọ và Vĩnh Phúc ở phía Bắc, Hà Tây (mà thực chất là Sơn Tây, trước đây) ở phía Nam tiếp giáp Thăng Long - Hà Nội. Phú Thọ và Vĩnh Phúc là miền đất trung du, nơi gặp gỡ của ba dòng sông lớn đó là sông Hồng, sông Lô, sông Đà, nơi có kinh đô Phong Châu của các Vua Hùng, nơi quần tụ của người Việt cổ đã sáng tạo nên những trống đồng, thạp đồng to đẹp, tượng trưng cho nền Văn hóa Đông Sơn hay Văn hóa Lạc Việt. Nơi đây đã khởi nguồn cho nền văn minh sông Hồng, nền văn minh này đã có cách đây ngót ba ngàn năm” (5).

Dân gian cũng hay dùng từ “xứ Quảng” hàm chỉ hai vùng đất: Quảng Nam và Quảng Ngãi. Hai tỉnh này gần nhau và có những đặc trưng địa lý, khí khậu, đất đai thổ nhưỡng và đặc biệt là có những nét văn hóa giống nhau (lưỡng Quảng). “Xứ Quảng là quê hương của nhiều lễ hội dân gian nổi tiếng như Lễ hội Bà Thu Bồn (12 tháng 2 âm lịch): Bà vốn là một nữ thần Chăm mà người Việt vẫn thờ cúng và kính cẩn gọi là Bồ Bồ phu nhân; Lễ tế cá Ông tại những làng có đền, miếu thờ “Ông”: người Chăm và người Việt ở miền Trung từ lâu đã xem “Ông” (cá voi) là ân nhân của dân chài và những tàu thuyền gặp nạn trên biển; sau phần tế lễ luôn luôn có hát bả trạo, hát bội, hát hò khoan...” (6). Trong kho tàng văn hóa ẩm thực Việt Nam, xứ Quảng đã có những đóng góp tốt đẹp và độc đáo: “văn hóa ẩm thực với mì Quảng, cao lầu Hội An, bún bò Cầu Mống, bánh tráng cuốn thịt heo, giò ốc, ốc vú nàng, bánh vạc, bánh bao, bánh tổ... đã làm nên nét riêng của vùng đất này. Các món ăn xứ Quảng đã đi vào đời sống, vào ca dao dân ca, vào tâm linh - tâm hồn người Quảng Nam” (7).

Vì vậy, khi nhắc đến xứ Đoài, xứ Thanh, xứ Huế, xứ Quảng, xứ Lạng… là chúng ta hình dung ra một vùng đất không chỉ bó hẹp bởi một địa danh cụ thể được chọn để định danh (Đoài, Thanh, Quảng, Lạng…) mà trong tâm thức người Việt, đó là một “địa danh dân gian” chỉ một “tiểu vùng văn hóa” có những nét riêng biệt, liên quan tới văn hóa vùng miền. Thực tế, có văn hóa xứ Đoài, văn hóa xứ Quảng, văn hóa xứ Huế, văn hóa xứ Nghệ… rất đặc biệt và có nét độc đáo riêng. Tất cả hòa trộn làm nên tổng thể văn hóa Việt Nam.

Rộng hơn nữa, người Việt còn dùng xứ để chỉ một vùng định danh riêng: xứ lạnh/ xứ nóng/ xứ tuyết (đất nước hay lục địa trên thế giới có khí hậu đặc trưng, khác biệt: nóng, lạnh, có tuyết rơi). Hay “xứ mặt trời mọc”, chiết tự tên quốc gia (Nhật Bản = đất nước mặt trời mọc) và làm nên tên gọi biểu trưng. Hay “xứ kim chi”, lấy một món ăn đặc thù của người dân Hàn Quốc để tôn vinh văn hóa ẩm thực nơi này. Trong câu tục ngữ “Xứ mù thằng chột làm vua” thì “xứ mù” hàm chỉ những người bị coi là khiếm thị (mù).

Từ xứ đã vượt ra khỏi phạm vi ngữ nghĩa ban đầu và trở thành một từ mang đặc sản riêng của tiếng Việt.

_______________

1. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng, 2020.

2. Thiều Chửu, Trần Văn Chánh, Nguyễn Quốc Hùng, Từ điển chữ Hán, hvdic.thivien.net.

3. Alexandre de Rhodes, Dictinarium Annamiticum - Lusitanum - Latinum (thường gọi là: Từ điển Việt - Bồ - La), Roma, 1651.

4. Từ điển Từ cổ, Vương Lộc, Nxb Đà Nẵng, 2001.

5. Nguyễn Đắc Hưng, Tạp chí Tuyên giáo, 3-2009.

6, 7. Trần Hạnh, Văn hóa ẩm thực Quảng Nam qua mì Quảng, Trường Đại học Đà Lạt.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;