Những câu chuyện địa danh của đồng bào Tày, Nùng ở Cao Bằng

Bản Phia Thắp (Quảng Hòa), có nghĩa là Núi tìm -  Ảnh tác giả cung cấp

1. Vài cách đặt tên làng của người Tày, người Nùng (Cao Bằng)

Người Tày, người Nùng là những cư dân miền núi có đời sống gắn với núi non, sông suối, cây cỏ, muông thú trong nền kinh tế tự cung, tự cấp. Tư duy của người Tày, người Nùng là tư duy cụ thể, không thích ứng tư duy trừu tượng, nên việc đặt tên làng, bản (mường) cũng rất cụ thể dựa vào những địa hình, vị trí cụ thể, cây cối, con vật cụ thể. Đó là đặc điểm quan trọng nhất chi phối việc đặt tên làng bản của người Tày, người Nùng.

Người Tày, người Nùng thường sống ở vùng thấp (so với người Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ…) dọc theo các khe, lạch, sông, suối, canh tác chủ yếu là làm ruộng (trồng lúa nước). Bởi vậy, tên làng bản gắn nhiều với chữ (ruộng). Có nhiều địa danh gắn với như: Nà Niền, Nà Coóc, Nà Lóa, Nà Đuốc, Nà Loòng (huyện Hòa An, Cao Bằng); Nà Lắc, Nà Chướng, Nà Rụa (thành phố Cao Bằng) hay Nà Rì (chứ không phải Na Rì), Nà Kiến… (Bắc Kạn); Nà Dương, Nà Sầm (Lạng Sơn)...

Người Tày, người Nùng sống nhiều trong thung lũng (hoặc gần thung lũng) nên địa danh có tên Lũng cũng gặp khá nhiều: Lũng Chang, Lũng Nọi, Lũng Hà, Lũng Luông, Lũng Sặp, Lũng Rì, Lũng Miện, Lũng Slưa Thai… Các địa danh này được đặt vào vị trí, đặc điểm (cao, thấp, ngắn dài) của lũng.

Phia (núi) cũng thường gặp trong địa danh làng bản như: Phia Khao, Phia Chang, Phia Toọc, Phia Hoong…

Các loại cây mọc nhiều ở làng bản, thung lũng cũng được dùng để đặt tên làng như: làng Cốc Chủ (làng cây sấu), Cốc Chia (cây vải), Còi Rặc (đồi cây sơn), Pài Co Nhản (bãi cây nhãn); Lũng Miện (lũng trồng cây nghệ)… (những địa danh này đều ở Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng).

Tên làng bản còn được đặt tên theo nhiều kiểu khác như: đặt theo tên các con vật, theo hình dáng địa hình như: làng Coọc Mu (chuồng lợn), Lũng Vài (lũng trâu), Bản Píc Cáy (cánh gà)… Nói chung, việc đặt tên làng rất nôm na; không câu nệ chữ nghĩa, không khó truy tìm nguồn gốc cho nên không cần phải thay đổi qua các thời kỳ lịch sử và cũng do cách cấu tạo giống nhau nên nhiều làng bản của người Tày, người Nùng ở Cao Bằng (và Việt Bắc) giống nhau.

Tên làng bản cũng có thể hình thành từ truyền thuyết và lịch sử. Điều này thấy rõ khi đọc truyền thuyết Báo Luông - Slao cải (Trai To, Gái Lớn) của người Tày (Cao Bằng), giải thích việc hình thành non nước Cao Bằng với những địa danh có thực như: Ngườm Bốc (hang cạn) thuộc Lam Sơn (Hòa An) nơi Báo Luông - Slao Cải nên vợ nên chồng, Nà Mỏ (ruộng nồi), Vỏ Má (chum ngâm) ở xã Đại Tiến, Bế Triều, Phia Mạ (núi ngựa) (huyện Hà Quảng) nơi Báo Luông bắt ngựa về nuôi, Vò Bẻ (đồi dê) ở xã Đề Thám, nơi Báo Luông chăn dê… Cách lý giải nguồn gốc địa danh như thế có phần sắp đặt, khiên cưỡng.

Tên làng bản đặt theo sự tích, sự kiện lịch sử có thể lấy chuyện Nùng Trí Cao. Những nơi ông đi qua sau này trở thành địa danh như: Tắc Kha (gãy chân), Nà Rạc (ruộng nôn - nôn ra máu)… Đó có thể là những địa danh được hư cấu từ một thực tế xa xôi nào đó.

2. Địa danh xã, tổng qua các thời kỳ

Có thể nhận thấy ngay rằng, địa danh xã, tổng rất khó truy tìm nguồn gốc do đó cũng khó luận giải ý nghĩa những địa danh này. Những địa danh này cũng dễ bị thay đổi do việc tách, nhập qua các thời kỳ.

Tỉnh Cao Bằng, thời phong kiến, theo sách Tên làng, xã đầu thế kỷ thứ XIX thì các đơn vị hành chính thuộc trấn Cao Bằng gồm 4 châu, 27 tổng, 233 xã. 4 châu là: Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang. Thời Pháp thuộc Cao Bằng được chia làm 8 châu (Bảo Lạc, Hà Quảng, Hạ Lang, Nguyên Bình, Phục Hòa, Quảng Uyên, Thạch An, Thượng Lang). Sách Danh mục các làng xã Bắc Kỳ (1928) thống kê có 33 tổng và 230 xã. Có thể rút ra nhận xét: số châu tăng gấp đôi (do việc chia tách) nhưng số tổng, xã dường như không thay đổi nhiều (tăng thêm 5 tổng và 3 xã).

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tên làng hầu như giữ nguyên, không còn châu, phủ, tổng mà chỉ có thị xã, huyện và xã. Theo số liệu năm 2000, Cao Bằng có 13 huyện thị, 189 xã phường. Có một điều đặc biệt là rất nhiều tên xã đã được lấy tên các vị anh hùng dân tộc, tên các liệt sĩ cách mạng, tên các địa danh lịch sử, tên các khái niệm, danh từ cách mạng như:

Lấy tên các vị anh hùng dân tộc: xã Hưng Đạo, xã Đình Phùng, xã Lê Lợi, xã Lê Lai, xã Nguyễn Huệ…

Lấy tên các địa danh: xã Bạch Đằng, khu Lam Sơn…

Lấy tên các liệt sĩ cách mạng: xã Xuân Trường, xã Kim Đồng, xã Hồng Việt, xã Bế Triều, xã Vân Trình, xã Quốc Phong, xã Chí Thảo, xã Bắc Hợp, xã Hồng An…

Lấy tên các khái niệm, danh từ cách mạng: xã Dân Chủ, xã Độc Lập, xã Tự Do, xã Hạnh Phúc, xã Thắng Lợi…

3. Đôi điều lạm bàn

Hiện nay, do phiên âm thiếu chính xác mà một số địa danh mất ý nghĩa không thể truy ra nguồn gốc. Ví dụ: Thin Tốc (đá rơi) biến thành Tĩnh Túc; hay Tả Soa (sông bên trái) thành Tà Sa…

Đặc biệt, những địa danh ở khu di tích lịch sử Pác Bó đã bị nhiều người gọi sai: Pác Bó chứ không phải Pắc Bó (vì Pắc là đâm, cắm chứ không có nghĩa đầu nguồn (miệng nguồn)). Khuổi Nặm (suối nước) chứ không phải là Khuổi Nậm (vì Nậm không có nghĩa gì). Đặc biệt, khi giới thiệu các địa danh này tới du khách, cần giải thích thêm cho du khách hiểu về ý nghĩa tên các địa danh chẳng hạn: Lủng Miện (lũng trồng nghệ), hay Còi Rặc (đồi cây sơn)…

HOÀNG QUẢNG UYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023

;