Thiết chế và thiết chế xã hội

Thiết chế là một từ Hán Việt. Từ này không phải là một từ thông dụng trong giao tiếp, chỉ được sử dụng trong các văn bản chuyên môn (thuộc lĩnh vực chính trị, xã hội, luật pháp) hoặc trên báo chí. Tuy nhiên, trên báo chí gần đây, từ thiết chế lại được dùng khác lạ, khi có tác giả quan niệm, truyền thông là thiết chế xã hội, thiết chế kiến tạo xã hội. Có phải từ này đã được cấp thêm nghĩa mới hay sao? Đó là vấn đề cần làm rõ từ góc độ Từ điển học.

Ta thấy, cả hai từ trên đều là tổ hợp mở rộng từ thiết chế. Vậy trước hết ta phải tra nghĩa từ nguyên của thiết chế theo Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu (1). Thiết 設: đặt nên, dựng nên, bày ra. Chế 制: 1. đặt, đặt ra, làm ra như đặt ra pháp luật mới, làm ra lễ nhạc; 2. hạn chế, ngăn cấm; 3. chế độ, phép tắc định ra.

Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Hoàng Phê chủ biên) bản mới nhất (2) thì: thiết chế 設制 chuyển chú (chỉ dẫn cho người đọc xem ở chỗ khác), xem thể chế; thể chế 體制 là những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội, buộc mọi người phải tuân theo (Ví dụ: thể chế chính trị, cải cách thể chế quản lý kinh tế).

Thiết chế như vậy đồng nghĩa với thể chế, có nghĩa là hai từ này có thể được sử dụng thay cho nhau. Trong các văn bản truyền thông, thiết chế cũng được sử dụng khá nhiều. Chẳng hạn: “Thực hiện “con đường tự lực cánh sinh” một cách cực đoan; cắt đứt hoàn toàn với quá khứ, thủ tiêu toàn bộ xã hội truyền thống, hủy bỏ đồng tiền, phá nát mọi cơ tầng thiết chế của xã hội Campuchia (3). Trải qua các triều Ngô - Đinh - Tiền Lê, Nhà nước quân chủ dân tộc đã dần dần được kiện toàn, nhưng vừa ra đời sau đêm trường phụ thuộc, nhà nước thời kỳ này hãy còn non trẻ, chưa hoàn thiện về mặt thiết chế, phải đợi đến những thế kỷ sau, bắt đầu từ thời Lý trở đi mới có điều kiện phát triển và hoàn thiện hơn với những thể chế của nó”. “Tài năng cá nhân vượt trội và một thiết chế chính trị chưa đủ chặt đã dẫn đến nhiều hành vi, ứng đối văn hóa vượt lên trên quy định của hoàng gia đồng thời cũng khác với thông lệ”. Chủ thể thực hiện giám sát và phản biện xã hội, trước hết, là đối tượng chịu sự quản lý của các thiết chế chính trị, xã hội, có quyền lợi liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp và có tính độc lập về tổ chức, hoạt động với các đối tượng đang được giám sát, phản biện (4).

Thực tế, truyền thông (communication, media) là một hiện tượng, một lĩnh vực, một nhu cầu của xã hội. Đó là một hoạt động trao đổi thông tin, tạo nên sự hiểu biết và liên kết cộng đồng với mục đích là từ nhận thức để thay đổi hành vi của các cá nhân trong xã hội, hướng tới một xã hội văn minh, tốt đẹp hơn. Có thể có truyền thông đơn thuần giữa một cộng đồng nhỏ, bằng các phương tiện đơn sơ (giữa nhóm bạn bè, gia đình, làng xã), có thể có truyền thông đại chúng (mass-media) hay truyền thông đa phương tiện (multi-media) với các phương tiện hiện đại. Nhưng không thể coi truyền thông là một thiết chế xã hội, vì những lý do chúng tôi đã phân tích ở trên.

__________________

1. Thiều Chửu, Từ điển Hán Việt, Nxb Dân trí, 2020.

2. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2020.

3. Văn nghệ - miền núi, 1-8-1997.

4. Tư liệu của Trung tâm Từ điển học.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022

;