Sự chuyển nghĩa của một số từ trong khẩu ngữ sinh hoạt hằng ngày

Trong cuộc sống hằng ngày, cà rốt, củ chuối là những sản phẩm nông nghiệp quen thuộc với người dân Việt Nam nói riêng, với cư dân ở các nước nông nghiệp nói chung. Hiện nay, các bạn thanh niên dùng các từ cà rốt, củ chuối với ý nghĩa mới trong khẩu ngữ sinh hoạt hằng ngày: cà rốt thế, củ chuối cực kỳ… Những ý nghĩa mới của các từ này đã phản ánh thái độ, sự đánh giá của người nói trong những ngữ cảnh cụ thể.

Thứ nhất, cà rốt bắt nguồn từ tiếng Pháp carotte (có tên khoa học là Daucus carota subsp. sativus) là một loại cây có củ, thường có màu đỏ, vàng, trắng hay tía. Phần ăn được của cà rốt là củ, thực chất là rễ cái của nó, chứa nhiều tiền tố của vitamin A tốt cho mắt. Cà rốt chứa lượng natri phù hợp để duy trì huyết áp ở mức hợp lý trong cơ thể. Cà rốt là loại củ khá quen thuộc đối với người Việt Nam. Người Việt có thể dùng củ cà rốt để ép lấy nước hoặc xay sinh tố, có thể dùng để quấy vào bột cho trẻ con, dùng để nấu canh, làm nộm, làm nem… Trong khẩu ngữ, một số người Việt nói: cà rốt thế với ý nghĩa đánh giá, chê một ai đó “dốt”, kém, không hiểu người khác nói gì. Sở dĩ người ta dùng cà rốt với nghĩa trên vì trong từ cà rốt có tiếng “rốt”, gần như đồng âm với tiếng “dốt”. Mặc dù, “r” là âm đầu lưỡi (quặt lưỡi), được phiên âm là /z/ còn “d” là âm mặt lưỡi, được phiên âm là /z/ nhưng người miền Bắc Việt Nam thường phát âm hai âm này như nhau, đều phát âm là “dờ” /z/. Chẳng hạn, người miền Bắc Việt Nam, trong đó có người Hà Nội, sẽ phát âm “r” và “d” trong các từ sau như nhau: rung rinh (phát âm như “dung dinh”), rực rỡ (phát âm như “dực dỡ”), da dẻ, dáng dấp…Vì thế, hai tiếng “rốt” và “dốt” sẽ được coi như là đồng âm với nhau. Từ hiện tượng đồng âm đó, một số người Việt đã cung cấp cho từ cà rốt một nghĩa mới là: dốt nát, kém, không hiểu người khác nói gì.

Thứ hai, củ chuối là tên một bộ phận trong cây chuối (cây chuối có tên khoa học là Musa sapientum L., thuộc họ Musaceae). Củ chuối là phần thân ngầm của cây chuối, là phần thân chuối mọc trong lòng đất. Củ chuối khi còn non có thể dùng để ăn được, có vị chát, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong củ chuối không cao. Người ta chỉ chủ yếu làm thức ăn cho gia súc. Khi nào đói khổ, không có gì để ăn thì người ta mới đào củ chuối để ăn. Tuy thế, trong cuộc sống ngày nay, người dân Việt Nam dùng củ chuối để làm nguyên liệu cho các món ăn khá hấp dẫn như: canh xương nấu củ chuối, ốc xào củ chuối, lươn xào củ chuối, lươn om củ chuối, nộm củ chuối… Đặc biệt, những người dân ở làng Thanh Chiểu, Ba Vì, trước đây thuộc Hà Tây, hiện nay thuộc Hà Nội còn dùng củ chuối để nấu canh với thịt chó. Món canh này được dùng để chan với cơm hoặc để ăn với bún, thơm ngon, ngọt bùi. Người dân thường chọn củ chuối tiêu vì loại này sau khi gọt thì sẽ mềm và ngon hơn loại củ chuối khác. Vì, củ chuối chưa qua sơ chế thường có vị chát, ngày xưa được dùng để làm thức ăn cho gia súc nên trong tiềm thức của người dân, củ chuối không ngon, khó ăn, khi người ta đói khổ thì mới đành ăn củ chuối nên từ củ chuối còn gắn liền với hoàn cảnh, với ý nghĩa “khó”, “khốn khó”, “gian khổ”. Vì thế, ngoài ý nghĩa: “là củ của cây chuối” thì củ chuối được dùng với những ý nghĩa: không tốt, tào lao, ngớ ngẩn, chán, vớ vẩn, khó giải quyết, khó ứng xử, phức tạp. Tức là, người ta dùng từ củ chuối với ý nghĩa không tốt, mang sắc thái đánh giá thiên về đặc điểm tiêu cực.

Ví dụ: “Anh ấy là người rất củ chuối”. Có nghĩa là: Anh ấy là một người có tính cách kỳ cục, có phần phức tạp, khiến cho mọi người khó ứng xử với anh ấy.

Ví dụ: “Họ nhồi nhét vào đầu cô bé những thứ củ chuối quá”. Có nghĩa là: Họ nhồi nhét vào đầu cô bé những thứ không tốt, tào lao, vớ vẩn.

Ví dụ 3: “Tôi không muốn nghe những lời giải thích củ chuối của anh nữa”. Có nghĩa là: Những lời giải thích của anh là những lời giải thích tào lao, vớ vẩn, chán, không thuyết phục được tôi.

Ví dụ 4: “Bài toán đấy củ chuối lắm”. Có nghĩa là: Bài toán ấy khó giải quyết hoặc khó hiểu, phức tạp.

Trong hoạt động giao tiếp hằng ngày, trong khẩu ngữ sinh hoạt, hai từ cà rốt, củ chuối đã mang những ý nghĩa mới. Những ý nghĩa mới này được “phái sinh” trên cơ sở “chuyển nghĩa” trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Vì thế, hiện nay, ngoài ý nghĩa gốc vốn có (cà rốt, củ chuối là các sản phẩm nông nghiệp - là các danh từ gọi tên thực vật, gọi tên cho hai loại củ: củ của cây cà rốt và củ của cây chuối) thì hai từ cà rốt, củ chuối được dùng như những tính từ, có ý nghĩa tình thái: thể hiện thái độ, sự đánh giá mang sắc thái “chê bai”. Cách dùng hai danh từ cà rốt, củ chuối như hai tính từ là cách dùng mới, góp phần tạo ra sự phong phú trong ngôn ngữ sinh hoạt đời thường của người dân.

PGS, TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THÙY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 515, tháng 11-2022

;