Đồng âm phản nghĩa - một hiện tượng thú vị chuyển di từ Hán ngữ sang Việt ngữ

Trong hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới, khá phổ biến hiện tượng đồng âm khác nghĩa đối với các đơn vị ở cấp độ từ đơn tiết. Chẳng hạn trong tiếng Việt, từ đá vừa là danh từ (hòn đá), vừa là động từ chỉ hành động tác động lực bằng chân (đá bóng, đá cầu); mực vừa có thể chỉ lọ mực, vừa có thể chỉ con cá mực… Trong tiếng Anh, các cặp từ sea (biển) và see (nhìn) được phát âm như nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, đồng âm mà có ý nghĩa trái ngược tương phản là hiện tượng khá thú vị không phải ở ngôn ngữ nào cũng gặp. Tiếng Hán đã có một số cặp đồng âm rất tiêu biểu và các cặp từ này cũng đồng thời đi vào tiếng Việt, sản sinh ra các đơn vị từ ngữ được sử dụng trong đời sống hằng ngày.

Xin được bàn tới hai cặp danh từ và ba cặp tính từ tiêu biểu nhất. Về hai cặp danh từ, trước tiên xin kể đến cặp từ: “quân” (nghĩa là vua) và “quân” (nghĩa là lính). Vua và lính rõ ràng là hai vị thế xã hội, hai cấp bậc tương phản một trời, một vực. Vua thì ở ngôi cao nhất, còn lính là vị trí có thể nói gần như dưới cùng. Từ “quân” có nghĩa là vua đi vào tiếng Việt và cấu tạo nên một loạt từ ghép như: quân thần, quân vương, hôn quân, minh quân. Từ “quân” có nghĩa là lính có trong một loạt các tổ hợp như: quân ca, quân bưu, quân cảnh, quân kỳ, quân hiệu, quân đoàn… Cặp danh từ đồng âm thứ hai cũng mang trong nó sự tương phản rất cao là cặp “phụ” (chỉ đàn ông) và “phụ” (chỉ đàn bà). Chữ “phụ” với nghĩa chỉ đàn ông được sử dụng điển hình qua trường hợp chỉ người cha. Có thể kể đến một loạt các tổ hợp được sử dụng trong tiếng Việt như: phụ mẫu, thúc phụ, bá phụ, dưỡng phụ, quân sư phụ (thứ tự xếp hạng của Nho giáo thời xưa: cao nhất là vua, thứ hai là thày, thứ ba là cha). Chữ “phụ” với nghĩa chỉ đàn bà xuất hiện điển hình qua các từ như: phụ nữ, thiếu phụ, chinh phụ, cô phụ, dâm phụ. Nam phụ lão ấu được coi là một thành ngữ Hán Việt quen thuộc, mang ý nghĩa chỉ đông đảo mọi tầng lớp trong xã hội (nam: đàn ông, phụ: đàn bà, lão: người già, ấu: trẻ con). Còn nhớ vế đối nổi tiếng của Lương Thế Vinh đáp lại vế ra của vua Lê Thánh Tông (Đường thượng tụng kinh sư xử sứ: Trên đường tụng kinh nhà sư sai khiến sứ giả) cũng có chữ “phụ” chỉ người vợ: Đình tiền túy tửu phụ phù phu (Trước sân say rượu vợ dìu chồng). Sự khác biệt tương phản giữa “phụ” (chỉ đàn ông) và “phụ” (chỉ đàn bà) là sự khác biệt về giới tính, ngoại hình, tính cách cùng nhiều thiên chức trong cuộc sống.

Tiếp đến xin được bàn về ba cặp tính từ tiêu biểu. Đầu tiên là cặp “minh” (nghĩa là tối) và “minh” (nghĩa là sáng). Chữ “minh” nghĩa là tối được đi vào tiếng Việt qua tổ hợp “u u minh minh” (với nghĩa là sâu kín tối tăm). Chữ “minh” nghĩa là sáng có trong nhiều tổ hợp từ ghép như: bình minh, minh bạch, minh chủ, minh chứng, minh công, minh định, minh họa, minh mẫn, minh tinh, minh xác, minh xét… Cặp tính từ đồng âm phản nghĩa thứ hai là cặp “cương” (nghĩa là cứng) và “cương” (nghĩa là yếu, ngã xuống). Chữ “cương” với nghĩa là cứng được sử dụng trong nhiều tổ hợp như: cương cường, cương quyết, cương nghị…Ngược lại, chữ “cương” với nghĩa là “yếu, ngã xuống” được sử dụng qua thành ngữ Hán Việt nổi tiếng: vạn thọ vô cương. Thành ngữ này được sử dụng như một lời chúc sức khỏe dành cho những người đã cao tuổi, với ý nghĩa sống lâu và không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ yếu đi. Cặp tính từ đồng âm phản nghĩa thứ ba là cặp “liệt” (trong các từ như: liệt nữ, liệt sĩ, lẫm liệt) và “liệt” (trong các từ như: bại liệt, tê liệt). Chữ “liệt” có nghĩa gốc là ngọn lửa nóng, từ đó biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp, ngay thẳng của con người, tương phản nghĩa hoàn toàn với chữ “liệt” có nghĩa là kém, xấu như trong những từ mang ý nghĩa tiêu cực vừa dẫn.

Với một số cặp đơn vị đồng âm phản nghĩa điển hình như vừa trình bày ở trên, có thể thấy đây là một hiện tượng thú vị và có lẽ nó có nhiều cơ hội hoạt động trong các ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập, khi ranh giới của từ trùng với hình vị, tiếng và âm tiết. Trong tiếng Việt, ở các vùng phương ngữ khác nhau cũng đã xuất hiện những câu chuyện có phần tương tự như trên. Chẳng hạn chữ “ly” ở miền Bắc chỉ cái chén nhỏ thì trong miền Nam lại chỉ cái cốc to. Chữ “chén” ngoài miền Bắc cũng chỉ cái cốc nhỏ thì trong miền Nam lại dùng để chỉ cái bát ăn cơm (chén cơm), chữ “nhóc” trong phương ngữ Bắc chỉ một đứa trẻ, hàm ý còn bé nhỏ thì trong phương ngữ miền Nam ta lại bắt gặp cách dùng từ “nhóc” để chỉ một cảm giác “to, nhiều” qua cách nói: “đầy nhóc”. Đây rõ ràng là một câu chuyện cần được dành thời gian để thu thập thêm nhiều tư liệu và có những phân tích kỹ lưỡng hơn nữa.

TS ĐỖ ANH VŨ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023

;