Thế hệ Z - sản phẩm của thời đại mới

Nếu vào Từ điển tiếng Việt bản mới nhất (2020 và sắp tới 2024) để tra cứu, ta sẽ chưa tìm thấy từ “thế hệ Z”. Trước đây, báo chí trong nước (khởi nguồn từ các Báo Sinh Viên, Hoa Học Trò, những năm 2000) dùng tổ hợp “thế hệ 8X”, “dòng 8X” để chỉ những chàng trai cô gái sinh vào thập kỷ 80 của TK XX (khi bước vào Y2K - tức năm 2000 - họ sẽ vào tuổi mười tám, đôi mươi) với những phẩm chất của tuổi trẻ được sống trong giai đoạn “giao thời”. Họ bước vào những năm của thời kỳ đổi mới (về kinh tế, xã hội, khoa học), được tiếp cận với thời đại công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin.

Cùng với “thế hệ 8X” là các tổ hợp “ăn theo”: ngược dòng là “thế hệ 7X”, “6X”, “5X” và cả “2X”; xuôi dòng là “thế hệ 9X”, “2K”. Mỗi thế hệ như vậy, cách nhau một thập niên (10 năm). Từ điển tiếng Việt chắc phải bổ sung nét nghĩa mới cho “thế hệ”. Bởi trước đây, “thế hệ” vốn dùng chỉ “lớp người hoặc sinh vật đại khái cùng một lứa tuổi, phân biệt với lớp người đã sinh ra mình hoặc lớp sau do mình sinh ra” (1). Từ “thế hệ” này đồng nghĩa với “đời” (thế hệ trước, thế hệ sau; đời trước, đời sau; đời cha, đời con, đời cháu…). Nghĩa của “thế hệ” trong “thế hệ 8X” (hay 9X) là khác so với từ thế hệ vừa dẫn trong Từ điển tiếng Việt. Các nhà từ điển còn chờ cho đủ ngữ liệu với có thể bổ sung nét nghĩa mới này trong các lần tái bản tới.

Nhưng hiện nay, chúng ta lại thấy xuất hiện một “phiên bản” mới của từ “thế hệ”. Đó là tổ hợp “thế hệ Z”. “Thế hệ Z” (tiếng Anh: Generation Z, viết tắt: Gen Z), đôi khi còn được gọi là Zoomers, là nhóm nhân khẩu học nằm giữa thế hệ Millennials (Millennials Generation) hay còn gọi là Thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Alpha (Generation Alpha, dùng để chỉ những người được sinh từ sau năm 2010).

Các nhà nghiên cứu và các phương tiện truyền thông phổ biến nhận định khoảng thời gian được sinh ra của thế hệ này là từ năm 1995-2012. Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho rằng: “Thế hệ Z là những người sinh từ năm 1997 trở đi”. Mốc này được căn cứ vào nhiều yếu tố như: sự phát triển của công nghệ mới; khả năng truy cập internet không dây cùng dịch vụ di động băng thông rộng; sự kiện quan trọng của thế giới như cuộc tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Trung tâm Nghiên cứu Pew lý giải các thành viên của thế hệ Z không quá 4 tuổi vào thời điểm xảy ra sự kiện 11-9 do đó, họ không có nhiều ký ức về sự kiện này. Pew cũng nói rằng, họ chưa đưa ra điểm cuối của thế hệ Z, nhưng họ sử dụng khoảng thời gian từ 1997- 2012 để “định vị” thế hệ Z (nghiên cứu của Trung tâm năm 2019).

Có thể nói, thuật ngữ “thế hệ Z” được sử dụng lần đầu tiên là trong một bài báo ở Mỹ, nhan đề Thời đại quảng cáo (9-2000) nói về những thay đổi sẽ diễn ra trong giáo dục những năm tiếp theo khi nhóm nhân khẩu học này bước vào trường học. Các tên khác được đề xuất cho thế hệ này là: Gen Tech, Gen Wii, Homeland Generation, Net Gen, Digital Natives, Plurals và Zoomers…

Thế hệ Z là thế hệ đầu tiên lớn lên với sự tiếp cận internet cùng với các thiết bị kỹ thuật số và điện tử từ nhỏ (bắt đầu tập nói đã làm quen với internet). Các thành viên của thế hệ Z còn được mệnh danh là những “công dân của thời đại kỹ thuật số (kỹ thuật số: kỹ thuật biểu diễn, xử lý thông tin dưới dạng số nhị phân [số 0 và 1])”. Ở Canada, thế hệ Z đôi khi còn được gọi là “thế hệ internet”, vì đây là thế hệ đầu tiên được sinh ra sau khi internet trở nên phổ biến tới mức “hòa chung từng hơi thở”. Và đối với thế hệ này, internet trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống”.

So với các thế hệ trước, thế hệ Z ở một số quốc gia phát triển (Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…) có khả năng tiếp cận với công nghệ nhanh và tốt hơn. Họ sẵn sàng xử lý các vấn đề liên quan tới số hóa, cách ứng xử công nghệ tốt hơn, nhanh nhẹn hơn.

Việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, mạng xã hội đã tích hợp vào cuộc sống hằng ngày của hầu hết người thuộc thế hệ Z, với mục đích chủ yếu là nhằm giữ liên lạc với bạn bè và gia đình. Do đó, công nghệ di động đã khiến sự phát triển của mối quan hệ trực tuyến trở thành một chuẩn mực thế hệ mới. Thế hệ Z sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và các trang web khác để tăng cường liên kết với bạn bè và phát triển thêm các mối quan hệ, tương tác với những người mà họ không gặp trong thế giới thực. Tuy nhiên, chính việc quá phụ thuộc vào thiết bị di động đối với thế hệ Z chính là việc ít “gặp mặt trực tiếp” hơn, quan hệ “mặt đối mặt” giảm dần. Do đó, họ cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi. Tờ báo The Economist (Anh) cho rằng, căn bệnh trầm cảm phổ biến ở thế hệ Z nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào trước đó. Nguyên nhân chính là do sự phụ thuộc vào công nghệ và trực tuyến ngày càng tăng và giảm thiểu sự tương tác trực tiếp với người thân, bạn bè, đồng nghiệp trong cộng đồng.

Vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, kéo theo đại suy thoái đã ảnh hưởng rất lớn đến thái độ của thế hệ Z, đặc biệt là ở Mỹ. Suy thoái kinh tế năm 2008 là sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng với thế hệ Z. Thế hệ này phải đối mặt với khoảng cách thu nhập ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu bị thu hẹp, tất cả dẫn đến tăng mức độ căng thẳng trong gia đình. Theo Hiệp hội Quan hệ công chúng Mỹ, cuộc đại suy thoái đã làm cho thế hệ Z trở nên tự lập, và dẫn đến một trào lưu thế hệ Z với những mục tiêu và chiến lược kinh doanh phù hợp với những xu hướng, trào lưu (trend) làm ăn mới, lối sống mới.

Có thể nói, thế hệ Z là một “sản phẩm” mang tính thời đại. Sau thế hệ Z, hay hậu Millennials và hậu Alpha, không biết có còn “thế hệ” nào nối tiếp nữa không. Nhưng có lẽ, thế hệ Z là một giai đoạn lịch sử có tính bước ngoặt để hình thành nên một thế hệ “công dân toàn cầu” mới - công dân của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

 _____________________

1. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học - Nxb Đà Nẵng, 2020.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 530, tháng 4-2023

;