Vở Khoảng trống (Nhà hát Kịch Hà Nội)
Đã thành định kỳ 2 năm một lần, Liên hoan Sân khấu Hà Nội được tổ chức. Năm nay, được lấy tên là Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 (từ ngày 1 đến ngày 9/11/2024) nhằm mục đích giúp các đơn vị không quá lệ thuộc vào lựa chọn tác phẩm đề tài Hà Nội, không giới hạn chỉ các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội mà có cả các đơn vị sân khấu trên cả nước, để có thể đưa tới những vở diễn xuất sắc nhất tham gia Liên hoan. Cũng vì nhiều lý do như đúng vào năm có quá nhiều các cuộc Liên hoan, lại yêu cầu tác phẩm sân khấu chưa tham dự qua kỳ thi nào, nên có đơn vị đóng trên địa bàn Hà Nội như Nhà hát Kịch Việt Nam không có tác phẩm dự thi hay Nhà hát Tuồng Việt Nam không đăng ký dự thi ngay từ đầu mà chỉ ở danh sách “bổ sung”…
Ðánh giá tích cực từ nhà tổ chức như phát biểu của ông Phạm Xuân Tài, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội thì: 12 tác phẩm sân khấu tham dự Liên hoan thuộc các loại hình nghệ thuật chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, múa rối… đã được các nhà hát, đoàn nghệ thuật đầu tư nghiêm túc về kịch bản, dàn dựng công phu với nhiều sáng tạo độc đáo, có chất lượng nghệ thuật cao. “Bằng ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu, những câu chuyện về đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, hiện đại, đề cao tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân ta trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đã được thể hiện đa màu sắc. Các vở diễn đem đến cho người xem nhiều cảm xúc và để lại ấn tượng khó quên trong lòng công chúng Thủ đô nói riêng và công chúng yêu nghệ thuật nói chung”. Khán giả Thủ đô đến với các buổi biểu diễn rất đông, dù là buổi diễn sáng hay chiều, tối và ủng hộ nhiệt tình qua sự tương tác với phần diễn của nghệ sĩ. Nhìn từ khía cạnh lực lượng biểu diễn, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan, nhà văn nhà viết kịch Hà Ðình Cẩn nhận định: “Chúng ta vui mừng thấy ở Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng là đội ngũ nghệ sĩ gạo cội vẫn còn đó, yêu nghề, sống chết với nghề và có sự kế tiếp là các nghệ sĩ trẻ tài năng. Chúng ta thấy những người trẻ làm sân khấu hôm nay đang đổi mới từ mỹ thuật sân khấu đến lối trình diễn nhưng không xa lạ mà được công chúng đón nhận, hòa đồng”. Ông cho rằng, hình tượng các nhân vật nghệ thuật được các vở diễn tại Liên hoan xây dựng như nàng Hồ Xuân Hương (Ðoàn Chèo Hải Phòng); Ðại tướng Võ Nguyên Giáp (Nhà hát Chèo Quân đội), Lý Thường Kiệt (Nhà hát Cải lương Hà Nội) trong các vở diễn lấy tên nhân vật chính hoặc các nhân vật tích cực trong các vở diễn như Người hát Ả đào (Nhà hát Chèo Hà Nội), Khoảng trống (Nhà hát Kịch Hà Nội)… đã thể hiện được phần nào đó ước vọng có được sự phản ánh đất và người Hà Nội, thể hiện sự hoạt động khá tích cực của sân khấu nước nhà.
Vở Cánh cửa khép hờ (Nhà hát Cải lương Việt Nam
Tuy nhiên, như sự tiếc nuối của chính ông Hà Ðình Cẩn, Liên hoan thiếu đi một Hà Nội “rất Hà Nội” như trong ca khúc của Trịnh Công Sơn, như trong tác phẩm của Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng... Sự thiếu đi này, thiết nghĩ, phần nào đó làm cho Liên hoan mất đi nét riêng biệt trong một loạt các kỳ liên hoan vẫn định kỳ được diễn ra. Sự thiếu vắng này khiến cho một tác giả đã mất là nhà viết kịch Nguyễn Anh Biên (1937-2019) vẫn được tôn vinh trong vai trò biên kịch xuất sắc nhất của Liên hoan bởi ông là cây viết kịch chuyên chú nhất cho đề tài mảnh đất, con người Hà thành. Bên cạnh đó, các vở diễn vẫn dàn dựng lại những kịch bản từ lâu, rất lâu trước đây như Khoảng trống, Ông không phải bố tôi… Dù là các đạo diễn đều cố gắng “thổi hồn” thời đại, có nhiều đổi mới trong cung cách dàn dựng, mảng miếng đạo diễn, chỉ đạo thiết kế mỹ thuật cho tới nghệ thuật biểu diễn của diễn viên nhưng vẫn để lại sự nuối tiếc nhất định cho những chờ mong một xu hướng sân khấu hướng tới đối tượng trẻ, viết về cuộc sống của hôm nay.
Và vì thế, vở diễn Lộ hàng (tác giả Lê Hoàng; đạo diễn Trần Lực) của Sân khấu Lưcteam đã thực sự khiến các bạn khán giả trẻ tuổi cũng như những người yêu sân khấu hoan nghênh nhiệt liệt. Câu chuyện về tình yêu, về những băng video khiến các ngôi sao show biz phải dùng mọi cách để hủy đi chứng cứ… là sự thật đã và đang diễn ra hiện nay trong đời sống sân khấu của giới trẻ. Trung thành với phong cách tự sự, đạo diễn đã ước lệ tối đa khi chỉ với một chiếc chiếu lớn trên sàn diễn, bốn chiếc ghế có biểu tượng rô, bích, cơ, nhép được lắp ánh sáng, một chiếc phông hậu có 2 lối ra vào… và các diễn viên tung tẩy trong đó. Nhân cách, cá tính, tình yêu, sự lợi dụng, mặt trái của giới biểu diễn… tất cả cứ như thế hiển hiện sống động bằng những động tác hình thể. Vở diễn đem tới sự trẻ trung, tươi mới và đầy hấp dẫn mà vẫn rất bình dị, dễ hiểu, gọn gàng. Hay cách làm mới với cải lương của NSND Triệu Trung Kiên qua vở Cánh cửa khép hờ cũng đầy cách điệu, đưa vào rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ cho ánh sáng sân khấu, cho sự chuyển đổi không gian thời gian. Dù còn đôi chỗ hơi rườm, nhưng vở diễn cũng gây được sự hứng thú đối với người xem.
Vở Ông không phải bố tôi (Nhà hát Tuổi trẻ)
Nhìn chung, sự tham gia nhiệt tình của các đoàn nghệ thuật, sự hưởng ứng nhiệt thành của khán giả đã làm cho sức sống nghệ thuật sân khấu được lan tỏa tích cực, góp phần tạo nên không khí sôi động, chào mừng 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) - chào mừng sự kiện trọng đại của Hà Nội khi ghi dấu tích vẻ vang cho lịch sử thành phố.
Mỗi mùa Liên hoan qua đi, dấu ấn để lại trong lòng khán giả vẫn là điều đáng ghi nhận nhất. Dù sân khấu vẫn còn phải hoạt động trong bối cảnh muôn vàn khó khăn bủa vây như nhân lực trẻ chưa được khuyến khích qua các cơ chế rõ ràng; thiếu vắng kịch bản hay, được đánh giá tốt từ nhà chuyên môn… nhưng người yêu sân khấu vẫn hy vọng vào những mùa gặt tương lai.
Hy vọng sau mỗi “cuộc chơi” nghệ thuật lớn, các nghệ sĩ học hỏi thêm được từ đồng nghiệp, nâng cao hơn nhiệt huyết với nghề, các đơn vị có được sự động viên, cố gắng để sáng đèn thường xuyên hơn. Và để các Liên hoan không “trôi tuột” đi trong trí nhớ của khán giả cũng như của chính người làm nghề, nên chăng vẫn cần có những cuộc thảo luận, tọa đàm để ghi nhận, để rút kinh nghiệm. Thiếu vắng những bàn thảo nghề nghiệp mang tính học thuật, cũng là một trong những tiếc nối của các nhà hoạt động sân khấu.
CAO NGỌC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 589, tháng 11-2024