Liên hoan Múa quốc tế 2024 được tổ chức từ 17/8 đến ngày 22/8/2024 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế đã khép lại, nhưng những ấn tượng mạnh mẽ của liên hoan sẽ còn mãi trong lòng khán giả.
Thơ múa Họa tình nhân gian khắc họa lại câu chuyện về làng tranh khắc gỗ Đông Hồ truyền thống của vùng Kinh Bắc bằng cấu tứ, ngôn ngữ của múa
Nơi hội tụ bản sắc
Tại liên hoan, khán giả đã được chiêm ngưỡng những điệu múa đặc sắc và đặc trưng văn hóa của nhiều quốc gia, dân tộc. Biên đạo, nghệ sĩ trong nước và quốc tế đã truyền tải các câu chuyện, thông điệp, bản sắc văn hóa của quốc gia với nhiều sự sáng tạo và phối hợp của các thể loại, hình thức múa. Đó là nét quyến rũ, kín đáo của khu vực Trung Đông qua Đoàn múa đại diện Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE); đoàn Ấn Độ khuấy động liên hoan với điệu múa rộn ràng, sôi động; bộc lộ nét tinh tế, cuốn hút của đoàn Trung Quốc. Indonesia, Malaysia, Lào, Philippines, Campuchia thể hiện nét uyển chuyển, duyên dáng đặc trưng của nền văn hóa Á Đông.
Thơ múa Họa tình nhân gian - Ảnh: The Hue of Hue
Đất nước chủ nhà Việt Nam với sự tham gia của 9 đơn vị nghệ thuật đã tạo ấn tượng đặc biệt nổi bật trước bạn bè quốc tế với nhiều phong cách, hình thức biểu hiện bằng những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam như: múa Lục cúng hoa đăng của Đoàn Nghệ thuật cung đình Huế; Yên Lam của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen; Dệt - Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội; Trống đực trống cái - Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang; Sinh sôi mùa vàng - Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam; Hồn sắc Bunoong - Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông. Đặc biệt, phải kể đến một số tác phẩm múa đương đại đặc sắc do các biên đạo múa trẻ sáng tạo, dàn dựng đã nhận được mối quan tâm, thiện cảm của bạn bè quốc tế và giới chuyên môn. Đó là Thơ múa: Họa tình nhân gian của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Thơ múa Nàng Mây của Học viện Múa Việt Nam và Cảnh 6: Lý ngư vọng nguyệt của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.
Từ văn hóa làng nghề đến sân khấu múa
Văn hóa làng nghề từ lâu đã là một nét văn hóa độc đáo của người dân Việt. Tuy nhiên, đứng trước sự tiếp biến, giao thoa và hội nhập quốc tế, văn hóa làng nghề ngày càng có nguy cơ mai một.
Lý ngư vọng nguyệt - Ảnh: Sơn Thùy
Cùng chung ý tưởng, mong muốn tôn vinh, gìn giữ một nét đẹp văn hóa trong đời sống đương đại. Bằng nghệ thuật múa, các nghệ sĩ, biên đạo múa đã đem đến cho khán giả Việt Nam và quốc tế một vẻ đẹp đầy thi vị về văn hóa làng nghề.
Thơ múa Họa tình nhân gian do ê-kíp biên đạo của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đồng sáng tác (tác giả kịch bản, biên đạo: Đại tá, NSND Lữ Thị Kiều Lê cùng các biên đạo: Đại tá, NSƯT Nguyễn Thị Hiền Trang; Thượng tá, NSƯT Phạm Thanh Tùng và Trung tá, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Hằng; âm nhạc: Cao Xuân Dũng, Hoàng Hướng), lấy cảm tác từ tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ-biểu tượng cho văn hóa truyền thống và lịch sử Việt Nam, đến tài hoa nghệ nhân và thăng trầm của một làng nghề.
Họa tình nhân gian khắc họa lại câu chuyện về làng tranh khắc gỗ Đông Hồ truyền thống của vùng Kinh Bắc bằng cấu tứ, ngôn ngữ của múa.
Thông điệp mà các biên đạo và nghệ sĩ mong muốn chuyển tải qua tác phẩm là nỗi trăn trở, ước vọng gìn giữ và phát huy những tinh hoa nghệ thuật của làng tranh Đông Hồ truyền thống trong sự tiếp biến và phát triển của xã hội đương đại.
Thơ múa Nàng Mây - Ảnh The Hue of Hue
Chia sẻ về tác phẩm, Biên đạo - NSƯT Thanh Tùng cho hay: Khâu xử lý ngôn ngữ múa cũng được nhóm tác giả đã tính toán, thống nhất khai thác chất liệu múa dân tộc Kinh là chủ đạo, kết hợp ứng dụng các chuyển động và hơi thở múa hiện đại để làm phong phú và hấp dẫn thêm ngôn ngữ múa Việt. Đặc biệt, phải giữ được nét đặc trưng về tính chất, phong cách văn hóa Việt Nam trong toàn bộ chuyển động của vở diễn.
Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo liên hoan, việc khéo léo khai thác các thủ pháp sáng tác múa trong Họa tình nhân gian đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật biểu đạt bằng ngôn ngữ múa rất đương đại mà đậm bản sắc Việt. Việc sử dụng các vũ điệu truyền thống đặc trưng của dân tộc Kinh (Việt) như: trống bồng, guộn ngón, guộn đèn, đi lướt... được kết hợp hài hòa, tinh tế với những chuyển động mang tính ngẫu hứng của múa hiện đại đã làm nổi bật lên không chỉ những nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam mà còn phản ánh được nhịp sống đương đại hối hả. Bằng ngôn ngữ động tác múa mang tính ước lệ đã mô phỏng các hoạt động khắc ván gỗ, làm giấy, pha màu, vẽ, in tranh... một cách tự nhiên, chân thực, góp phần tái hiện đầy đủ, sinh động về làng nghề trong quá khứ cũng như hiện tại. Sự kết hợp này không chỉ giữ được vẻ đẹp truyền thống mà còn thổi vào đó hơi thở mới của thời đại. Đội ngũ biên đạo đã thành công trong việc duy trì sự cân bằng giữa dân gian và hiện đại nhờ kết hợp xử lý vừa độ các chuyển động của hai thể loại múa cũng như các thủ pháp sáng tác, góp phần mang đến một tác phẩm Thơ múa, vừa giữ được nét văn hóa dân tộc, vừa phản ánh được sự tiếp biến và đổi mới trong nghệ thuật múa đương đại.
Cùng phản ánh làng nghề truyền thống, Thơ múa Nàng Mây do các diễn viên đến từ Học viện Múa Việt Nam tái hiện sinh động, chân thực không gian làng nghề truyền thống mây tre đan - một trong những nghề truyền thống mang nét văn hóa độc đáo của Việt Nam, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân từ bao đời nay, nổi bật với sự tinh tế, khéo léo trong từng sản phẩm. Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân, những chiếc nan tre, nan mây được uốn nắn, đan lát tỉ mỉ, tạo nên các sản phẩm nghệ thuật tinh xảo. Mỗi sản phẩm không chỉ thể hiện sự sáng tạo, mà còn chứa đựng hồn quê, phản ánh lối sống mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần phong phú của người dân Việt. Điều làm nên sức hấp dẫn cho Thơ múa Nàng Mây (Biên đạo: Nguyễn Hải Trường, Biên đạo nhân vật: Mai Len, Vũ Huệ, Thúy Hiền; Âm nhạc: Minh Dương, Ngô Hồng Quang) chính là cách xử lý thông minh, khéo léo giữa chuyển động của ngôn ngữ múa đương đại với chất liệu múa dân gian hòa quyện, logic cùng đạo cụ là vật liệu nan mây, nan tre tạo không gian làng nghề và hiệu ứng thẩm mỹ vô cùng mãn nhãn.
Có thể nói, đã có nhiều biên đạo đưa vật liệu mây, tre đan lên sân khấu múa nhưng Thơ múa Nàng Mây đã cho thấy một tư duy sáng tạo của những người trẻ với góc nhìn đương đại đan cài hài hòa với văn hóa truyền thống. Tác phẩm được bố cục, bài trí không gian lô gic, hài hòa giữa âm thanh, ánh sáng với đạo cụ và ngôn ngữ múa... tạo nguồn năng lượng lan tỏa, vừa phát huy vẻ kiều diễm, lung linh của ngôn ngữ múa; vừa tôn vinh được nét thân thuộc, gần gũi của một làng nghề Việt. Âm nhạc cũng chứa đựng sự giao thoa giữa nhạc dân tộc và nhạc hiện đại, tạo âm hưởng “bắt tai”. Ở đó, khán giả cảm nhận rõ nét sự lắng đọng, hồn hậu đậm chất đồng bằng Bắc Bộ đặc trưng, song cũng thấy được sự trong trẻo, tươi sáng của nhịp sống đương đại.
Biên đạo Hải Trường cho biết tác giả đã ấp ủ ý tưởng, xây dựng kịch bản trong gần một năm và để có chất liệu thực tế sáng tác, biên đạo đã đi tới nhiều làng nghề mây tre đan tại Hà Nội, Huế… cũng như các vùng khai thác nguyên liệu, trực tiếp cảm nhận người dân vất vả, băng rừng lội suối khai thác mây, sau đó lại dụng công chế biến những thanh mây mềm để đan thành các vật dụng. Ê kíp đã đến Bao La - làng nghề có truyền thống mây tre đan lâu đời tại Thừa Thiên Huế để hòa mình vào không gian văn hóa nơi đây, giúp họ thăng hoa và truyền tải cảm xúc chân thực tới khán giả.
Như vậy, có thể thấy việc sử dụng chất liệu múa dân gian dân tộc kết hợp với múa đương đại để kể những câu chuyện về đời sống văn hóa của người Việt gắn với giá trị làng nghề đã tạo thành công cho vở diễn và đội ngũ sáng tạo của Thơ múa Nàng Mây và Thơ múa Họa tình nhân gian.
Đều chọn chủ đề tôn vinh truyền thống làng nghề, các diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam lại có một cách tiếp cận khác khi vẽ nên những bức tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống bằng vũ điệu uyển chuyển của đôi giày mũi cứng, bằng sự kết hợp giữa múa đương đại và Múa Cổ điển châu Âu để chuyển tải câu chuyện dân gian của bức tranh Hàng Trống Lý ngư vọng nguyệt.
Lý ngư vọng nguyệt là một cảnh trong vở Ballet Đông Hồ do biên đạo múa Ngọc Anh dàn dựng, sáng tạo cho ekip các nghệ sĩ ballet Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.
Chia sẻ về ý tưởng sáng tạo tác phẩm, biên đạo múa Ngọc Anh cho biết: “Tôi rất muốn mang đến cho Đông Hồ một linh hồn mới, bằng nét vẽ mới, không phải chỉ là khuôn dập gỗ, hay những thiết kết trang phục, mà bằng “ngòi bút” sắc sảo tạo nên bởi đôi giày mũi cứng của người nghệ sĩ múa Ballet. Mặt khác, tôi muốn mang hồn Việt đến với nghệ thuật cổ điển nước ngoài, khiến công chúng vừa được đến với những chân trời mới của nghệ thuật mà vẫn giữ được niềm tự hào của văn hóa truyền thống dân tộc”.
Tác phẩm dẫn dắt người xem đến với sự tinh tế giản dị được truyền tải một cách trừu tượng và mang tính cảm nhận. Thông điệp “Cho và Nhận” xuyên suốt vở múa chính là sự kết nối chặt chẽ dựa trên giá trị nhân văn của người Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đông Hồ còn có sự hòa quyện khéo léo giữa những hình ảnh văn hóa và tinh hoa của quê hương Việt Nam với âm nhạc hàn lâm thế giới thông qua Bốn mùa - The New For Seasons, bản giao hưởng do nhà soạn nhạc cổ điển đương đại Max Richter biên soạn lại từ bản gốc cùng tên của Antonio Vivaldi - một trong những nhà soạn nhạc Baroque vĩ đại nhất của thế giới.
Một trong những nét độc đáo nữa của Lý ngư vọng nguyệt còn nằm ở thiết kế tối giản của trang phục, sân khấu. Sự tối giản này sẽ góp phần đẩy hiệu ứng hình ảnh, thông qua khả năng sáng tạo của chuyên gia visual, với sự hỗ trợ hiệu quả của hệ thống công nghệ hiện đại sẽ giúp kích thích mọi giác quan của khán giả, tạo nên không gian nghệ thuật sang trọng nhưng không kém phần gần gũi, thân thuộc của văn hóa làng nghề.
Rõ ràng, với góc nhìn của thế hệ trẻ, với cách tiếp cận đề tài sáng tạo, mới mẻ và những công cụ hỗ trợ như: ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, kĩ xảo sân khấu, trang phục, đạo cụ, thiết kế mỹ thuật... cộng hưởng với âm nhạc và lối xử lý ngôn ngữ múa mang hơi thở đương đại, các tác phẩm múa không chỉ tôn vinh văn hóa truyền thống mà còn khẳng định sự phát triển và sáng tạo không ngừng của nghệ thuật múa Việt Nam trong bối cảnh đương đại.
Có thể nói, Họa tình nhân gian, Nàng Mây, Lý ngư vọng nguyệt là những minh chứng hùng hồn cho sự khởi sắc, thăng hoa của múa Việt Nam trong kỳ liên hoan này. Và một lần nữa khẳng định bản sắc văn hóa luôn là nền tảng cho sự phát triển bền vững cho mọi sự tiếp biến, sáng tạo của nghệ thuật đương đại.
HỒ THỊ THANH TÂM
Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024