Làn điệu, bài bản hát trong vở Hộ sinh đàn của Đào Tấn

Tóm tắt: Đào Tấn, người có công đóng góp nhiều kịch bản Hát bội phổ biến ở Bình Định như: Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan, Đào Phi Phụng, Cổ thành... Hộ sinh đàn (HSĐ) là một trong những kịch bản hát bội của Đào Tấn được lưu truyền trong dân gian Bình Định, thể hiện phong cách hát bội Bình Định (HBBĐ). Tuy nhiên, qua thời gian, làn điệu, bài bản hát trong kịch bản này ngày càng trở nên mai một trong biểu diễn HBBĐ. Xác định làn điệu, bài bản hát trong vở HSĐ và nhận diện sự thay đổi trong thực tế biểu diễn vở HSĐ hiện nay ở Bình Định so với kịch bản của Đào Tấn là việc làm cấp bách, góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị nghệ thuật của phong cách HBBĐ. Bài viết trình bày về các làn điệu, bài bản hát trong vở HSĐ, cụ thể: xác định số lượng, tỉ lệ các dạng làn điệu, bài bản hát của từng nhân vật trong vở diễn này với những giá trị nghệ thuật của chúng; sự thay đổi về làn điệu, bài bản hát trong thực tế biểu diễn vở HSĐ so với kịch bản của Đào Tấn.

Từ khóa: làn điệu hát, bài bản hát, Hộ sinh đàn, Đào Tấn.

Abstract: Dao Tan, a significant contributor to numerous well-known boi singing scripts in Binh Dinh, such as: Hoang Phi Ho crossing the border pass, Dao Phi Phung, Co thanh... Ho sinh dan (HSĐ) (a Vietnamese classical opera about a ritual for safe childbirth) is one of Dao Tan’s boi singing scripts that has been passed down through the folk traditions of Binh Dinh, embodying the unique style of Binh Dinh Boi singing (HBBĐ). However, over time, the melodies and musical structures within this script have increasingly faded in HBBĐ performances. Identifying the melodies and musical structures in the HSĐ play and recognizing the changes in the current performance of HSĐ in Binh Dinh compared to Dao Tan’s script is an urgent task that contributes to preserving and conserving the artistic value of the HBBĐ style. This article presents the melodies and musical structures in the HSĐ play, specifically: determining the number and proportion of various types of melodies and musical structures for each character in this play, along with their artistic values; and the changes in melodies and musical structures in the actual performance of HSĐ compared to Dao Tan’s script.

Keywords: singing melody, song, Ho sinh dan, Dao Tan.

Làn điệu, bài bản hát trong kịch bản vở HSĐ của Đào Tấn

Kịch bản vở HSĐ   

Đào Tấn sáng tác vở HSĐ (ca đẻ có thần linh phù hộ) vào những năm 1898 -1902. Vay mượn cốt truyện từ tiểu thuyết Trung Hoa thời nhà Đường suy tàn, HSĐ mô tả về cuộc đời của Tiết Cương, cháu của Tiết Nhơn Quý đang bị binh triều (do Võ Tam Tư cầm quân) truy lùng. Tiết Cương ẩn lánh ở vùng núi cao Long Sơn và kết duyên cùng Lan Anh. Hai vợ chồng xây dựng căn cứ địa là Long Sơn trại. Lực lượng phản kháng triều đình còn có căn cứ địa Hùng Sơn do Ngũ Hùng, Tần Hán làm trại chủ. Một lần đi tảo mộ song thân, Tiết Cương bị binh triều phát hiện, truy đuổi. Lan Anh đang thai nghén, biết tin chồng lâm nạn nên đi tìm. Vợ chồng vừa gặp nhau lại lạc nhau vì Võ Tam Tư truy đuổi ráo riết. Trên đường lánh nạn, Tiết Cương ghé nhà Tiết Nghĩa, người từng được Tiết Cương cứu thoát chết. Tuy nhiên, Tiết Nghĩa là kẻ phản bội nên lập mưu bắt Tiết Cương giao nộp cho binh triều. Để trả ơn cứu mạng, Tú Hà (vợ Tiết Nghĩa) báo tin cho Ngũ Hùng, Tần Hán đến giải cứu Tiết Cương rồi tự vẫn. Còn Lan Anh, trên đường tìm chồng, nhờ thần linh giúp đỡ đã sinh hạ con trẻ trong miếu hoang.

Thoát khỏi tư tưởng trung quân của hầu hết các vở hát bội, trong HSĐ, Đào Tấn đề cao lực lượng trung thần, tình nghĩa vợ chồng, bạn bè, hiền lành, ơn nghĩa của phụ nữ. Đặc biệt, đây là vở kịch hát đầu tiên có cảnh sinh đẻ lên trên sân khấu. Qua vở này, Đào Tấn đã phản ánh hiện thực cuộc sống của những con người chính nghĩa.

HSĐ gồm 1 hồi (13 lớp), có 1.370 câu thơ/ phú: 750 câu của làn điệu, bài bản hát (Bạch, Xướng, Ngâm, Thán, Lối, Tán, Tẩu, Khách, Nam, Ban, Lý) và 624 câu văn xuôi của hường, kẻ.

Hiện nay, kịch bản vở HSĐ của Đào Tấn được lưu truyền tại Bình Định được xem là đầy đủ nhất chính là văn bản do con gái cụ Đào Tấn (là Đào Trúc Tiên) phiên âm, Phạm Phú Tiết chú giải, Vũ Ngọc Liễn khảo dị, hiệu đính. Văn bản này được in ấn, xuất bản trong cuốn Đào Tấn, tuồng Hát Bội (2005).

Số lượng, tỉ lệ làn điệu, bài bản hát trong kịch bản HSĐ

HSĐ có 750 câu thơ của làn điệu, bài bản hát, gồm: 41 câu (5%) bài bản hát (Ban, Lý) và 709 câu (95%) làn điệu hát (Lối, Tán, Bạch, Xướng, Thán, Ngâm, Khách, Nam, Tẩu). Cụ thể:

Giá trị nghệ thuật của làn điệu, bài bản hát trong kịch bản HSĐ

Khắc họa hình tượng nhân vật, mô tả tình huống, tâm trạng nhân vật

Đào Tấn khắc họa hình tượng nhân vật bằng các câu hát Khách, Nam, Bạch, Xướng… Các vai chính diện hay phản diện đều sử dụng. Ví dụ: Tiết Cương, Lan Anh, Tiết An, Ngũ Hùng, Tần Hán, Lâu La, Tam Tư, Tiết Nghĩa đều sử dụng Khách. Giai điệu của Khách thể hiện tính chất anh hùng, mạnh mẽ, khí chất thượng võ của các nhân vật này. Đây là làn điệu hát đặc trưng của âm nhạc HBBĐ. Ngoài Khách, trong những cảnh chia ly, loạn lạc của vợ chồng Tiết Cương, Lan Anh, điệu hát Nam buồn thương dùng để miêu tả tình cảnh này. Ví dụ: những câu hát Nam của Lan Anh (Lịu địu tay bồng, tay ẵm/ Dõi trông người biển thẳm non cao) trong cảnh sinh nở, chia ly; của Tú Hà trong tâm trạng đau đớn (Mảnh gương phút đã tan tành… Nợ phong trần trả hết từ đây) trước khi tự vẫn. Ngoài ra, các nhân vật thần thánh như Ải Thần (bà thần vòng), Đào Tấn quy định sử dụng Bạch và Khách với những câu thơ thất ngôn tứ tuyệt để mô tả tính cách thần thánh của nhân vật.

Ngoài ra, trong HSĐ, Đào Tấn quy định hát Ban cứu đối với vai Tiết Cương khi được Lan Anh giải cứu, hoặc đối với cảnh Tam Tư và Tiết Cương gặp nhau giao chiến. Còn Lý (Lý Hồ Nô/ Lý thượng) sử dụng để khắc họa nhân vật Hồ Nô, người hầu của Lan Anh. Lý Hồ Nô xuất hiện xen kẽ những câu Nam của Lan Anh. Đây là cách kết hợp đặc biệt để mô tả sự gian khổ của Lan Anh và lòng trung thành của Hồ Nô trong loạn lạc. Cũng vì lẽ đó, trong nhiều cuộc liên hoan, cuộc thi tài năng Hát Bội, trích đoạn trong Lan Anh lạc đẻ (cảnh loạn lạc, sinh đẻ của Lan Anh có Hồ Nô bên cạnh) được chọn diễn.

Thể hiện tín ngưỡng tôn giáo

Nội dung câu hát của các vai thần thánh như Thần Đại Sĩ, Địa Tạng (giúp dẫn hồn Tú Hà về nơi cực lạc) thể hiện tín ngưỡng, tôn giáo thời bấy giờ của Đào Tấn nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Ví dụ: trong cảnh Tú Hà tự vẫn, câu Bạch của Ải Thần thể hiện tín ngưỡng dân gian về ma Thần Vòng tồn tại dưới dạng dây thòng lọng chuyên xúi người thắt cổ; câu Lối của Thần Đại Sĩ, Địa Tạng thể hiện Phật giáo; cảnh Lan Anh sinh con trong ngôi miếu được thần linh phù hộ mẹ tròn con vuông thể hiện tín ngưỡng thờ Bà chúa Thai sinh.

Mang tính văn học cao

Đào Tấn là một vị quan và cũng là thi sĩ, vì vậy, kịch bản hát bội của ông được ví như một tác phẩm thơ mà HSĐ là điển hình. Những câu thơ thất ngôn tứ tuyệt, lục bát hoặc phú được sáng tác đúng âm vận, luật (bằng/ trắc, đối), tạo nên những giai điệu âm nhạc khác nhau. Mỗi làn điệu, bài bản được xây dựng từ những loại thơ khác nhau. Cách ngắt hơi để luyến láy trong câu hát gắn với nhịp điệu của thơ. Quy tắc hát các chữ dựa vào dấu thanh tương ứng với các âm trong thang âm của điệu hát, tạo nên những cao độ khác nhau. Giai điệu âm nhạc hình thành trong từng câu thơ vang lên khác nhau. Âm vận của thơ càng được trau chuốt, chỉnh chu thì giai điệu âm nhạc của từng làn điệu vang lên càng trầm bổng khác nhau. Âm vận, dấu thanh các chữ của câu thơ làm thay đổi giai điệu âm nhạc của câu hát. Đối với hát bội, kịch bản càng mang tính văn học cao thì càng có giá trị cao về đặc trưng âm nhạc hát bội.

Tạo điều kiện cho đào/ kép sáng tạo khi lựa chọn sử dụng dạng làn điệu, bài bản hát phù hợp tình huống trong biểu diễn

Việc ghi chú cụ thể về loại làn điệu, bài bản hát trong kịch bản vở HSĐ nhưng không ghi chú cụ thể từng dạng làn điệu, bài bản hát. Qua am hiểu về nội dung câu thơ, tính chất, tình huống, tâm trạng nhân vật mà đào/ kép lựa chọn sử dụng từng dạng làn điệu, bài bản hát phù hợp. Điều này thể hiện khả năng sáng tạo của họ trong biểu diễn. Ví dụ: Ghi chú là Khách nhưng có nhiều dạng Khách (Khách đối thoại, Khách hành binh, Khách tẩu, Khách hồn…), diễn viên tự xác định và chọn lựa dạng Khách phù hợp tình huống...

Những thay đổi về làn điệu, bài bản hát trong thực tế biểu diễn vở HSĐ của Đào Tấn

Thay đổi về số lượng làn điệu, bài bản hát

HBBĐ hiện nay phổ biến biểu diễn vở HSĐ vào các dịp:

Liên hoan, cuộc thi tài năng trẻ hát bội, cúng tổ nghề, giỗ Đào Tấn, lễ hội

Trong thực tế biểu diễn vở HSĐ tại Bình Định từ xưa đến nay, trong dịp giỗ Tổ, giỗ Đào Tấn, lễ hội… tại Bình Định, HSĐ là một trong những vở hát bội cổ được chọn biểu diễn. Theo nghệ nhân Hoàng Việt (1), HSĐ vẫn còn biểu diễn phổ biến vào những năm 1960-1970. Hoàng Chinh và Hồng Thu là đôi vợ chồng thường đóng Tiết Cương và Lan Anh trong HSĐ. Hiện nay, nhiều gánh hát tan rã vì thiếu đào/ kép hoặc bầu gánh không đủ kinh phí nuôi gánh hát. Nhiều vở hát bội cổ không còn diễn như trước. Vài trích đoạn trong HSĐ được diễn vào dịp giỗ Đào Tấn, cúng tổ nghề, lễ hội như Lan Anh lạc đẻ, Tiết Cương chống búa. Ví dụ: Liên hoan Sân khấu truyền thống không chuyên tỉnh Bình Định lần thứ V, năm 2003 (vở HSĐ chỉ diễn từ lớp 1 đến hết lớp 8 của đoàn Phước An); Liên hoan Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Ca kịch toàn quốc, năm 2020 tại Quy Nhơn, Bình Định (Lan Anh lạc đẻ, lớp 8 của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định); Liên hoan Sân khấu tuồng không chuyên tỉnh Bình Định, 2024: Lan Anh lạc đẻ (lớp 8) của đoàn Nhơn Hưng; Tiết Cương chống búa (lớp 2) của đoàn Trần Quang Diệu.

Phục hồi tuồng cổ của Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Nhà hát NTTT Bình Định)

Vào năm 2006, vở HSĐ được phục hồi biểu diễn nguyên vở. Tuy nhiên, tất cả chữ Hán đều dịch sang tiếng Việt. Một số tình huống, câu hát, lớp diễn bị bỏ qua khi phục hồi làm thay đổi số lượng làn điệu hát, cụ thể:

Lối: chỉ hát 548 câu; bỏ qua 98 câu Lối, gồm: Lối thường (8 câu của Hồ Nô trong lớp 5; 10 câu của Tam Tư trong lớp 6; 4 câu của Hồ Nô trong lớp 8; 10 câu của Thần trong lớp 8; 6 câu của Tam Tư trong lớp 9; 10 câu của Thần Đại Sĩ trong lớp 10; 8 câu của Hùng, Hán trong lớp 12; 8 câu Thần, 4 câu Lối Thường của Lan Anh, 8 câu của Tiết Cương trong lớp 13); Lối Bóp thường (2 câu của Tiết An trong lớp 10); Lối Bóp dựng (8 câu của Tiết An trong lớp 10); Lối Bóp Đạp (2 câu của Tiết An trong lớp 11); Lối Ai (10 câu của Tú Hà trong lớp 10).

Bạch: Bỏ qua 4 câu Bạch của Ải Thần.

Thán: Bỏ qua 4 câu Thán của Tú Hà.

Khách: chỉ hát 26 câu thơ hát Khách; bỏ qua 36 câu, gồm: Khách tự sự: 4 câu của Tam Tư (tr.279, lớp 4); 4 câu của Tam Tư (tr.290, 291, lớp 7); 4 câu của Ải Thần (tr.317, lớp 10); 4 câu của Ngũ Hùng và Tần Hán (tr.333, lớp 12); 4 câu của Tiết Cương, Lan Anh, Ngũ Hùng và Tần Hán (tr.343, 344, lớp 13). Khách tẩu: 4 câu của Tam Tư (tr.297-298, lớp 9); 4 câu của Tiết An (tr.315, lớp 10); 4 câu của Ngũ Hùng và Tần Hán (tr.324, lớp 11). Khách thường: 4 câu của Tiết Nghĩa (tr.325, 326);

Như vậy, Nhà hát tuồng Đào Tấn chỉ diễn 608 câu thơ/ phú; bỏ qua 142 câu (98 câu Lối, 4 câu Bạch, 4 câu Thán, 36 câu Khách) trong tổng 750 câu.

Thay đổi cao độ trong giai điệu hát

Trong lần phục dựng HSĐ, với mục đích tiếp cận gần hơn với khán giả trẻ, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã sử dụng lời dịch. Các chữ Hán trong kịch bản của Đào Tấn đều được biên dịch sang tiếng Việt, đặc biệt đối với Khách, Tán, Tẩu… Việc này làm thay đổi giai điệu hát (chủ yếu về cao độ) trong vở diễn HSĐ. Ví dụ:

Khách

Khách là một trong những làn điệu hát đặc trưng của âm nhạc HBBĐ; thuộc điệu thức Bắc; sử dụng bài nhạc “Hát Khách” của dàn nhạc. Căn cứ vào thể thơ, Khách chia thành 2 dạng là Khách thơ Khách phú. Nếu căn cứ vào tình huống sử dụng, Khách chia thành các dạng: Khách hành binh (khi cử binh ra trận, tính chất sôi động, gấp rút, mạnh mẽ); Khách đối thoại (khi nói chuyện với nhau); Khách tửu (khi anh em, bạn bè, vợ chồng nói chuyện và uống rượu, tâm sự với nhau, tính chất vui vẻ, nhàn hạ); Khách tự sự (khi tự sự); Khách tẩu (khi đi ngựa, tính chất khẩn trương); Khách tử (bi hùng; khi sắp chết nói lên tâm trạng của mình).

Khách phú được viết ở thể biền ngẫu, đối phú (các cặp câu biền ngẫu từ 7 chữ trở lên). Khách thơ được viết ở thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Mỗi nhân vật thường hát 1 hoặc 2 câu hát Khách. Một câu Khách phú gồm 2 câu biền ngẫu (câu đầu là vế Trống, câu sau là vế Mái. Một câu Khách thơ gồm 4 câu thơ (là 4 vế: Trống - Mái - Trống - Mái). Nếu hai nhân vật đang đối thoại thì mỗi nhân vật hát một vế xen kẽ. Hát Khách thuộc loại nhịp II, gồm một nhịp chẻ và một nhịp đóng cổng. Theo tiết tấu của tiếng trống chiến: Cắc cà rắc cắc (nhịp chẻ) - Cắc cắc cắc cắc (nhịp đóng cổng).

Hát Khách của HBBĐ là hát nhịp ngoại, các chữ khi mở miệng hát không được rơi vào đầu mỗi phách (kể cả lời và luyến láy). Nếu sai phạm sẽ gọi là hát bị dập nhịp. Đây là nét riêng của hát Khách trong HBBĐ.

Sau khi xác định dạng hát Khách phù hợp tình huống và nội dung câu thơ, đào/ kép dựa vào dấu thanh của các chữ trong câu thơ/ phú để hát và luyến láy. Nguyên tắc luyến láy:

Láy lệ: Vế Trống: hát 2 chữ đầu, ngắt hơi và láy lệ; nếu chữ thứ hai là thanh trắc thì láy ứ…ư…ứ…ư…ừ; là thanh bằng thì láy ừ…ư…ừ…ư (thường rơi vào nhịp đóng cổng). Chữ cuối cùng của vế Trống mang dấu thanh gì thì phải láy theo âm hưởng của chữ ấy rồi láy về chữ “ừ”. Vế Mái: không láy lệ, trừ trước chữ cuối cùng, ngắt hơi, láy lệ (ừ…ừ…ự…ừ…ư…ừ…).

Luyến: Chữ không dấu: từ âm hưởng của nó luyến sang dấu sắc rồi luyến về không dấu. Chữ dấu huyền: từ âm hưởng không dấu luyến trở lại dấu huyền. Chữ dấu sắc và hỏi: từ âm hưởng chữ ấy rồi luyến sang dấu sắc. Chữ dấu nặng: từ âm hưởng chữ ấy rồi luyến về dấu nặng. Chữ dấu ngã: từ âm hưởng chữ ấy rồi luyến về dấu huyền. Ví dụ: khả…á

Như vậy, giai điệu câu hát Khách hình thành phụ thuộc vào dấu thanh của các chữ trong câu thơ/ phú. Thang âm của hát Khách:

Tương ứng với các dấu thanh của lời hát: dấu sắc: c2 (Trống), hoặc a1 (Mái); dấu huyền: c1, hoặc g1 xuống d1 (Trống), hoặc a lên c1 (chữ cuối, kết thúc câu Khách); dấu hỏi: a1 lên c2 (Trống), hoặc g1 lên a1 (Mái), hoặc f2 xuống d2 (2 chữ đầu của vế Trống, câu Trống); dấu ngã: d1 lên a1; dấu nặng: d1; không dấu: d2 xuống c1 (Trống), hoặc g1 xuống f1(Mái), hoặc f2 xuống d2 (chữ đầu của câu Mái), hoặc f1 lên c1 (chữ cuối, kết thúc câu Khách).

Ví dụ 1: Khách tẩu, Lan Anh - HSĐ

Lời gốc: KHÁCH TẨU - LAN ANH

- HSĐ

(NN Hoàng Việt hát; Nhu Mì ký âm)

Lời dịch: KHÁCH TẨU - LAN ANH

- HSĐ

(NSND Hòa Bình hát; Nhu Mì ký âm)

Ở ví dụ 1, tuy các chữ ở lời gốc và lời dịch gần giống nhau về nghĩa nhưng lại khác về dấu thanh. Khi áp dụng quy tắc hát các chữ có dấu thanh tương ứng với các âm trong thang âm hát Khách, lời hát giữa bản gốc và bản dịch có thay đổi về cao độ. Ví dụ: Ở chữ cuối cùng, kỳ (lời gốc) và đâu (lời dịch) khác nhau về dấu thanh nên có cao độ khác nhau. Chữ kỳ luyến từ a lên c1, khác với chữ đâu luyến từ f1 xuống c1. Ngoài ra, vì dấu thanh của các chữ lời dịch thay đổi so với lời gốc nên cách luyến các chữ ấy cũng thay đổi, tạo thêm sự khác nhau về cao độ.

Tẩu

Tẩu là một trong những điệu hát đặc trưng của HBBĐ. Hát bội các vùng miền khác thường thay Tẩu bằng Khách tẩu. Tẩu thể hiện tính chất mạnh mẽ, khẩn trương, gấp rút. Tẩu giống với Khách tẩu về cấu trúc văn học, luyến láy, thang âm điệu thức nhưng khác về tốc độ nhanh hơn gấp đôi. Tẩu có luyến láy ngắn gọn, rõ từng chữ. Vế Trống: hát 2 chữ đầu, láy “ứ ự…”, hát cuối câu láy “ứ à ừ ứ ự…”. Vế Mái: trước chữ cuối cùng, láy “ư à ừ ứ…”. Dàn nhạc đệm bài Tẩu Mã khi hát Tẩu. Ví dụ các câu Tẩu của Tiết Cương:

Ví dụ 2: Tẩu, vai Tiết Cương - HSĐ

Lời gốc: TẨU - TIẾT CƯƠNG

- HSĐ

(NN. Hoàng Việt hát; Nhu Mì ký âm)

Lời dịch: TẨU - TIẾT CƯƠNG

- HSĐ

(NSND Đình Bôi hát; Nhu Mì ký âm)

Tán

Tán giống với Lối nhưng viết bằng chữ Hán; mở đầu hoặc xen giữa những câu hát Nam. Tán gồm một hoặc hai cặp câu biền ngẫu 5 chữ hoặc 7 chữ; phổ biến nhất là 5 chữ. Mỗi câu Tán có hai vế. Mỗi vế là một câu văn biền ngẫu. Tán nằm giữa các câu hát Nam dạng nào thì có cùng tính chất và cùng bài nhạc đệm của dạng hát Nam đó. Thang âm của Tán và các dấu thanh tương ứng:

Ví dụ 3: Tán, vai Tiết Cương - HSĐ

Lời gốc: TÁN, TIẾT CƯƠNG - HSĐ

(NSND Xuân Hợi hát; Nhu Mì ký âm)

Lời dịch: TÁN, TIẾT CƯƠNG - HSĐ

(NSND Đình Bôi hát; Nhu Mì ký âm)

Như vậy, trong các ví dụ 1, 2, 3, vì dấu thanh, âm vận của các chữ trong lời dịch khác với lời gốc nên cách hát, luyến láy các chữ ấy nhau, tạo nên sự thay đổi về cao độ trong giai điệu hát.

Tóm lại, sự thay đổi về làn điệu, bài bản hát trong HSĐ chủ yếu là về số lượng và cao độ. Thay đổi số lượng vì các đoàn HBBĐ bỏ qua nhiều lớp, nhiều câu Lối, Khách, Bạch…; chỉ còn diễn trích đoạn (từ 1 đến 2 lớp). Và thay đổi cao độ khi sử dụng lời dịch vì giai điệu hát hình thành phụ thuộc vào dấu thanh của các chữ trong câu thơ.

Kết luận

Làn điệu, bài bản hát trong kịch bản HSĐ của Đào Tấn có giá trị nghệ thuật cao. Chúng góp phần khắc họa hình tượng nhân vật; mô tả tình huống, tâm trạng nhân vật; thể hiện tín ngưỡng, tôn giáo; mang tính văn học cao; tạo điều kiện cho đào/ kép sáng tạo khi biểu diễn các làn điệu, bài bản hát.

Thực tế biểu diễn các làn điệu, bài bản hát thay đổi so với trong kịch bản HSĐ của Đào Tấn. Sự thay đổi thể hiện ở số lượng, tỉ lệ làn điệu hát và ở cao độ của giai điệu khi hát lời dịch. Càng ngày, nhiều câu hát, lớp diễn trong kịch bản HSĐ bị bỏ qua. Nguyên nhân thay đổi xuất phát từ việc giới hạn thời gian tham gia biểu diễn hoặc để tiếp cận gần hơn với khán giả trẻ không am hiểu chữ Hán… Điều này có thể làm mai một, giảm giá trị hoặc thất truyền các làn điệu, bài bản hát trong vở HSĐ của HBBĐ. Vì vậy, biểu diễn phục hồi nguyên vở HSĐ đúng với kịch bản gốc của Đào Tấn là góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật của vở này nói riêng và âm nhạc HBBĐ nói chung, giúp gìn giữ một phong cách Hát Bội truyền thống Việt Nam

Đ.T.N.M

__________________________

1. Nghệ nhân Hoàng Việt là con trai của vợ chồng Hoàng Chinh - Hồng Thu (đào kép nổi tiếng của hát bội ở Bình Định, thế hệ học trò của Đào Tấn), ngày phỏng vấn: 22-12-2024.

Danh mục khái niệm, quy ước sử dụng trong bài viết

1. Ký hiệu nốt nhạc: Ký hiệu các nốt nhạc đô, rê, mi… bằng chữ cái: c, d, e...

2. Ký hiệu quãng 8: c là đô quãng tám nhỏ; c1 là đô quãng 8 thứ nhất; c2 là đô quãng 8 thứ 2…

3. Ký hiệu rung, vỗ, non, già, luyến vuốt: Rung:  (đặt trên đầu nốt); vỗ: (đặt trên đầu nốt); luyến vuốt các âm đi lên hoặc đi xuống, ví dụ: d1 luyến vuốt lên d , h1 luyến vuốt xuống g1

Quy ước: Đối với tất cả các ví dụ về thang âm điệu thức, hơi, các bản ký âm, chúng tôi quy định viết nốt d1 là âm đầu tiên (bậc ) của thang âm, hơi. Những ghi chú về số trang khi trong bài viết này là chỉ số trang trong kịch bản HSĐ của Đào Tấn trích từ của sách: Vũ Ngọc Liễn, Đào Tấn - tuồng Hát Bội, Nxb Sân khấu Hà Nội, 2005.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 23-1-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 15-2-2025; Ngày duyệt đăng: 28-2-2025.

ĐÀO THỊ NHU MÌ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025

;