Không gian sáng tạo - mũi nhọn tiềm năng trong phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội

Thuật ngữ “không gian sáng tạo” xuất hiện trong chương trình toàn cầu Kinh tế Sáng tạo của Hội đồng Anh, triển khai tại Việt Nam vào năm 2014. Không gian sáng tạo là một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh, cũng như thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ (1).

1. Quan niệm về không gian sáng tạo

Tại Việt Nam, không gian sáng tạo có thể được mở rộng, với quan điểm rằng sáng tạo, cũng như không gian sáng tạo, luôn thay đổi và phát triển. Rất khó để đóng khung “không gian sáng tạo” vào một khái niệm hạn hẹp, bởi mỗi không gian là khác biệt. Các không gian sáng tạo ở Việt Nam không đơn thuần là những địa điểm thực hay/ và trực tuyến, một vài trong số đó còn không có “không gian”. Những không gian này có thể là một tổ hợp/ nhóm hoặc một lễ hội - họ không có địa điểm cố định, mà thường xuyên thuê/ mượn chỗ để tổ chức sự kiện. Một số không gian sáng tạo có thể dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác. Nhìn từ bên ngoài, các không gian sáng tạo có thể là một quán cà phê, phòng tranh, sân khấu ca nhạc, không gian làm việc chung, thư viện, studio, trang web, trường học, khu phức hợp, nơi lưu trú...

Không gian nghệ thuật đương đại và sáng tạo mới Heritage Space luôn thu hút đông người dân tới tham quan

Ảnh: Báo Hànộimới

Dù có nhiều quan niệm chưa thống nhất về không gian sáng tạo, tuy nhiên, tựu trung lại, không gian sáng tạo thực hiện các hoạt động và có những đặc điểm sau: Sản xuất và bán các sản phẩm/ dịch vụ sáng tạo; Tổ chức các sự kiện để thúc đẩy sự sáng tạo và tài năng; Triển khai các dự án phát triển cộng đồng; Chia sẻ kiến thức và kỹ năng qua tọa đàm, hội thảo, lớp học; Gây quỹ; Mở cửa cho mọi đối tượng. Mặc dù hầu hết các không gian sáng tạo được hình thành trên cơ sở hướng tới cộng đồng nhưng nó lại là một mô hình kinh doanh, vì thế, phải vận hành theo cơ chế của một doanh nghiệp và chịu sự tác động của các quy luật kinh tế.

2. Thực trạng không gian sáng tạo ở Thủ đô Hà Nội

Đa dạng về số lượng: Hà Nội là địa phương dẫn đầu trong cả nước về số lượng các không gian sáng tạo. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nếu như năm 2019, Hà Nội chỉ có khoảng 70 không gian sáng tạo thì đến nay con số đó đã là 190. Có thể kể đến một số không gian sáng tạo tiêu biểu của Thủ đô như: phố đi bộ Hồ Gươm, phố Sách, phố bích họa Phùng Hưng, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân; hệ thống các bảo tàng, viện, trung tâm chuyên về văn hóa, nghệ thuật; các hội nghề nghiệp văn học, nghệ thuật; trường đại học, nhà hát, khu triển lãm và cơ sở dành cho hoạt động biểu diễn...; hay là các không gian của tư nhân xây dựng như: Heritage Space, Café chiều thứ 7, Manzi, Ơ kìa Hà Nội; Liu lo Art, Six Space, CuCa, Hub Café, Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại Vicas Art Sudio, Tổ Chim Xanh, Zó Projet… hoặc cũng có thể là nền tảng trực tuyến như Hanoi Grapevine, hay là những không gian sáng tạo không có “không gian” như The Onion Cellar, bảo tàng thấu cảm... Sự nở rộ của các không gian sáng tạo tại Hà Nội cho thấy tín hiệu vui trong việc nuôi dưỡng và phát triển văn hóa từ chính cộng đồng, cũng khẳng định hướng đi đúng đắn của Hà Nội khi lựa chọn đẩy mạnh phát triển các không gian văn hóa sáng tạo.

Phong phú về cách thức tổ chức: Không gian sáng tạo của Hà Nội không chỉ đa dạng về số lượng mà còn phong phú trong cách thức tổ chức. Đó có thể là mô hình kinh doanh của một cá nhân hoặc một nhóm người có cùng ý tưởng; đó cũng có thể là các dự án của các tổ chức, của các cơ quan…

Ơ kìa, Hà Nội là một không gian sáng tạo do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp khởi xướng. Kể từ khi thành lập đến nay, không gian này đã có nhiều hoạt động văn hóa bổ ích, thu hút sự tham gia đông đảo của công chúng như sự kiện tưởng niệm ngày mất của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ, các cuộc trò chuyện về hội họa, sách, phim... được tổ chức thường niên với mục đích chia sẻ những giá trị văn hóa cho cộng đồng... Trong số các không gian sáng tạo do tư nhân xây dựng phát triển mạnh ở Hà Nội trong thời gian gần đây có thể kể đến Think Playgrounds - Doanh nghiệp xã hội nghĩ về sân chơi trong phố. Doanh nghiệp này đã xây dựng những sân chơi cho trẻ em bằng các vật liệu tái chế thú vị như lốp xe, thùng các tông, rơm rạ, mẩu gỗ, một không gian thú vị dành cho các bạn nhỏ tự do sáng tạo. Mới đây, doanh nghiệp này cũng hoàn thành dự án “Sân chơi Nỏ thần” tại huyện Đông Anh với các vật liệu là gỗ và lốp xe tạo hình dáng của cung tên với nhiều mắt thần. Khi đến với sân chơi này, các chủ nhân của tương lai sẽ hiểu thêm về thành Cổ Loa, về Mỵ Châu, Trọng Thủy và Nỏ thần, về lịch sử của dân tộc. Sân chơi này cũng là một phần của dự án “Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam” với sự hợp tác của Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS). Hợp tác xã Vụn Art, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông lại là nơi sáng tạo nghệ thuật của những người khuyết tật thông qua việc tận dụng nhiều mảnh vải vụn làm thành các bức tranh tinh tế theo mẫu tranh dân gian. Hợp tác xã đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới như túi vải và áo phông trang trí họa tiết bằng những mảnh vải vụn, với ưu điểm là độ bền cao, nhìn sinh động. Đây là những sản phẩm mới lạ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, nhiều sản phẩm tranh ghép từ vải vụn của Vụn Art còn được xuất sang Nhật Bản. Dự án nghệ thuật Phúc Tân - sông Hồng do 16 nghệ sĩ khởi xướng nhằm cải tạo con đường ven bờ sông Hồng (Phúc Tân - Hoàn Kiếm - Hà Nội) từ tháng 2-2020. Nhóm nghệ sĩ quyết tâm làm sạch đẹp một không gian thơ mộng bên sông Hồng. Dự án sau khi hoàn thành được coi là điểm sáng trong việc đánh thức các không gian công cộng ở Hà Nội, có sự tham gia của người dân cùng gom góp vật liệu... để các họa sĩ sáng tác tác phẩm. VICAS Art Studio - Trung tâm Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại thuộc VICAS được thành lập từ năm 2017. Nơi đây thường tổ chức trưng bày nghệ thuật, kết nối nghệ sĩ với thị trường và khán giả. Với diện tích khoảng 200m2, phòng trưng bày của trung tâm này tạo ra không gian cởi mở, thân thiện. Các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên đều có thể được mở triển lãm miễn phí tại đây. Ngoài triển lãm, VICAS Arts studio còn có tọa đàm về nghệ thuật, trình diễn âm nhạc thể nghiệm thu hút được đông đảo công chúng. Điều đáng nói là tuy trực thuộc một đơn vị của Nhà nước, song VICAS Arts studio không có kinh phí và biên chế hoạt động. Mặc dù vậy, không gian này vẫn hoạt động rất sôi nổi. VICAS Arts studio là một ví dụ cho thấy vai trò của không gian sáng tạo nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay trong việc kết nối nghệ sĩ và công chúng, kết nối sáng tạo với nhu cầu thị trường.

Bên cạnh các không gian sáng tạo do các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ xây dựng, chính quyền thành phố Hà Nội nỗ lực xây dựng các không gian sáng tạo công cộng dành cho dân chúng. Trong đó, nổi bật là không gian văn hóa sáng tạo phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Theo thống kê, trong 3 năm triển khai không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, đã có hơn 400 sự kiện văn hóa quy mô lớn được tổ chức tại đây, thu hút hàng triệu du khách. Đặc biệt, đây còn là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế giữa Hà Nội với nhiều tỉnh, thành phố và bạn bè quốc tế. Bên cạnh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian nghệ thuật bích họa trên phố Phùng Hưng, không gian văn hóa đọc tại phố sách Hà Nội, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã trở thành thương hiệu, là điểm đến, điểm nhấn của Thủ đô. Không chỉ là không gian vui chơi, thư giãn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước, những không gian sáng tạo còn chứa đựng giá trị văn hóa lâu đời, quý báu này, là địa điểm thu hút các nhà nghiên cứu, làm nghệ thuật, người sáng tạo muốn thử nghiệm những cái mới, những tác nhân góp phần thúc đẩy phát triển nền công nghiệp văn hóa.

Mặc dù có sự gia tăng về số lượng, đa dạng về cách thức tổ chức và mô hình hoạt động nhưng nhìn tổng thể, sự phát triển không gian sáng tạo của Hà Nội vẫn còn hạn chế: các không gian sáng tạo ở Hà Nội chủ yếu vẫn là những mô hình tự phát, thiếu sự định hướng, hỗ trợ từ phía chính quyền.

Thiết kế và vận hành hoạt động của các không gian sáng tạo hiện nay phần lớn là từ các doanh nghiệp tư nhân, nhỏ lẻ, tự phát. Kinh nghiệm và nguồn vốn của các doanh nghiệp này đều hạn chế. Để duy trì hoạt động, nhiều mô hình đã có những tìm tòi, cải tiến trong hoạt động. Song với đặc trưng hoạt động phi lợi nhuận, nguồn thu chủ yếu đến từ dịch vụ phụ trợ hoặc các tài trợ, dự án ngắn hạn, khó khăn về địa điểm tổ chức hoạt động, do giá thuê mặt bằng cao, thời gian thuê ngắn, trong khi nguồn thu bấp bênh… nên số không gian sáng tạo duy trì hoạt động được không nhiều. Trên thực tế, các không gian sáng tạo hoạt động đến nay đều bằng chính nỗ lực của những người sáng tạo, vận hành nó.

Nhiều không gian sáng tạo ra đời nhằm mục đích phục vụ cộng đồng, nhưng lại bị coi là doanh nghiệp đơn thuần nên đã hạn chế hoạt động sáng tạo. Một số không gian sáng tạo thiếu mặt bằng, hoạt động trong không gian nhỏ hẹp nên chưa phát huy tốt. Trong khi đó, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội dù rất cố gắng nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ cho những không gian sáng tạo phát triển. Bên cạnh đó, không gian sáng tạo ở Thủ đô, dù có sự đa dạng và phong phú về loại hình, phương thức hoạt động, tính cố kết mạng lưới cao, sẵn lòng hỗ trợ và kết nối, nhưng tính bền vững không cao do không có một nền tảng hỗ trợ ổn định, quy mô lớn từ thành phố, doanh nghiệp, tập đoàn. Về cơ bản, hiện chưa có một chính sách, chương trình hỗ trợ, ưu đãi về thuế kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, thuê địa điểm, nhà xưởng, ưu đãi vay vốn kinh doanh, tiếp cận với các nguồn tài trợ từ nhà nước, thành phố... dành riêng cho họ. Bởi vậy, các không gian sáng tạo dễ bị ảnh hưởng khi chịu tác động bởi các biến động về kinh tế, xã hội.

Một trong những ví dụ tiêu biểu của việc các không gian sáng tạo phải hết sức nỗ lực trong việc duy trì hoạt động như không gian sáng tạo Tò He ở số 8, phố Đỗ Quang (quận Cầu Giấy). Doanh nghiệp này đã tạo thiện cảm với người tiêu dùng bằng sản phẩm khẩu trang in thiết kế độc quyền từ tranh vẽ của các họa sĩ “đặc biệt” - trẻ tự kỷ. Cùng với khẩu trang, Tò He còn phối hợp với một số không gian sáng tạo khác, giới thiệu các sản phẩm phòng, chống dịch, như: Tinh dầu, nước rửa tay diệt khuẩn... với mục đích vừa phục vụ cộng đồng phòng, chống dịch, vừa duy trì hoạt động của mô hình… Không gian sáng tạo Ơ kìa Hà Nội mới thông báo chuyển đến địa điểm, trên tầng 5 của tập thể Bưu điện, trong một ngõ nhỏ trên phố Ngọc Khánh. Không gian mới ấn tượng, bởi chủ nhân của nó tiếp tục tái tạo một Hà Nội xưa cũ, với những trang trí rất Hà Nội. Song, sau vài năm hoạt động, đây đã là lần thứ ba, Ơ kìa Hà Nội phải chuyển nhà một cách bất đắc dĩ. Đến nay, không gian này vẫn hoạt động hiệu quả, nhưng việc phải chạy quanh thành phố vì mặt bằng phần nào nói lên những khó khăn của không gian sáng tạo. Hay như tổ hợp sáng tạo 60S Thổ Quan (nằm trong ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên, quận Ðống Ða) để lại nhiều tiếc nuối hơn khi bị xóa sổ. Tổ hợp này gồm hơn 20 cửa hàng khác nhau, với nhiều loại hình nghệ thuật, sáng tạo kết hợp với các cửa hàng ẩm thực, từ thiết kế, nhiếp ảnh, cho đến âm nhạc. Trong quá trình hoạt động, tổ hợp này đã từng phải tạm dừng. Ðến đầu năm 2021, tổ hợp 60S Thổ Quan dừng hẳn, vì đối tác đòi lại mặt bằng. Tại con ngõ nhỏ tại 156 Phú Viên (phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội), nhiều du khách ngỡ ngàng khi bước qua chiếc cổng với những bệ sắt thép hoen rỉ là một không gian của nhiều bậu cửa, phòng họp, phòng triển lãm, khu vui chơi rộng đến cả nghìn mét vuông mang tên 282 Design. Du khách, đặc biệt là các bạn trẻ đến nay có thể có không gian sống ảo, đứng trên cao ngắm thành phố từ xa, vút tầm mắt là bờ sông, bãi bồi... Ngoài ra, không gian của bếp củi, quán cà phê tự phục vụ, hay các phòng chức năng từ trải nghiệm sáng tạo đến triển lãm… đều được bố trí trong không gian này, mang phong cách riêng. Nếu không vì dịch bệnh COVID-19 thì vào mỗi dịp cuối tuần nơi đây đón hàng trăm lượt khách ghé qua, nhưng thời gian gần đây, 282 Design cũng chỉ hoạt động cầm chừng.

Có thể nói, tình trạng của các không gian sáng tạo trong bối cảnh dịch COVID-19 rất đáng báo động. Bởi nguồn thu chính của những không gian này không dựa vào các hoạt động trực tiếp như triển lãm, chiếu phim, giảng dạy, biểu diễn mà phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ hoặc vào nguồn tài trợ, dự án ngắn hạn. Khi dịch bệnh xảy ra, họ không kịp chuẩn bị về nguồn lực và năng lực để chuyển đổi sản phẩm và dịch vụ. Bởi vậy, các nhà quản lý cần sớm có những chính sách ưu đãi, về đất đai, quy hoạch đô thị, thuế, hỗ trợ, tiếp sức kịp thời để các không gian sáng tạo ở Thủ đô thúc đẩy hoạt động, có cơ hội phát triển.

3. Giải pháp phát triển không gian sáng tạo ở Thủ đô Hà Nội

Hà Nội đã trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, với trọng tâm đặt sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển bền vững. Vì vậy, việc thúc đẩy các không gian sáng tạo ra đời và hoạt động hiệu quả là cần thiết. Để phát huy những điểm mạnh, khắc phục hạn chế, vượt qua thách thức, phát triển không gian sáng tạo xứng với tầm vóc của Thủ đô, thiết nghĩ, cần tập trung vào các giải pháp:

Trước hết, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, của chính quyền các cấp, của các sở ban ngành về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có phát triển những không gian sáng tạo. Thành ủy Hà Nội cần sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Trên cơ sở đó, các cấp chính quyền và các Sở, Ban, ngành xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai Nghị quyết dựa trên chức năng, nhiệm vụ cụ thể của mình.

Thứ hai, cần nghiên cứu, ban hành chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa nói chung và không gian sáng tạo nói riêng. Các không gian sáng tạo được hình thành trước hết là hướng tới cộng đồng, vì cộng đồng nhưng lại vận hành theo mô hình của một doanh nghiệp. Vì thế, nếu chỉ thuần túy áp dụng những chính sách kinh tế trong quản lý các doanh nghiệp này như doanh nghiệp thông thường khác, thì sẽ không thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Do vậy, cần có chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế doanh nghiệp, lãi suất ngân hàng, thuê mặt bằng kinh doanh… tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sáng tạo phát triển.

Thứ ba, huy động các nguồn lực để phát triển không gian sáng tạo của Thủ đô. Ngoài chủ thể lãnh đạo quản lý, để phát triển không gian sáng tạo cần có sự tham gia của giới nghiên cứu, đội ngũ doanh nhân, nghệ sĩ, công chúng… Xây dựng, phát triển không gian sáng tạo là vấn đề mới mẻ về phương diện lý luận và thực tiễn ở Việt Nam. Chính vì vậy, cần tiếp tục có những nghiên cứu, đặc biệt là những nghiên cứu mang tính tổng kết thực tiễn các mô hình phát triển không gian sáng tạo. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thông qua nhiều chính sách cụ thể, thu hút đội ngũ doanh nhân, nghệ sĩ - chủ thể sáng tạo tiếp tục phát huy ý tưởng. Công chúng cũng cần được quan tâm ở nhiều phương diện: giáo dục thẩm mỹ, nâng cao nhận thức… để trở thành công chúng thông minh trong việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ từ những không gian sáng tạo.

Thứ tư, Hà Nội cần tiếp tục công tác truyền thông để lan tỏa vai trò của không gian sáng tạo đến với mọi tầng lớp nhân dân. Điều này cũng củng cố thêm niềm tin, động lực cho các cá nhân và tổ chức trong đầu tư, thực hiện nhiều dự án, chương trình, mô hình không gian sáng tạo. Cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng với Tạp chí Kiến trúc phối hợp tổ chức vừa qua là một ví dụ. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của rất nhiều tổ chức và cá nhân (2).

TK XXI, công nghiệp văn hóa được coi là ngành công nghiệp trụ cột, có sức ảnh hưởng mang tính thúc đẩy vị thế, tầm ảnh hưởng của mỗi quốc gia. Hà Nội với trầm tích văn hóa nghìn năm, gần 6.000 di tích lịch sử, hàng trăm làng nghề truyền thống… là nơi tinh hoa bốn phương hội tụ, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa. Trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa, cùng với cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất, nếu được quan tâm, hỗ trợ và đầu tư từ các nhà quản lý, không gian sáng tạo với nhiều tiềm năng và thế mạnh còn tiềm ẩn chắc chắn sẽ là một trong những nền tảng vững chắc cho sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

__________________

1. Báo cáo của Hội đồng Anh.

2. Giang Nam, Công bố kết quả cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội, nhandan.vn, 7-9-2021.

Ths PHẠM THỊ MỸ HOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

;