Tóm tắt: Môi trường văn hóa là tổng thể các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể bao quanh con người trong một không gian, thời gian xác định, nhằm xây dựng, phát triển con người với tư cách vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể văn hóa. Việc xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường Công an nhân dân rất quan trọng và cần thiết. Bài viết phân tích thực trạng môi trường văn hóa trong nhà trường Công an nhân dân thông qua kết quả khảo sát thực nghiệm tại: Học viện An ninh nhân dân (T01); Học viện Cảnh sát nhân dân (T02) và Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (T06) - Bộ Công an. Đồng thời, đưa ra những giải pháp nhằm xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường Công an nhân dân (CAND) trong thời gian tới.
Từ khóa: môi trường văn hóa, nhà trường, Công an nhân dân, giải pháp.
Abstract: The cultural environment encompasses all tangible and intangible cultural elements that surround people in a specific place and time, shaping their development as both products and agents of culture. Creating a positive cultural environment within the People’s Public Security School is crucial and necessary. This article analyzes the current state of the cultural environment in the People’s Public Security School, based on the results of a survey conducted at the People’s Security Academy (T01), the People’s Police Academy (T02), and the Fire Prevention and Fighting University (T06) - all under the Ministry of Public Security. Finally, the article proposes solutions for developing the cultural environment within the People’s Public Security School in the future.
Keywords: cultural environment, school, People’s Police, solution.
1. Khái quát về môi trường văn hóa và thực trạng môi trường văn hóa trong nhà trường CAND
Môi trường văn hóa trong nhà trường CAND được hiểu là tập hợp các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể, các điều kiện văn hóa của nhà trường có tác động đến sự hoàn thiện nhân cách, năng lực, phẩm chất của người chiến sĩ CAND. Theo cách hiểu này, môi trường văn hóa trong nhà trường CAND gồm các thành tố: các chủ thể xây dựng, phát triển môi trường văn hóa; các yếu tố văn hóa vật thể và các yếu tố văn hóa phi vật thể trong môi trường văn hóa của nhà trường CAND.
Các chủ thể xây dựng, phát triển môi trường văn hóa trong nhà trường CAND
Về đội ngũ cán bộ trong các nhà trường CAND
Tính đến cuối năm 2023, tổng số giảng viên của các học viện, trường đại học CAND là 1.801 giảng viên; trong đó có: 26 giáo sư, phó giáo sư (chiếm 1,44%); 360 tiến sĩ (chiếm 19,99%); 1.084 thạc sĩ (chiếm 60,19%); 331 đại học (chiếm 18,37%). Về trình độ lý luận chính trị, có: 415 cao cấp (chiếm 23,04%); 1.356 trung cấp (chiếm 75,29%); 30 sơ cấp (chiếm 1,67%). Về trình độ nghiệp vụ công an, có: 231 tiến sĩ (chiếm 12,83%); 640 thạc sĩ (chiếm 35,53%); 472 đại học (chiếm 26,21%); 458 đã tốt nghiệp Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công an (chiếm 25,43%). Về trình độ nghiệp vụ sư phạm có: 1.145 trình độ đại học (chiếm 63,58%); 322 trình độ cơ bản (chiếm 17,88%); 334 trình độ nâng cao (chiếm 18,54%). Về trình độ nghiệp vụ quản lý giáo dục có: 3 tiến sĩ; 15 thạc sĩ; 1 trình độ đại học; 4 đã qua bồi dưỡng. Về trình độ ngoại ngữ có: 15 thạc sĩ; 336 đại học; 70 chứng chỉ C; 395 chứng chỉ B; 1 chứng chỉ A; 41 trình độ IELTS 6.0 và TOEFL 550. Về trình độ tin học có: 1.100 trình độ tin học cơ bản và 701 trình độ nâng cao trở lên (1).
Bên cạnh năng lực, trình độ chuyên môn, yếu tố phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ luôn được các nhà trường CAND đặc biệt chú trọng xây dựng. Tác giả đã khảo sát 315 cán bộ và 976 học viên tại 3 nhà trường: Học viện An ninh nhân dân (T01); Học viện Cảnh sát nhân dân (T02) và Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (T06) - Bộ Công an. Kết quả cho thấy: các cán bộ và học viên có đánh giá rất cao về trình độ và phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ trong nhà trường CAND nơi họ đang công tác, học tập. Cụ thể như sau:
Về trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ: tỷ lệ cán bộ và học viên trả lời rất tốt/ rất phù hợp là 55,2% và 54,6%, số ý kiến trả lời và tốt/ phù hợp lần lượt ở hai nhóm là 44,8% và 45,4%.
Về chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học của cán bộ: tỷ lệ cán bộ và học viên trả lời rất tốt/ rất phù hợp là 55,2% và 54,5%; số ý kiến trả lời tốt/ phù hợp ở hai nhóm là 39,1% và 38,3%; có 5,7% cán bộ và 7,2% học viên trả lời bình thường.
Về tinh thần trách nhiệm, kỷ luật công tác của cán bộ: có 51,7% cán bộ và 59,1% học viên trả lời rất tốt/ rất phù hợp; 40,6% cán bộ và 32,8% học viên trả lời tốt/ phù hợp và 7,7% cán bộ và 8,1% học viên trả lời bình thường.
Về quan hệ ứng xử của cán bộ: tỷ lệ cán bộ trả lời rất tốt/ rất phù hợp và tốt/ phù hợp là 47,3% và 44,1%, có 8,6% trả lời bình thường, con số tương ứng ở nhóm học viên lần lượt là 63,6%; 28,5% và 7,9%.
Về đạo đức, lối sống của cán bộ: tỷ lệ cán bộ trả lời rất tốt/ rất phù hợp là 49,5%, 45,7% trả lời là tốt/ phù hợp và 4,8% trả lời bình thường. Ở nhóm học viên, có 66,4% trả lời rất tốt/ rất phù hợp, 25,6% trả lời tốt/ phù hợp và 6,3% trả lời bình thường.
Như vậy, dữ liệu khảo sát thực nghiệm cho thấy, những đánh giá rất tích cực của cán bộ về năng lực, trình độ cũng như phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong sinh hoạt, quan hệ xã hội của đội ngũ cán bộ đang làm việc tại các nhà trường CAND.
Về đội ngũ học viên
Hiện nay, tổng số học viên đang học tập tại các trường CAND là 44.222 học viên, trong đó số học viên chính quy tuyển mới (gồm cả đại học, trung cấp) là 15.445. Cụ thể: số lượng học viên nam: 39.981 học viên (chiếm tỷ lệ 90,4%); học viên nữ: 4.241 học viên (chiếm tỷ lệ 9,6%) và học viên là người dân tộc thiểu số: 6.312 (chiếm tỷ lệ 14,3%). Đây là những thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an tương lai, tuổi đời còn rất trẻ, cần được giáo dục, định hướng giá trị, lý tưởng sống, chuẩn mực đạo đức và pháp luật (2).
Kết quả khảo sát của tác giả đối với 315 cán bộ và 976 học viên tại các nhà trường CAND gồm T01, T02, T06 về chất lượng, phẩm chất đạo đức của đội ngũ học viên tại đây như sau:
Về tinh thần, thái độ học tập, rèn luyện của học viên: tỷ lệ cán bộ trả lời rất tốt/ rất phù hợp và tốt/ phù hợp lần lượt là 43,8% và 50,3%, có 5,9% cán bộ trả lời bình thường. Con số tương ứng ở nhóm học viên là 45,3% trả lời rất tốt/ rất phù hợp, 48,7% trả lời tốt/ phù hợp và tỷ lệ trả lời bình thường là 6,0%.
Về kết quả học tập, rèn luyện của học viên: Số ý kiến cán bộ và học viên trả lời rất tốt/ rất phù hợp là 41,6% và 40,4%, số trả lời tốt/ phù hợp ở cả hai nhóm đều là 52,3%. Tỷ lệ trả lời bình thường ở hai nhóm là 6,1% và 7,3%.
Về đạo đức, lối sống của học viên: tỷ lệ cán bộ và học viên trả lời rất tốt/ rất phù hợp là 46,7% và 44,6%, số trả lời tốt/ phù hợp ở hai nhóm cán bộ và học viên là 46,8% và 48,1%. Có 6,5% cán bộ và 7,3% học viên trả lời bình thường.
Về văn hóa ứng xử: tỷ lệ cán bộ trả lời rất tốt/ rất phù hợp và tốt/ phù hợp lần lượt là 45,4% và 47,9%; số trả lời bình thường là 6,7%. Ở nhóm học viên, các con số lần lượt là 47,6%; 44,7% và 7,7%.
Dữ liệu khảo sát cho thấy, không chỉ học viên mà ngay cả các cán bộ tại các nhà trường CAND được khảo sát cũng đánh giá rất cao về năng lực, trình độ, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của các học viên đang theo học tại các nhà trường CAND.
Thực trạng yếu tố văn hóa vật thể trong môi trường văn hóa của nhà trường CAND
Cảnh quan văn hóa và hệ thống thiết chế văn hóa trong các nhà trường CAND không chỉ đơn thuần là những yếu tố vật thể hiện diện trong môi trường giáo dục mà còn là nền tảng trong việc hình thành và phát triển các giá trị văn hóa đặc thù của lực lượng CAND. Hệ thống các thiết chế văn hóa, chẳng hạn như bảo tàng, phòng Hồ Chí Minh, khu chủ quyền lãnh thổ quốc gia… có vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống và lịch sử cho các thế hệ học viên. Các công trình này không chỉ cung cấp thông tin lịch sử và các giá trị văn hóa của lực lượng CAND mà còn là nơi lưu giữ, truyền đạt những bài học kinh nghiệm quý báu về lịch sử hình thành và phát triển của ngành. Việc học tập trong môi trường giàu giá trị lịch sử như vậy không chỉ giúp học viên nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn rèn luyện tinh thần trách nhiệm và lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND và của dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, môi trường văn hóa vật thể trong nhà trường CAND còn bao gồm hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật, góp phần tạo điều kiện, không gian tích cực đáp ứng các hoạt động giảng dạy, học tập, rèn luyện gắn với nhiệm vụ chính trị của các nhà trường.
Hiện nay, trong các nhà trường CAND, cơ sở hạ tầng được xây dựng tương đối đồng bộ với 100% các khu nhà làm việc, thư viện, giảng đường, ký túc xá đều có thể kết nối vào mạng nội bộ thông qua đường truyền có dây hoặc không dây. Các nhà trường cũng trang bị hệ thống máy chủ tốc độ cao để triển khai phần mềm quản trị mạng nội bộ và các phần mềm phục vụ hoạt động giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, hệ thống camera quan sát tại khu giảng đường cũng được hoàn thiện nhằm phục vụ công tác quản lý. Các nhà trường đều quan tâm đến xây dựng hệ thống thư viện thông minh nhằm hỗ trợ giảng viên và học viên tra cứu tài liệu, phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập với chất lượng, hiệu quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Cơ bản, các cán bộ, học viên cơ bản đều hài lòng với các yếu tố văn hóa vật thể trong nhà trường, nơi họ đang công tác và học tập. Cụ thể:
Về cảnh quan môi trường tự nhiên trong nhà trường: tỷ lệ cán bộ và học viên có đánh giá rất đẹp/ rất tốt là 27,6% và 36,3%; số ý kiến có đánh giá đẹp/ tốt ở hai nhóm là là 66,7% và 56,4%; số ý kiến trả lời bình thường lần lượt là 5,7% và 7,3%.
Về cảnh quan kiến trúc của nhà trường: tỷ lệ cán bộ và học viên trả lời rất đẹp/ rất tốt là 30,7% và 34,7%; số ý kiến cán bộ và học viên trả lời và đẹp/ tốt là 61,9% và 57,7%. Có 7,4% cán bộ và 7,6% học viên trả lời bình thường.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu của nhà trường: tỷ lệ cán bộ và học viên trả lời rất đẹp/ rất tốt là 33,8% và 34,2%. Có 58,1% cán bộ và 57,6% học viên trả lời đẹp/ tốt; tỷ lệ trả lời bình thường ở nhóm cán bộ là 8,1% và ở nhóm học viên là 8,2%.
Thực trạng yếu tố văn hóa phi vật thể trong môi trường văn hóa nhà trường CAND
Cần phải khẳng định rằng, hệ thống các văn bản quy định chung và các văn bản hướng dẫn xây dựng các giá trị, chuẩn mực của nhà trường CAND rất đầy đủ, như Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030; Luật Công an nhân dân; Thông tư số 27/2017/TT-BCA ngày 22-8-2017 Quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân; Quy định số 01-QĐi/ĐUCA-X03, ngày 20-1-2019 quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Đảng ủy CATƯ, Ủy viên Ban Thường vụ và người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương... Như vậy, hệ thống văn bản có liên quan đến hoạt động tổ chức, quản lý, điều hành của nhà trường được triển khai một cách đồng bộ. Các nhà trường CAND đã ban hành hệ thống văn bản pháp quy về công tác học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống văn hóa cho học viên dựa trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, đoàn thể có liên quan.
Các nhà trường CAND còn quan tâm đến việc thực hiện các giá trị, chuẩn mực trong nhà trường. Các nội dung liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa được các nhà trường triển khai sâu, rộng đến học viên, với tỷ lệ học viên xác nhận họ đã được tuyên truyền, phổ biến, quán triệt rất cao, đạt từ 89,7% (Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030); các Chỉ thị, thông tư, kế hoạch của Bộ Công an về xây dựng văn hóa lực lượng Công an nhân dân (90,3%); Luật Công an nhân dân (91,1%); nội quy, quy chế học tập, rèn luyện của học viên nhà trường và Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (đều có 95,5% học viên cho biết đã được tuyên truyền) và cao nhất là 98,3% học viên cho biết họ đã được tuyên truyền các quy định về quy tắc ứng xử trong nhà trường. Dữ liệu cho thấy tuyên truyền là một điểm mạnh trong xây dựng môi trường văn hóa tại các nhà trường CAND.
Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung, chương trình, kế hoạch về môi trường văn hóa đến học viên, các nhà trường còn phát động, tổ chức các phong trào văn hóa, thể thao, các hoạt động xã hội, tình nguyện trong học viên. Việc thực hiện các quy chế, quy định của cán bộ và học viên được thực hiện thường xuyên, nề nếp và có hiệu quả, góp phần tích cực trong xây dựng môi trường văn hóa ở các nhà trường CAND.
Phần lớn cán bộ và học viên cho biết họ đã được xin ý kiến và đã tham gia tích cực vào việc thực hành các giá trị, chuẩn mực trong nhà trường. Cụ thể: Trong việc tham gia xây dựng, thực hành và lan tỏa giá trị, chuẩn mực văn hóa nhà trường: tỷ lệ cán bộ và học viên cho biết họ tham gia tích cực chiếm 67,6% và 69,3%; số ý kiến trả lời tham gia tương đối tích cực ở hai nhóm là 32,4% và 30,7%; trong việc tham gia xây dựng, thực hiện quy định về ứng xử văn hóa trong nhà trường: có 69,8% và 76,5% cán bộ và học viên trả lời họ tham gia tích cực, số ý kiến trả lời tham gia tương đối tích cực ở hai nhóm là 30,2% và 23,5%. Dữ liệu khảo sát phản ánh các nhà trường CAND đã tạo được diễn đàn cho cán bộ và học viên tham gia tích cực, đông đảo vào việc xây dựng và thực hành các giá trị, chuẩn mực trong các nhà trường CAND.
2. Giải pháp xây dựng môi trường văn hóa trong các nhà trường CAND
Môi trường văn hóa trong nhà trường CAND có ý nghĩa quan trọng đối với nhà trường CAND, thể hiện ở vai trò trong xây dựng phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, lý tưởng chính trị và năng lực trình độ của chiến sĩ CAND; góp phần xây dựng hệ thống niềm tin, giá trị, chuẩn mực, truyền thống của nhà trường CAND. Ngoài ra, việc xây dựng cảnh quan văn hóa phù hợp, hiện đại của nhà trường còn có vai trò trong xây dựng văn hóa công vụ CAND. Mặc dù vậy, thực trạng việc xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường CAND vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý: Một bộ phận nhỏ cán bộ, học viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm về vấn đề này; nguồn nhân lực trực tiếp tham gia công tác giáo dục, đào tạo người công an cách mạng trong tình hình mới xuất hiện còn bất cập. Trong thời gian qua, việc bổ sung biên chế cho đội ngũ giáo viên của các trường còn thấp hơn so với nhu cầu công tác nên việc cử cán bộ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao là rất khó khăn; nhận thức về xây dựng môi trường văn hóa của một bộ phận học viên vẫn còn những hạn chế cần quan tâm khắc phục. Hành vi của một số học viên chưa phản ánh đúng yêu cầu học tập, rèn luyện trong nhà trường CAND. Bên cạnh đó, trong khi nhận thức của cán bộ, học viên về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa là khá tốt thì vấn đề thực hiện lại chưa được triển khai hiệu quả như kỳ vọng, do nhiều điều kiện khách quan, chủ quan, một số nhà trường chưa xây dựng được môi trường cảnh quan theo như mong muốn.
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, việc xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường CAND cần tập trung vào các nội dung sau:
Một là, nâng cao nhận thức cho các lực lượng giáo dục về vai trò của môi trường văn hóa trong nhà trường CAND
Nhận thức là khâu đầu tiên, quan trọng quyết định cho mọi hành động của cá nhân và tập thể. Trong phát triển môi trường văn hóa nhà trường, đội ngũ cán bộ và học viên cần nhận thức đúng, đủ và sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của hoạt động phát triển môi trường văn hóa nhà trường. Đó là một hoạt động có ảnh hưởng lớn đến từng cá nhân nói riêng và hiệu quả đào tạo của nhà trường nói chung. Khi đã nhận thức được đầy đủ mục đích, ý nghĩa của công tác phát triển môi trường văn hóa nhà trường thì tính trách nhiệm của các thành viên sẽ được nâng cao hơn.
Hai là, xác định các giá trị văn hóa cốt lõi phù hợp với sự phát triển của nhà trường trong điều kiện mới
Nhà trường cần có hệ giá trị cốt lõi làm chuẩn mực để mọi thành viên đồng thuận, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, thước đo thành quả của bản thân, của lớp, của trường. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập quốc tế, việc gìn giữ và tiếp thu những giá trị văn hóa rất quan trọng, bởi giá trị văn hóa không phải là cố định, bất biến, mà nó có thể thay đổi tùy thuộc vào sự thay đổi của xã hội. Vì vậy, phải phát triển và duy trì những giá trị văn hóa cốt lõi để định hướng phát triển văn hóa nhà trường, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần vào sự nghiệp xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030.
Ba là, triển khai xây dựng bộ tiêu chí đánh giá văn hóa nhà trường ở các nhà trường CAND
Mỗi nhà trường CAND cần xây dựng một bộ tiêu chí văn hóa nhà trường để góp phần hoàn thiện môi trường văn hóa trên cơ sở đặc điểm tình hình, đặc thù của mỗi nhà trường CAND. Việc xây dựng bộ tiêu chí giúp nhà trường có cơ sở tự đánh giá và phát triển giá trị môi trường văn hóa nói chung. Ngoài ra, sẽ giúp cho lãnh đạo nhà trường vận hành hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập theo những quy định và những tiêu chí đề ra một cách nhất quán, khoa học và phù hợp với sự phát triển của nhà trường đồng thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Bốn là, tổ chức xây dựng mô hình nhà trường phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn
Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của mỗi nhà trường CAND phù hợp với truyền thống, với điều kiện thực tiễn của nhà trường, với đòi hỏi phát triển của lực lượng CAND… nhằm cụ thể hóa các tiêu chí trong bộ tiêu chí đánh giá văn hóa nhà trường đối với từng đối tượng cán bộ, giảng viên, cán bộ quản lý và học viên thông qua các tiêu chí phấn đấu đạt chuẩn về môi trường văn hóa. Thông qua phong trào xây dựng các đơn vị văn hóa, các cá nhân tự ý thức nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện tốt hoạt động chuyên môn để xây dựng và phát triển môi trường văn hóa của nhà trường.
Năm là, phát triển văn hóa trong học tập và rèn luyện cho học viên hướng đến xây dựng trường học thân thiện, học viên tích cực
Học viên có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Chính vì thế, văn hóa trong học tập và rèn luyện là bộ phận rất quan trọng của văn hóa nhà trường. Phát triển văn hóa trong học tập và rèn luyện cho học viên là một giải pháp quan trọng trong phát triển văn hóa nhà trường CAND.
Sáu là, tăng cường cơ sở vật chất, phát huy các giá trị văn hóa trong các nhà trường CAND đáp yêu cầu của thực tiễn
Cần đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với mô hình văn hóa tổ chức nhà trường. Thực tiễn đã chứng minh chính yếu tố vật chất cũng góp phần tạo nên ý thức con người, như không gian, trang thiết bị làm việc, trang phục... sẽ giúp họ dễ cảm nhận vì tính hữu hình của nó, khiến họ tin tưởng và gắn bó hơn với nhà trường.
Mỗi nhà trường CAND cần có cơ sở vật chất phục vụ học tập, rèn luyện, sinh hoạt của học viên và đây chính là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong từng nhà trường CAND. Khi có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại sẽ đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy, huấn luyện, học tập của cán bộ, học viên trong nhà trường.
Cần làm cho nhà trường trở thành môi trường giáo dục tốt, thân thiện, qua đó người dạy, người học gắn bó với nhau và gắn bó với nhà trường hơn, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong nhà trường trong việc tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn lên.
Phát triển môi trường nhà trường đầy đủ về cơ sở vật chất, tiện nghi và an toàn tạo nên một cảnh quan nhà trường kiểu mẫu. Lãnh đạo nhà trường cần tiến hành xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đạt chuẩn theo quy định, một môi trường cảnh quan an toàn, xanh - sạch - đẹp và thực sự trở thành một công trình văn hóa trong mỗi nhà trường CAND.
3. Kết luận
Xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường CAND là một yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, xuất phát từ thực tiễn công tác đào tạo, huấn luyện những chiến sĩ CAND tương lai vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Qua những kết quả khảo sát của tác giả, mặc dù về cơ bản, đội ngũ cán bộ, học viên trong các nhà trường CAND bày tỏ sự hài lòng về năng lực, trình độ, đạo đức, lối sống của cán bộ, học viên; về cảnh quan, cơ sở vật chất kỹ thuật và về các giá trị, chuẩn mực cũng như việc thực hành các giá trị, chuẩn mực trong các nhà trường CAND, song vẫn còn một số khía cạnh cần lưu ý để việc xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường CAND đạt kết quả như kỳ vọng. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên được đánh giá là phù hợp, toàn diện để góp phần tạo lập và phát triển môi trường văn hóa rất đặc biệt - môi trường văn hóa của các nhà trường CAND - nơi đào tạo những chiến sĩ CAND tương lai, với trọng trách thiêng liêng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
_______________________
1. Trần Thị Hạnh, Xây dựng đội ngũ giảng viên các học viện, trường đại học Công an nhân dân, quanlynhanuoc.vn, 6-6-2024.
2. Nguyễn Anh Tuấn, Giáo dục, định hướng các chuẩn giá trị cho học viên các Học viện, trường Công an nhân dân trong thời kỳ mới, trong Kỷ yếu hội thảo khoa học Lực lượng Công an nhân dân với việc triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, Bộ Công an, Hà Nội, 2024, tr.194-200.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Xây dựng môi trường văn hóa - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công văn 282/BGDĐT- CTHSSV năm 2017 về đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, 2017.
3. Nguyễn Thị Hương, Xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa, con người, Tạp chí Văn hóa và Phát triển, số 2, 2023.
4. Quốc hội, Luật Công an nhân dân (Luật số 37/2018/QH14).
5. Kết quả khảo sát của luận án: Môi trường văn hóa trong các nhà trường Công an nhân dân Việt Nam hiện nay (Ths Phạm Thúy Nga, NCS tại Viện Văn hóa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Ngày Tòa soạn nhận bài: 28-12-2024; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 12-2-2025; Ngày duyệt đăng: 25-2-2025.
Ths PHẠM THÚY NGA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 599, tháng 3-2025